Chưa xác định có sự lây nhiễm chéo trong nhóm vượt biên

Các bệnh nhân mắc Covid-19 mới được ghi nhận từ những người nhập cảnh trái phép, chưa có sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Chỉ trong vòng 3 ngày kể từ thời điểm ghi nhận một người vượt biên mắc Covid-19, ngành y tế đã ráo riết truy tìm và xác định nhóm người có liên quan. Hiện tại, 3 người dương tính với virus SARS-CoV-2. Hai người âm tính lần 1 và trường hợp còn lại lẫn trốn ở quận 9 chờ kết quả.

Chưa phải ca cộng đồng

Trao đổi nhanh với Zing sáng nay, một chuyên gia của Bộ Y tế cho biết hiện tại, chúng ta chưa xác định nhóm người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19 là ca bệnh trong cộng đồng. Bởi việc lây nhiễm trong cộng đồng chỉ diễn ra khi một người mang mầm bệnh lây nhiễm chéo cho người tiếp xúc trong cộng đồng.

"Chúng ta chưa ghi nhận những người này tiếp tục lây nhiễm cho người tiếp xúc gần. Do đó, chưa gọi ca bệnh này là ca cộng đồng. Khi người tiếp xúc gần họ dương tính, nghĩa là đã có sự lây nhiễm trong cộng đồng, công tác kiểm soát lúc này rất khó khăn", vị chuyên gia cho biết.

Chưa xác định có sự lây nhiễm chéo trong nhóm vượt biên - 1

Dù chưa ghi nhận sự lây nhiễm trong cộng đồng, nguy cơ này rất cao trong tình hình hiện tại. Ảnh: 

Duy Hiệu.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết các bệnh nhân này từ nước ngoài trở về theo đường tiểu ngạch và có thể họ mang mầm bệnh trước khi về nước, khả năng lây nhiễm chéo cho nhau trên đường di chuyển khó xảy ra.

"Họ chỉ đi chung chuyến xe, không thể lây cho nhau chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Có thể họ đã ủ bệnh trong thời gian ở nước ngoài. Việc tìm kiếm F0 là không cần vì giờ họ chính là F0", bác sĩ Khanh khẳng định.

Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh hiện tại, nguy cơ lây lan ra cộng đồng từ nhóm người vượt biên rất cao. Nhất là nếu chúng ta kiểm soát không tốt, không ráo riết tìm kiếm F1, F2 từ những người này. Vì trong thời gian vượt biên về nước, họ di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc rất nhiều người từ gia đình, hàng xóm, đến cả quán ăn, quán nhậu và các khu sinh hoạt công cộng.

Nguy cơ lây trong cộng đồng

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), bệnh nhân 1451 là trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 trong nhóm người nhập cảnh trái phép được phát hiện tại thành phố. Bệnh nhân này được phát hiện khi tự ra khai báo y tế sau khi biết người đi chung với mình mắc Covid-19 là bệnh nhân 1440.

"Vấn đề được đặt ra là nếu người nhà không ra khai báo y tế thì sẽ không phát hiện bệnh nhân 1440. Nếu không phát hiện bệnh nhân 1440, bệnh nhân 1451 cũng sẽ không tự ra khai báo y tế. Như vậy, 2 trường hợp này không được phát hiện và tiếp tục lẩn trốn trong cộng động tạo ra nguồn lây bệnh, tạo ra những ổ dịch không rõ nguồn lây. Và khi đó, công tác phòng chống dịch sẽ khó khăn hơn rất nhiều do TP.HCM có dân số lớn và là đầu mối giao lưu của cả nước. Với các trường hợp nhiễm không rõ nguồn gốc sẽ gây nhiều khó khăn cho việc khoanh vùng, dập dịch, kiểm soát lây lan", đại diện HCDC cho biết.

Chưa xác định có sự lây nhiễm chéo trong nhóm vượt biên - 2

Lực lượng chức năng phong tỏa một phần chung cư Sư Vạn Hạnh, nơi bệnh nhân 1451 sinh sống. Ảnh: 

Chí Hùng.

Theo bác sĩ Khanh, khi đã xác định được nhóm người nhập cảnh trái phép mắc Covid-19, điều mà người dân và ngành y tế cần làm tương tự ca mắc trong cộng đồng trước đây.

Ngoài việc truy lùng F1, F2 và những người nhập cảnh trái phép chưa tìm thấy, người dân địa phương phải phối hợp chặt chẽ cơ quan y tế địa phương để bám sát, theo dõi những người lạ, vận động người thân, hàng xóm của những người nhập cảnh để biết được ngày họ về.

Về nguy cơ những người này mắc Covid-19 bởi biến chủng mới của virus SARS-CoV-2, bác sĩ Khanh cho rằng hiện tại, chúng ta chưa biết biến chủng mới đã lan ra toàn thế giới hay chưa. Do đó, nhiệm vụ của người dân và cơ quan y tế dự phòng là cố gắng để nó không lan nhanh hơn.

"Tôi nghĩ sớm muộn gì nó cũng lan ra cả thế giới. Nhưng nó cũng chỉ lây qua đường hô hấp thôi. Do đó, chúng ta chỉ cần tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp dự phòng lây nhiễm cá nhân bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, thông điệp 5K của Bộ Y tế", bác sĩ Khanh nói thêm.

Chuyên gia này nói thêm vấn đề đáng lo lắng nhất hiện tại là những người vượt biên đã thoát ra cộng đồng mà cơ quan chức năng không biết. Lúc này, tương tự các bệnh nhân mới đây, họ sinh hoạt rồi lây ra cộng đồng. Nếu cộng đồng không biết để phòng ngừa thì nguy cơ nhiễm lan rộng rất cao.

"Đó cũng cho mình bài học. Bài học đầu tiên là việc nhập cảnh ở Trung Quốc không rõ nguyên nhân gây đợt bùng phát ở Đà Nẵng. Bài học thứ 2 là lây nhiễm chéo trong khu cách ly và bài học thứ 3 là lần này. Chúng ta cần nhanh chóng lấp lại những khoảng trống, dè chừng tất cả. Khi nào thế giới ổn thì mình mới an tâm được", bác sĩ Khanh nhấn mạnh.

Ngành y tế TP.HCM khuyến cáo hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại ở nhiều quốc gia trên thế giới, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Đường xâm nhập khó kiểm soát nhất là nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở.

Do đó, HCDC đề nghị toàn thể xã hội, cộng đồng và các ngành chức năng cần có biện pháp đấu tranh triệt để nhằm giải quyết vấn đề này. Nếu bỏ lọt các trường hợp này, hậu quả sẽ nặng nề.

Người dân thành phố tiếp tục đề cao cảnh giác, phát hiện và báo cáo chính quyền địa phương các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép. Các cơ quan chức năng rà soát, truy bắt các trường hợp này.

Theo Zing

Nguồn zingnews.vn

Tin liên quan

Tin mới nhất