Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 4): Thiết kế nền giáo dục hiện đại

Đề bài cho thiết kế nền giáo dục hiện đại là: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, hiểu là vượt bỏ cái cũ, hình thành cái mới.

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 3): Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - Thiết kế và Thi công

• Làm nhà cổ truyền ba gian hai chái thì chờ ngày lành tháng tốt, bà con hè nhau làm.

• Làm nhà hiện đại 5 tầng thì kiến trúc sư chia ra hai công đoạn: Thiết kế / Thi công.

Làm giáo dục hay làm nhà đều có thể phân biệt kinh nghiệm / khoa học.

Làm nhà trệt ba gian hai chái thì làm theo kinh nghiệm ngàn đời.

Làm nhà hiện đại 5 tầng thì làm theo khoa học, với hai công đoạn: Thiết kế / Thi công.

Từ thiết kế trên giấy, còn phải lập mô hình trực quan, bằng vật liệu vật chất, cho người thi công có thể cảm nhận cảm tính.

Trường Thực nghiệm, 50 – 52 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội xây dựng trên nền đất lấp ao hồ.

Từ san lấp mặt bằng đến khánh thành khu trường, tôi là chủ đầu tư.

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục có thể hình dung như xây Trường Thực nghiệm hiện đại 5 tầng, so với dựng nhà trệt cổ truyền 5 gian hay cả trăm gian.

*

*       *

Quãng những năm “đổi mới” đầu thập niên 90, tôi được mời đến nói chuyện về Giáo dục hiện đại – Trường Thực nghiệm ở Uỷ ban kế hoạch Nhà nướ, theo lời mời của ông Mai Kỷ, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban.

Ông Mai Kỷ hỏi: Chúng tôi có thể giúp gì cho các anh?

- Chúng tôi chưa có trường, phải học nhờ, vật vã nhiều nơi.

- Tôi cho anh 500 triệu “đặt gạch” xếp hàng đầu tư.

Ít lâu sau, tôi được Thủ tướng Đỗ Mười mời gặp: Cho anh sang Cu-ba chọn ngôi trường hiện đại nhất làm mẫu, về xây Trường Thực nghiệm ở Hà Nội.

Đã có chủ trương của Chính phủ, ông Trần Vỹ - Chủ tịch UBND Hà Nội dẫn tôi đến khu hồ ao rau muống, mênh mông nước. Đứng trên gò cao, ông khoát một vòng tay: Đất xây trường đấy, lấp 4ha.

Ông giao cho Viện thiết kế xây dựng Hà Nội, Viện trưởng – Kiến trúc sư Lê Văn Lân, thiết kế theo “đầu bài” của tôi:

1. Có ba loại nhà:

- Nhà học

- Nhà ăn

- Nhà ở: cho thầy cô giáo - cán bộ địa phương, cho nghiên cứu sinh - thực tập sinh về ở dự giờ.

2. Có ba loại sân: Sân bóng đá, sân bóng rổ, sân bóng chuyền và cầu lông.

Còn có sân sỏi dưới rừng phi lao, cho bé gái chơi.

3. Có hai khu đất:

- Khu xây trường: 2ha

- Khu trồng rừng: 2ha, cho trẻ vào chơi trốn tìm, dễ lạc nhau.

Khai giảng năm học đầu tiên 1978 – 1979, các lớp học là lán xây dựng bỏ hoang, khi xây xong khu tập thể Giảng Võ. Mãi gần cuối thế kỉ XX, khu trường mới, ở 50 – 52 Liễu Giai, mới đón học sinh chuyển về học.

*

*      *

Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 4): Thiết kế nền giáo dục hiện đại - 1

Ảnh minh họa 

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục được khẳng định lần nữa, bằng Nghị quyết 29/NQ-TW, thì đã đến lúc phải mạnh tay làm và làm gấp, làm ngay.

Đầu những năm 80 thế kỉ XX đã rục rịch chuyện “Đổi mới”. Dịp ấy, tôi có bài viết về giáo dục: “Dỡ ra làm lại từ đầu”.

