Biển mùa giông bão

Khi tôi về nhận công tác ở Cục Chính trị Quân chủng Hải Quân (năm 1979) thì anh Bằng Lâm đã có mặt đây trước tôi 7 năm. Bằng Lâm hơn tôi hàng chục tuổi nhưng tình yêu văn học nghệ thuật cùng với tính tình cởi mở, chân thành của anh đã khiến chúng tôi nhanh chóng trở nên thân thiết.

Biển mùa giông bão - 1

Nghệ sĩ Bằng Lâm ở chiến trường khu năm, 1972.

Bằng Lâm sinh năm 1944 tại Nakhon Phanom, Vương quốc Thái Lan. Quê gốc ở Nghệ An. Ông nội của anh là cụ Nguyễn Bằng Cát; người Thái vẫn gọi cụ là “ông Hoe Lợi”. Cụ Hoe Lợi có nghề bốc thuốc. Sinh bốn người con, cụ Hoe Lợi đều đặt tên bằng bốn vị thuốc: Sâm, Nhung, Quế, Phụ.

Năm 1929, Bác Hồ sang Thái Lan hoạt động, Bác đến bản May, xin ở nhờ nhà cụ Hoe Lợi, với danh xưng  Thầu Chín, được cụ Hoe Lợi bố trí làm nhân viên hiệu thuốc của gia đình dưới cái tên Lang Tín. Những ngày thầy Lang Tín sống và làm việc tại Nakhon Phanom, cụ Hoe Lợi chỉ biết láng máng đó là một cán bộ cao cấp của Quốc tế Cộng sản.

Cụ nhận thấy thầy Lang Tín là con người thông minh, nhân hậu nên hai người đã trở nên thân thiết, đồng cảm, kết thành mối thâm giao. Nhận thấy cụ Hoe Lợi khôn nguôi nhớ nước, đau đáu về cuộc cách mạng trong nước, thầy Lang Tín liền xin phép cụ cho thầy đặt tên bốn người con của cụ bằng bốn cái tên: Cách, Mạng, Thành, Công, như để khẳng định rằng, với sự đồng lòng của các thành viên trong gia đình cụ cũng như nhiều gia đình người Việt ở Thái Lan thì cuộc cách mạng ở Việt Nam nhất định sẽ thành công.

Ông Cách, tức Bằng Sâm, bố của Bằng Lâm, tham gia thanh niên cách mạng đồng chí Hội, trở thành nhà báo. Năm 1960, cả gia đình ông hồi hương về Hải Phòng. Ông tiếp tục làm báo cho đến khi mất, năm 1979.

Biển mùa giông bão - 2

Bằng Lâm trên đường mòn Hồ Chí Minh, 1972

Bà Mệnh, tức bà Nhung, ở lại Thái Lan buôn bán, trở thành một cơ sở của cách mạng. Ông Thành, tức Quế, tham gia cách mạng, hi sinh trong trận đánh Pháp ở Tha Khịt, Lào, năm 1945. Ông Công cũng ra đi cầm súng, hi sinh trong kháng chiến chống Pháp ở Battambang, Campuchia.

Sinh ra và được nuôi dưỡng trong một gia đình như thế, Bằng Lâm  đã có lòng yêu nước và ý thức dân tộc rất sớm. Mối thâm giao giữa thầy Lang Tín với gia đình cũng như những kỷ vật về vị lãnh tụ ấy được người cha dần dà tiết lộ cho Bằng Lâm biết. 

Cuối năm 1929, thầy Lang Tín chia tay gia đình cụ Hoe Lợi và đồng bào Việt kiều ở Nakhon Phanom, cũng không ai biết thầy đi đâu. Cho đến tháng 9/1945, xem báo Độc Lập, cơ quan ngôn luận của Tổng hội Việt kiều tại Thái Lan, có đăng tấm ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, gia đình cụ Hoe Lợi mới biết vị lãnh đạo tối cao của đất nước chính là thầy Lang Tín năm xưa từng sống trong nhà mình.

