Dương Minh Đức: Không chỉ một đóa cẩm chướng đỏ xô chi…

(Arttimes) - Hoài thai trên con đường chinh chiến của ba mẹ, ở một chiền trường ác liệt bậc nhất thời đánh Pháp là Bình Thuận - Ninh Thuận Liên khu VI, rồi lớn lên ở phố lính Lý Nam Đế, 15 tuổi khoác ba lô vào học trường Nguyễn Văn Trỗi dành cho con em những người sỹ quan đi chiến đấu ở mặt trận, và sau khi học xong phổ thông, lại học tiếp đại học ở Đại học Kỹ thuật Quân sự, cuộc đời Dương Minh Đức như định sẵn rồi anh sẽ gắn bó với binh nghiệp, với sắc áo xanh người lính.

Đúng như vậy. Sau này anh gắn bó suốt cuộc đời với quân đội, nhưng  thay vì là một sỹ quan chiến đấu, hay một sỹ quan kỹ thuật quân sự như các bạn anh, thì đời binh nghiệp của anh lại gắn với nghệ thuật, là một người lính ca hát, một nghệ sỹ quân đội, và rồi suốt cuộc đời nghệ sỹ của anh vĩnh viễn là cuộc đời binh nghiệp, từ đời cha để lại, cho đến hôm nay con trai anh lại tiếp nối,  ba thế hệ cùng mặc áo lính, ba thế hệ theo đường binh nghiệp, ba thế hệ là nghệ sỹ - chiến sỹ…

Dương Minh Đức: Không chỉ một đóa cẩm chướng đỏ xô chi… - 1

Đại tá, NSƯT, nhà giáo, ca sĩ Dương Minh Đức

Là nghệ sỹ quân đội,  sân khấu của Dương Minh Đức là những chiến hào, trận địa… và người thưởng thức đương nhiên trước hết là những cán bộ chiến sỹ, những người lính. Nhưng ít ai biết rằng, tiếng hát người lính Dương Minh Đức (cùng Ma Bích Việt…)  là những tiếng hát đầu tiên của Việt Nam chúng ta vang lên ở Châu Mỹ - La tinh xa xôi , ở các đất nước Cu Ba, Mê hi cô, Panama, Vê nê xu ê la… tận nửa bên kia Tây bán cầu. Nếu như không kể những năm 60,  một Đoàn Nghệ thuật của Việt Nam đã sang biểu diễn ở Cu Ba theo lời mời của Tổng thống Phidel). Những năm thập niên 1970,  nghệ thuật của chúng ta đồng nghĩa là tiếng hát “ngoại giao”, "Mà đem tiếng hát  đốt tim bao người”... Phải nói rằng từ này ấy, Dương Minh Đức với tiếng hát xuất sắc, đã hoàn thành nhiều sứ mệnh cao cả!

Năm 1979, trong đoàn nghệ thuật thanh niên Việt Nam sang Liên Xô  tham dự cuộc gặp gỡ giữa thanh niên hai nước Việt Xô, Dương Minh Đức đã “bỏ bùa” cho các  cô gái Nga  khi hát “Ký ức Ca Chiu sa” của tác giả Thanh Trúc. Anh đã hát  rất mê hoặc, bởi chính anh là người lính trong cuộc: “Một chiều rừng già giữa đường hành quân đi đánh Biên Hòa/ Người chiến sĩ muốn nghe khúc hát tình kachiusa/ Tôi đã hát lên bài ca và tôi đã hát lên bài ca/ Mang tình yêu thiết tha của một miền thùy dương xa”.

 Năm 1981, giọng hát người lính xuất sắc này lại vinh được được cử đi tham dự  cuộc thi âm nhạc “Hoa Cẩm chướng đỏ” tại Xô Chi Liên Xô. Giữa rất nhiều "sao" nghệ thuật của 12 nước xã hội chủ nghĩa lúc ấy, anh vinh dự đọat giải ba cuộc thi, với bài hát” Chiều trên bến cảng” của nhạc sỹ quân đội Nguyễn Đức Toàn -  một bài hát dường như chỉ dành riêng cho Ngọc Tân, nhưng  giọng hát Tenor lên những nốt cao nhẹ, sáng, và  bay của Dương Minh Đức vẫn có những sáng tạo riêng, sức thuyết phục riêng, và đã chinh phục mạnh mẽ Ban giám khảo quốc tế. 

