Ba Tỉnh - người khai quật những giá trị quá khứ

(Arttimes) - Đọc những bài viết về những con người danh giá trong quá khứ của Đinh Quang Tỉnh, tôi chợt hiểu ra sự im lặng của ông khi đàm đạo. Hình như ngay trong lúc trò chuyện, dự định về các bài viết làm khơi dậy giá trị của những con người có công với nước với dân tộc luôn đau đáu trong ông.

Ngày 7/10, thứ năm tuần thứ 2 sau khi Hà Nội tuyên bố bỏ giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, những cộng tác viên thân thiết của Thời báo Văn học Nghệ thuật lại đến tề tựu tại toà soạn nhân ngày báo ra số mới. Cũng cần nói thêm, tờ thời báo chuyên về văn nghệ này ra đời hơn một năm nay đã trở thành một trong những tờ báo được đón đọc trong tình trạng văn hoá đọc đang xuống cấp, và đặc biệt thu hút được một lượng cộng tác viên gồm khá đông những cây bút lành nghề trong làng báo, làng văn xứ ta.

Khi tôi bước chân vào toà soạn lúc xấp xỉ 9 giờ sáng đã thấy có đến năm, sáu vị đang sôi nổi đàm đạo. Tổng biên tập là nhà văn, nhà báo Hoàng Dự  đang tay năm, tay mười đích thân pha trà mời khách. Hai vị khách đầu tiên tôi nhận ra là hai cây bút, hai nhà quản lý gạo cội một thời của báo Nhân Dân là Đỗ Quảng và Lê Thấu. Nhà phê bình đang sung sức, tả xung hữu đột mọi thể loại văn chương Bùi Việt Thắng, nhà thơ – nhà báo Vĩnh Quang Lê, lúc nào cũng cảm thấy chưa đủ những vần thơ, bài báo ca ngợi Đảng. Nhạc sĩ, nhà báo có phản xạ đề tài cực nhậy Nguyễn Đình San cùng phu nhân – một người đọc chuyên cần… và khuất ở góc ghế là một người đàn ông mặt vuông chữ điền trông quen quen mà tôi không nhận ra. Đành liều hỏi thì ngay lập tức được giới thiệu đó là hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh, mà anh em trong giới quen gọi là Ba Tỉnh. Tôi vái chào đàn anh với một câu đùa mong xá lỗi theo kiểu tiểu thuyết chương hồi “đã nghe đại danh như sấm động bên tai mà nay mới kiến diện”. Nghe câu chào bông lơn của tôi, Ba Tỉnh nhíu mặt nhìn tôi rồi ư hữ một tiếng.

Ba Tỉnh - người khai quật những giá trị quá khứ - 1

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh). Ảnh Nhàn Vũ

Cộng tác viên hôm đó hầu hết U70, 80 trong chuyện nhàn đàm của mình quanh bàn trà cũng nói toàn những chuyện mà người dầy tuổi nói. Rặt chuyện quá khứ: Hồi ấy, tôi…; Dạo đó mà…; Nếu thời ấy…thì; … Nghe họ tôi chợt nhận ra, trò chuyện, đàm đạo với nhau thì những cây bút cao niên toàn nói chuyện về một thời quá vãng, thế mà bài viết của chính những con người tưởng như đã thuộc về quá khứ đó lại tràn ngập, thường trực những vấn đề thực tế bỏng dẫy của ngày hôm nay mà chỉ có những người thực sự sống, thực sự quan tâm mới có thể viết ra được…

Trong khi anh em trò chuyện, Ba Tỉnh gần như ngồi yên, thỉnh thoảng góp vào đôi câu kiệm lời. Nhìn hoạ sĩ - nhà văn họ Đinh tôi mường tượng đến một lão nông tri điền giữa chốn lao xao đang vùi suy tư của mình vào những gì thuộc về nông vụ chí kì.

