Lễ hội đua – bơi thuyền trên dòng Kiến Giang

Ở nước ta, lễ hội đua thuyền diễn ra nhiều nơi, nhất là ở những vùng sông nước. Thuyền đua có hai loại: thuyền rồng còn gọi “thuyền ngự” và thuyền bình thường.

Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa thiêng liêng, đặc biệt ở các lễ hội nơi thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng có công với nước với dân. Bởi dân gian cho rằng chính các Ngài đã về “ngự” trên thuyền để cầu phúc, cầu sức khoẻ, an khang thịnh vượng cho người tổ chức hội, người dự hội, và người  xem hội…

Loại đua thuyền rồng diễn ra ở vùng Cát Bà, Cát Hải, Đồ Sơn của thành phố Hải Phòng, Ở Hà Nội có lễ hội đua thuyền làng Đăm (Tây Tựu, Bắc Từ Liêm) có từ thế kỷ XV, đầu và đuôi thuyền đều có chạm khắc rồng. Ở Trung Bộ có hội đua thuyền Lãng Giang (Thanh Hoá), hội đua thuyền Lý Sơn (Quảng Ngãi)… Đồng bằng sông Cửu Long có hội đua ghe Ngo của đồng bào Khơ me…Các lễ hội này vừa mang tính thể thao, văn nghệ vừa là nét văn hoá tâm linh của người dân vùng sông nước.

Ngoài ra con có loại thuyền bình thường được sơn màu rực rỡ. Thuyền đua trên sông Kiến Giang, quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những cuộc đua thuộc loại thuyền này.

Lễ hội đua – bơi thuyền trên dòng Kiến Giang - 1

Điểm các "thuyền chiến" xuất phát

Quảng Bình nói chung, đặc biệt quê hương Lệ Thuỷ rất tự hào là vùng đất “địa linh nhân kiệt” và cũng là cái nôi của lễ hội đua bơi thuyền. Lễ hội đua bơi thuyền trên dòng Kiến Giang là một lễ hội truyền thống dân gian lâu đời có hàng ngàn năm nay đã được ông cha truyền lại cho con cháu xứ Lệ.

Thuở ban đầu, lễ hội này bắt nguồn từ tâm linh được tổ chức như một nghi thức để cầu cho “mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu”. Đồng thời đây cũng là dịp để “các trai tài gái sắc” trong làng cùng nhau thi sức, rèn luyện để sẵn sàng đương đầu với “mưa sa, bão dữ” và đối phó với những ngày nắng cháy, hạn khô của vùng “gió Lào cát trắng”.

Tương truyền rằng vùng chiêm trũng Lệ Thuỷ ngày xưa thường cầu mưa “lấy nước để uống, lấy ruộng để cày”. Đến mùa khô, đất đai nứt nẻ, dân làng cùng nhau lễ tế và “hô huầy” đẩy thuyền xuống sông. Lâu ngày tục lệ đó dần dần đã biến thành ngày hội chung của toàn huyện. Các làng xã thi nhau chuẩn bị thuyền tốt, trai bơi tài, người lái giỏi. Nếu làng chưa có thuyền đạt yêu cầu, phải gấp rút tìm mua gỗ tốt, thuê thợ tay nghề cao về đóng thuyền mới sao cho thuyền thon, nhẹ, lướt nhanh. Tiếp đó cho các tuyển thủ tập dượt  thử, để kiểm tra sức dẻo dai với vận tốc cao nhất có thể trên đoàn đường “ba vòng sáu tao”.

Lễ hội đua – bơi thuyền trên dòng Kiến Giang - 2

Các "thuyền chiến" đang trên đường đua

Lễ hội đua bơi thuyền truyền thống trên sông Kiến Giang không chỉ là cuộc thi khoe tài, tranh sức cho các chàng trai mà cho cả những cô gái khoẻ mạnh. Do đó những “chiến thuyền” của đội nam được gọi “thuyền bơi” và họ sẽ ngồi thành hai hàng theo mạn thuyền để phối hợp nhịp nhàng tay dầm theo hiệu lệnh của người gõ nhịp đứng ở giữa thuyền. Trong lúc đó “chiến thuyền” đội nữ gọi là “thuyền đua”, các chị cùng nhau đứng thành một hàng trên thuyền , dùng chèo hoặc dầm nhanh chóng đưa “thuyền chiến” của mình lướt nhanh về đích trong tiếng gõ sanh hối hả của người cầm nhịp ngồi ở đầu thuyền.

Đường đua trên dòng Kiến Giang là một thức thách lớn về sức mạnh của con người. Các đội nam phải hoàn thành một quảng đường dài trên 24 km, đội nữ khoảng 15km. Quảng đường đua đội nam bắt đầu từ ngã ba Mũi Viết (thôn Thượng Phong) đến Cồn Nổi (thôn Xuân Bồ) rồi quay lại vạch đích khu vực cầu Xuân Phong. Đội nữ ngắn hơn đến đoạn Ngoẹo Cổ Cò thì quay đầu về vạch đích.

Đua thuyền trên sông Kiến Giang thực chất là một lễ hội cầu mưa của cư dân nông nghiệp lúa nước. Nhưng từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, để mừng ngày Quốc khánh 2 tháng 9 năm 1946, nhân dân Lệ Thuỷ đã tổ chức “lễ hội đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang”. Và từ đó lễ hội này đã trở thành lễ hội hàng năm của nhân dân Lệ Thuỷ mừng ngày Quốc khánh rất trang trọng như ngày Tết Nguyên đán của dân tộc, trở thành ngày hội văn hoá lớn nhất vùng Lệ Thuỷ. Bởi thế trong dân gian đã lưu truyền câu ca:

“Dù ai đi Tây đi Đông.

Mồng hai tháng chin cũng mong về nhà,

Về nhà xem hội quê ta,

Dưới sông bơi trải, nhà nhà cờ bay”.

Lễ hội đua – bơi thuyền trên dòng Kiến Giang - 3

Các thuyền đua được nhân dân cổ vũ 

Cũng do đó, Lễ hội đua bơi thuyền trên sông Kiến Giang đã được công nhận là lễ hội văn hoá cấp tỉnh. Đặc biệt ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký Quyết định trước bạ Lễ hội đua bơi thuyền trên dòng Kiến Giang là Di sản Văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

Lễ hội đua bơi thuyền trên dòng Kiến Giang từ khi ra đời cho đến nay đã 3 lần gián đoạn, tổng cộng trên 10 năm, do nhân dân ta phải tiến hàng hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cùng toàn nhân loại chống đại dịch Covid-19 những năm vừa qua.

Sau 3 lần gián đoạn, nhân dân mong ngóng, đợi chờ, nay tình hình cho phép, nên đến ngày Quốc khánh lần thứ 77, trên dòng Kiến Giang dậy sóng Lễ hội đua bơi thuyền truyền thống lại diễn ra sôi nổi hào hùng. Số “thuyền chiến” và số người tham gia đông chưa từng có.

Trần Mạnh Thường

Tin liên quan

Tin mới nhất