Tấm lòng vị chủ tịch kháng chiến

Ông Trương Quang Phiên, người làng Mai Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh từng có thời gian dài giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Quảng Trị (nay là Chủ tịch UBND tỉnh) trong những năm kháng chiến chống Pháp. Cuộc đời của ông là một câu chuyện đầy tình người, có trách nhiệm đối với quê hương, đất nước và sự nghiệp cách mạng.

Khởi nghĩa giành chính quyền tại sân đình Mai Xá

Ngày 18/8/1945, thời cơ của mùa thu cách mạng đã đến, Hội nghị toàn tỉnh Quảng Trị thống nhất lực lượng bàn việc khởi nghĩa giành chính quyền về tay cách mạng. Hội nghị quyết tâm nhanh chóng phát động quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền trong thời gian từ 21/8 đến 25/8/1945.

Tấm lòng vị chủ tịch kháng chiến - 1

Khắp nơi trong tỉnh Quảng Trị lúc ấy làng quê nào cũng dấy cờ khởi nghĩa. Đúng 5 giờ ngày 23/8/1945, cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc Việt Nam được treo lên Dinh tỉnh trưởng (tòa công sứ của Pháp cũ, nay là quảng trường Giải Phóng) ở thị xã Quảng Trị. Tại sân đình làng Mai Xá, ông Trương Quang Phiên đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên giành chính quyền. 

Làng Mai Xá là vùng quê có truyền thống yêu nước và cách mạng từ sớm. Những năm đầu thế kỷ 20, ở Quảng Trị mọc lên 6 vườn đào tụ nghĩa, trong đó vườn đào ở Mai Xá do cụ Trương Quang Cung lập ra. Khi phong trào yêu nước ở Quảng Trị cũng như cả nước phát triển lên giai đoạn mới, tháng 6/1925, tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được đồng chí Nguyễn Ái Quốc lập ra thì Chi hội Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội huyện Gio Linh cũng ra đời, trong đó có ông Trương Quang Phiên và Trương Quang Côn.

Năm 1929, các hội viên tham gia rải truyền đơn kêu gọi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực dân Pháp truy lùng, nhiều hội viên bị bắt, các ông Trương Quang Phiên, Trương Quang Côn bị kết án tù giam tại nhà lao Thành Cổ Quảng Trị. Sau khi mãn hạn tù, năm 1933 ông Trương Quang Phiên mở lớp dạy học có tên gọi gia đình “Học hiệu Tiên Việt” dạy con em trong làng. Đây là một trong rất ít lớp học chữ quốc ngữ đầu tiên tại Quảng Trị.

Gia đình “Học hiệu Tiên Việt” không chỉ đơn thuần là lớp học mà còn là nơi tụ nghĩa. Ngoài dạy chữ, ông Phiên còn là người thầy cách mạng của bao thế hệ trẻ. Những sáng kiến dạy học từ những năm ấy của ông Phiên đã được áp dụng khắp địa phương Quảng Trị trong những ngày mới khởi nghĩa. Nhờ vậy, chưa đầy một năm sau Cách mạng Tháng 8, Quảng Trị đã có hàng vạn người đọc thông viết thạo. 

Vào những năm 1945, 1946, vượt qua giai đoạn nghìn cân treo sợi tóc, phong trào các mạng phát triển, nhất là lực lượng vũ trang đã khiến thực dân Pháp gặp nhiều thất bại. Vì vậy, chúng tập hợp quân đội tổ chức tấn công nhiều địa bàn trên tỉnh Quảng Trị. Với chủ trương đánh nhanh, thắng nhanh, thực dân Pháp liên tục mở các đợt càn quét, khủng bố thực hiện ba sạch (phá sạch, giết sạch, đốt sạch) phong trào cách mạng và lực lượng của ta.

