Đại thi hào của dân tộc Ukraina

(Arttimes) - Tên tuổi Taras Shevchenko (1814 – 1861), đại thi hào Ukraina, bắt đầu được giới thiệu ở Việt Nam từ những năm 60 thế kỷ trước và hai thập niên sau đã trở nên quen thuộc với công chúng Việt Nam. Tên tuổi Taras Shevchenko sánh ngang hàng với nhiều tên tuổi tầm cỡ thế giới về thi ca: A.S. Pushkin (Liên bang Nga), Mickievich (Ba Lan), Gœthe (Đức), Bairơn (Anh), Petofi (Hunggari), Tagore (Ấn Độ). Thơ ca Shevchenko là thơ ca hướng tới khát vọng tự do, hướng về con người và số phận của những con người cùng khổ, mang tính nhân văn sâu sắc.

Đại thi hào của dân tộc Ukraina - 1
Chân dung Taras Shevchenko (1814 – 1861

Mỗi dân tộc đều có một nhà thơ lớn nhất của mình được người dân yêu mến và kính trọng. Khí phách của mỗi dân tộc thông qua nhà thơ lớn của mình thể hiện rõ rệt nhất khi nhà thơ được thừa nhận là người đại diện xứng đáng của họ. Ở Việt Nam có Nguyễn Du, Liên bang Nga có A.S. Pushkin… ở Ukraina có Taras Shevchenko  – những nhà thơ lớn xứng đáng được nhân dân mỗi nước tôn vinh là nhà thơ lớn nhất của dân tộc mình. 

Nói đến một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ lớn là nói đến một trái tim lớn biết đập cùng nhịp với thời đại, biết đau cùng với nỗi đau của đất nước, của đồng bào, đồng thời cũng biết rộn ràng reo ca khi đất nước nở hoa. Taras Shevchenko là một trong những nhà thơ như thế.

Thời đại Shevchenko sống là thời đại của chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng nửa đầu thế kỷ XIX với chế độ nông nô hà khắc mà chính nhà thơ cũng là một nạn nhân. Nhà thơ đã chứng kiến những cảnh đời bất công đầy rẫy trong xã hội Đế chế Nga nên từ trong dòng sữa của người mẹ nông nô nhà thơ đã lớn dần lên trong không khí cách mạng phản kháng chế độ chuyên chế và đòi xoá bỏ chế độ nông nô. Cuộc đời của Taras Shevchenko trải nếm biết bao điều khổ nhục cùng với những người cùng khổ. Taras xuất thân là nông nô. Anh, chị em ruột сủa nhà thơ cũng là những người nông nô. Trong 47 năm sống dưới chế độ nông nô hà khắc thì 24 năm đầu nhà thơ đã phải cam chịu thân phận kẻ nô lệ bị ràng buộc trong tay tên chúa đất Pavel Engelgardt. Rất may mắn, Shevchenko đã gặp được những mạnh thường quân là những hoạ sĩ có tên tuổi thời đó đã đứng ra giúp đỡ, giới thiệu nhà thơ vào học ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật Saint - Petersburg. Để giải thoát Shevchenko khỏi thân phận người nông nô,  hoạ sĩ danh tiếng Briunlov ở Viện Hàn lâm Mỹ thuật và nhà thơ Zhukovski đã bàn cách kiếm đủ số tiền lớn quá sức tưởng tượng đối với thời bấy giờ - 2500 rúp - chuộc lại tự do cho Shevchenko.

