Đạo diễn - Nhà văn Vasily Shukshin: Con người hóm hỉnh và hoang dại

Những nhân vật của ông được bạn đọc Việt Nam vô cùng yêu mến. Một anh nông dân lái máy kéo, giấu vợ cả tháng lương, mua một chiếc kính hiển vi. Hai bố con nghỉ làm, nghỉ học, mang kính hiển vi đi soi vi trùng khắp nơi. Chỗ nào cũng thấy. Trong nước giếng, nước mưa, nước đun sôi, thậm chí cả trong…máu, cũng phát hiện vi trùng đang ngọ nguậy. Cô vợ điên tiết. Lừa lúc hai cha con mệt phờ, lăn ra ngủ, mang lên chợ huyện, bán quách.

Đạo diễn - Nhà văn Vasily Shukshin: Con người hóm hỉnh và hoang dại - 1 Đạo diễn - Nhà văn Vasily Shukshin

Một anh chàng đang ngồi tù. Còn vài ngày nữa là hết hạn. Đang đêm, bỗng nghe hương đồng gió nội thổi vào chốn hiu quạnh. Nhớ quê ngút ngàn. Chàng ta vượt ngục. Trở về giữa vụ gặt. Đang thao thao bất tuyệt thì cảnh sát xuất hiện, tóm sống, bắt trở lại tù.

Một anh chàng nữa, từ quê, lên thành phố thăm anh trai. Chị dâu suốt ngày lườm nguýt. Buổi sáng, anh chị đi làm. Ngồi nhà rỗi việc, chàng ta bèn đem chiếc xe nôi của cháu ra sơn lại. Không có sơn màu. Chỉ có sơn đen. Ừ thì sơn gì chả là sơn. Chiều về, hí hửng khoe. Bỗng bà chị dâu mắng chửi té tát: “Sơn thế này thì khác gì xe tang!’’ Người anh vội kéo người em ra phố, vào quán rượu. Người anh thú nhận: “Cô vợ anh, tuy nóng tính như phù thủy, nhưng tốt bụng. Em đừng giận”.

Thế đấy. Truyện ngắn nào của Shukshin cũng đều vẽ nên chân dung những con người kỳ quặc nhưng hết sức dễ thương của quê hương Altai, vùng Volgograd.

Không những nổi tiếng về văn xuôi, V. Shukshin còn nổi tiếng về điện ảnh. Có chuyện, khi thi vào trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK). Đầu tiên, ông nộp hồ sơ thi biên kịch. Nhưng tập truyện của ông gửi đến trường, chữ viết quá nhỏ, rất khó đọc. Mấy cô thư ký đại lười đọc, sợ mất lòng, bèn gặp Shukshin, nói: “Trông anh có ngoại hình oách thế này, thi diễn viên thì hơn!’’ Shkshin sang khoa diễn viên. Nhưng anh gặp mấy thí sinh thi vào ngành đạo diễn, họ nói, đạo diễn là nghề chỉ đạo mọi người làm phim. Tuy bộ phim mọi người cùng làm, nhưng đạo diễn mới là người chủ của bộ phim. Thế là Shukshin quyết định nộp hồ sơ thi đạo diễn.

Nhà làm phim nổi tiếng Mikhail Romm là người hỏi thi vấn đáp Shukshin.

- Anh hãy nói cho tôi biết về Pierre Bezukhov?

- Tôi chưa đọc “Chiến tranh và Hòa bình’’. Sách quá dày. Với lại, tôi không có thời gian.

- Anh nói cái gì vậy? Không bao giờ đọc sách dày?

- Tôi có đọc một cuốn sách dày. Cuốn “Martin Eden”. Cuốn đó rất hay!

- Lạy Chúa! Đấy là tiểu thuyết của Jack London! – M.Romm nổi nóng – Thế mà anh cũng xưng mình là Hiệu trưởng! Anh là một người vô văn hóa! Thế mà cũng đòi làm đạo diễn!