Tôi ôm hơn chục tờ báo gần nhất lưu lại trong thời gian cách. Về đọc mới hay, trong số báo đó cây bút Đinh Quang Tỉnh hầu như số báo nào cũng có bài của ông. Toàn những bài đầy chữ kéo dài hai trang báo, không ít bài phải kéo đến hai, ba số, và hầu như đọc các bài báo của hoạ sĩ - nhà văn Ba Tỉnh đều là những chân dung của những con người nổi tiếng trong quá khứ, có công lao trong nhiều lĩnh vực đối với sự nghiệp chung của xã hội, dân tộc ta. Đó là vị thị trưởng người Việt đầu tiên của Hà Nội ta là bác sĩ Trần Văn Lai, người đã có công đặt lại hệ thống tên phố Hà Nội bằng những danh nhân dân tộc ta trong lịch sử có công trong mọi lĩnh vực khác nhau thay cho những tên tuổi danh nhân ngoại lại. Rồi hoạ sư Nam Sơn người có công sáng lập ra Trường Mỹ thuật Đông Dương để làm nảy nở, hình thành ra cả một lớp hoạ sĩ, nhà điêu khắc tài năng bậc mét của hội hoạ nước ta như Nguyễn Phan Chánh, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân… với những hoạ phẩm làm vinh quang cho hội hoạ Việt Nam trên thế giới. Rồi chân dung nhà thơ – nhà triết học Bùi Giáng cùng mối tình đơn phương với các nghệ sĩ, mỹ nhân một thời của Sài Gòn. Rồi các bài ghi chép - tư liệu về các trí sỹ như kỹ sư công chánh Phạm Đình Biều với 4 lần bị ám sát hụt… Riêng với tôi, loạt bài của Đinh Quang Tỉnh về hoa hậu - điệp viên Thu Trang tức Công Thị Nghĩa mà khi bà rời khỏi Sài Gòn đã khiến cho Đệ nhất phu nhân của Việt Nam Cộng hoà Trần Lệ Xuân bật dậy mắng đám tay chân: “Các vị thật vô tích sự đã vô tình làm cho con điệp viên Việt cộng nằm vùng nguy hiểm đó thoát rồi”. Chùm bài báo của Ba Tỉnh với những tình tiết làm bật dậy trong tôi ý tưởng về một kịch bản sân khấu dành cho Nhà hát kịch Công an…

Đọc những bài viết về những con người danh giá trong quá khứ của Đinh Quang Tỉnh, tôi chợt hiểu ra sự im lặng của ông khi đàm đạo. Hình như ngay trong lúc trò chuyện, dự định về các bài viết làm khơi dậy giá trị của những con người có công với nước với dân tộc luôn đau đáu trong ông. Lần trò chuyện gần nhất với ông, tôi được biết, hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh đang có ý định thực hiện một dự án để vinh danh, trả lại chân giá trị cho những đóng góp to lớn của Hoạ sư Nam Sơn, ông không chỉ là một hoạ sĩ lớn mà còn là người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương, tạo ra bước ngoặt quan trọng cho sự phát triển hội hoạ Việt Nam đương đại.

Vậy Đinh Quang Tỉnh là người thế nào?

Với anh em trong giới văn nghệ cả nước thì hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh mà tên thường gọi là Ba Tỉnh không xa lạ gì. Ba Tỉnh sinh năm Giáp Thân 1944, trong một gia đình nhà nho có truyền thống cách mạng ở xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, cha ông là liệt sĩ Đinh Thúc Dự. Với những đóng góp và ý chí của mình cho cách mạng, liệt sĩ đã được đặt tên một đường phố ở Nam Định nối với phố Ngô Sĩ Liên. Ba Tỉnh còn một người cô danh giá và nổi tiếng nữa là nữ anh hùng tình báo Đinh Thị Vân.

Cụ nội của Ba Tỉnh là người có ảnh hưởng lớn đến sự hình thành tính cách và lòng yêu nước với Liệt sĩ Đinh Thúc Dự - thân phụ của Ba Tỉnh. Tên cụ là Đinh Mẫn Cấp, từng đỗ đạt trong kỳ thi Hương năm Bính Tý (1876), nhưng với lòng khi khái và một quan điểm chân chính của nhà nho khi thấy mình không phù hợp chốn quan trường, nên trở về quê làm nghề dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Vì thế nên dân trong vùng quen gọi là cụ Hương Cấp hay cụ Hương Đồ. Cụ là nhà nho khí khái, lại giàu nhất làng, đến độ ngay cả bọn kì hào ác bá ở địa phương cũng phải nể trọng, e dè. Tuy không tham gia quan trường nhưng với nhãn quan của lòng yêu nước và sự cấp tiến cụ Đinh Mẫn Cấp lại từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và Đông Du của chí sĩ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh.  