 Sau cuộc thi quốc tế này trở về, trong chuyến đi biều diễn miền Nam của Đoàn nhạc nhẹ Nhà hát ca múa nhạc TW mới đi thực tập tại Tiệp Khắc & Ba Lan trở về, cùng những ngôi sao cùa Đoàn như Mạnh Hà, Quang Thọ, Quang Huy, Vũ Dậu, Ái Vân, Lệ Quyên… Nhà hát mời thêm Dương Minh Đức bổ sung, với mục đích giới thiệu với người xem miền Nam những giọng hát xuất sắc của nền nghệ thuật thanh xuân XHCN, những giọng hát từng đoạt giải thưởng quốc tế mang vinh quang về đất nước!

 (Tưởng một chi tiết này cũng không thể không nhắc lại. Khi đoàn vào biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh, Đoàn đã được thành phố đón tiếp rất thịnh tình, không những thế, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt còn động viên và hỗ trợ cho Đoàn về quê hương đồng chí ở Vĩnh Long biểu diễn để bà con quê hương được thưởng ngoạn)

*

“Năm 1969, tôi thi đỗ vào ngành chế tạo máy tại Đại học Kỹ thuật Quân sự và đã đạt những thành tích xuất sắc trong học tập. Nghề chế tạo máy cũng có cái hay giúp tôi có một niềm yêu thích ôtô sau này. Đến thời điểm này, tôi đã mua bán 20 chiếc xe ôtô, toàn ôtô cũ. Nghèo thì mua xe rẻ tiền, đến giờ tôi cũng chỉ đi xe cũ, nhưng thích lắm vì có “đất dụng võ”, tay chân lúc nào cũng lấm lem vì dầu, luyn. Mê xe là vậy nhưng dường như nghệ thuật & nghiệp cầm ca đã đeo đẳng tôi chưa bao giờ nguôi ngoai. Mà hình như ông trời cũng thương và ủng hộ tôi nên ngay khi ngồi trên ghế Đại học Kỹ thuật Quân sự, tôi đã tham gia Hội diễn quần chúng toàn quân và được giải nhất với 2 bài hát Trong mỗi trái tim ta có Bác Hồ (tác giả Trịnh Nguyên Huân) và bài Hà Nội niềm tin và hy vọng (Phan Nhân). Tốt nghiệp, tôi được giữ lại trường, một thời gian sau tôi muốn học thêm kiến thức về thanh nhạc nên đã thi vào Nhạc viện Hà Nội và đỗ thủ khoa. Thực sự thì đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, có lẽ âm nhạc đã chọn tôi thì đúng hơn. Bản thân tôi cũng đam mê và nỗ lực hết mình nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn cha mình đã biết chỉ ra cho tôi một con đường tri thức, trước khi đến với vinh quang của ánh đèn sân khấu. Sau hai năm học tại Nhạc viện, tôi đã tham dự cuộc thi tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc và đoạt Huy chương Vàng với bài Chiều trên bến cảng. Cũng trong năm đó, tôi tiếp tục sang Liên Xô tham gia cuộc thi “Hoa cẩm chướng đỏ” và đoạt giải 3..”

Dương Minh Đức có lần tâm sự rất khiêm tốn, chân thành về con đường nghê thuật của mình như vậy. Nhưng là một người bạn anh, tôi biết anh còn nhiều điều để nói hơn nữa, cả vinh quang , khổ đau, vinh quang cũng cao ngất và khổ đau cũng tận cùng …của con đường nghệ thuật.

 Một giọng hát rất đẹp, rất bay, rất truyền cảm và giàu sức chinh phục.

 Một nền tảng tri thức, nghệ thuật và thanh nhạc rất vững vàng, hiện đại để biểu diển và để làm thầy.

 Nhiều học sinh thành đạt, đều là những ca sỹ xuất sắc, tên tuổi, mà những Lương Huy, Kasim Hòang Vũ, Thanh Hào, Hương Mơ.., và đặc biệt là Vũ Thắng Lợi và Hồng Hạnh (Đại tá, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc quân đội ) là tiêu biểu.

Một nghệ sỹ quân đội có đông đảo người nghe nhất, là cán bộ chiến sỹ khắp các quân khu, binh chủng hải lục không quân trải dài khắp nước. Cũng là một trong những giọng hát được người lính, bao gồm từ tướng tá cao cấp nhất đến những người lính binh nhì yêu thích nhất.