Shukshin cũng bùng nổ:

- Thầy có biết Hiệu trưởng là gì không? Lấy củi. Lo nước uống cho học sinh. Lấy củi xong, phải bổ ra, xếp lại. Làm lò sưởi để học sinh không bị chết rét trong mùa đông. Lại còn phải đi mua sách giáo khoa. Đi kiếm dầu hỏa. Đi tìm giáo viên. Trong làng chỉ có một chiếc xe – bốn móng và một cái đuôi… Và thậm chí, phải dùng bướu của nó để chở hàng… Làm gì có những cuốn sách dày để đọc…

Đạo diễn – nhà giáo Mikhail Romm cảm thấy hạnh phúc. Trước sự thô lỗ của thí sinh V. Shukshin, ông không tức giận. Một con người khôn ngoan xuất hiện trong ông. Lúc đầu, ông định đuổi Shukshin, nhưng sau, ông nghĩ lại ngay. Ông nói với các thầy trong Ban Giám khảo: “Chỉ là người rất tài năng mới có thể có cái nhìn độc đáo như vậy. Tôi cho anh ta điểm 5!’’

Vasily Shukshin là ai mà dám trả lời vấn đáp trong kỳ thi tuyển sinh như vậy?

Ông sinh năm 1929 tại làng Srostky, trong gia đình nông dân. Cha mẹ ông là những người khá giàu trong làng. Khi phong trào tập thể hóa bắt đầu vào năm 1930, họ buộc phải tham gia nông trang tập thể. Cha ông, Makar Leontyevich Shukshin, là thợ cơ khí, một con người cần cù, khảng khái, tôn trọng mọi người. Nhưng những đức tính này không cứu ông khỏi tai họa. Năm 1933, cha của Shukshin bị bắt.

Lúc đó, mẹ ông, Maria Sergeyevna, mới 22 tuổi. Một nách hai con, không ai giúp đỡ, bà mẹ trẻ tuyệt vọng, đã có lúc nghĩ đến giải pháp: đầu độc chính mình cùng hai con. Nhưng số phận đã cứu họ khỏi tội lỗi. Người mẹ trẻ nhận ra rằng, cần phải sống. Nếu không vì bản thân, thì có thể vì bọn trẻ. Cô đi bước nữa với một người đàn ông trong làng, anh Pavel Kukshin.

Chiến tranh bùng nổ. Cha dượng ra trận. Một năm sau, gia đình nhận giấy báo tử. Khi đó, cậu bé Shukshin 13 tuổi, trở thành trụ cột gia đình. Cậu sớm trở nên nghiêm nghị. Năm 15 tuổi, Shukshin yêu cô bé Maria Ivanovna 14 tuổi, ở làng bên. Họ thường ngồi trên chiếc ghế dài cho đến lúc bình minh. Rồi đi dọc bờ biển. Mơ ước…

Năm 16 tuổi, tốt nghiệp lớp bảy, Shukshin từ biệt làng, đi ra “ngoài xã hội’’. Anh vào trường Kỹ thuật ô tô nhưng phải nghỉ học để mưu sinh, nuôi gia đình. Năm 1949, anh nhập ngũ, phục vụ tại Hạm đội Biển Đen, đóng tại Sevastopol. Nhưng căn bệnh loét dạ dày buộc Shukshin phải giải ngũ vào năm 1953. Trở về làng, Vasily và Maria kết hôn. Đó là thời gian hạnh phúc của họ. Shukshin thi hết lớp 10. Anh trở thành giáo viên, dạy Tiếng Nga và Văn học cho học sinh lớp 5 – 7. Anh cũng kiêm luôn công việc Hiệu trưởng.

Nhưng Shukshin dạy không lâu. Anh xin vào trường Kỹ thuật ô tô. Song anh sớm nhận ra, đây không phải là chỗ của mình. Những pit-tông cùng xi-lanh làm anh đau khổ. Anh lại chuyển công tác đến Đảng ủy Huyện. Nhưng vẫn cảm thấy không thích hợp. Anh quyết định đi Moskva, thi vào khoa viết kịch bản của VGIK. Maria không can thiệp vào công việc của chồng. Mẹ anh cũng ủng hộ, làm mọi thứ có thể. Bà bán con bò và tiễn con lên Thủ đô. Năm 1955, Vasily Shukshin đi chinh phục Moskva. Còn Maria thì đến thành phố Novosibirsk để vào trường Sư phạm.

