La Boca - Khu phố nghèo giữa lòng Buenos Aires

Trong những ngày làm việc ở Argentina, cứ hễ khi nào lịch làm việc bỏ trống là chúng tôi lại tranh thủ đi tham quan những điểm du lịch ấn tượng của xứ này. Nơi chúng tôi đến hôm đó là khu phố La Boca nằm trong nội thành Buenos Aires ven bờ sông River Plate.

La Boca là bến cảng đầu tiên, là khu dân cư đầu tiên, ra đời ngay từ khi Buenos Aires trở thành một đô thị ổn định vào năm 1580. Ở đoạn này, dòng sông River Plate đã mở rộng tới dăm bẩy chục cây số, dòng chẩy mạnh xoáy vào đất liền tạo nên một cái vịnh sâu và rộng. Những tàu buôn ba buồm Caravel khi đó đều có thể ra vào vịnh này mà không gặp trở ngại gì.

Kín gió và nước sâu, đó là những ưu điểm lợi thế để hải cảng Rokca La Boca ra đời và phát triển nhanh chóng. Hải cảng xuất hiện kéo theo sự hình thành đồng thời của khu thợ thuyền và dân cư La Boca. Những nhóm dân cư sinh sống ở đây đông đảo hơn cả là những người đến từ nước Ý, trong đó chủ yếu là miền Bắc Ý. Đặc điểm đó đã ảnh hưởng rõ rệt tới phong cách kiến trúc, lối sống, tập quán, màu sắc văn hoá ở khu phố này trong suốt chiều dài bốn thế kỷ tiếp theo.

La Boca - Khu phố nghèo giữa lòng Buenos Aires - 1

Sân bóng đá Boca Junio nằm trong khu phố La Boca

Cuối thế kỷ XIX, những con tàu lớn có trọng tải hàng nghìn tấn ra đời, cảng Rokca không đủ sức tiếp nhận những thương thuyền đồ sộ như thế. Thành phố quyết định xây hải cảng mới, rộng lớn và hiện đại hơn ở một vị trí thuận lợi bên bờ sông River Plate, cách cảng cũ Rokca khoảng 8km về phía hạ lưu. Tuy nhiên cho tới ngày nay cảng cũ vẫn tồn tại. Nơi đây vẫn neo đậu những con tàu nhỏ, là nơi giao nhận hàng hoá nông sản thực phẩm là chủ yếu. để phục vụ cho đời sống dân cư ở vùng Tây Nam thành phố Buenos Aires.

Từ khi không còn giữ vị trí hải cảng chính của thành phố thủ đô, La Boca dần dần trở thành một khu phố xuống cấp và kém phát triển, là nơi ở ngày càng đông đúc của thợ thuyền và những người nghèo khổ. Hạ tầng đô thị ngày một hư hỏng, điều kiện sống và môi trường không đảm bảo. Trong một thời gian dài, La Boca đồng nghĩa với nghèo đói, trộm cắp, ma tuý và các loại tệ nạn xã hội.

Khi xe đi trên con phố mang tên Cochabamba, con phố ranh giới giữa khu thương mại trung tâm San Telmo với khu nhà nghèo La Boca, chị Macxela, cán bộ Phòng Thương mại Argentina (CAC) được phân công đi cùng với đoàn chúng tôi, chị đã nhắc tới một con người có công lớn làm cho La Boca thoát khỏi cảnh bần hàn, khốn khổ để trở thành một khu du lịch nổi tiếng như ngày nay, con người đó đã được nhân dân thành phố Buenos Aires tôn vinh là người cha tinh thần của khu dân nghèo La Boca, đó là hoạ sĩ Benito Quinquela Martín.

Theo Macxela thì hội hoạ ở Argentina được phát triển mạnh mẽ nhờ có sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống hội hoạ dân gian cùng hội hoạ châu Âu, với một đội ngũ đông đảo những hoạ sĩ tài năng tên tuổi. Bất cứ giai đoạn nào cũng nổi lên những hoạ sĩ bậc thầy, đại diện cho một trường phái, một thời kỳ phát triển của hội hoạ. Nửa đầu thế kỷ XIX, hai hoạ sĩ Caclos Morel và Fernando Garxia Molina là những người tiêu biểu. Đến nửa sau thế kỷ XIX thì những hoạ sĩ chủ soái lại là Prilidiano và Cándido López. Vào đầu thế kỷ thứ XX thì hai hoạ sĩ Benito Quinquela Martín và Pedro Figari nổi lên như những đại diện.

