Cú “bắt tay” thức thời giữa âm nhạc truyền thống và du lịch

Việc đưa âm nhạc truyền thống vào quảng bá du lịch đang cho thấy một hướng đi đầy triển vọng! Người ta phải mất vài tiếng đồng hồ hoặc thậm chí lâu hơn để xem một bộ phim mới có thể thấy hết được vẻ đẹp của nơi đến, nhưng có khi chỉ mất dăm phút nghe nhạc cũng đủ để lưu lại ấn tượng đẹp về một vùng đất…

Trên thế giới, sự kết hợp giữa âm nhạc truyền thống và du lịch không còn quá xa lạ, “thủy tổ” của loại hình văn hóa này có nguồn gốc từ Anh. Edinburgh - thành phố lớn thứ hai của Scotland (Anh) nổi tiếng là nơi có nhiều lễ hội diễn ra hàng năm như Lễ hội nghệ thuật Edinburgh, Lễ hội trống quân đội... Đó cũng là điều làm cho Edinburgh cổ kính, nhưng sôi động và náo nhiệt không kém London. Thành phố này mỗi năm thu hút tới 13 triệu du khách. Cùng với thời gian và sức hút, lễ hội âm nhạc du lịch đã trở thành một hiện tượng được nhân rộng trên toàn cầu.

Cú “bắt tay” thức thời giữa âm nhạc truyền thống và du lịch - 1

Lễ hội nghệ thuật Edinburgh đã tạo nên "thương hiệu" cho vùng đất Scotland

Ở Việt Nam, âm nhạc cũng đang có cái “bắt tay” đầy cảm hứng với du lịch. Nhiều năm qua, di sản âm nhạc truyền thống luôn được khai thác để quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống tới du khách quốc tế. Điều đó đã được nhiều địa phương, công ty du lịch áp dụng hiệu quả đặc biệt với những địa phương đang sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể như Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, hát Xoan, Đờn ca tài tử, Nhã nhạc cung đình Huế…

Trong sự đa dạng của âm nhạc truyền thống, ở mỗi thể loại lại có một nét đặc trưng, đặc thù riêng trong lời ca, âm hưởng. Nhưng mỗi thể loại đều là những sứ giả quảng bá và đưa văn hóa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè năm châu. Thông qua các chương trình biểu diễn, âm nhạc của dân tộc Việt Nam đã giành được nhiều tình cảm, sự quan tâm của các vị khách quốc tế. Đồng thời đã mang đến cho bạn bè năm châu hình ảnh một Việt Nam thân thiện, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước khi nghe quan họ Bắc Ninh trên những chiếc thuyền rồng, nghe ca Huế trên dập dềnh sông Hương, nghe Đờn ca tài tử trong những miệt vườn đã phải thốt lên lời ấn tượng khó quên. Với người nước ngoài, khi thưởng thức loại hình nghệ thuật truyền thống trong quá trình du lịch sẽ như được khám phá, tìm hiểu về bản sắc, truyền thống Việt. Và từ đó, âm nhạc truyền thống đọng lại sâu hơn, lâu hơn trong cảm nhận của khách du lịch…

Cú “bắt tay” thức thời giữa âm nhạc truyền thống và du lịch - 2

Khách du lịch hòa mình cùng âm nhạc truyền thống Việt Nam 

Âm nhạc truyền thống dù vẫn giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và bản sắc văn hóa của con người Việt Nam. Thế nhưng dòng nhạc truyền thống đang dần mất đi khán giả do sự du nhập của nhiều loại hình nghệ thuật mới mẻ, hiện đại trên thế giới. Đặt trong dòng chảy của lịch sử, âm nhạc truyền thống dù vẫn duy trì được sự kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác - nhiều lứa học viên từ các ngôi trường nghệ thuật ra đời, nhiều thế hệ được truyền thừa lại bởi các nghệ nhân - nhưng số lượng đó không nhiều và để theo nghề lại càng ít, bởi người dân ngày càng ít mặn mà với âm nhạc truyền thống.

Trước những “thế khó”, âm nhạc truyền thống phải tìm đến một hướng đi thức thời. Và sự “ghép đôi” giữa âm nhạc và du lịch chẳng những không bao giờ lỗi thời mà còn “lợi cả đôi đường”. Đây vừa là đòn bẩy để du lịch “cất cánh” trong giai đoạn mới, mang thêm nhiều giá trị kinh tế. Mà bản thân âm nhạc truyền thống cũng có thêm điều kiện để tiếp cận công chúng nhiều hơn chứ không nhất thiết chỉ được biết tới trong khuôn khổ các chương trình quảng bá lễ hội hoặc tuyên truyền.

Âm nhạc và du lịch - hai phạm trù khác nhau lại có được mối quan hệ khăng khít, cùng nhau vượt khó. Và trong khi âm nhạc truyền thống mới chỉ làm tốt việc thu hút du khách nước ngoài, nhưng lại chưa thể truyền cảm hứng cho chính những người Việt trẻ thì mới đây, sự xuất hiện của một chiến dịch quảng bá du lịch thông qua âm nhạc truyền thống đã được lan tỏa mạnh mẽ trên Tik Tok – nền tảng mạng xã hội giải trí phổ biến đối với giới trẻ.

Cú “bắt tay” thức thời giữa âm nhạc truyền thống và du lịch - 3

Người trẻ Việt Nam góp phần lan tỏa tình yêu âm nhạc truyền thống đến bạn bè quốc tế

Nhìn trong bối cảnh quảng bá du lịch trực tuyến đã trở thành một xu hướng tất yếu như hiện nay, thì sức sáng tạo của người dùng trên nền tảng mạng xã hội sẽ là công cụ đắc lực trong việc lan tỏa cảnh đẹp, văn hoá của địa phương đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Đặc biệt, việc người dùng tham gia sáng tạo các nội dung về du lịch địa phương lấy cảm hứng từ âm nhạc truyền thống thông qua công cụ video ngắn sẽ góp phần quảng bá du lịch dưới hình thức mới mẻ, dễ dàng tiếp cận mà vẫn giữ được tinh thần văn hóa Việt Nam.

Có thể thấy, âm nhạc truyền thống với tính hiệu quả cao cùng khả năng tiếp cận rộng khắp hứa hẹn sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho du lịch Việt Nam vươn xa hơn. Việc đưa âm nhạc truyền thống vào quảng bá du lịch đang cho thấy một hướng đi đầy triển vọng! Người ta phải mất vài tiếng đồng hồ hoặc thậm chí lâu hơn để xem một bộ phim mới có thể thấy hết được vẻ đẹp của nơi đến, nhưng có khi chỉ mất dăm phút nghe nhạc cũng đủ để lưu lại ấn tượng đẹp về một vùng đất…

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống