Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời

(Arttimes) - Nghệ thuật điêu khắc mang lại nhiều giá trị về cả vật chất và tinh thần, nhưng điêu khắc là bộ môn lao động nghệ thuật nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ nên cũng rất kén người đam mê nó, và chính điêu khắc đã chọn Đinh Thanh làm “Người tạc tượng” cuộc đời.

Nhà điêu khắc (NĐK) Đinh Thanh sinh năm 1942, quê ở làng Đông An, tổng Cát Xuyên, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định (nay là thôn Đông An, xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định). Ngay từ thuở nhỏ ông đã được gửi sang Trung Quốc ăn học theo tiêu chuẩn con liệt sỹ. Rời trường “Dục Tài” Quế Lâm (Trung Quốc) về nước năm 1957, được hơn một năm thì ông ra Hà Nội học vẽ. Ông may mắn được hai anh em họa sỹ Trịnh Phòng và Trịnh Thiệp trực tiếp hướng dẫn. Gia đình họa sỹ họ Trịnh là trường hợp đặc biệt: cả ba anh em ruột Trịnh Phòng, Trịnh Thiệp và Trịnh Kim Vinh cùng học khóa Kháng chiến (1950-1954), do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng. Sau khi tốt nghiệp, họa sỹ Trịnh Phòng và Trịnh Thiệp về giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội và Trường Cao đẳng Sư phạm nhạc họa Trung ương. Riêng họa sỹ Trịnh Kim Vinh, nhân buổi giao lưu giữa Đoàn Thanh niên và Trường Mỹ thuật, thì Kim Vinh bén duyên cùng nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Sau đó hai người được cơ quan tác hợp, tổ chức lễ thành hôn, để chúc phúc cho cặp đôi nhà thơ Tố Hữu ứng khẩu góp vui bốn câu thơ:

“Tổ quốc quang Vinh, gia đình hạnh Phước/ cùng nhau tiến bước, anh Phước chị Vinh/ bây giờ tình đã gặp tình/ chung lòng bảo vệ hòa bình mạnh hơn”…

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 1
Nhà điêu khắc Đinh Thanh. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Đinh Thanh được cả hai thầy Trịnh Phòng và Trịnh Thiệp thay nhau dạy vẽ rất tận tình, cho nên chỉ ít tháng sau Đinh Thanh đã thi đậu vào khoa Điêu khắc đá, Trường “Trung cấp Mỹ nghệ” do thầy Nguyễn Khang làm hiệu trưởng. Khóa học đầu chỉ có 4 khoa: gốm, trang trí vải lụa, sơn mài và điêu khắc đá. Cùng lứa với các anh chị: Tạ Quang Bạo, Lê Ngọc Hân, Trần Tuy, Trần Khánh Chương, Nguyễn Trọng Đoan, Hứa Tử Hoài, Nguyễn Quế, Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Thị Kim Thái… Nhiều người sau này đã trở thành những tên tuổi lớn của nền Mỹ thuật đương đại Việt Nam.

Đinh Thanh nhớ lại một kỷ niệm “thót tim” trong ngày công bố kết quả thi năm ấy. Ông đến từ sáng sớm khi mới “yết bảng”, cẩn thận dò kỹ từng dòng mấy lần mà vẫn không thấy tên mình. Cảm giác thất vọng lo lắng làm Đinh Thanh bồn chồn, nên quyết định đọc kỹ thêm một lần nữa thì chỉ thấy có tên trùng với tên bố nuôi là Đặng Xuân Thiều (Đặng Xuân Thiều là nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng, quê làng Hành Thiện, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Kho tàng thơ ca cách mạng Việt Nam sẽ mãi còn lưu giữ những bài thơ của ông rực lửa đấu tranh cách mạng, khát vọng độc lập dân tộc, đã được truyền tụng khắp các nhà tù thực dân, đế quốc trong những năm 30 của thế kỷ XX). Khi nghe thày Lê Quốc Lộc trong ban Giám hiệu hỏi: “Em trúng tuyển số báo danh bao nhiêu?” Đinh Thanh lo lắng đáp: “Thưa thầy, không có tên em mà chỉ có tên bố em thôi ạ!”. Biết là có sự nhầm lẫn nên thầy đã vội báo cáo với Hội đồng thi sửa lại thành tên Đinh Thanh. Đúng là hú vía…