Nếu có một hoạ sĩ nào đó, bằng tài năng nghệ thuật và tấm lòng nhân hậu của mình, có thể làm thay đổi cả diện mạo của một khu phố nghèo trăm nghìn dân, trở thành một khu phố cũ với những bản sắc văn hoá được bảo tồn, và trở nên hấp dẫn với khách du lịch bốn phương, người đó chỉ có thể là hoạ sĩ Benito Quinquela Martín.

Bằng tiền bán tác phẩm của mình, Benito đã xây dựng một trường tiểu học cho trẻ em ở La Boca. Ông đã tặng ngôi trường cho thành phố với một điều kiện, nó được dành một phần để làm nhà bảo tàng hội hoạ khu bờ sông. Kết quả là La Boca đã trở thành một khu nghệ thuật mang phong cách rất riêng biệt của những người nghèo. Tranh bích hoạ được vẽ lên tường các ngôi nhà. Các hoạ sĩ đứng sáng tác tranh ngay trên vỉa hè, tranh được triển lãm ngoài phố và bán trong các chợ. Và Benito đã đi tiên phong trong việc vẽ tranh đường phố. Ông trở thành người cổ xuý đầy nhiệt huyết và cũng là hoạ sĩ tài năng nhất của La Boca.

Benito Quinquela Martín còn thuyết phục được nhiều chủ nhà hàng tại La Boca sơn các toà nhà của họ bằng những màu sắc rực rỡ đỏ, vàng, xanh, trắng, tím... Những cửa hàng đầu tiên xuất hiện trong những màu sơn độc đáo, đã như một cách quảng cáo gây sự chú ý cho khách hàng, nên đã bán được nhiều hàng hoá hơn. Thế là hết nhà này sang nhà khác, nhà cao, nhà thấp, rồi cả những ngôi nhà ọp ẹp, xiêu vẹo cũng bắt chước nhau thay cho mình một màu áo mới. Một dẫy phố rồi nhiều dẫy phố nổi lên rực rỡ dưới ánh mặt trời với những màu sơn ngẫu hứng, đã tạo nên một vẻ hấp dẫn riêng có cho La Boca.

La Boca - Khu phố nghèo giữa lòng Buenos Aires - 2

Họa sĩ khuyết tật vẽ tranh trên đường phố La Boca

Khu vực bờ sông của thành phố trở thành nơi tụ tập ưa thích của các hoạ sĩ, các nhà điêu khắc. Rồi các thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ cũng lấy La Boca làm nơi gặp gỡ. Sau hàng chục năm chìm trong hiu quạnh, tới nay, nhiều nhà hàng, quán rượu lại hồi sinh. Du khách thích thú với những cửa hàng và quán ăn sặc sỡ ở đây. Tiếng nhạc sôi động trong các câu lạc bộ nhắc họ nhớ rằng, điệu vũ Tango Argentina hiện đại lần đầu tiên xuất hiện tại một phòng khiêu vũ ở La Boca. Và nhạc sĩ ca sĩ vĩ đại Carlos Gardel, đã từng biểu diễn bài hát lừng danh “Một đêm buồn” tại nhiều câu lạc bộ Tango trong khu La Boca này.

Xe chúng tôi đỗ ngay trên con phố mang tên Pedro de Mendoza sát với mặt hè bến cảng Rokca. Từ trên xe bước xuống, gió từ hướng bờ sông thổi về, mang theo một mùi nồng nặc của nước cống tù đọng. Bến cảng Rokca chẳng khác nào một âu thuyền lớn có đường kính khoảng 1 cây số, hàng trăm con tầu cũ, thậm chí là cả thuyền buồm neo đậu san sát bên mặt bờ kè. Chỉ có một dòng kênh rộng chừng hai, ba trăm mét thông ra dòng chính của sông River Plate. Nước từ sông lớn chảy vào theo thuỷ triều, để rồi hoà tan và khi nước rút lại  kéo đi một phần nước cống thành phố lúc nào cũng tràn ngập trong lòng bến cảng. Bóng những con tầu và những cột buồm phản chiếu rõ nét trên mặt nước sông tù lặng.