                                     

Taras bắt đầu làm thơ vào khoảng những năm 1830-1835. Đó là những đêm trắng rất đặc trưng của thành phố Saint - Petersburg khi chàng trai nông nô trẻ tuổi đến Công viên Mùa hạ vẽ phỏng theo bức tượng thần tiên bằng đá cẩm thạch. Bài thơ balat đầu tay Người đàn bà bị tà ám của Shevchenko công bố trước năm 1835. in đậm yếu tố dân ca Ukraina, chứa đựng âm điệu và hình tượng phong phú, tính chất trữ tình sâu sắc. Được chọn làm bài mở đầu truyện thơ Người hát rong (Kovzar), bài thơ balat đã nhanh chóng trở thành một trong những bài dân ca được quần chúng yêu thích và truyền bá rộng rãi:

“Dòng Đnhiép mênh mang gào rền rĩ/ Gió giận dữ chồm lên hàng liễu rủ/ Rồi cuộn tung những đợt sóng cồn/ Đến chân trời xám ngắt mù sương/ Trăng mờ ảo luồn mây u ám/ Thoắt ló mặt, thoắt ẩn mình như trốn/ Tựa lá thuyền con giữa biển lênh đênh/ Lúc chao mình, lúc cưỡi sóng vượt lên/ Hết eo óc gà thôi gáy sáng/ Chỉ còn nghe trong đêm vắng lặng/ Tiếng cây rừng kèn kẹt canh khuya/ Tiếng con chim đập cánh giữa sương mờ.”

Ngày 22/4/1838, Shevchenko được trả lại tự do làm người, chấm dứt thân phận nô lệ trong tay chúa đất. Với “Giấy chứng nhận trả lại tự do” Shevchenko được nhận vào Viện Hàn lâm Mỹ thuật làm học trò giáo sư - hoạ sĩ danh tiếng Briunlov. Ấn tượng mạnh mẽ của sự đổi đời ấy được nhà thơ ghi lại trong trường ca Katerina (1838) thể hiện tính phản kháng xã hội thông qua cái chết của nhân vật nữ Katerina như một sự xung đột điển hình của thời đại Đế chế Nga. Chỉ hai năm sau (4/1840), báo chí đã nhiệt liệt hoan nghênh truyện thơ Người hát rong của ông. Tập thơ nhanh chóng trở thành cuốn sách gối đầu giường của những người nông nô cùng cảnh ngộ. Theo lời của những người đương thời, hầu hết những gia nhân nông nô nhà mụ chúa đất Sukhanova đều thuộc nằm lòng nhiều đoạn, nhiều chương trong truyện thơ Người hát rong. Chủ đề tư tưởng và nghệ thuật gần với dân ca của truyện thơ đã thu hút đông đảo người đọc. Nhà phê bình văn học Nga Bielinskii trong Ký sự Tổ quốc đã bình luận: “Tên tuổi Shevchenko nếu chúng ta không lầm thì mới xuất hiện lần đầu tiên trên văn đàn Nga, và chúng ta còn cảm thấy vui sướng hơn khi được đón chào nhà thơ với cuốn sách hoàn toàn xứng đáng được sự tán thưởng của giới phê bình. Những bài thơ của Shevchenko rất khó phân biệt với những sáng tác dân gian, bởi nó tự nhiên chân chất khiến đọc lên ta sẽ dễ dàng cho đó là những bài dân ca và truyền thuyết của người dân Tiểu Nga (tức Ukraina), chỉ riêng điều đó thôi cũng đủ nâng cao lên rất nhiều giá trị những bài thơ của Shevchenko”.