Vào trường điện ảnh, Shukshin như hổ về rừng. Việc học hành và đóng phim chiếm hết thời gian. Hơn nữa, đây là môi trường có nhiều bóng hồng. Hai năm sau, Shukshin quyết định chia tay vợ. Anh viết thư về cho mẹ, nói chuyện bỏ vợ. Nhưng ông bưu tá lại đưa nhầm thư cho chính người vợ của anh. Ông bố vợ biết chuyện, lồng lên Moskva với ý định giết con rể. Nói vậy, nhưng ông không làm gì khi biết Shukshin đã có gia đình khác.

Nhưng người vợ cũ cũng không oán giận Shukshin. Bà trở về làng làm giáo viên. Khi ông qua đời, bà thổ lộ: “Vì một số lý do, tôi vẫn luôn nhớ đến anh ấy. Thỉnh thoảng, nhắm mắt lại, tôi thấy anh ấy đứng trong mắt tôi. Ngay cả khi mở mắt, tôi vẫn thấy anh ấy – trẻ trung, vui vẻ… - Làm thế nào để giải thích được điều này. Thậm chí tôi cũng không biết’’.

Năm 1956, Shukshin được ông thầy của mình – đạo diễn S. Gerasimov mời đóng một vai nhỏ trong bộ phim nổi tiếng “Sông Đông êm đềm” (tập 2). Đây là vai đầu tiên của anh với tư cách diễn viên. Rất ấn tượng. Năm sau, anh lại được đóng vai lớn hơn trong phim “Hai chàng Phedor’’. Nhưng buổi công chiếu đã xảy ra một chuyện. Đêm trước, Shukshin uống nhiều quá, làm loạn ký túc xá. Cảnh sát đến. Bắt anh. Giam ở đồn.

Tổng Bí thư Khrutsiyev biết chuyện. Đích thân ông đến đồn công an để giải cứu anh. Nhưng trưởng đồn không đồng ý. “Tất cả đều bình đẳng trước pháp luật’’. Tổng Bí thư phải thuyết phục mãi. Thậm chí mời trưởng đồn cùng đến dự lễ ra mắt phim, xếp cho anh ta chỗ ngồi tốt nhất. Và buổi ra mắt bộ phim rất thành công.

Shukshin, khi đó đã tỉnh, nhận thấy điều này.

Vừa học, vừa đóng phim, Shukshin lại vừa muốn viết văn. Từ năm thứ ba, theo lời khuyên của thầy giáo – đạo diễn M. Romm, anh gửi những truyện ngắn của mình đến các báo và tạp chí ở Moskva. Và năm 1958, truyện ngắn đầu tiên của anh nhan đề “Hai người trên chiếc xe ngựa’’ được đăng trên tạp chí Smena. Nhưng không gây được tiếng vang. Anh chán nản. Không gửi nữa. Thầy M. Romm khuyên phải kiên trì.

Và hai năm sau, những tác phẩm văn học của anh lần lượt xuất hiện. Tạp chí Tháng Mười, số 3 năm 1961, đăng của anh ba truyện ngắn “Sự thật’’, “Những tâm hồn tươi sáng”, “Tình yêu của Stepkina”. Tạp chí lại tiếp tục đăng và xếp hạng các tác phẩm của anh. Truyện ngắn “Kỳ thi” đăng số 1/ 1962 cùng nhiều truyện khác.

Năm 1962, Nhà xuất bản Cận vệ trẻ đã in tuyển tập đầu tay của anh “Những người dân quê”. Cũng trong năm đó, một tạp chí lớn là Thế giới mới đã in hai tác phẩm của anh là “Người tài xế lạnh lùng’’ và “Grinka Maliugin’’.

Năm 1960, Shukshin tốt nghiệp VGIK với bộ phim “Từ Lebyazhego chúng tôi thông báo’’ nhưng không được chú ý. Bộ phim kể về một ngày làm việc của cơ quan Đảng ủy một huyện trong thời kỳ nóng bỏng của mùa hè. Các đồng nghiệp xem phim xong, chê tơi tả. Họ cho rằng phim đã lỗi thời đến mức nhàm chán.