Ngày 14/4/1947, Hội nghị Tỉnh ủy họp ở vùng núi huyện Triệu Phong nhận định tình hình, quyết định thiết lập chiến khu để ổn định và tập trung địa điểm của cơ quan lãnh đạo tỉnh. Chiến khu Ba Lòng (nay thuộc huyện Đakrông) được ra đời trong hoàn cảnh ấy. Thực hiện chủ trương của Trung ương, lúc này Quảng Trị thống nhất Ủy ban Kháng chiến và Ủy ban Hành chính thành Ủy ban Kháng chiến Hành chính.     

Đầu năm 1947 mặt trận Quảng Trị bị vỡ vì Pháp tấn công. Các cơ quan của tỉnh ở đồng bằng đi dần lên chiến khu. Một cuộc họp của cán bộ chủ chốt khẩn trương bàn định vấn đề cần kíp trước mắt. Quản đốc nhà lao Quảng Trị báo cáo có gần 300 phạm nhân đang bị giam giữ, xin cách giải quyết. Vị Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh làm chủ tọa cuộc họp hỏi ý kiến Phó Chủ tịch Ủy ban Khánh chiến Hành chính tỉnh Trương Quang Phiên.

Ông Phiên phát biểu, phần lớn họ là kẻ đi đường không có giấy tùy thân nên bị các trạm kiểm soát dẫn về đây chờ xem xét. Cũng rất đông những người từ làng này đi sang làng khác bị coi là người lạ rồi giam. Ngoài ra còn những người trước đây có dính dáng với các gia đình Pháp sinh sống trong tỉnh như lái xe, quản gia, làm vườn.

Các anh thấy đó, toàn là dân thường vô sự, chẳng phản động mà cũng chẳng làm gì nên tội. Tôi khẩn thiết đề nghị trả tự do cho họ ngay lập tức, không chậm trễ. Bỗng mắt ông sáng lên với một vẻ kiên quyết kỳ lạ. Xin thư ký ghi vào biên bản mấy lời của tôi như sau: “Tôi đề nghị phóng thích toàn bộ những ai bị giam giữ ở nhà lao ngay ngày hôm nay. Nếu sau này có ai trong bọn họ làm gì phản dân hại nước thì các anh đem tôi ra xử tội”.

Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính cảm thấy xúc động trước thái độ quyết liệt của Phó Chủ tịch nên đồng ý với đề xuất của ông Phiên. Xong buổi họp, ông Phiên cùng các vị lãnh đạo đến nhà lao, cho tập hợp mọi người lại trên sân nhà lao, tuyên bố trả tự do, khuyên mọi người khẩn trương về quê quán chuẩn bị tản cư khỏi những vùng giặc đến chiếm.

Khoan dung, độ lượng

Sang năm 1948, ông Trương Quang Phiên được cử làm Chủ tịch tỉnh Ủy ban Khánh chiến Hành chính tỉnh, thay vị tiền nhiệm nhận công tác khác ở các tỉnh phía Bắc Liên khu IV. Nhận cương vị mới được vài ba tháng, ông Phiên gặp một sự kiện chưa có tiền lệ, cần phải suy nghĩ nhiều mới tìm ra hướng giải quyết.

Hôm đó đội cảnh vệ dẫn một đoàn khách đến nơi ông làm việc, đó là túp lều tranh ẩn náu dưới một lùm cây rừng rậm rạp. Đoàn khách có sáu cụ già, dáng thanh tao nho nhã, ăn mặc theo lối cổ. Ông Phiên liền biết đó là các vị quan to trong triều đình nhà Nguyễn ở Huế. Không biết tại sao trong thời điểm chiến tranh ác liệt này các cụ lại đến đây. Ông Phiên niềm nở chào hỏi các cụ, rồi nhẹ nhàng tìm hiểu lý do chuyến thăm.