Nói lên tâm tư và nỗi niềm của người dân lao động bị chà đạp nhân phẩm, bị đè nén áp bức, Shevchenko đã trở thành nhà thơ đích thực của nhân dân. Nhà thơ không thi vị hoá cuộc sống của quần chúng nhân dân mà tiếp thu và khám phá ý nghĩa quan trọng của việc miêu tả sự thật cay đắng của cuộc đời dưới triều đại tàn bạo Nicolai Đệ nhất. Shevchenko viết: “Muốn hiểu con người cần phải sống với họ. Muốn miêu tả họ thì chính anh phải trở thành con người chứ không phải là kẻ phung phí giấy mực”. Shevchenko đã hành động theo lời tâm niệm đó, trở thành người đầu tiên trong số các nhà văn Ukraina nắm vững phương pháp hiện thực phê phán. Tập thơ Ba năm (1843-1845) cũng như toàn bộ sáng tác của Shevchenko đều thấm đậm những âm điệu dân ca. Chất trữ tình vốn có trong thơ ca Shevchenko được in đậm thêm bởi tư tưởng dân chủ cách mạng của nhà thơ. Dù trước sau Shevchenko là nhà thơ trữ tình, nhạy cảm, nhưng đồng thời ông cũng là nhà thơ không né tránh những xung đột xã hội, mạnh dạn tố cáo mọi bất công trong xã hội đương thời. Nhà thơ kêu gọi nông dân làm một cuộc cách mạng đổi đời với lời thơ mộc mạc thấm sâu vào lòng người: “Hãy đào mồ chôn tôi/ Và đứng dậy bạn ơi/ Lấy máu thù rửa hận/ Ta xây đời tự do” (Di chúc, 1845). Chính vì vậy, người dân Ukraina đã vinh danh Taras Shevchenko là Người hát rong vĩ đại (hay là Ca sĩ nhân dân). Shevchenko được thừa nhận là người đại diện của nhân dân để nói lên nguyện vọng của họ. Điều này có thể tìm thấy trong trường ca Giấc mơ (1844). Dưới ngòi bút trào lộng sâu cay của nhà thơ toàn bộ chế độ quân chủ chuyên chế của Đế chế Nga và bản thân Nga hoàng Nicolai Đệ nhất đã bị phơi trần.

*

Thơ Shevchenko nói lên sự phản kháng đối với sự bất công xã hội. Chúng ta không hề ngạc nhiên khi thấy trong thơ ca thời kỳ đầu của Shevchenko xuất hiện hình ảnh những con người bần cùng, khốn quẫn nhất của xã hội. Đó là anh nông nô tứ cố vô thân, là các chị, các cô gái nô tì bị đau khổ vì sự hà hiếp của bọn chúa đất có thế lực, là những đứa “con thơ đói lả bên bờ giậu”, là người vợ goá bị thúc thuế, người con trai trụ cột của gia đình bị bắt lính vô thời hạn, là người phụ nữ nông nô còng lưng ngày đêm làm đủ mọi việc lao dịch cho nhà chúa đất. Nhà thơ luôn tâm niệm đem ngòi bút nói lên chí hướng sáng tác của mình vì những con người cùng khổ: “Tôi sống lại hôm nay vì họ/ Vì những người bị xiềng xích của tôi/ Những kiếp người bất hạnh tôi đòi/ Tôi ngợi ca những con người bé nhỏ/ Những nô lệ chịu lặng câm muôn thuở/ Nguyện một lòng vì họ, có tôi/ Đứng canh cho quyền được sống làm người”. Điển hình nhất về phương diện này là trường ca Katerina (1838). Trong nền văn hoá thế giới thế kỷ XIX khó có thể tìm thấy tác phẩm nào mà số phận một cô gái nông nô bị quyến rũ, bị làm nhục và bị ruồng bỏ được miêu tả với tính nhân đạo sâu sắc như trong trường ca Katerina của Shevchenko – một thi phẩm mà cốt truyện của nó không tách rời hiện thực đất nước Ukraina thời bấy giờ. Với ngòi bút nhân đạo sâu sắc nhà thơ cho thấy những cảnh đời buồn đau khi những người nông nô của đất nước Ukraina bị coi rẻ nhân phẩm, phải chịu “nhẫn nhục đến mê muội”. Shevchenko đã đưa cuộc đời riêng của nhân vật Katerina trở thành điều trăn trở mang tính xã hội trước số phận của con người. Đây là cách nhìn đậm tính nhân văn vì con người. Trường ca Katerina ngoài tính nhân văn còn mang tính xã hội sâu sắc: cái chết phẫn chí của cô gái Katerina không chỉ đem đến cho người đọc mối đồng cảm tự nhiên mà còn đẩy lên thành sự công phẫn đối với chế độ nông nô hiện hành ở nước Nga và ở Ukraina đầu thế kỷ XIX. Hoặc truyện thơ Petrus (10/1850) có lẽ được sáng tác dựa theo những truyện kể của những người tù bị đi đày mà nhà thơ được gặp trong những năm cuối của 10 năm bị đi đày (1847-1857). Chàng trai trong truyện đã hy sinh thân mình chịu tội chết thay cho cô gái yêu chàng tha thiết. Truyện thơ thấm đượm tính nhân văn sâu sắc thông qua tình cảm cao đẹp của chàng trai: “Hỡi em gái xinh tươi trong trắng/ Hãy cầu trời cho mẹ em đừng gả bán/ Cho người ta đừng mối lái ép duyên/ Vì chiếc lon vàng, vì lộng lẫy cung đền/ Em hãy yêu thiết tha chung thủy!/ Người em yêu không tính toán nhỏ nhen/ Và trong căn nhà nhỏ êm đềm/ Tình em sẽ thiêng liêng và trẻ mãi/ Sẽ chân chất, trong ngần như hoa hé nở/ Trong bóng đêm của nấm mộ em nằm/ Giữ tình em yên giấc ngủ ngàn năm...”