Nhưng anh không buồn. Vừa đóng phim, anh vừa âm mưu thực hiện những kế hoạch của mình. Năm 1963, trên cơ sở hai truyện ngắn đăng trên Thế giới mới, anh viết kịch bản phim “Có một chàng trai như thế’’. Anh mời bạn bè đóng. Người đồng ý, người không. Bộ phim này được tham dự Fesstival Film Venice và giành Giải thưởng Chính thức.

Nhưng Shukshin lại không hài lòng khi phim của anh được xếp vào thể loại hài và hạng mục dự thi là phim dành cho giới trẻ. Anh nói: “Tôi là người hiểu phim hài một cách nghiêm túc. Nhờ Chúa, tôi may mắn nhận được sự ưu ái từ những bậc thầy của thể loại này. Nhưng trong phim hài, như tôi hiểu, phải hài thực sự. Nhân vật chính của chúng tôi, không hài’’.

Sự thành công của bộ phim đã mở ra cho anh những ngả đường mới. Năm 1963, Shukshin đã có cuộc tình lãng mạn với nữ thi sỹ Bella Akhmadulina, người đóng vai nhà báo trong bộ phim trên. Sau vài tháng, cuộc tình của họ kết thúc… một cách tốt đẹp. Định mệnh đã đưa đạo diễn đến với Victoria Sofronova. Lúc đó cô 33 tuổi, làm biên tập cho tạp chí Moskva. Cô vừa ly hôn.

Cô nhớ lại: Hôm đó, tại Trung tâm nhà văn, có cuộc thảo luận về tác phẩm mới của Shukshin. Sau buổi hội thảo, cô cùng bạn đến một quán café. Không ngờ, Shukshin cùng Akhmadulina cũng đến. Bạn cùng lớp, đạo diễn nổi tiếng A. Tarcovsky cùng vợ cũng có mặt. Victoria chứng kiến cuộc chia tay của Shukshin với nữ thi sỹ thật can đảm. Cả buổi, họ luôn nhìn vào mắt nhau. Đối với cô, điều đó thật ấn tượng.

Rồi Shukshin tìm thấy Victoria. Cô mới ly dị, chưa có con. Cuộc sống của họ ồn ào cùng bạn bè. Nhưng có lần, Shukshin đã đánh nhà quay phim của mình là Sasha Sarantsev vì anh này dám hôn tay Victoria.

Rồi Shukshin mời Victoria đến quê mình. Cô gặp mẹ và vợ cũ của anh. Hai người rất nghiêm khắc, nhưng tốt với cô. Nhưng sau đó, một chuyện gì đã xảy ra với Shukshin làm anh mất hứng thú. Victoria linh cảm cuộc tình sẽ tan. Cô nói với anh điều này. Và cô phát hiện, mình đã có thai.Và vết nứt nghiêm trọng đã xảy ra vào mùa hè năm 1964. Khi đó, Shukshin đi Sudak để quay bộ phim “Biển là gì?’’ của đạo diễn E. Bocharov. Và định mệnh đã đưa anh đến với nữ diễn viên Lidia Fedoseyeva. Năm đó, cô mới 26 tuổi.

Khi Fedoseyeva phát hiện bạn diễn của mình là Shukshin, cô rất buồn. Từ những ngày học chung ở trường điện ảnh, anh đã nổi tiếng với những trận say xỉn. Thậm chí, cô đã gặp đạo diễn, đề nghị thay Shukshin. Nhưng đạo diễn khuyên cô, mọi việc sẽ ổn.

Đạo diễn - Nhà văn Vasily Shukshin: Con người hóm hỉnh và hoang dại - 2 Đạo diễn - Nhà văn Vasily Shukshin với hai cô con gái Masa và Olia

Cuộc gặp đầu tiên giữa Shukshin với Fedoseyeva diễn ra trên chuyến tàu đến Sudak. Cô đi cùng con gái. Lúc đó, cô mới để ý đến Shukshin. Đôi mắt màu xanh lá cây – hài hước, tinh nghịch và côn đồ. Mọi người trong đoàn phim đề nghị cô hát. Và cô hát bài “Hoa Kalina đỏ’’. Bỗng Shukshin nhìn cô với ánh mắt kỳ lạ và đầy khâm phục.