Sang đầu năm 1946, trong tuần lễ vàng, qua chiếc đài bán dẫn, cụ Hoe Lợi lại được nghe giọng Bác Hồ chẳng khác gì giọng thầy Lang Tín năm xưa. Mùa xuân năm 1948, thông qua Tổng ủy Việt kiều cứu quốc và phái đoàn Việt Nam tại Bangkok, cụ Hoe Lợi gửi mừng tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh 1000 bạt Thái kèm một bức thư do Việt Nam Thông tấn xã tại Bangkok phát về nước vào thứ Tư, ngày 08/3/1948. 

Ngay từ nhỏ, hầu như Bằng Lâm đã thuộc lòng bức thư ấy. Ở Nakhon Phanom, ông Bằng Sâm có một hiệu ảnh, thường giao cho cậu con trai Bằng Lâm trông coi. Bằng Lâm ảnh hưởng nghề làm báo ảnh của cha từ đó. Khi về nước hầu như Bằng Lâm luôn có cái máy ảnh bên mình. Năm 1965, Bằng Lâm lên đường nhập ngũ, biên chế vào sư đoàn 308.

Kể từ đây, một bên vai anh là cây súng, còn một bên là chiếc máy ảnh. Sư đoàn 308 thời Bằng Lâm có mặt đang tham chiến ở chiến trường Quảng Trị. Chiếc máy cơ của anh chiến sĩ - nghệ sĩ trẻ Bằng Lâm đã chớp được khá nhiều hình ảnh quý giá trên chiến trường như Khe Sanh, đồi Không Tên, Ái Tử, sông Ba Lòng…

Biển mùa giông bão - 3

Bữa cơm trên Đồi Không Tên Quảng Trị 1972

Dù khi ấy Bằng Lâm mới qua hệ trung cấp mỹ thuật công nghiệp nhưng từ chiến trường anh gửi ra nhiều tác phẩm ký họa thuốc nước, bút chì được trưng bày trong các triển lãm và đăng trên các báo Văn nghệ, Văn nghệ Quân đội như Tù binh ngụy trên đồi không tên, Xe tăng 555 của Quân giải phóng nhân dân Lào chuẩn bị xuất kích, Dũng sĩ diệt Mỹ Bình – Trị - Thiên, Trực chiến, Chiến sĩ Quân giải phóng, Tổ vá săm, Chuyển hàng, Rút kinh nghiệm sau trận đánh…

Nhận xét về những tác phẩm đầu tay ấy, một nhà phê bình mỹ thuật đã viết: “Không phải là quá sớm nếu cho rằng Bằng Lâm đã tự xác định được một phong cách riêng. Phương tiện anh dùng thật đơn sơ: chỉ vài nét bút chì, bút sắt giản lược và chắc khỏe, anh đã nắm bắt được không khí những cảnh hành quân giữa thiên nhiên to rộng. Từ chuyện Gửi gạo ra mặt trận đến Tù binh ngụy bị bắt trên đồi Không Tên, ngòi bút đồ họa có khả năng khái quát nhanh, đã dựng cảnh, dựng người đâu ra đấy. Thuốc nước, bột màu của anh cũng đẹp, gợi cảm”…

Năm 1972, Bằng Lâm nhận quyết định thuyên chuyển về Quân chủng Hải quân. Anh hòa nhập với môi trường mới rất nhanh. Chỉ ít ngày sau Bằng Lâm đã có mặt ở những đơn vị chủ lực của Quân chủng như Lữ đoàn 126 đặc công nước, Lữ đoàn 125 tàu không số, Lữ đoàn tàu chiến đấu 170, 172…

Khi Quần đảo Trường Sa được giải phóng thì anh là một trong số ít văn nghệ sĩ có mặt đầu tiên trên khắp các hòn đảo: Trường Sa lớn, Song Tử Tây, Nam Yết, Sơn Ca, Sinh Tồn… Tính ra trong mười lăm năm ở hải quân, Bằng Lâm có mười lăm lần ra quân đảo này, đấy là chưa kể các hòn đảo khác nữa.

