Giải Nobel – gian nan tình yêu người đúng nghĩa (kỳ 2)

(Arttimes) - Giải Nobel là một trong những sự kiện văn hóa xã hội toàn cầu trọng đại. Chính vì thế, mùa giải Nobel hàng năm bao giờ cũng được toàn thế giới đón nhận thân thương, trang trọng và nồng nhiệt nhất. Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Mười tới trước Lễ Giáng sinh 25/12 tên Nobel được nhắc tới hầu như mọi lúc mọi nơi, trong các cộng đồng, ở mọi hoạt động, như một niềm kiêu hãnh về sứ mệnh làm người.

Nobel được hâm mộ nhất lịch sử của giải Đó là Nobel hòa bình 1979, trao cho Mẹ Tesera (1910 - 1997), tên thật là Agnès Gonxha Bojaxhiu, người An-ba-ni. Sinh ra trong một gia đình Thiên Chúa Giáo cực kỳ mộ đạo, từ năm 12 tuổi, mẹ đã nguyện hiến đời mình cho Chúa Trời.

Giải Nobel – gian nan tình yêu người đúng nghĩa (kỳ 2) - 1
Mẹ Teresa

Sứ mệnh của Thiên chúa giáo thực chất không khác những tôn giáo khác. Đó là mỗi cá nhân tu nhân tích đức để cứu rỗi loài người. Nhận được điều đó, từ năm 1931, Agnès lấy tên thánh Mere Tesera. Tên này xuất phát từ tấm gương bất hủ của hai nữ tu kiệt suất, Sainte Therese d’ Avilla (1515 - 1582), người Tây Ban Nha và Sainte de l’Enfant Jesus (1873 - 1897), người Pháp.

Tấm gương chói lọi lòng nhân ái ấy, Mẹ Tesera bền bỉ và nồng nhiệt noi theo suốt đời. Cội nguồn thiện lương siêu đẳng của Mẹ Tesera là tấm lòng cao cả hiếm thấy của cha mẹ Mẹ. Thời ấy, do diều kiện lịch sử, trẻ em An-ba-ni, nhất là trẻ em dân tộc ít người như chị em Mẹ, thường không được đến trường. Cha tìm đủ mọi cách để hai con được đi học. Mẹ chăm chỉ hơn chúng bạn nhiều, để ít nhất không phụ lòng cha. Mẹ say mê đọc nhiều sách bất cứ lúc nào có thể. Kiến thức muôn màu của nhân loại đến với Mẹ rất sớm và dồn dập. Mẹ đặc biệt chú ý đến những kiến thức về Thiên chúa giáo. Sáu năm liền, Mẹ mày mò tìm hiểu không mệt mỏi về tôn giáo mà hai thân sinh của Mẹ dốc sức phụng thờ. Qua sách vở, qua các linh mục, qua các cuộc hành hương.

Lẽ sống của Mẹ vậy là được định đoạt: truyền thụ cho càng nhiều người dân càng tốt lý tưởng cứu nhân độ thế của Chúa. Muốn truyền giảng hiệu quả nhất, người truyền giáo phải tạo được không khí an nhiên, thánh thiện. Thế tức người đó phải là sứ giả thực sự của Chúa. Sứ giả của Chúa thì cần thông tỏ mọi sự ở nhân gian, yêu thương quý trọng mọi sinh thể, từ bi đại độ và thu phục được lòng người. Do đó, Mẹ nỗ lực tu luyện hoàn chỉnh nhân cách và thu nhận đầy đủ hiếu biết. Mẹ hiểu rằng có lẽ thân phụ của Mẹ, tử nạn ngay sau Đại chiến I, cũng mong Mẹ dấn thân cho công trình gian nan mà cao quý của Chúa Trời.

Năm 18 tuổi, Mẹ xin thân mẫu cho gia nhập một hội đoàn Thiên chúa giáo. Ấy là dòng nữ tu Lorette. Thân mẫu tán thành. Nhưng em trai không ủng hộ. Mẹ an ủi em và vẫn nhất định theo đường đã chọn. Mẹ bèn đến Viện nữ tu Lorette, nước Ai-len bé nhỏ. Trong sáu tuần, Mẹ được huấn luyện kỹ lưỡng những phương pháp đi vào và hòa hợp thân thiết với nhân quần, cũng như những nghệ thuật truyền giảng chân thực và lôi cuốn tuyệt đỉnh. Thực ra, những chuyện này, Mẹ đã tự tu dưỡng suốt sáu năm vừa qua.