Từ khu bờ sông đi ngược lên khu trung tâm, con phố nhỏ đầu tiên là phố Caminito. Nhà cửa hai bên đường nhấp nhô khấp khểnh hai ba tầng, cái to cái nhỏ, xây dựng chắp vá chẳng theo mộtt kiểu kiến trúc nào. Tất cả diện tích mặt tiền các ngôi nhà đều biến thành các quầy hàng bán đồ lưu niệm. Khách du lịch đủ màu da sắc tộc đi lại nườm nượp, tấp nập vào ra các cửa hàng.

Trên vỉa hè đã thấy các họa sĩ đứng bên giá vẽ, say sưa với những tác phẩm dở dang, nhưng bên cạnh đã có hàng chục bức tranh khác được đặt trên các giá hàng, nửa như triển lãm, nửa như bầy bán. Thỉnh thoảng lại có một bức tượng như vô tình đặt giữa lối đi. Một bức tượng mô tả một người lính cứu hỏa tay phải cầm rìu phá cửa, tay trái cắp nách một bé gái đang lao qua một đám lửa. Một bức tượng khác bằng đá, mô tả một người đàn ông quần áo rách tươm đang gục đầu ôm một chiếc mỏ neo, nhưng cặp mắt vẫn ngước lên như đang nhìn về chốn xa xăm hy vọng…

Đến đoạn giữa phố đã thấy lác đác những ngôi nhà sơn phủ bằng những màu sắc sặc sỡ đối chọi nhau. Mặc dù từ lúc trên xe đã được Macxela giới thiệu trước, nhưng đến lúc này tôi vẫn bị ngỡ ngàng trước những ngôi nhà màu sắc tùy hứng, chẳng khác mấy những ngôi nhà gỗ đồ chơi trong các nhà trẻ.

Có một cửa hàng hai tầng sơn màu đỏ tươi khắp lượt mặt tiền từ dưới lên trên, các thành lan can và các khuôn cửa lại sơn màu vàng, còn mái thì phủ toàn một màu xanh lá cây. Một quán cà phê liền kề một tầng, chẳng biết pha trộn thế nào mà tường nhà và cả mái nhà, lại có màu sơn nâu ánh vàng cánh gián của thứ cà phê Arabica hảo hạng. Tiếp đến là một nhà hàng ăn uống ba tầng sơn một màu trắng lốp, không pha trộn bất cứ một sắc màu nào khác.

Để tỏ ra mạnh mẽ và độc đáo không kém, một cửa hàng lưu niệm tiếp theo lại dùng một màu đen kịt để trang trí cho cửa hàng của mình... Nhìn cái cảnh nhà cửa, phố phường rực rỡ sắc màu tương phản, tôi hình dung ra những bức tranh tết Đông Hồ Việt Nam. Những con lợn, con gà tươi tắn, khoẻ mạnh mang đủ sắc màu vàng xanh trắng đỏ, như là ước mơ về một cuộc sống đầy đủ, vui tươi. Những trí lớn trong thiên hạ Đông Tây thường vẫn gặp nhau bất ngờ như thế.

La Boca - Khu phố nghèo giữa lòng Buenos Aires - 3

Cửa hàng bán đồ lưu niệm góc phố Canimito trong khu La Boca

Trên vỉa hè trước một ngôi biệt thự cửa đóng then cài, một cặp vợ chồng nhà kia mượn tạm địa điểm làm sàn nhảy biểu diễn Tango. Một cái đài casette đang mở hết công suất bản Tango nổi tiếng Paloma. Theo tiếng nhạc rộn ràng, hai vợ chồng ôm nhau bước những bước nhảy dài uyển chuyển và điệu nghệ, cuối cùng làm một động tác “te”, anh chồng ôm ngang lưng để cho chị vợ nằm nghiêng sát đất.

Khách du lịch vòng quanh lác đác vỗ tay. Anh chồng, rồi chị vợ quay ra mời khách cùng nhẩy. Một anh Tây đen cao như cây sậy bước vào mời chị vợ. Một bà châu Âu tròn như một thùng dầu đi về phía anh chồng. Người chồng hỏi bà Tây béo thích bản nhạc nào. “One sad night”. Thế là bản nhạc lừng danh “Một đêm buồn” lại vang lên trên một đoạn phố. Hai cặp nhảy quấn quít bên nhau.