Mang nặng “mối hận thù với chế độ nông nô và với tất cả mọi con đẻ của nó” bất kì ở đâu, Taras Shevchenko đã trở thành người đầu tiên của Ukraina hoạt động chính trị vào nửa đầu thế kỷ XIX, và sau đó trở thành nhân vật quốc tế. Nhà thơ có quan hệ chặt chẽ với những người đại diện cho nền văn hóa và văn học Ukraina: có quan hệ gần gũi với danh hoạ Briunlov của nước Nga, đọc và trăn trở với văn thơ Pushkin, Gogol và đặc biệt ngưỡng mộ các chiến sĩ Tháng Chạp tham gia cuộc khởi nghĩa lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế Nga hoàng (tháng Chạp năm 1825). Shevchenko là người cùng chí hướng và bạn thân thiết với Trernưshevski và Đobroliubov. Nhân cách chính trị của Shevchenko đã hình thành và uy tín của nhà thơ vì thế cũng được nâng cao bởi hai nền văn hoá Ukraina và Nga.

Sau cuộc khởi nghĩa của các chiến sĩ Tháng Chạp năm 1825, vào những năm 30 sau đó, Taras Shevchenko lại được tiếp xúc với nhiều tác phẩm của nền văn học Nga: Nỗi khổ vì có trí tuệ của Griboeđov, nhiều bài thơ ca ngợi tự do của Pushkin, vở Quan thanh tra của Gogol, bài thơ Cái chết của nhà thơ của Lermontov. Lời dự báo của Bielinski được khẳng định trong các tác phẩm tiếp sau của Shevchenko, như trường ca Nghĩa quân (1841), Kẻ tà đạo (1845), Kavkaz (1845), Giấc mơ (1844), Những người mới nhập đạo (1857), các bài thơ Di chúc (1845), Kẻ ngây dại (1857) v.v… Những thi phẩm viết trong những thời kỳ khác nhau cho thấy Shevchenko đã trải qua chặng đường sáng tạo đầy gian lao từ lãng mạn cách mạng đến hiện thực phê phán và tiến tới việc sử dụng thể thơ trào phúng sâu cay, như trong trường ca Giấc mơ 1844 (Cú đấm sái quai hàm). 

Ôn lại chặng đường sáng tác của Taras Shevchenko nhân kỷ niệm lần thứ 208 ngày sinh của ông, chúng ta nói lên ở đây lời cảm ơn chân thành và sự ngưỡng mộ đối với những thi phẩm tuyệt vời của Shevchenko, dạy chúng ta biết sống, đấu tranh vì một cuộc sống tự do, hạnh phúc, và thêm một lần nữa chúng ta càng thấm sâu ý nghĩa cao đẹp trong thơ ông “các dân tộc anh em sống cuộc đời tự do trong một gia đình lớn” mà hôm nay và mai sau sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường để đưa đất nước đến ổn định chính trị, để tập hợp, đoàn kết mọi lực lượng của quần chúng nhân dân cùng chung tay xây dựng đất nước, vì sự thịnh vượng của đất nước Ukraina và sự yên ấm của “đại gia đình” nhân dân Ukraina.