Khi mọi người đã thiếp đi, cô cảm thấy như có người bước vào khoang tàu của mình. Cô nhìn – đó là Vasily. Anh nhẹ nhàng ngồi xuống bên tôi và nói: “Nào, xin mời, em hãy kể về chuyện của em đi”. Và họ nói chuyện suốt đêm.

Để đến được Sudak, họ phải đi bằng xe buýt. Xe chờ bên khu rừng nhỏ. Và cô là người đầu tiên bước lên xe. Nhưng Shukshin đã giữ cô lại. Anh định lôi thứ gì giấu dưới áo khoác. Cô hỏi: “Con gì phải không?’’ Anh lấy ra bó hoa nhỏ. Sau đó, cô biết, đây là bó hoa đầu tiên mà Shukshin tặng một người phụ nữ. Cô đã giữ bó hoa trong một thời gian dài.

Trong khi đó, ngày 12/2/1965, Victoria Sofronova đã sinh bé gái từ cuộc tình với Shukshin. Bé Katya. Vài ngày sau, cô xuất viện. Shukshin đón hai mẹ con. Nhưng Victoria đã biết anh đang hẹn hò với người phụ nữ khác. Cô yêu cầu anh phải đưa ra sự lựa chọn. Nhưng Shukshin nói, anh không hiểu chuyện gì xảy ra và anh không thể lựa chọn điều gì. Cô đuổi anh đi. Dù sau này, anh vẫn đến thăm cô cùng con gái. Nhưng giữa họ không còn mối quan hệ như xưa.

V. Sofronova nhớ lại: “Vasily ở giữa hai đám cháy. Anh ấy được cấp một căn hộ tại Sviblovo. Khi có sự cố xảy ra, Lidia bỏ đi. Anh ấy lại mời tôi và con gái đến ở. Chúng tôi đến. Nhưng tôi không cảm thấy thoải mái. Anh ấy vẫn uống rượu. Chúng tôi rời khỏi anh ấy’’.

Chứng nghiện rượu không những trầm trọng đối với Shukshin mà còn diễn ra với nhiều nghệ sỹ khác như Vladimir Vysotsky, Georgy Burcov… Nhưng những cô con gái đã cứu đạo diễn.

Đó là lần Vasily cùng con gái Masha đi dạo. Trên đường, Shukshin gặp một người bạn. Anh ta mời đạo diễn vào quán nhậu. Họ say sưa uống. Shukshin hoàn toàn quên béng cô con gái. Khi nhớ ra, anh hốt hoảng chạy khắp nơi tìm. Trong lúc tìm, anh tự hứa, nếu tìm thấy con, sẽ không bao giờ uống nữa. Cuối cùng, anh cũng tìm thấy con gái. Và anh giữ lời hứa cho đến lúc chết.

Sau khi có Masha, gia đình Shukshin lại đón cô con gái thứ hai – Olia. Và ông được trao danh hiệu Nghệ sỹ Công huân Cộng hòa Liên bang Nga. Năm 1972, Shukshin quyết định làm bộ phim “ Hoa Kalina đỏ’’. Trong phim này, ông đảm nhiệm nhiều vai: biên kịch – đạo diễn – đóng vai chính. Trước đó, ông đã nhiều lần đưa ý tưởng làm bộ phim về Stepan Razin, một thủ lĩnh nông dân. Ông luôn bị ám ảnh bởi cái chết của cha mình năm 1933. Người ta bắn cha ông vì vu cáo ông chống chính quyền Xô viết. Nhưng ý tưởng đó không được cấp trên duyệt.