Phía bên ngoài lại thấy ai đó bấm máy ảnh toanh toách. Nhạc hết. Họ nghiêng mình chào nhau như nghệ sĩ trên sân khấu. Anh chồng ngả chiếc mũ phớt đang đội trên đầu hướng về hai vị khách. “How much?” (Bao nhiêu?) - hai vị đồng thanh. “Two dollars for one” (mỗi người 2 đô la). OK! Hai người khách thả tiền vào mũ. “Thank you” (cảm ơn). Rồi cả bốn người trên sàn đều vui vẻ cúi đầu chào nhau.

Đoàn chúng tôi hơn chục người cứ tản dần mỗi người một nơi. Người thì chụp ảnh, người thuê vẽ chân dung bằng sơn dầu, người lại nhảy một bản Tango rồi nhờ bạn chụp ảnh hộ làm kỷ niệm. Riêng tôi vẫn cố đi theo Macxela và Lý Lâm để mong được nghe giới thiệu nhiều hơn về La Boca.

Trên vỉa hè, dưới một bóng cây mát mẻ, thấy có vài người khách đang vây quanh chụp ảnh một hoạ sĩ đang vẽ tranh. Tôi lại gần thì thấy người hoạ sĩ này hai tay đều teo lại và ngắn như đôi cánh chim cánh cụt, anh ta ngồi trên ghế trước giá vẽ, miệng ngậm bút vẽ đang say sưa hoàn thành bức tranh phong cảnh bằng sơn dầu. Xung quanh anh treo đầy những bức tranh đã vẽ xong, bức nào cũng gắn giá bán, 15 USD, 20 USD, 30 USD, tuỳ tranh.

Có một bức tượng Đức mẹ Maria đang trong tư thế ngồi, khuỷu tay chống lên đầu gối, đầu bà ngả vào lòng bàn tay cúi xuống âu yếm nhìn Chúa Hài đồng đang ngon giấc ngủ trong lòng mình. Lại có một cô gái đội chiếc mũ vải kéo xụp che kín mặt, hai tay khoanh trước ngực, cô ngồi lên thành hàng rào bao quanh bức tượng, lưng ngả vào chân Đức mẹ Maria, thanh thản với giấc ngủ trong tư thế nửa đứng nửa ngồi. Tôi đã chụp nhanh được bức ảnh đặc tả đó, sau này xem lại, cứ muốn đặt tên cho nó là Giấc ngủ La Boca.

Tới một cửa hàng bán đồ lưu niệm khá lớn có tên là Caminito, toàn bộ mặt tiền tầng trệt sơn xanh, tầng trên sơn 4 màu vàng nâu xanh trắng. Có một ban công nhìn xuống đường, trên đó đặt tượng ba người đúc bằng composit to cỡ người thật. Khuôn mặt và động tác của ba nhân vật được cách điệu ngộ nghĩnh như kiểu tranh biếm hoạ. Cả ba đang tươi cười vẫy chào người đi lại dưới đường.

Bức tượng bên phải mặc quần áo cầu thủ bóng đá, tôi nhận ra ngay người đó, nhưng vẫn hỏi Macxela xem có phải là Maradona? Chị trả lời đó chính là Maradona - Thần tượng của thanh niên La Boca cũng như giới trẻ toàn Argentina. Người phụ nữ đứng giữa với mái tóc vàng là Eva Perón - Thần tượng tinh thần của phụ nữ Argentina, và người cuối cùng bên trái là hoạ sĩ Benito Quinquela Martín - người cha tinh thần của dân La Boca.

Trên vỉa hè phía trước cửa hàng Caminito có một bức tượng cũng bằng composit, đúc hình một chàng Gaucho chăn bò đang ra roi điều khiển một con ngựa bất kham, con ngựa hung dữ như đang muốn hất kỵ sĩ xuống đất. Đứng ở chỗ này có thể thấy được toàn cảnh rất đặc trưng của một góc La Boca, tôi dừng lại, điều chỉnh máy ảnh bấm liền hai kiểu phong cảnh. Chụp xong, lại thấy muốn có một bức ảnh kỷ niệm mình đang đứng giữa phố La Boca, nhưng nhớ lại cái cảnh cướp máy ảnh ở sân Sao Paulo tháng trước, tôi mới đứng đợi một lúc xem có bạn bè đi qua để nhờ chụp hộ.