Rồi khóa học bốn năm cũng trôi mau với bao kỷ niệm buồn vui của một thời tuổi trẻ. Đinh Thanh học điêu khắc, nhưng khi tốt nghiệp lại được phân công về Quảng Ninh, công tác tại Nhà máy sứ Móng Cái. Ít năm sau, ông được đi tu nghiệp chuyên ngành chế tác gốm sứ tại Trung Quốc. Lúc ông về nước cũng là đúng thời điểm chiến tranh biên giới Việt - Trung từ tháng 2 năm 1979 đang diễn ra, đây là cuộc chiến tuy ngắn nhưng khốc liệt. Nhà máy Sứ Móng Cái bị bom đạn Trung Quốc phá hủy nặng nề, do đó năm 1982, ông theo Nhà máy sứ Móng Cái chuyển về Quảng Yên, thành lập Nhà máy Sứ Quảng Yên. Từ phụ trách phòng kỹ thuật, sau đó ông đảm nhiệm vị trí Giám đốc nhà máy cho đến khi nghỉ hưu năm 1990. Ông lập gia đình và định cư ở Quảng Yên, sống an nhàn cùng vợ và hai con trong ngôi nhà gỗ lim cổ, một khuôn viên hoa trái bốn mùa trên đường phố mang tên Vua Bà. Từ đây, cuộc đời ông bước sang giai đoạn mới, ông dành nhiều thời gian hơn để sáng tác, để đắm mình với niềm đam mê nghệ thuật, chính vì vậy mà nhiều tác phẩm điêu khắc đã lần lượt ra đời, được công chúng yêu nghệ thuật đón nhận và đánh giá cao.

Vừa qua, nhân dịp mừng thọ tuổi 80, NĐK Đinh Thanh đã giới thiệu không gian đậm chất nghệ thuật tượng nhà vườn, gồm 30 tác phẩm phong phú về cả nội dung và chất liệu. Mặc dù không gian với quy mô nhỏ, nhưng sang trọng, độc đáo và có giá trị thẩm mỹ cao. Đến mừng thọ và xem triển lãm có nhóm các nghệ sỹ hoạt động nghệ thuật ở Quảng Ninh gồm: Họa sỹ Nghiêm Vinh, Tùng Lâm, Nhà nhiếp ảnh Duy Đoan, Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Hồng, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Lê Đồng Sơn, Nhà giáo Vũ Đức Thắng, Kỹ sư Nguyễn Chính, Đỗ Khang, các anh Nguyễn Công Khanh, Đặng Tiến Hải, nghệ nhân khuôn tượng Lê Huy Thái, cùng nhiều bạn bè, người thân... đã góp mặt trong không gian nghệ thuật điêu khắc nhà vườn đậm nét đồng bằng Bắc Bộ.

Đinh Thanh là người hiền lành, sống sâu sắc, ngay thẳng và từ tốn. Phong thái ung dung tự tại vẫn toát lên vẻ nghệ sỹ hào hoa, tao nhã nhưng hay xúc động và nhạy cảm. Tôi may mằn được nhiều lần chuyện trò với ông, khi thì nhâm nhi li rượu Vodka hoặc chén trà Song Hỷ… Những lúc tĩnh lặng, tôi thường hỏi về những ý tưởng sáng tác của ông. Ông bộc bạch: Tuy học ngành điêu khắc nhưng gần như cả đời gắn bó với sành, sứ, gốm, ít có thời gian dành cho điêu khắc, nên ông khiêm nhường không nhận mình là “nhà điêu khắc” mà chỉ nhận mình là “người tạc tượng” thôi. Tôi bỗng nhớ đến vở opera "Người tạc tượng" của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận, khắc họa cuộc chiến giữa người dân Tây Nguyên và giặc Mỹ vào những năm 60 của thế kỷ trước, mà thầm thán phục ông.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 2
Trái qua phải: Họa sỹ Lê Ngọc Hân, NĐK Tạ Quang Bạo, NĐK Đinh Thanh và Họa sỹ Nguyễn Trọng Đoan. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Những trải nghiệm trong đời, cùng với bao va đập của cuộc sống, giúp Đinh Thanh tích lũy được nhiều câu chuyện, nhiều mảnh đời thăng trầm với đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Ông chậm rãi kể tỉ mỉ về “lai lịch những đưa con tinh thần” của mình mà ông đã đau đáu nghĩ suy và sáng tạo ra chúng. Nhất là trong đợt dịch Covid - 19 lần thứ 4 diễn biến rất phức tạp và nhiều thách thức. Trong những ngày thực hiện thông điệp “Ở nhà là yêu nước, ở nhà là chung tay cùng cả nước chống dịch”, Đinh Thanh cùng với các văn nghệ sỹ khác trong cả nước đã có nhiều sáng tác rất phong phú và thành công trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như thơ, ca, nhạc, họa… Trong những ngày tưởng chừng “bất động” nhưng các nghệ sỹ đã rất “năng động”, nhiều sáng tác nghệ thuật được lan tỏa, vang xa góp phần động viên, khích lệ, làm ổn định tình hình xã hội, nhanh chóng phục hồi kinh tế và góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trong 30 tác phẩm trưng bày trong không gian nghệ thuật này, mỗi tác phẩm của tác giả Đinh Thanh đều có một câu chuyện, một triết lý hoặc một thông điệp cô đọng riêng, toát lên từ những hình khối trong không gian ba chiều, sâu sắc và xúc động, rất nhân văn và cũng rất đời.