Cuối năm 1928, Mẹ xin dòng nữ tu Lorette cho sang Calcuta, Ấn Độ, một trung tâm Thiến chúa giáo thời ấy. Sự nghèo khổ của dân ở đây khiến Mẹ choáng váng và đau lòng. Mẹ không thể dửng dưng với họ. Phải làm gì để giúp đỡ họ ngay một cách thiết thực. Đó là biểu hiện cụ thể lòng tận tâm với Chúa. Bước ngoặt ấy trong đời Mẹ xuất phát từ sự ngưỡng mộ thân mẫu. Từ bé, Mẹ Tesera đã chứng kiến thân mẫu hay đón người nghèo khổ hoặc cơ nhỡ về ăn chung mâm cùng gia đình mình. Thân mẫu cũng hay đưa Mẹ đi cứu trợ những phận người đó ở khắp chốn đồng quê và thành phố.

Thân mẫu “định hình” trong tim Mẹ tâm niệm rằng những người không may mắn nói trên vẫn đáng quý trọng và hãy luôn luôn chia sẻ miếng ăn mảnh mặc cùng những buồn phiền với họ; không chia sẻ như vậy, ta không ăn ngon ngủ không yên, ta không thể yên lòng. Thế là Mẹ xin phép bề trên cho giao lưu hỗ trợ với dân lao khổ bên ngoài tu viện. Bề trên cho phép từng chặng một. Nhiệm vụ chính là thực tập truyền giáo, Mẹ vẫn hoàn thành mỹ mãn. Sau hai năm thực tập thành tích cao, Mẹ được vào đại học tôn giáo, dạy tôn giáo là chính, và các môn chung như địa lý, lịch sử…

Tốt nghiệp, Mẹ được bổ nhiệm làm giáo viên địa lý ở trường Saint - Marie, trường dành riêng cho con cháu tầng lớp khá giả nhất của Calcuta.

Năm 1944, Mẹ trở thành hiệu trưởng trường này. Một lý do của việc đề bạt, Mẹ nổi tiếng từ việc tích cực tham gia chữa trị cho người nghèo trong một phòng khám nhân đạo (1931 - 1937). Đến nỗi Mẹ được mời giảng dạy cho một trường tôn giáo, với những lớp 300 trẻ. Tình yêu thương con người thăm thẳm, đức tin kính Chúa thanh cao nồng thắm, kiến thức uyên bác cao cả của Mẹ đã hút hồn bọn trẻ. Chúng đồng thành gọi Mẹ là Mẹ Tesera từ đó.

Khát khao toàn tâm toàn ý phụng sự dân nghèo lớn lên mãi và hôi thúc Mẹ không ngừng. Năm 1948, Mẹ được Giáo hoàng Pie XII cho phép rời dòng nữ tu Lorette, theo sở nguyện của Mẹ, tới sống ở một khu phổ ổ chuột của Calcuta và hoạt động độc lập. Mẹ bắt đầu mặc giống công nhân quét đường Ấn Độ bấy giờ: áo dài trắng (tượng trưng cho sự thuần khiết), với ba giải chéo xanh da trời, gắn trên áo (tượng trưng cho nghèo khổ, tuân phục và tận tâm). Mẹ mở những lớp học cho trẻ em đường phố. Rồi Mẹ học y học cơ bản. Mẹ ăn ở cùng những người dân nghèo khổ nhất. Cùng họ cực nhọc tìm kiếm miếng ăn cái mặc cho họ. Chữa bệnh cho họ. Giải thoát cho họ muôn kiểu bế tắc tinh thần. Từng chút một, đem lại cho họ lòng tự tôn và tự tin… Nhiều học trò cũ và nữ tu lục tục tìm đến với Mẹ. Dân các nơi tự nguyện hỗ trợ Mẹ về vật chất để Mẹ đỡ vất vả trong công việc bận rộn và biến hóa khó đoán. Không phải không có những chuyện buồn. Ví dụ, có cộng đồng không ít người muốn tẩy chay nhóm từ thiện của Mẹ. Nhưng khi một người của họ thập tử nhất sinh, Mẹ và đồng sự nhanh chóng ra tay ứng cứu. Người đó thoát chết và nhiều người trong họ đi theo Mẹ… Có nơi không cho Mẹ ở lại chữa trị cho bệnh nhân phong. Mẹ bèn cho xe cứu thương lưu động tới một thời gian rồi lui, rồi lại tới nữa… Họ chấp nhận và còn hoan nghênh…