Hồi lâu không thấy, đành phải nhờ một ông khách đứng tuổi đi qua bấm máy giúp, lấy cảnh tôi đang nắm dây cương con ngựa kéo xuống. Tôi cảm ơn ông già rồi định quay gót bước đi, thì bất thình lình, một cô gái da nâu bước tới kéo áo tôi lại, miệng kêu đô la, đô la, còn tay thì chỉ vào chú ngựa. Tôi hiểu ra là cô đòi tiền vì tôi chụp ảnh chung với con ngựa. Tôi hỏi sao không có biển đề chụp ảnh mất tiền. Cô gái tỏ ra không hiểu tôi nói gì nhưng miệng thì vẫn liên hồi đô la, đô la. Tôi hỏi bao nhiêu, cô xoè tay ra đếm một ngón, hai ngón, ba ngón. Tôi lắc đầu phản đối. Cô gái lại líu lo như chim hót, rồi làm động tác nheo mắt bấm máy một lần, hai lần, ba lần.

Thì ra ý của cô là mỗi lần bấm máy giá 1 đô la, vị chi là 3 đô la tất cả. Tôi lại tỏ thái độ phản đối, thì ngay lúc đó, một thanh niên để ria mép đeo kính đen đã kịp áp sát bên tôi, thái độ không mấy thiện chí, dằn từng tiếng một: “Three dollars!”. Tôi biết là dây phải tổ kiến lửa rồi, đành rút tiền đưa cho cô gái. Ba đô la tuy không lớn, nhưng cái cảm giác bị trấn lột cứ thấy tưng tức trong lòng, dường như cũng làm cho tôi thấy kém hào hứng phần nào với La Boca.

La Boca nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch ngày nay không phải chỉ nhờ khu phố cũ bờ sông, mà còn nhờ vào sân vận động Boca Junior, Macxela nói với chúng tôi như vậy. Thì ra cái câu lạc bộ bóng đá lừng danh thế giới, với chàng cầu thủ lắm tài nhiều tật từng là cậu bé bụi đời ở khu phố bờ sông này, lại ở gần nơi chúng tôi đang đứng. Tại sao lại không đến thăm cơ chứ? Một ai đó nêu lên nguyện vọng và đa số tán thành, thế là cả đoàn lại có mặt ở sân Boca Junior.

Nhìn bề ngoài, sân Boca có kiến trúc tựa như sân Sao Paulo, nhưng xấu hơn và có cái gì đó nhếch nhác hơn. Những con phố nhỏ bao quanh sân vận động làm cho tầm nhìn của sân bị co hẹp rất nhiều, điều đó có vẻ như cũng phù hợp với sự hạn hẹp tài chính của khu phố nghèo La Boca. Ở bên kia đường, đối diện với sân vận động là phòng truyền thống kiêm cửa hàng bán đồ lưu niệm của câu lạc bộ Boca Junior.

Phía ngoài cửa ra vào, hai bên đặt hai bức tranh sơn dầu tả cảnh danh thủ Maradona đang reo mừng trên sân cỏ sau những lần sút tung lưới đối phương. Cách trưng bầy cũng như bài trí ở đây có một cái gì đó cẩu thả, tạm bợ, kể cả hai bức tranh Marađôna ngoài cửa cũng toát lên cảm nhận đó. Nếu so sánh với cách làm bảo tàng và tôn vinh thần tượng của câu lạc bộ, thì Boca Junior không thể so sánh với Santos – Brasil, nơi tôi đã ghé thăm vào tháng trước đó.

Chúng tôi lên xe rời khỏi khu phố nghèo La Boca khi ánh mặt trời đã lặn sau những dẫy nhà, để phản chiếu lên khoảng trời vàng bụi phía Tây những hình dáng khấp khểnh, nghiêng ngả những mái nhà cũ kỹ, hệt như một bức tranh sơn dầu đặc tả theo phong cách hiện đại xứ Nam Mỹ vậy.

“hội hoạ ở Argentina được phát triển mạnh mẽ nhờ có sự kết hợp hài hoà giữa truyền thống hội hoạ dân gian cùng hội hoạ châu Âu, với một đội ngũ đông đảo những hoạ sĩ tài năng tên tuổi. Bất cứ giai đoạn nào cũng nổi lên những hoạ sĩ bậc thầy, đại diện cho một trường phái, một thời kỳ phát triển của hội hoạ

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.