Sự xông xáo, dấn thân ấy là nguyên nhân chính để anh sáng tạo ra hàng loạt tác phẩm hội họa được công chúng mến mộ như Cây phong ba, Lau sàn tàu, Sửa chữa piston tàu, Đọc báo trên đảo, Chúng tôi lính Trường Sa, Trên Boong tàu I, Trên Boong tàu II, Trú quân bến cảng, Lau pháo, Sinh hoạt đoàn, Chiến sĩ Hải quân, Biển và lính đảo, Lính thủy và mặt trời, Đặc công Hải quân, Tuần tra, Đảo Trường Sa, Trong khoang tàu, Nhớ biển…

Biển mùa giông bão - 4

Biển mùa giông bão, tranh của Bằng Lâm

Anh đã tổ chức được triển lãm ảnh Chiến sĩ Hải quân, sau đó là những triển lãm tranh Biển và người chiến sĩ, Chân dung người chiến sĩ… Phần lớn các tác phẩm hội họa của Bằng Lâm được anh sáng tạo bằng bút pháp lập thể, tượng trưng.

Anh tâm sự: “Ngày mới học vẽ mình mới nhìn thấy cái vẻ đẹp thơ mộng của biển nên thường vẽ tả thực cổ điển. Sau này mình nhận ra biển đất nước mình nhiều sóng gió, thời nào cũng có kẻ lăm le xâm lược, cho nên mình dùng phương pháp lập thể, tượng trưng mới diễn đạt được ý tưởng…”. Tôi rất đồng cảm với anh nên lấy tên một bức tranh tượng trưng làm tên cho bài viết này.

Khi hai cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tạm yên, Bằng Lâm quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam để nâng cao hơn nữa nghề nghiệp. Vẫn mang hàm sĩ quan đi học, nhưng những điều anh quan tâm không chỉ còn dừng lại ở đề tài quân đội. Trong một chuyến đi thực tế sáng tác ở tiểu vùng sông Mê Kông, Bằng Lâm đã dành ra 20 ngày “cắm chốt” ở khu đền Angkor.

Với con mắt của một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng và một họa sĩ có cốt cách, Băng Lâm đã khai thác, phát hiện và ghi lại được những hình ảnh vô cùng quý giá về một quần thể tín ngưỡng đã và đang bị tàn phá khốc liệt của thời gian, của thiên nhiên và của con người mà hầu hết đã trở thành phế tích.

Năm 2004, Bằng Lâm được bầu giữ cương vị Phó chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam. Cho dù rất bận rộn với công việc quản lý những người nghệ sĩ mang quân hàm đại tá ấy vẫn không rời tay máy, tay bút. Anh đã thực hiện được rất nhiều triển lãm cho hội viên và có cả triển lãm của anh.

Nhưng có một việc đặc biệt có nghĩa với anh, với gia đình anh và đồng bào Việt kiều ở Thái Lan, đó là anh cho ra mắt cuốn sách Theo dấu chân Bác tại Thái Lan”, bằng cả hai loại hình nghệ thuật ảnh và tranh, Bằng Lâm giới thiệu ba mảng đề tài lớn: Dấu tích của Bác Hồ trên đất Thái Lan, Hình ảnh những Việt kiều ở Thái, Tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt – Thái.

Đây là cuốn sách mà không chỉ những Việt kiều trên đất Thái Lan mà nhiều bạn đọc yêu nghệ thuật đều coi là một cuốn sách quý.

Bằng Lâm rất yêu văn học. Anh đọc khá nhiều tác phẩm văn chương trong và ngoài nước. Đã nhiều năm rồi trong nhà anh thường xuyên có tờ báo Văn nghệ. Anh giải thích điều đó một cách rất giản dị, còn tôi thì nghĩ: văn học có khả năng chi phối, ảnh hưởng tới những loại hình nghệ thuật khác. Nhờ văn học mà các tác phẩm nhiếp ảnh và hội họa của Bằng Lâm có những ý tưởng và triết lý đằm sâu hơn.

None

Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất