Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhạc trưởng vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam

(Arttimes) - Lãnh tụ Hồ Chí Minh là người thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), cũng là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam có lịch sử ngót một thế kỷ (1925-2021).

Kể từ bài báo đầu tiên đăng trên báo L’Humanite (Nhân đạo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Pháp), xuất bản ngày 18/6/1919, với bút danh Nguyễn Ái Quốc, cho đến năm 1969, trước khi “Bác đã lên đường nhẹ bước tiên” (Tố Hữu – Bác ơi), Người đã viết hơn 2000 bài báo bằng các thứ tiếng Việt, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp đăng trên các tờ báo xuất bản trong và ngoài nước. Đó là một “con số biết nói” về một nhà báo vĩ đại, về người sáng lập tờ báo Thanh Niên tại Quảng Châu, Trung Quốc, năm 1925 (năm được tính mốc ra đời nền báo chí cách mạng Việt Nam), theo nhà báo Phan Quang đó là: “Suối nguồn Báo chí cách mạng”. Trong sự nghiệp cách mạng của Người, báo chí đi trước và cùng với văn học trở thành vũ khí chiến đấu sắc bén trong công cuộc phò chính trừ tà, phụng sự lý tưởng giải phóng dân tộc, được coi là một phương thức hữu hiệu giác ngộ và vận động, tập hợp quần chúng tham gia đấu tranh cách mạng. Với văn học, Người công khai quan điểm: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong” (Cảm tưởng đọc thiên gia thi); với báo chí Người cũng trao cho nó sứ mệnh vinh quang: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” (Dẫn theo Hà Minh Đức, Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 21).

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhạc trưởng vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí trong và ngoài nước tại thủ đô Hà Nội năm 1968

Nhận thấy vai trò quan trọng của báo chí trong cuộc đấu tranh cách mạng, Người đã đồng sáng lập và sáng lập các tờ báo chí quan trọng, tiêu biểu như Le Paria (Người cùng khổ, 1921), Thanh niên (1925), tạp chí Đỏ (1930), Việt Nam độc lập (1941), Cứu quốc (1942), Nhân Dân (1951). Mỗi tờ báo chí được Người thành lập đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng từng giai đoạn cụ thể chứng tỏ tinh thần thực tiễn cao và sâu của Lãnh tụ với tư cách vừa là một nhà tư tưởng, vừa là một người hành động triệt để.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng phải bao hàm những phẩm chất đặc biệt: là tiếng nói của chính nghĩa, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; tự do báo chí là quyền lợi tinh thần to lớn của một dân tộc, một đất nước; báo chí phải có tính chiến đấu, tính tiên phong và tính định hướng; báo chí phải có đặc điểm và sắc thái của riêng mình; báo chí phải có nghệ thuật riêng của ngôn ngữ báo chí – đó là năm “bảo bối” của một nền báo chí lấy lợi ích của Đất nước, Đảng, Nhân dân lên trên hết, làm mục tiêu cuối cùng.

Phong cách báo chí của Hồ Chí Minh thể hiện trên các phương diện căn bản: gắn chặt với đời sống, chất liệu của báo chí là từ chất liệu của hiện thực xã hội nóng hổi thời sự (tính chất kịp thời); tác phẩm báo chí không đơn thuần chỉ làm nhiệm vụ thông tin, truyền thông mà mang đậm cốt cách văn hóa Việt; tác phẩm báo chí luôn mang dấu ấn của chủ thể sáng tạo viết; tác phẩm báo chí thể hiện vốn liếng ngôn từ được sử dụng và tính đa dạng của thể loại.

Học tập nghệ thuật báo chí của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tựu chung là học tập cách viết có hiệu quả cao nhất (về tuyên truyền, về thẩm mỹ). Trong bài Cách viết (dẫn theo Hà Minh Đức, Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 265-273), Người đã nhấn mạnh các mục tiêu sau của viêc viết báo: “Vì ai mình viết? Viết cái gì? Viết như thế nào?”. Vấn đề “Viết như thế nào?” được Người đặc biệt quan tâm, nhấn mạnh. Những gợi ý có tính dẫn dắt của Người cho đến tận hôm nay, thiết nghĩ, vẫn có ý nghĩa quan thiết với người làm báo.

Trước lúc đi xa (2/9/1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma (Cuba). Bài tường thuật này được in bằng tiếng Tây Ban Nha trên báo Granma (Cuba), số ra ngày 29/7/1969 và bằng tiếng Pháp trên báo Granma (xuất bản hàng tuần), số ra ngày 3/8/1969 dưới đầu đề Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi. Báo Nhân Dân dịch và in lại. Chúng ta cùng nhau đọc lại phần đầu của bài trả lời phỏng vấn này (với ý nghĩa là một bài báo cuối cùng của Người): “Đồng chí muốn biết tình cảm của tôi đối với miền Bắc và đối với miền Nam phải không? Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi. Bây giời tôi sẽ trả lời những câu hỏi của đồng chí và đồng chí muốn ghi như thế nào thì tùy ý. Chúng ta sẽ nói chuyện thân mật với nhau về nhiều vấn đề. Ở Việt Nam có một câu phổ biến: miền Nam đi trước về sau. Câu nói này có nghĩa là miền Nam đấu tranh trước tiên chống quân xâm lược nước ngoài, nhưng miền Bắc lại được giải phóng trước, còn miền Nam sẽ được giải phóng sau [...]. Tôi nghĩ rằng tôi chưa làm trọn nghĩa vụ cách mạng của tôi đối với đồng bào miền Nam; mặc dù như vậy, tôi biết rằng đồng bào miền Nam vẫn yêu quý tôi cũng như tôi luôn luôn yêu quý đồng bào. Ở miền Nam, tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà là Bác Hồ. Đồng chí hỏi rằng, theo ý kiến tôi, sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới, ví dụ như sự ủng hộ của nhân dân Cuba anh em” (dẫn theo Hà Minh Đức, Báo chí Hồ Chí Minh, chuyên luận và tuyển chọn, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2017, tr. 311-312).

Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhạc trưởng vĩ đại của nền báo chí cách mạng Việt Nam - 2

Thiết nghĩ, không cần bình luận thêm chúng ta cũng hiểu được sâu sắc chiều kích của cái tâmtầm của nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh - người sáng lập và tổ chức phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam. Học Bác mỗi ngày bởi “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu – Bác ơi), đang là động hướng tinh thần hiện thực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc kiến thiết đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn như mong ước của Người./.

None

Bùi Hồng Lĩnh

Tin liên quan

Tin mới nhất