Bằng tài năng và sự bặt thiệp của mình, hoạ sĩ giao du khá rộng và được anh em trong giới văn nghệ quý mến. Sự quảng giao của Ba Tỉnh cũng bắt đầu từ việc ông là một hoạ sĩ chuyên sâu về đề tài tranh chân dung các văn nghệ sĩ nổi tiếng bằng chất liệu màu dầu. Mối kết giao giữa người mẫu và hoạ sĩ sáng tác là điều dĩ nhiên và thường được tạo nên trong giới hội hoạ. Bức hoạ đầu tiên Ba Tỉnh trình làng vào năm thứ hai của thế kỉ 21 là chân dung hoạ sĩ Thành Chương. Như được khuyến khích bằng thành công khởi đầu đó chỉ một năm sau, Ba Tỉnh đã cho ra mắt tới 21 tác phẩm đều là chân dung các bậc mét trong giới văn chương và nghệ thuật nước ta. Đó là nhạc sĩ tài năng tác giả Tiến quân ca – tức Quốc ca Việt Nam, Trường ca sông Lô Văn Cao, hoạ sĩ tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương Nguyễn Gia Trí, hoạ sĩ Nguyễn Sáng, nhà thơ Kinh Bắc tác giả bài thơ lừng danh Bên kia sông Đuống, nhà phê bình Thái Bá Vân. Rồi liên tiếp trong gần hai chục năm sáng tạo ông đã cho ra hàng trăm hoạ phẩm tiếp tục đề tài các tác giả nổi tiếng trong giới văn học nghệ thuật. Đáng kể nhất là công trình ông vẽ về nhà văn Nam Cao nhân kỉ niệm lần thứ 90 và vinh danh tên tuổi và sáng tác của nhà văn tác giả Chí Phèo vào năm 2006. Rồi khi Đinh Quang Tỉnh 65 tuổi, nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, ông đã làm một triển lãm lớn với 108 bức hoạ chân dung các văn nghệ sĩ tên gọi Bản diện kim cương bất hoại – Những khuôn mặt kim cương không bao giờ mất….

Với tố chất của một nghệ sĩ lại là một hoạ sĩ có chuyên môn và có tài năng nên có thể nói, hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh khá thuộc tính cách và hiểu được chiều sâu tâm hồn nhân vật. Không phải bỗng nhiên mà cùng với các hoạ sĩ vẽ chân dung thành công như Lê Đại Chúc, Bùi Quang Ngọc, Lê Sa Long… Đinh Quang Tỉnh được xem như một hoạ sĩ hiếm hoi khắc hoạ được hình hài và chiều sâu tâm hồn của không ít văn nghệ sĩ bằng nghệ thuật sơn dầu theo một lối riêng, rất cổ điển, kỳ phu và sang trọng. Anh em trong giới còn nhớ câu chuyện, thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm thực sự ngạc nhiên và thán phục khi ông xem bức chân dung mình, do hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh vẽ trong triển lãm tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam số 51 Trần Hưng Đạo để rồi thốt lên: “Lạ lùng, lạ lùng thay”. Còn điêu khắc gia - kỳ nhân Phạm Văn Hạng, đứng trước chân dung nhà giáo Văn Như Cương của Đinh Quang Tỉnh ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam bỗng thốt lên một tiếng: “Tuyệt”!

Ba Tỉnh - người khai quật những giá trị quá khứ - 2

Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh và bức tranh Nhà giáo Văn Như Cương

Như chúng ta biết, cụ nội của Ba Tỉnh là cụ Đinh Mẫn Cấp - một nhà nho từng đồ đạt trong kì thi Hương nhưng không đi theo quan trường mà chấp nhận là một thầy thuốc, thầy dậy học. Nhưng dù làm hai nghề này thì cái khí tiết của một nhà nho chân chính và những kiến thức được quy nạp từ chữ thánh hiền vẫn đầy ắp trong cụ, tạo nên một thứ gen di truyền đáng quý. Ông nội của Ba Tỉnh là cụ Đinh Đức Hợp là một trong những người học chữ quốc ngữ đầu tiên ở Thành Nam, sau cụ bỏ ngang sự học để về theo cha làm lương y. Chẳng may cụ Hợp mất sớm nên ông Đinh Thúc Dự là cha của Ba Tỉnh cùng sáu anh em được ông nội nuôi. Dòng chảy của một gia đình nho gia, có học, am tường cả quốc ngữ phải chăng truyền đến đời Ba Tỉnh không chỉ phát ở năng khiếu về hội hoạ mà cả nghiệp văn bút. So với hội hoạ thì gia tài văn chương của Đinh Quang Tỉnh khiêm tốn hơn.Tính đến nay Ba Tỉnh mới viết ba tác phẩm văn học. Đó là tập văn thơ tổng hợp Cái cu vẹo của thằng cháu đích tôn, truyện vừa Những người đàn bà khóc trên sông Cầu Chày và tập kí về bà cô nổi tiếng của Ba Tỉnh nhan đề Đại tá anh hùng tình báo Đinh Thị Vân. Những cuốn kí, những truyện ngắn, truyện vừa của Ba Tỉnh đã tạo ra nhiều sự ngạc nhiên cho không ít nhà văn sành nghề như Hoàng Minh Tường, Trung Trung Đỉnh, cố thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo ngạc nhiên về khả năng sử dụng ngôn ngữ, dựng nhân vật, cốt chuyện. Người đọc dường như thấy ở đó là những bức hoạ chân dung con người, những lát cắt của cuộc sống được hoạ sĩ Ba tộtTỉnh vẽ bằng ngôn ngữ với đầy sự quan sát tinh tế mà bao quát, sắc sảo mà nhân hậu. Giống như thật mà có sức khái quát cao. Những trạng, tình huống trong văn chương Ba Tỉnh là những nét chạm khắc mạnh mẽ bằng ngôn từ mang tạng của những nét phẩy táo bạo của bút vẽ.

Ba Tỉnh - người khai quật những giá trị quá khứ - 3

Trái qua phải: nhà thơ Trần Ninh Hồ, nhà thơ Bằng Việt, dịch giả  Đoàn Tử Huyến và họa sĩ  Ba Tỉnh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam năm 2009

Trong hội hoạ, Đinh Ba Tỉnh sở trường vẽ chân dung văn nghệ sĩ thì sở trường này cũng được ông phát triển, tung tẩy trong văn bút. Ông dồn khá nhiều tâm huyết vào những trang chân dung mà để từ đó người đọc nhận ra NSND Trọng Khôi trong Miếng cơm cháy của Trọng Khôi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng trong Chuyện thật như đùa, nhà thơ Trường Sơn Phạm Tiến Duật trong Câu chuyện vòng đen vòng trắng... Bên cạnh đó hai truyện kí về  Đại tá anh hùng tình báo Đinh Thị Vân Anh Hai chúa đảo và chiếc ống xì đồng... đã mang tới người đọc nhiều ẩn tích, bi hùng, những hy sinh gian khổ đến tột cùng của những anh bộ đội, những chiến sĩ quân giải phóng miền Nam anh hùng.

Còn trong những bài báo thì thông qua các chân dung chính khách, nghệ sĩ quá khứ -Đinh Quang Tỉnh với một cách viết kĩ, chuẩn mực về tư liệu đã gửi gắm cho người đọc một thông điệp - Đừng vì một lẽ gì mà quên những việc làm vì đất nước, vì dân tộc của những danh nhân. Công việc của họ kích cỡ ra sao thì thế hệ hôm nay và mai sau cũng cần được ghi nhận.

Nghĩ tới thông điệp của hoạ sĩ Đinh Quang Tỉnh, tôi tin những gì ông đang nỗ lực làm để nhà nước ghi công hoạ sĩ Nam Sơn không chỉ là một danh hoạ mà còn là nhà đồng sáng lập ra Trường Mỹ Thuật Đông Dương, tạo ra bước ngoặt lớn của hội hoạ Việt Nam đương đại sẽ thành công.

None

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất