Ba anh em nhà văn họ Vũ

(Arttimes) - Trong một nhà có ba bố con viết văn (như gia đình cố nhà văn Nguyễn Đình Thi, cố nhà văn Hữu Mai), hay bố mẹ và con viết văn (như gia đình nhà thơ Chế Lan Viên - nhà văn Vũ Thị Thường và con gái Phan Thị Vàng Anh), đã là chuyện hiếm. Nhưng trong một nhà có ba anh em trai nhà văn thì càng xưa nay hiếm. Trong sở biết của mình, có lẽ ở Việt Nam - đất nước có truyền thống văn hiến, văn hóa, văn chương - mới sinh ra những gia đình neo giữ truyền thống chữ nghĩa. Ở đất Nam Định có ba anh em nhà văn h

VŨ CAO (1922- 2007). Tên khai sinh Vũ Hữu Chỉnh; sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống văn chương, quê xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định; là anh ruột của nhà văn Vũ Ngọc Bình và Vũ Tú Nam; tham gia quân đội từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, phóng viên Báo Vệ quốc quân, sau đó là Báo Quân đội nhân dân; Biên tập viên, Phó Tổng biên tập, sau là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội (1967 -1980); Giám đốc Nhà xuất bản Hà Nội; Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội; Vũ Cao là hội viên lớp đầu tiên (sáng lập) của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1957. Nhà văn Vũ Cao trải bút viết cả thơ (ba tập: Sớm nay, Đèo trúc, Núi Đôi), cả văn xuôi (năm tập: Truyện một người bị bắt, Những người cùng làng, Em bé bên bờ sông Lai Vu, Từ một trận địa, Anh em anh chàng Lược). Đời văn của ông khiêm tốn hiện hữu trong một Tuyển tập Vũ Cao (xuất bản năm 2002), chừng dăm bảy trăm trang, nhưng có sức nặng tư tưởng và nghệ thuật do chỗ nhà văn luôn luôn ý thức: “Người sáng tác cần phải trau dồi vốn hiểu biết, từng trải, phải luôn gắn mình với đất nước, nhân dân và cách mạng. Người viết còn phải có trách nhiệm với câu chữ của mình và cần nhất là sự giản dị, trong sáng. Người viết cần có phong cách riêng, tính cách riêng nhưng theo tôi không được tách ra khỏi cuộc sống của nhân dân” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020, tr.1503).

Nhà văn Vũ Cao vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2001.

Nói đến nhà văn Vũ Cao, bạn bè đồng nghiệp văn chương thường nói đến “phong cách lãnh đạo” đặc biệt, theo truyền khẩu thì ông từng nêu phương châm rất khác người: “Lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì cả” (!?). Tất nhiên trong câu chuyện vui, có tính chất giai thoại này, này chúng ta hiểu được con người nhà văn Vũ Cao: nhân cách trong sáng, luôn hành động vì tinh thần “dĩ công vi thượng”, nếu có làm “quan” thì cũng là theo tổ chức phân công, là trách nhiệm Đảng viên; sống trung thực với mọi người, biết “buông bỏ” theo tinh thần nhà Phật (xa lánh tham sân si, tiết chế ái ố hỉ nộ). Ông có nụ cười thường trực cho đến lúc về già, nụ cười của một con người có trí tuệ mẫn tiệp, từng trải và kinh lịch, nụ cười của lòng lạc quan yêu đời, vui sống, hồn nhiên, hòa hiếu, trắc ẩn.

Ba anh em nhà văn họ Vũ - 1

Cố nhà văn Vũ Cao

Nói đến nhà văn Vũ Cao, người ta hay nhắc đến bài thơ Núi Đôi, sáng tác 1956 (nhiều người gọi vui Vũ Cao là Ông Núi Đôi, thậm chí có người gọi ông là “nhà thơ một bài thơ”), một bài thơ thuộc dạng nằm lòng nhiều thế hệ học trò sau hòa bình (1954). Nhiều người muốn biết chân tơ kẽ tóc nguyên cớ ra đời bài thơ và nguyên mẫu của nhân vật cô gái - liệt sĩ trong bài thơ thuộc hàng kinh điển của thơ ca Việt Nam hiện đại từ sau 1945. Tác giả Phong Sương viết: “Ở Sóc Sơn, thực ra dãy núi ở Đền Sóc Sơn, nơi ngài Thánh Gióng cởi bỏ áo giáp bay về trời mới là núi lớn, có dáng dấp của núi non chứ núi Đôi nhỏ lắm và thực tế là hai quả đồi nhỏ giống như ngực con gái mới lớn thế mà bây giờ người cả nước, thậm chí cả thế giới lại biết nhiều hơn về cặp núi - đồi này là do nhà thơ Vũ Cao, thơ văn hóa ra có thể chuyển tải được cả đất trời núi sông vào trong ấy, lại còn đi xa được” (Chân dung 10 nhà thơ chống Pháp, Nxb Phụ nữ, 2006, tr. 36). Câu chuyện về bài thơ Núi Đôi cho ta một cảm thức: sự thật trong nghệ thuật cao hơn sự thật trong đời sống, điều đó cũng có thể hiểu là “Chân lý nghệ thuật cao hơn chân lý đời sống”. Phong thái bình tĩnh, tự tin, tự tại của nhà văn Vũ Cao cũng là nét đặc trưng của thế hệ nhà văn như ông.

VŨ NGỌC BÌNH (1925-2016): Lúc còn học cấp 1 (bây giờ gọi là Tiểu học), tôi và đám bạn mê /nghiện sách văn chương đã đọc Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn. Sau này mới biết đó là sách hay của nhà văn Liên - Xô (trước đây) Nicolay Nosov do nhà văn Vũ Ngọc Bình dịch (in lần đầu 1961, tái bản năm  2004). Hồi đó, bạn nào thông minh nhanh nhẹn thì được phong là “Biết Tuốt”, còn anh nào gà mờ, chậm hiểu thì được gọi là “Mít Đặc”. Thời chúng tôi truyện thiếu nhi nước ngoài nếu có để đọc, đa phần là của các nhà văn Liên - Xô, tiêu biểu nhất là Pauxtovxki, Gaiđa, Nosov, Grin, Macsac... Bây giờ trưởng thành trong nghề văn, tôi mới nhận ra đóng góp không nhỏ của nhà văn - dịch giả Vũ Ngọc Bình với những tác phẩm dịch cho thiếu nhi như Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạn, Truyện hài cườm pha lê, Người báo tín hiệu và người thổi kèn hiệu. Thêm vào, ông còn viết thơ cho thiếu nhi: Mười nàng tiên, Cái gương có phép, Nhạc hoa, Tiếng hót, Quán trọ thời gian. Viết cho thiếu nhi, theo nhà văn Vũ Ngọc Bình, không bao giờ là dễ dàng vì: “Không phải lúc nào và ở đâu cũng được xã hội trân trọng đúng mức” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020, tr. 1531). Ngót 30 năm công tác ở Nhà xuất bản Kim Đồng, ngoài nhiệm vụ biên tập, dịch thuật, nhà văn Vũ Ngọc Bình thực sự góp công lao không nhỏ vào việc xây dựng tủ sách hay cho lứa tuổi trẻ thơ. Có thể coi đó là một sự nghiệp của các nhà văn nhiều thế hệ, nếu không nói quá thì đó là “món nợ” khó bề trả ngay một sớm một chiều của các nhà văn Việt Nam hiện nay với các thế hệ măng non. Cũng như người anh cả của mình - nhà văn Vũ Cao - nhà văn Vũ Ngọc Bình là một người Việt trầm lặng trong cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Tôi thấy người tài thật sự thường như đỉnh non cao tự giấu mình (Nguyễn Trãi - Hoa thời thường héo cỏ thường tươi”).

Ba anh em nhà văn họ Vũ - 2

Cố nhà văn, dịch giả Vũ Ngọc Bình

VŨ TÚ NAM (1929-2020, viết với bút danh khác Tú Nam): Họ tên khai sinh Vũ Tiến Nam, thuộc lớp nhà văn tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam, năm 1957. Có khoảng thời gian hơn mười năm (1947-1958), Vũ Tú Nam làm công tác báo chí văn nghệ trong quân đội. Từ 1959 đến 1995, lần lượt làm Thư ký  tòa soạn Báo Văn học, Thư ký tòa soạn Báo Văn nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới, Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam các khóa I, II, III, IV; nhà văn Vũ Tú Nam từng là  Đại biểu Quốc hội khóa IX. Thời kỳ Vũ Tú Nam làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhiều người  trong văn giới trìu mến gọi ông là ông từ (người hiền tài) giữ ngôi đền văn chương Việt.

Vũ Tú Nam xuất hiện trong làng văn vào độ tráng niên khi bước qua tuổi hai mươi với tác phẩm đầu tay Bên đường 12 (truyện ký, xuất bản 1950), viết về đời sống chiến đấu của của bộ đội trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và gian khổ, nhận ngay giải thưởng (văn xuôi) của Trại Văn nghệ Lam Sơn năm 1950 (Liên khu IV, gồm các tỉnh: Thanh - Nghệ -Tĩnh - Bình -Trị -Thiên). Vũ Tú Nam lúc xuất hiện trên văn đàn cùng thế hệ với Hồ Phương, Siêu Hải, Quang Dũng, Nguyễn Khắc Thứ, Nguyễn Khải,... làm nên lực lượng viết mới nhiều hứa hẹn, được gọi là “văn nghệ bộ đội”.

Ba anh em nhà văn họ Vũ - 3

Cố nhà văn Vũ Tú Nam

Vũ Tú Nam làm thơ và viết văn. Nhưng phần sáng tác sở trường của nhà văn vẫn là văn xuôi (truyện và ký). Nói đến độ chín của ngòi bút văn xuôi Vũ Tú Nam, giới phê bình và bạn đọc thường ghi nhận một số cột mốc quan trọng: Quê hương (tập truyện, 1960), Sống với thời gian hai chiều (tập truyện, 1983), đặc biệt là Mùa xuân, tiếng chim (tập truyện 1985) và Kỷ niệm dọc đường (ký, 2010). Vũ Tú Nam cũng là một ngòi bút thơ trữ tình đằm thắm và thâm hậuvới một tuyển thơ có chất lượng cao Túc tắc (thơ chọn, 2009).  Nhà văn Vũ Tú Nam có những suy nghĩ về nhề văn một cách ngiêm túc: “Tôi thường chú ý và tin vào những điều tốt đẹp, điều thiện ở con người. Tôi quý sự trung thực và lòng nhân hậu” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, in lần thứ V, Nxb Hội Nhà văn, 2020, tr. 1551). Mùa xuân tiếng chim là một trong những truyện ngắn hay nhất của Vũ Tú Nam được tuyển chọn vào bộ sưu tập (colletion) 100 truyện ngắn hay Việt Nam (3 tập, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 1997).  Văn Vũ Tú Nam, tôi nghĩ, là lối văn “duy tình” - thấm đậm tình đời, tình người, tình yêu thiên nhiên, yêu nghề nghiệp. Tiếp cận tác phẩm văn chương của thế hệ nhà văn như Vũ Tú Nam, tôi nghĩ đến một vấn đề căn cơ - văn hóa nhà văn và sự phát triển của văn chương. Nói văn hóa nhà văn là nói đến nhiều phương diện, nhưng trong đó có một vấn đề quan trọng: thái độ (ứng xử) của nhà văn với tiếng mẹ đẻ - tiếng Việt (nếu coi “văn chương là nghệ thuật ngôn từ”). Văn của Vũ Tú Nam có tính chất thuần Việt, trong sáng, giản dị, dễ đi vào đại chúng bạn đọc. Câu “Văn là người” trong trường hợp Vũ Tú Nam rất sát hợp.

Nhà văn Vũ Tú Nam còn là một cây bút viết truyên thiếu nhi độc đáo, năm 1963 Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công xuất bản, tác phẩm này được nhà văn Liên - Xô Marian Tkachov dịch sang tiếng Nga, xuất bản trên quê hương Xô-viết. Người ta hay nói đến truyện thiếu nhi Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài và Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công của nhà văn Vũ Tú Nam là “cặp đôi hoàn hảo” sách thiếu nhi được trẻ thơ (mà không chỉ trẻ thơ) Việt Nam yêu thích nhất.

Nói đến nhà văn Vũ Tú Nam, không thể không nói đến Hồi ức tình yêu (tuyển 500 là thư tình Vũ Tú Nam - Thanh Hương, Nhà xuất bản Lao động ấn hành 2017). Đó là những bức thư tình (tình thư, riêng tây) của hai nhà văn, hai vợ chồng trong nửa thế kỷ chung sống. Đó là những dòng chữ của lòng nhân hậu, của những câu văn đẹp, của tiếng Việt thanh cao.

Nhà văn Vũ Tú Nam vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2001.

None

Bùi Linh Cảm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Không chỉ là người đầu tiên viết tiểu thuyết về lực lượng Cảnh sát biển, mới đây nhà văn Trần Khánh Toàn lại tiếp tục thành công (giải B của Bộ Công an) với tiểu thuyết đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát Cơ động - một đề tài mới lạ còn ít người khám phá.