Xin điểm qua một số tác phẩm tiêu biểu và ấn tượng của ông:

Tác phẩm “Vua Bà”, Pho tượng đặc tả một cụ bà mặc áo tứ thân, đầu đội nón quai thao, ngồi tĩnh lặng bên bờ sông Bạch Đằng, nhắc ta nhớ lại truyền thuyết vào đầu năm Mậu Tý năm 1288, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh của quân xâm lược Nguyên - Mông. Tại đây, Hưng Đạo Vương đã được một bà lão bán hàng nước thưa tỉ mỉ, chính xác lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp Hưng Đạo Vương bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến. Trận Bạch Đằng đại thắng, Hưng Đạo Vương trở lại bến đò tìm bà lão để tạ ơn, nhưng không thấy, chỉ có một gò mối đùn lên cao hơn một trượng nơi bà lão thường ngồi. Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của ân nhân, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua Trần phong bà làm “Vua Bà” và cho lập miếu thờ tại nơi có quán bán hàng nước, bên gốc cây quếch già hơn 700 năm tuổi… Tác phẩm là biểu tượng của tình đoàn kết quân dân gắn bó trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên - Mông. Vua Bà là một minh chứng cho tư tưởng quân sự của Trần Hưng Đạo về việc lấy dân làm gốc và thế trận quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc.

Tác phẩm “Vua Bà” được nhận hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Bạch Đằng, thị xã Quảng Yên.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 3
Tác phẩm Vua Bà. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Tác phẩm “Đợi” - Một bi kịch sau chiến tranh, chứa đựng “Nỗi buồn chiến tranh” với những “xóm không chồng”, “ngõ không chồng”, “bến không chồng”… ở nhiều nơi trên đất nước đau thương và bất khuất này, trong đó có câu chuyện Xóm không chồng ở Quảng Ninh. Ngày ấy, theo tiếng gọi của Đảng, hàng vạn thanh niên ở khắp các tỉnh thành miền Bắc tham gia phong trào Thanh niên Xung phong, phá đá làm đường phục vụ chiến trường chống Mỹ cứu nước và chiến tranh biên giới, có biết bao cô gái ở tuổi trăng tròn đã bỏ lại quê hương, bỏ lại bao hoài bão ước mơ, bao lời hò hẹn lứa đôi để khoác ba-lô lên đường gia nhập đội quân Thanh niên Xung phong không chút so đo, lưỡng lự. Chiến tranh ngừng tiếng súng, phần lớn các cô chuyển sang xây dựng lâm trường: ngày lên non trồng rừng, chặt tre, đốn gỗ..., cuối buổi xuống núi, cả trăm cô gái nhìn nhau buồn tẻ, ăn xong chén cơm, ra suối ngắm rừng. Nhiều khi cả nhóm mấy chục cô gái tắm truồng tập thể dưới dòng suối trong vắt cũng rất vô tư, vô cảm, dường như trái tim yêu đương của họ đã cằn cỗi theo thời gian, vơi mòn nữ tính…

Ông tâm sự: Cảm xúc đắng đót trước những thân phận của bao cô gái “xóm không chồng” nguyêđã gợi trong ông hình tượng người đàn bà ôm gối ngồi im lặng “Đợi”; như hòn Vọng Phu của thế kỷ XX, hiện thân của những người phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân, không còn nhan sắc, sức khỏe và cả kinh tế nữa nhưng họ vẫn ước thèm một lần được làm mẹ. Vào thời ấy, xã hội hết sức khắt khe, kỳ thị gái không chồng mà chửa; tư tưởng rơi rớt từ thời phong kiến với tục “gọt đầu bôi vôi” để làng ăn vạ gái thất trinh… nghiệt ngã đến vậy mà những người phụ nữ ngày ấy vẫn liều thân để dành quyền được làm mẹ.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 4
Tác phẩm Đợi. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Muốn thể hiện được đề tài này, trước hết tư duy của tác giả phải được tự do, thoát ra khỏi suy nghĩ bảo thủ, cố hữu. Thể hiện phần đầu nhân vật không đội mũ, chít khăn như hình ảnh thường thấy của những cô thanh niên xung phong, mà để tóc trần bay tự do theo gió. Dụng ý tác giả tạc tượng không có mắt để khỏi phải nhìn thấy sự lườm nguýt của họ hàng, làng xóm; không có tai để khỏi nghe những lời đàm tiếu thị phi, để người phụ nữ có đủ nghị lực và niềm tin giữ cái thai cho đủ chín tháng mười ngày; dẫu rằng người mẹ không biết đứa con có bị nhiễm chất độc da cam hay không và liệu nó có được gọi ai đó một tiếng cha!?

 “Đợi” quả là một câu chuyện bi hùng thời hậu chiến! Không phải một mà là cả trăm hòn Vọng Phu tạc vào lịch sử để lên án cuộc chiến tranh vô nhân đạo và phi nhân tính.

Tác phẩm “Duyên thầm” là một bức tượng miêu tả người phụ nữ đã qua tuổi xuân sắc, nhưng thi thoảng vẫn kín đáo soi gương để hồi tưởng lại một thời con gái trẻ trung, với bao mộng mơ ước hẹn, cũng là một hoài cảm, một sẻ chia của tác giả với người bạn trăm năm của mình. Điểm nhấn thú vị của tác phẩm là ông cố ý cho nhân vật giấu chiếc gương tròn sau lưng, rất kín đáo, duyên dáng và dễ thương. Đây cũng là một trong những tác phẩm đẹp, nhiều xúc cảm và tinh tế, nhẹ nhàng, lắng đọng và có ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 5
Tác phẩm Duyên thầm. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Tác phẩm “Bà cõng cháu”, một trong năm tác phẩm đẹp mà ông sáng tác trong những ngày Quảng Ninh thực hiện giãn cách xã hội bởi dịch bệnh Covid -19. Tinh thần của tác phẩm là hồi tưởng lại thời ấu thơ ắp đầy kỷ niệm được bà cõng đi chơi quanh làng Liêu Thượng - quê ngoại của ông. Thoạt nhìn, ta thấy miệng bà bỏm bẻm nhai trầu, vừa đi vừa kể chuyện sự tích ngày xửa ngày xưa. Nắng hong nhẹ trên tán lá bàng xanh che mát tuổi thơ, hạt nắng ngẩn ngơ rơi trên đôi vai bà, rồi trôi theo miếng vá rớt vào tâm hồn tác giả hóa thành pho tượng hôm nay. Ngày xưa “Bà cõng cháu” rong chơi là cảnh sinh hoạt bình dị ở khắp các làng quê trên đất Việt, mà nay lại trở thành ước mơ xa xỉ. Thế mới biết giá trị của một ngày hòa bình quý giá biết bao, đó là điều tuyệt vời nhất mà nhân dân chúng ta đã đánh đổi bằng xương máu để giành được. Nạn dịch covid toàn cầu được xem như một cuộc chiến tranh sinh học toàn thế giới, không tiếng súng mà chết chóc thê lương, khủng khiếp và ác liệt không kém gì những năm tháng bom đạn, không trừ bất kỳ một quốc gia nào!