Năm 1982, Mẹ biết 37 trẻ thơ đang nằm viện ở biên giới Israel - Palestine có thể mất mạng, vì súng đạn hai bên nã vào nhau ngày một dữ dội. Mẹ lớn tiếng yêu cầu hưu chiến. Nể, họ hưu chiến. Mẹ nhờ Hội chữ thập đỏ đưa Mẹ vào bệnh viện đang bị oanh tạc, đưa các em nhỏ ra ngoài… Một số tổ chức và cá nhân muốn giúp tiền không thôi, Mẹ không nhận, vì muốn họ cùng hợp tác bằng cả hành động…Do đó, Mẹ bị chê bai và chỉ trích… Năm 1950, trước quy mô hoạt động mở rộng không ngừng và lượng người tham gia ngày thêm đông đảo, Mẹ xin phép Tòa thánh Vatican thành lập Quỹ kính Chúa thương người, thực chất là một dòng nữ tu mới lớn mạnh từng ngày.

Về sau, Mẹ còn thành lập những dòng nam tu. Từ đó cho tới khi Mẹ qua đời, 1997, các hội đoàn tôn giáo của Mẹ, chủ yếu là dòng nữ tu (nhân sự 4000 người), hoạt động sôi nổi, từ Calcuta ra nhiều nơi ở Ấn Độ, từ Ấn Độ ra 123 nước, trong đó có Mỹ. Với 610 chương trình lớn, chăm lo hàng triệu người yếu thế, người nghèo, người ngoài lề và dưới đáy xã hội, người bệnh, người bị bỏ rơi hay hắt hủi, người sắp lìa đời… Trong hàng trăm trại tị nạn, nhà tình thương, viện an dưỡng, trại trẻ mồ côi, trường đường phố…Xúc động nhất là các Tổ ấm vĩnh biệt cõi trần. Ở đó, hàng chục hoặc hàng trăm người hấp hối được hưởng những ngày tháng cuối cùng hạnh phúc như trong gia đình nghĩa tình trọn vẹn…

Trong nhiều giải thưởng Mẹ được tặng, đáng chú ý là Giải hòa bình của Giáo hoàng Jean XXIII năm 1971 và giải Nobel hòa bình 1979. Mẹ Tesera có lẽ là nhà tu hành duy nhất trên hành tinh được hưởng quốc tang (của nhà nước Ấn Độ) khi mẹ rời cõi tạm. Mẹ cũng là nữ tu duy nhất được tuyên phúc nhanh bất thường (thông lệ là 5 năm, Mẹ 2 năm). Lễ tuyên phúc, số người tham gia là kỷ lục, 300.000 người. Mẹ cũng được phong thánh vào hàng nhanh nhất, năm 2016, chín năm sau khi về cõi cực lạc. Nhiều nhà thờ tưởng niệm Mẹ đã và đang được xây dựng ở nhiều địa chỉ hành tinh. Đương nhiên, Mẹ đã và vẫn đi vào văn học nghệ thuật như một nhân vật mỹ lệ nhất toàn cầu.

Lễ Mẹ Tesera được tổ chức hoành tráng trước tiên ở Ấn Độ vào ngày Mẹ qua đời, 5/9. Nobel hòa bình trao cho Mẹ hẳn là giải được ngưỡng vọng nhất trong lịch sử Nobel. Với thời gian, giải đó được biết đến ngày càng sâu rộng, trong dân cư toàn cầu, từ các chính khách, học giả, văn nghệ sỹ tới dân thường mọi nẻo, trong tôn giáo, triết học, chính trị, khoa học muôn màu, trong chiêm nghiệm trăm hình ngàn vẻ của cuộc đời. Mẹ là một trong những con người người nhất. Dân thường có chung với Mẹ nỗi đau thầm kín: Chúa có tồn tại thật không? Nếu có Chúa, sao trần gian vẫn nối tiếp biết bao phi lý, bất công, đau khổ, ô nhục? Dân trí thức chia sẻ với Mẹ chân lý rằng: nền tảng của tồn vong và phát triển của nhân loại là hòa bình. Hòa bình đây phải là yêu thương vị tha, hợp tác thực lòng, nhìn nhận bình đẳng, hưởng thụ liêm chính. Nền tảng của hòa bình là tình yêu. Tình yêu được vun xới từ gia đình. Mọi người tâm đắc với Mẹ về đúc kết cõi thế: Quả của im lặng là cầu nguyện/Quả của cầu nguyện là đức tin/Quả của đức tin là tình yêu/Quả của tình yêu là phụng sự/Quả của phụng sự là hòa bình…

(Còn nữa)

Đường Nhất Thi

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.