                                                                   

Thơ TARAS SHEVCHENKO (Ukraina) 

 (Nguyễn Xuân Hòa dịch)                                                        

                                      DI CHÚC 

                  

                   Tôi có mệnh hệ nào

                   Thì vùi sâu ba thước đất

                   Giữa thảo nguyên bao la

                   Của Tổ quốc mến yêu Ukraina…

                   Hãy đào mồ chôn tôi

                   Trên gò đất

                   Cho tôi phóng tầm nhìn ra dòng Đnhiép

                   Và lắng nghe tiếng sóng cồn trên sông.

                   Trên những cánh đồng 

                   Khi máu thù loang đỏ lòng sông

                   Cuộn trôi đi theo dòng Đnhiép

                   Thì lúc ấy,

                   Dưới mồ chôn tôi đứng dậy

                   Và bay vút lên tận cổng Trời 

                   Tôi sẽ cầu nguyện đôi lời

                   Nhưng Thượng đế là ai tôi nào biết.

                   Hãy đào mồ chôn tôi

                   Và đứng dậy bạn ơi

                   Lấy máu thù rửa hận

                   Ta xây đời tự do.

                   Từ đây sum họp gia đình lớn

                   Trăm họ một nhà sống tự do

                   Thầm thì khe khẽ lời êm dịu

                    Hãy nói khi nào nhớ tới tôi.

                   Pereiaslav, 25 tháng Chạp 1845

                            

                   CÚ ĐẤM SÁI QUAI HÀM

                                      Trích trường ca  “Giấc mơ”(1844)

                  

                   Buổi thiết triều trong Hoàng cung

                   Các quan đại thần lớn, bé

                   Dàn thành hàng ngang

                   Tất cả đứng ngay đơ như tượng

                   Im lặng nghiêm trang...

                   Nga hoàng bước đến gần tể tướng

                   Ngài tể tướng được Vua trên cho hưởng

                   Một cú đấm sái quai hàm...

                   Ngơ ngác liếm môi nhìn sau trước

                   Tể tướng cáu sườn

                   Thoi vào bụng quan đại thần cạnh đó

                   Chỉ một tiếng “hự” bật ra

                   Quan lớn này ức quá

                   Bạt tai luôn quan bé phẩm hàm

                   Như phản ứng dây chuyền

                   Quan bé phẩm hàm này thụi quan chức bé hơn

                   Còn bọn quân hầu lau nhau bị các quan nện tuốt

                   Chúng nháo nhào chạy ra cửa

                   Dông thẳng ra ngoài phố

                   Gặp dân đen ở đâu

                   Là quật, phang túi bụi.

                   1844

 

KHÔNG ĐỀ

Đằng đẵng bao ngày trên biển vắng

Nay về neo lại bến Đa-ri-a

Bạn bè vui nhận thư nhà tới

Ấm lòng người đọc, trạnh lòng ta.

Bên bạn ta nằm chuyện chẳng khuây

Biết tìm đâu ở thế gian này

Một lá thư nhà hay bóng mẹ

Giây phút cho lòng bớt đắng cay

- Anh có một mình? - Thế vợ anh?

Còn đàn con nhỏ, mái lều tranh

Chị gái, mẹ hiền, ai còn, mất?

Sao chẳng một dòng gửi tới anh…

                            

                   KHÔNG ĐỀ

                  

Sẵn sàng rồi, buồm đà giương cánh

Đoàn thuyền rời bến ngược Đaria

Dòng sông xanh giữa đôi bờ xanh cói

Xa nhau rồi, hỡi Aran hoang sơ!