Điêu khắc thật là kỳ diệu, nó có một thứ ngôn ngữ riêng, giàu mỹ cảm và hoài niệm, có khi ẩn giấu những điều ngoài sức tưởng tượng của con người.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 6
Tác phẩm Bà cõng cháu. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Tác phẩm “Sầu Riêng” (Người phụ nữ ôm đàn tỳ bà) - Bức tượng nói về điều gì?  Không phải tác giả kể lai lịch chiếc đàn “Tỳ Bà” cổ xưa vốn từ Ba Tư dưới dạng đàn Barbat theo con đường tơ lụa đến Trung Hoa rồi du nhập vào Việt Nam, đã từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của các nhạc cụ dân gian”. Nhưng giờ đây nó đã trở thành nỗi u hoài, xót xa cho bao người đã từng yêu mến, nâng niu nó… Đó cũng chính là tâm tư của tác giả gửi vào pho tượng người con gái mảnh mai cánh hạc ngồi ôm cây đàn tỳ bà, mặt cúi xuống, nặng trĩu ưu tư, các ngón tay buông lơi, nức nở như “một nét trầm xao xuyến”! Tác giả Đinh Thanh là người hướng nội, rất quý trọng vốn cổ dân tộc. Ông lo lắng, quan sát và thấy rằng giới trẻ ngày nay đang có xu hướng chạy theo các thể loại âm nhạc hiện đại du nhập từ nước ngoài, mà không quan tâm đến bản sắc dân tộc đang bị bào mòn theo năm tháng. Trong khi người nước ngoài muốn đến Việt Nam để tìm hiểu, chứng kiến các nghệ nhân chơi nhạc cụ dân tộc, thì người Việt Nam lại phũ phàng quay lưng với nó.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 7
Tác phẩm Sầu riêng. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Dẫu rằng lo lắng cho nền âm nhạc dân tộc đang bị mai một là ngoài “tầm với” của một người ở tuổi 80, nên NĐK Đinh Thanh chỉ còn biết dồn nén cảm xúc để gửi gắm vào tác phẩm như một lời kêu cứu bi hùng. Tác phẩm “Sầu riêng” - Người ôm đàn Tỳ Bà thể hiện nỗi trăn trở, lo lắng, nhưng vẫn còn le lói tia hy vọng…

Sau cùng tôi muốn nói đến tác phẩm Hạnh phúc, là bức phù điêu “gò đồng”, miêu tả hai mẹ con đang “tắm tiên”. Từng đường nét trên gương mặt người mẹ và đứa bé rất hoan hỉ, trong lành, ngập tràn hạnh phúc. Ánh mắt hiền hòa của người mẹ ẩn sâu tình cảm yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ con mình. Mái tóc dài của người mẹ như dòng nước tuôn trào quyện vào cơ thể hai mẹ con đang tắm mát giữa dòng sông quê hương. Tác phẩm đã đạt Giải thưởng Bạch Đằng năm 2010. Ngắm bức phù điêu Hạnh phúc của tác giả Đinh Thanh, tôi lại liên tưởng đến những tác phẩm Tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả của danh họa người Pháp William-Adolphe Bouguereau (1825-1905) - một trong những nghệ sĩ chọn đề tài này để sáng tạo suốt đời. Những bức tranh của Bouguereau hướng đến cái đẹp chân thực và thường sử dụng những câu chuyện thần thoại để ca ngợi vẻ đẹp của tình mẹ con. Bức phù điêu Hạnh phúc của tác giả Đinh Thanh cũng mang âm hưởng tình yêu và vẻ đẹp mẫu tử ấy.

Nhà điêu khắc Đinh Thanh - người tạc tượng cuộc đời - 8
Tác phẩm Bức phù điêu Hạnh phúc. Ảnh KTS Nguyễn Hữu Hồng

Còn rất nhiều câu chuyện ẩn chứa trong mỗi tác phẩm của tác giả Đinh Thanh. Ông là nghệ sỹ có khả năng cảm thấu nghệ thuật điêu khắc, đam mê và tâm huyết với một ngành nghệ thuật được sáng tạo theo nguyên tắc về thể tích, hình khối, vật chất trong không gian ba chiều và chịu sự chi phối nghiệt ngã của những quy luật tạo hình. Nghệ thuật điêu khắc mang lại nhiều giá trị về cả vật chất và tinh thần, nhưng điêu khắc là bộ môn lao động nghệ thuật nhọc nhằn, lao tâm khổ tứ nên cũng rất kén người đam mê nó, và chính điêu khắc đã chọn ông làm “Người tạc tượng” cuộc đời.

Ba Tỉnh

Tin liên quan

Tin mới nhất