Một người bạn chân thành, niềm nở, quảng giao, tài năng…, thuộc loại  có nhiều bạn nhất đất nước này, với nhiều cuộc vui đàn hát, bia rượu, đàn đúm mà nhân vật trung tâm không thể là ai khác ngoài anh. Và cũng chỉ là anh có thể ôm đàn hát vào lúc say nhất, mà  không bao giờ lạc tone hay sai lời. Ca sỹ Ngọc Tân đã có lần bảo tôi: “Dương Minh Đức có lẽ là người có nhiều bạn nhất trái đất này ông ạ…”

*

 Lại nhớ có một lấn uống rượu, nhà thơ Hồng Thanh Quang khi ấy là Tổng biên tâp báo Đại Đoàn kết (Quang thân với Đức vì cùng đi học lớp chính trị cao cấp của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). Hồng Thanh Quang nâng ly lên bảo tôi: “Anh phải viết cho em về anh Đức, Về những nỗi đau của anh ấy Những nỗi đau khổ mà với người khác thì gục rồi, nhưng anh ấy vẫn lau nước mắt đứng lên được, hát được…”.

Phải nói Quang nói hùng hồn, xúc cảm lắm, rồi nâng ly. Nói thật, tôi rượu khí kém, nhưng cũng gắng nuốt cho xong ly ấy, chưa bao giờ thấy ly rượu đắng ngắt đến thế. Quang cũng là thi sỹ mau nước mắt, uống cạn ly rượu rồi lấy tay quệt dòng nước mắt đã ứa ra…

 Nhưng sau này, tôi đã không viết theo ý Quang. Chỉ bởi một điều là sự hiện diện và thành công của Đức hôm nay, đã nói lên tất cả. 

 Thế đấy  Dương Minh Đức -  Một cuộc đời, một tiếng hát thật đáng cảm phục. Một cuộc đời, một tiếng hát thật đáng yêu!

 *

Năm 2009, Dương Minh Đức tròn 60 năm cuộc đời, 40 năm ca hát. Liền 4 đêm diễn  của anh được tổ chức tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ.\, đông vui và tưng bừng. Đặc biệt đêm thứ tư ở Nhà hát Lớn Hà Nội hết sức hoành tráng, bạn bè người xem nô nức, một hiện tượng hiếm thấy ngày ấy xảy ra: Bên ngoài có vé chợ đen và giá vé tăng nhiều lần.

Bằng cớ là một người bạn của anh, là thứ trưởng, đi công tác về tới sân bay biết tối nay có Đêm Dương Minh Đức ở Nhà hát Lớn, đã đi thẳng từ sân bay về Nhà hát, và anh đã phải mua một chiếc vé gấp đội tiền để vào xem bạn mình biểu diễn...

Sau đêm ấy, Đức giã từ cương vị Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Quân đội vì  đến tuổi về hưu, nhưng anh không giã từ sân khấu, không giã từ công việc giảng dạy. Anh vẫn tiếp tục đào tạo thêm nhiều ca sỹ trẻ, và tiếp tục cùng những Quang Thọ, Quang Huy, Thanh Vinh, Minh Tuấn... đi biểu diễn  khắp trong Nam ngoài Bắc. Bởi hát với anh, từ thuở thanh xuân, luôn  thiêng liêng như sự sống, như mặt trời không bao giờ tắt.

 Và thật hạnh phúc khi tới đây, với đề nghị của Quân đội, Nhà nước sẽ phong tặng người Nghệ sỹ ưu tú này danh hiệu cao quý: Nghệ sỹ nhân dân . Điều thú vị hơn, là cả thầy và trò - Đại tá Dương Minh Đức và Đại tá NSƯT Hồng Hạnh - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội sẽ cùng được phong tặng đợt này

 Một vinh quang lớn, hiếm thấy của thầy và trò!

None

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Truyện cổ tích: Chàng Trăng

Bây giờ đêm đêm trên dòng thác Pông-gơ-nhi, mặt trăng sáng vằng vặc như một chiếc đĩa vàng in bóng trên mặt nước...

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật  khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ban Tuyên giáo Trung ương gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ

Ngày 15/4/2024, tại Hội trường Quân khu 2 (tỉnh Phú Thọ), Ban tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam  và Tỉnh ủy Phú Thọ tổ chức cuộc gặp mặt của Ban Tuyên giáo Trung ương với các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật khu vực trung du miền núi Bắc Bộ.