Quyển sách (Tuyển tập) có in bài ấy vừa ra khỏi xưởng thì bị thu hồi ngay. Từ đận ấy, tôi nói gọn hơn: Làm từ đầu.

Lịch sử đi theo thời gian.

Thời gian đi theo đường thẳng, đi một chiều về phía trước. Do đó, lịch sử cũng đi một chiều, đi qua là lần duy nhất đi qua thời điểm ấy. Lịch sử luôn luôn làm từ đầu, làm chưa đúng thì thời gian sau đó làm lại lần khác cho đúng.

Đổi mới giáo dục là quá trình lịch sử làm ra CÁI MỚI, như xây ngôi nhà mới, chưa hề có trong lịch sử.

Nền giáo dục mới với tư cách CÁI MỚI lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử, với tầm triết học cao chưa hề có.

CÁI MỚI được thiết kế theo định hướng triết học, được thi công bằng thành tựu lịch sử của toàn nhân loại.

Tất cả, không có ngoại lệ, tất cả các cuộc “cải cách giáo dục” từ trước đến nay, ở nước ta, đều từ tổng kết kinh nghiệm, “phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm” của cái hiện có – CÁI CŨ.

Không thể “phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm của xe đạp – CÁI CŨ thành CÁI MỚI – ô tô.

CÁI MỚI / CÁI CŨ có lịch sử cách nhau một tầm nguyên lí triết học.

Đổi mới giáo dục là hành động lịch sử, theo định hướng triết học vận động với tốc độ “một ngày (hiện đại) bằng hai mươi năm (cổ truyền). Lấy đâu ra sức mạnh vật chất cấp cho sự vận động lịch sử ấy?

*

*      *

Chúng ta đang sống năm thứ 22 của thế kỉ XXI, khi các đặc trưng lịch sử của CÁI MỚI – đời sống xã hội hiện đại đã vượt bỏ CÁI CŨ – đời sống cổ truyền của xã hội tiểu nông.

Marx lấy phương thức sản xuất làm căn cứ lịch sử cho sự sống xã hội. Có thể lấy các ví dụ gần nhất:

- Phương thức sản xuất tiểu nông.

- Phương thức sản xuất đại công nghiệp.

- Phương thức sản xuất hiện đại.

Về lịch sử, người đời vẫn có thể nhìn thấy bằng mắt trần cả ba phương thức ấy, mặc dù thuộc ba tầm triết học cao thấp hơn nhau tận nguyên lí, trong đó có các nguyên lí cho giáo dục của mỗi xã hội.

Xã hội phong kiến với phương thức sản xuất tiểu nông, với xã hội của phạm trù đẳng cấp thì Khổng Tử dùng nguyên lí triết học cho giáo dục: Phục tùng.

Cả nước phục tùng một người.

Cả trường phục tùng một người.

Cả nhà phục tùng một người.

Xã hội tư sản với phương thức sản xuất đại công nghiệp, với phạm trù giai cấp thì Marx đưa ra triết lí đấu tranh.

Xã hội hiện đại với phạm trù cá nhân thì triết lí hợp tác đóng vai trò chủ đạo, là anh hùng thời đại.

Đề bài cho thiết kế nền giáo dục hiện đại là: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, hiểu là vượt bỏ CÁI CŨ, hình thành CÁI MỚI.

Hai nền giáo dục của hai xã hội khác nhau – xã hội cổ truyền (CÁI CŨ) và xã hội hiện đại (CÁI MỚI) – thì phải khác nhau về cả lịch sử lẫn triết học.

Nền giáo dục hiện đại được thiết kế và thi công như làm ra CÁI MỚI, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử.

Làm ra CÁI MỚI theo hai công đoạn:

Công đoạn 1: Thiết kế

Công đoạn 2: Thi công

Đón đọc > Giáo dục hiện đại thiết kế và thi công (Bài 5): Nền giáo dục hiện đại - Nội dung, Phương pháp 

Hồ Ngọc Đại

Tin liên quan

Tin mới nhất