Một vị quan thay mặt cả nhóm phát biểu: “Thời gian qua chúng tôi sống quá khổ sở ở quê nhà. Chúng tôi không muốn đến sống trong các vùng Pháp chiếm đóng, không muốn làm gì cho giặc. Nhưng sống ở quê cũng không yên vì Pháp hay càn quét đốt nhà, bắt người. Gần đây chúng tôi nghe tiếng ông chủ tịch là người khoan dung, độ lượng, yêu nước thương dân nên rủ nhau đến đây nương náu vùng kháng chiến, nhờ ông che chở. Chúng tôi sẵn sàng làm việc gì mà ông giao phó.”

Ông Phiên bày tỏ xúc động trước quyết tâm tham gia kháng chiến của các vị quan cũ, hứa sẽ báo cáo cho Chính phủ xin hướng giải quyết. Ông cũng hứa sắp xếp nơi ăn ở cho các cụ chu đáo và sẽ mời các cụ tham gia một số công việc phù hợp.

Khi tản cư lên vùng núi, cơ quan văn hóa thông tin có mang theo nhiều tài liệu lưu trữ bằng chữ Hán và tiếng Pháp. Thế là ông Phiên giao cho các cụ việc phân loại tài liệu, đánh giá kỹ từng loại một. Các cụ phấn khởi với công việc vừa tầm này, nhất là các vị giỏi chữ nho.

Nhưng các cụ không hạn chế mình vào công việc sách vở, tham gia trồng rau xanh, trồng ngô, trồng khoai như các cán bộ cơ quan tỉnh. Cuộc sống vui vẻ trôi chảy được khoảng hai tuần thì các cụ bị bệnh sốt rét quật ngã. Ở chiến khu thầy thuốc rất hiếm, vậy mà ông Phiên vẫn cử một vị y sĩ giàu kinh nghiệm hàng ngày đến chăm lo cho các cụ. Một tuần trôi qua, bệnh tình các cụ không có dấu hiệu gì lạc quan. 

Nhà giáo Trương Quang Đệ, nguyên Trưởng khoa Ngoại ngữ Đại học Sư phạm Huế, người con từng có thời gian ở chiến khu Ba Lòng với cha, kể, một đêm thao thức không ngủ được vì thấy cha lúi húi viết gì đó đến tận hai ba giờ sáng. Ông Đệ ngồi dậy nhìn cha một lúc lâu. Ông Phiên thấy lạ nên ngừng viết và cho con trai mình đọc bức thư.

Tôi vừa run vừa đọc một lá thư thoạt đầu làm tôi choáng váng không tin vào mắt mình nữa. “Kính gửi ngài Nguyễn Hoài, cựu đốc học Quảng Trị. Thưa ngài. Trước hết tôi xin gửi đến ngài lời chúc sức khỏe chân thành nhất. Tôi mong ngài quan tâm giúp cho tôi một việc. Khoảng hơn một tháng trước đây, các cụ quan lại cũ của triều đình có tên sau đây lên chỗ chúng tôi gia nhập hàng ngũ kháng chiến: Thượng thư T.V.L, Tham tri T.Đ.K, Tham tri L.V.M, Tuần vũ Đ.T.H, Bố chánh N.K.B, Án sát H.H.Đ.

Chúng tôi rất xúc động trước bầu nhiệt huyết của các cụ, hân hoan đón tiếp các cụ và đã cố gắng hết sức đảm bảo cho các cụ một cuộc sống không quá gian khổ. Tuy nhiên như ngài biết chỗ rừng núi của chúng tôi không thích hợp với người già. Chỉ một thời gian ngắn là các cụ bị bệnh sốt rét dày vò và ngày càng nguy kịch. Chúng tôi cố gắng hết sức nhưng chắc không có phương tiện chạy chữa hữu hiệu.

Vì vậy tôi muốn chuyển các cụ về bệnh viện tỉnh và mong được ngài ra tay giúp đỡ. Nếu ngài thuận lòng thì tôi cho người dùng thuyền chở các cụ về bến đò cách thị xã một cây số về phía Tây. Ngài sẽ cho người đón họ về bệnh viện tại bến đò. Có điều tế nhị là các cụ tuy thuận cho tôi đưa về bệnh viện tỉnh nhưng không muốn giáp mặt người Pháp nào, lính tráng cũng như thầy thuốc.