Cám ơn nhé, Aran hai năm trọn

Bạn giúp tôi quên mọi nỗi buồn đau

Hãy vui lên, loài người tìm thấy bạn

Biết làm gì với bạn mai sau

Tạm biệt nhé mảnh đất này của bạn

Tôi không oán hờn cũng chẳng ngợi ca

Rồi một ngày nào đó ở nơi xa

Tôi sẽ lại thấy nỗi buồn lữ thứ

Của tháng ngày trải nếm xứ Aran.

Gửi N.N.*

Thuở ấy tuổi mới mười ba

Tôi chăn cừu non ngoài bãi

Phải vừng dương kia rạng rỡ

Hay chính bởi lòng tôi vui.

Nào ai hay biết vì sao

Nhìn cỏ cây và hoa lá

Thảy giống thiên đường trên cao...

Tôi đang chìm trong đám cỏ

Nghe ai gọi về ăn chiều

Tôi lặng yên cầu xin Chúa

Dù trên đời một lần thôi

Để lòng nhẹ vơi vui sướng 

Để con tin rộn reo ca 

Dường như bầu trời, thôn xóm

Cùng vui với bầy cừu non

Dưới ánh mặt trời sưởi ấm!

Tất thảy những gì trìu mến

Chỉ thoảng qua trên bầu trời

Mặt trời trên cao đỏ rực

Thiêu rám thiên đường nơi tôi.

Tôi đưa mắt nhìn khắp phía

Xóm thôn chỉ một màu đen

Bầu trời chuyển thành đen xám

Cả khi bạch nhật thanh thiên.

Bầy cừu non tôi nhìn ngắm

Đâu còn của tôi – cừu non! – 

Mái nhà tranh tôi ngắm nhìn

Nhà của tôi đâu còn nữa! 

Chúa Trời không cho gì cả

Tôi chịu phận hèn, đắng cay

Vì tủi thân tôi bật khóc

Không qua mắt cô bạn đường

Cô đến bên lau nước mắt

Và trìu mến hỏi han tôi 

Như người chị chăm em nhỏ

Cúi đầu cô ghé môi hôn.

Lại rạng rỡ mặt trời cao

Dường như vườn cây, hoa lá

Cánh đồng kia, rừng sồi kia

Thảy đều của ta tất cả!..

Rồi hai đứa lại đùa vui

Lại cười vang trên bãi thả

Cùng theo sau đàn cừu non

Lùa xuống đầm kia uống nước.

Hôm nay tôi nhớ lại. Ôi chỉ là chuyện vặt!

Nỗi buồn đè nặng ngực tôi, -

Bởi chưng nhờ Đức Chúa rủ lòng thương

Tôi không phải sống ở thiên đường như thế.

Tốt hơn là cày thửa ruộng quê hương

Tránh được dại ngây mà khỏe khoắn

Không biết số phận mình khốn khổ

Không rủa nguyền Đức Chúa với người dân.

Pháo đài Orsk, 1847.

_____________________         

   * N.N. – biệt danh người bạn gái thời thơ ấu Oksana Kovalenko của Taras                     

 

 THƠ VIẾT TRONG TÙ

Tôi sẽ sống ở đời này hay chết

Trên đất Ukraina, mảnh đất thân thương

Người đời dù quên hay vẫn nhắc tên

Đối với tôi, phải rồi, không can hệ

Phận nô lệ giữa những người xa lạ

Tôi lớn lên trong nước mắt khổ đau

Dù thác đi, thân dẫu xuống mồ sâu

Tôi gói ghém, chết mang theo tất cả

Dù đời sau không ai còn nhớ nữa

Lãng quên tôi trong đau khổ buồn thương

Trên đất Ukraina, mảnh đất vinh quang

Ukraina ta đó – mà như giữa đất khách quê người, 

Cha thân yêu không nói với con trai

Rằng tôi đã sống trên đời như nô lệ:

“Vì Ukraina con nguyện cầu, con nhé!”

Chỉ một điều nhắc nhủ trong tôi:

Đất nước Ukraina bị lũ người gian ác  

Ru ngủ canh dài, chúng ra tay cướp bóc  

Ôi! Điều này tôi đâu thể làm ngơ!

Nguyễn Xuân Hòa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T