Trong phim “Hoa Kalina đỏ”, ông kể chuyện một chàng trai, khi ở tù, được một người con gái viết thư. Ra tù, anh kết hôn với cô gái đó. Anh muốn làm lại cuộc đời mình. Nhưng đồng bọn cũ không để anh yên. Chúng lôi kéo anh trở lại con đường lầm lỗi. Và xung đột xảy ra… Khi làm phim này, Shukshin phải chống chọi với căn bệnh loét dạ dày. Nhiều khi ông trốn khỏi bệnh viện để đi làm phim. Trên trường quay, đồng nghiệp thấy ông xanh rớt, gục xuống, ôm bụng, nén cơn đau.

Đầu năm 1974, bộ phim ra mắt công chúng. Ngay lập tức, nó đạt được thành công rực rỡ ở Liên Xô và quốc tế. Các Liên hoan phim quốc gia và ở Ba Lan, Tây Berlin, Nam Tư… trao giải cho đạo diễn. Hàng triệu khán giả nô nức xem phim.

Tháng 8 cùng năm, Shukshin được đạo diễn S. Bondarchuk chọn vào vai chính, nhân vật Lopakhin, trong phim “Họ chiến đấu vì Tổ quốc’’ theo tiểu thuyết cùng tên của M. Solokhov. Lịch quay dày đặc. Shukshin không thể trở về Moskva vào ngày 1 tháng Chín để đưa con gái Masha đến trường như đã hứa. Đầu tháng 10, sẽ quay xong phân đoạn có vai của Shukshin. Ngoài ra, ông còn phải tham gia một phim nữa ở Leningrad. Vào ngày 4/10, Shukshin buộc phải có mặt tại Moskva.

Đồng nghiệp Y. Nikulin nhớ lại: “Thật là một sự trùng hợp kinh ngạc. Một ngày trước khi chết, Vasily Makarovich đang ngồi trong phòng thay đồ, chờ chuyên gia trang điểm. Ông sẽ đóng cảnh Lopakhin bị bắn trong trường đoạn cuối cùng. Ông lấy vỏ bao thuốc lá Shipka và bắt đầu vẽ. Burkov, ngồi gần, hỏi: “Anh vẽ gì thế ?’’ – “Ông thấy không – Shukshin trả lời - đây là núi, bầu trời, mưa, và nói chung, một đám tang…’’

Burkov mắng bạn. Ông vội giật bao thuốc lá, giấu đi. Ông giấu bao thuốc có bức tranh của Shukshin đến cuối ngày.

Trước đó, ngày 1/10, Shukshin vẫn ở trong tình trạng tốt. Ngày hôm đó, ông vẫn gọi điện về nhà, hỏi thăm các con. Nasha học lớp 1, Olia học mẫu giáo. Vợ ông, Lidia Fedoseyeva, không có nhà. Cô đang dự Liên hoan phim Varna. Đêm đó, trên con tàu Danube, Shukshin đột ngột lên cơn đau tim. Y tá đoàn phim đi dự dám cưới chưa về. Burkov kiếm được ít thuốc zelenin cho Shukshin uống.

Sáng hôm sau, Burkov vào phòng đánh thức Shukshin. Nhưng Shukshin không thể dậy được nữa. Các bác sỹ chẩn đoán do suy tim. Nhưng mọi người trong đoàn phim nghi ngờ. Họ cho rằng ông bị đầu độc.

Thi thể ông được chuyển về Moskva. Ông được chôn tại nghĩa trang Novodevichy. Hàng chục ngàn người đến tiễn đưa ông. Họ mang theo những nhành Kalina – kim ngân – với chùm quả đỏ - đặt lên quan tài ông.

Box: “Thật là một sự trùng hợp kinh ngạc. Một ngày trước khi chết, Vasily Makarovich đang ngồi trong phòng thay đồ, chờ chuyên gia trang điểm. Ông sẽ đóng cảnh Lopakhin bị bắn trong trường đoạn cuối cùng. Ông lấy vỏ bao thuốc lá Shipka và bắt đầu vẽ. Burkov, ngồi gần, hỏi: “Anh vẽ gì thế ?’’ – “Ông thấy không – Shukshin trả lời - đây là núi, bầu trời, mưa, và nói chung, một đám tang…”

Minh Đoàn None

Tin liên quan

Tin mới nhất