Tôi nghĩ là ngài cảm nhận được điều đó. Chúng tôi sẽ liên hệ với gia đình các cụ, tìm cách cho họ đến bệnh viện chăm sóc các cụ và lo liệu mọi khoản chi phí nếu cần. Sau khi các cụ đã hồi phục, xin ngài quan tâm sắp xếp cho họ và gia đình được sinh sống trong các vùng không có chiến sự, ngõ hầu tạo cho các cụ những ngày cuối đời yên bình, thanh thản… Trương Quang Phiên, nguyên trợ giáo Trường Tiểu học Vĩnh Linh…”

Cha tôi giải thích ông Hoài hiện là tỉnh trưởng Quảng Trị về phía Pháp. Ông vốn là người tốt, nhưng không hiểu sao lại theo giặc. Chắc phải có một lí do đặc biệt nào đó. Tôi bỗng dưng khóc nức nở không kìm nén được. Cha tôi phát hoảng hỏi sao vậy con, làm sao mà khóc?Tôi nghẹn ngào không nói được, mãi lúc sau mới vừa khóc sụt sịt vừa nói biết cha giải quyết sự việc như thế này thì chị Nam Chi của con năm ngoái không phải chết.

Chị Nam Chi bị thương hàn, ai cũng khuyên mẹ đưa chị vào bệnh viện tỉnh nhưng mẹ không dám làm vì trái với lý tưởng kháng chiến của cha. Cha buồn rầu im lặng một lúc rồi ôn tồn nói khẽ. Con nghĩ không đúng đâu. Hai chuyện khác nhau hoàn toàn đó. Đúng là chị Nam Chi của con chết cho lý tưởng của cha như mẹ nói.

Một thủ lĩnh kháng chiến như cha không thể cho con gái vào chữa trị ở bệnh viện do quân địch cai quản. Còn bây giờ cha đưa các cụ này về bệnh viện tỉnh cũng do lý tưởng mà làm. Nếu để các cụ có mệnh hệ gì ở đây thì uy tín kháng chiến sẽ ra sao.

Ba hôm sau, mọi việc diễn ra như ông Phiên dự kiến. Đêm trước ngày hẹn, ông cho thuê hai chiếc thuyền chở các vị thượng quan cũ xuôi dòng từ Ba Lòng về thị xã. Đi theo các cụ có bốn cảnh vệ và một y tá. Vì cả hai phía có thỏa thuận nên thuyền đi thông suốt, không có ai ngăn cản. 

Năm 1953, ông Trương Quang Phiên được cấp trên điều ra Liên khu IV rồi về Trung ương chuẩn bị tiếp quản Thủ đô vào năm 1954. Lúc bấy giờ Chính phủ lập các ban, ngành, rất cần người đặc biệt tin cậy để tiếp quản Kho bạc Đông Dương và ông Trương Quang Phiên, người Quảng Trị được chọn phụ trách kho bạc này.

Ông Phiên mất năm 1989 tại Huế, trước lúc mất ông nguyện vọng gia đình đưa ông về an nghỉ tại quê hương. Ngôi mộ của ông Phiên hôm nay vẫn nằm bình yên trong khu mộ gia đình ở làng Mai Xá. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp, con cháu, người thân của ông có dịp ghé thăm thường bảo rằng, có lẽ ông Phiên là vị Chủ tịch tỉnh duy nhất có ngôi mộ đơn sơ như thế.

Nhưng đóng góp của ông cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và di sản của ông để lại cho đời thì có lẽ ai cũng thán phục. Các con và cháu của ông đều nối nghiệp cha ông mình trong sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, họ đều giữ những vị trí cao từ địa phương đến Trung ương.

Tú Linh

Tin liên quan

Tin mới nhất