Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 2): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Làm ra cái mới

Đổi mới căn bản và toàn diện trên thực tiễn lịch sử là làm ra cái mới - cái chưa hề có với tư cách anh hùng thời đại, đủ sức dẫn dắt lịch sử cố vươn lên cho ngang tầm triết học hiện đại.

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 1): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Định hướng lý thuyết

NGHỊ QUYẾT 29/NQ-TW của Hội nghị Trung ương 8, khoá XI khẳng định:

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục là yêu cầu khách quan và cấp bách.

Đổi mới, về triết học, là vượt bỏ CÁI CŨ, làm ra CÁI MỚI lần đầu tiên xuất hiện trên lịch sử.

CÁI MỚI là anh hùng thời đại, đi hàng đầu, những gì đã có - CÁI CŨ - đều lùi xuống “hạng nhì”, đi theo sau.

Về triết học, CÁI CŨ bị phủ định nhưng trên lịch sử vẫn tồn tại với tư cách “hạng nhì”, chờ CÁI MỚI sai bảo khi cần.

Đổi mới là một hành động lịch sử, làm ra sản phẩm mới, mang năng lượng mới cấp cho lịch sử vận động, thực thi bước tiến lịch sử.

CÁI MỚI là CÁI lần đầu tiên xuất hiện trên lịch sử, với sự sống và sức sống đặc trưng cho mình, cho riêng mình.

CÁI MỚI đầu tiên, có thể chọn làm ví dụ về kẻ trung gian, là chiếc gậy khều, truyền tác động của Chủ thể đến Đối tượng.

Chiếc gậy khều đã thực thi bước chuyển lịch sử, từ cách cư xử trực tiếp (đưa tay với quả trên cao) sang cách cư xử gián tiếp: dùng chiếc gậy khều để khều quả trên cây, cao quá tầm với tự nhiên của cơ thể.

Từ quan hệ trực tiếp Chủ thể - Đối tượng sang quan hệ gián tiếp Chủ thể - Gậy khều - Đối tượng là bước tiến đầu tiên của lịch sử sự sống.

Sự sống, ở điểm xuất phát lịch sử, chỉ có quan hệ trực tiếp: Chủ thể - Đối tượng.

Chiếc gậy khều xuất hiện là dấu hiệu đáng tin về sáng tạo của sự sống. Hành vi lịch sử này có giá trị triết học là làm ra CÁI MỚI cấp cho chủ thể thực thi quan hệ với Đối tượng:

• Trực tiếp: Chủ thể - Đối tượng

• Gián tiếp: Chủ thể - Gậy khều - Đối tượng.

Hai hành động nhặt/ chặt biểu hiện hai trình độ phát triển lịch sử - triết học:

- dùng cái-có-sẵn (nhặt)

- làm ra CÁI MỚI để dùng (chặt).

Nhân thể, tôi xin nói trước nguyên tắc này trong giáo dục hiện đại: Không đưa đến cho trẻ em cái-có-sẵn (ví dụ, các định nghĩa trong sách giáo khoa).

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 2): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Làm ra cái mới - 1

Ảnh minh họa 

*

*     *

Đổi mới là vượt bỏ CÁI CŨ, làm ra CÁI MỚI, mới về cả lịch sử lẫn triết học.

Trên thực tiễn lịch sử, cả CÁI MỚI lẫn CÁI CŨ, cả hai cùng tồn tại bên nhau, nhưng với hai tư cách triết học khác nhau:

CÁI MỚI được khẳng định.

CÁI CŨ bị phủ định.

CÁI MỚI đi hàng đầu, dẫn dắt, đưa lịch sử vươn lên.

CÁI CŨ theo sau, chờ sai việc.

Đổi mới căn bản và toàn diện trên thực tiễn lịch sử là làm ra CÁI MỚI - cái chưa hề có với tư cách anh hùng thời đại, đủ sức dẫn dắt lịch sử cố vươn lên cho ngang tầm triết học hiện đại.

CÁI MỚI là mục đích, đang hình thành, ở phía trước, cấp năng lượng cho lịch sử vận động.

CÁI CŨ trở thành điều kiện/ phương tiện phục vụ cho sự hình thành mục đích mới.

Dù cố hết sức để “phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm” của CÁI CŨ thì lịch sử cũng chỉ có bấy nhiêu năng lượng. Để phát triển, lịch sử cần có thêm năng lượng mới của CÁI MỚI.

Chỉ có CÁI MỚI mới có năng lượng mới đủ cấp cho lịch sử thực thi bước phát triển mới.

Đổi mới căn bản và toàn diện là làm ra CÁI MỚI theo định hướng triết học.

CÁI MỚI hình thành theo nguyên lí triết học chưa hề có mà CÁI CŨ không thể có (dù ra sức phát huy ưu điểm của nó).

Đi bộ dù có ra sức đến mấy cũng không thể đuổi kịp xe đạp.

Xe đạp dù có ra sức đến mấy cũng không thể đuổi kịp ô tô.

Đổi mới thuộc tiến trình vận động lịch sử tự nhiên, theo định hướng triết học, dù là tự phát hay tự giác.

CÁI MỚI là mục đích của lịch sử ở trình độ phát triển ấy.

CÁI CŨ vốn là CÁI MỚI thời trước, nay trở thành điều kiện/ phương tiện phục vụ cho mục đích mới.

Lịch sử là lịch sử sự sống.

Sự sống là thực thể phát triển, tự-nó-và-cho-nó. Do đó, phát triển là tiến trình tự nhiên của sự vận động và thành tựu tự nhiên của sự vận động ấy. Vì vậy, lịch sử không sai lầm.

Đổi mới không phải “phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm” của quá khứ, mà là làm ra CÁI MỚI - cái chưa hề có trong tiến trình vận động tự nhiên của lịch sử.

Đổi mới căn bản và toàn diện không phải là “phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm”của CÁI CŨ - quá khứ, mà là vượt bỏ quá khứ, vượt bỏ CÁI CŨ như một tổng thể toàn vẹn. CÁI CŨ hay CÁI MỚI đều là cơ thể sống lịch sử.

CÁI CŨ/ CÁI MỚI làm nên lịch sử. Điều cần nói là thời điểm nảy sinh - hình thành - vận động trong tiến trình lịch sử mà triết học thường phân ra bên này chân lí, bên kia sai lầm.

CÁI CŨ vốn là chân lí ở thời điểm của mình. Đến thời điểm này, nó trở nên sai lầm.

Chân lí/ sai lầm là bản tính triết học của lịch sử.

Chân lí ấy thì có sai lầm ấy. Sai lầm ấy sinh thành và trưởng thành cùng chân lí ấy. Không thể loại bỏ cái này để lại cái kia. Nếu cần thì vượt bỏ cả hai. Vượt bỏ cả hai tức là “đổi mới căn bản và toàn diện”, là làm ra CÁI MỚI với nguyên lí triết học chưa hề có.

Đón đọc > Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 3): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Thiết kế / Thi công

Hồ Ngọc Đại

Tin liên quan

Tin mới nhất