Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý

Sáng 19/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022). Sự kiện được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là một trong những việc trọng tâm trong năm 2022 nhằm tôn vinh, tri ân những nỗ lực, đóng góp của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển giáo dục và đào tạo; tạo hứng khởi, khơi dậy tinh thần “hết lòng vì học sinh thân yêu”, thúc đẩy đội ngũ nhà giáo và toàn ngành Giáo dục hoàn thành tốt nhiệm vụ “trồng người” được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - 1

Các đại biểu tham dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022).

Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Thứ trưởng Bộ Công an Thượng tướng Trần Quốc Tỏ.

Cùng các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương; đại diện Đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND, HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; các Sở Giáo dục và Đào tạo; các Nhà giáo lão thành, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, các nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc, đại diện cho các nhà giáo đã và đang công tác tại các cơ sở giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục thuộc 63 tỉnh, thành phố và các cơ sở giáo dục đại học.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - 2

Chương trình nghệ thuật đặc sắc với những sáng tác ca ngợi về người giáo viên trong lễ kỷ niệm. (Ảnh: Báo Nhân dân)

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, cả nước hiện có hơn 1,6 triệu nhà giáo. Có hơn 900.000 nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn dự bị bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai.

Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24.000 người có học vị tiến sĩ, hơn 43.000 Phó Giáo sư, và 550 Giáo sư. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1.700 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Hơn 70% số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế được thực hiện bởi các nhà giáo, các nhà khoa học.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - 3

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. 40 năm trước, khi ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) chính thức được xác định thì tinh thần ấy càng được phát huy. Nó hun đúc thành một nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hóa giáo dục và đời sống văn hoá của người Việt Nam.

"Trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật, vì vậy, nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó nhất và là công việc cao quý nhất" – Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, quý trọng hiền tài là những giá trị nhân văn sâu sắc của dân tộc ta; là một nhân tố quan trọng tạo nên trí tuệ Việt Nam, đạo đức Việt Nam, văn hoá và con người Việt Nam.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - 4

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi lễ.

Theo Thủ tướng, kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam là dịp chúng ta tri ân hơn 1,6 triệu nhà giáo trên cả nước và biết bao thế hệ thầy giáo, cô giáo luôn cống hiến thầm lặng, bền bỉ cho sự nghiệp giáo dục thế hệ tương lai.

Dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Học trò tốt hay xấu là do thầy giáo, cô giáo tốt hay xấu", Thủ tướng cho rằng, mỗi thầy, cô giáo phải xem nhiệm vụ giáo dục là cao cả, đặt toàn bộ tâm huyết, lương tâm, sự hiểu biết sâu sắc và trách nhiệm vào công việc với phương châm xuyên suốt là lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường làm nền tảng, thầy cô giáo làm động lực; là người truyền cảm hứng, lòng yêu nước; chấp nhận sự khác biệt, tôn trọng sự đa dạng, phát huy cao nhất sở trường, năng khiếu của mỗi học sinh, tất cả vì học sinh thân yêu, vì sự nghiệp giáo dục cao cả của đất nước.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - 5

Thủ tướng tặng hoa chúc mừng 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng mong muốn các bậc phụ huynh phải luôn tôn trọng, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với thầy cô; đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường để cùng dạy dỗ các cháu trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội.

Còn các em học sinh phải hiểu được tình cảm, sự hy sinh, vất vả, cống hiến hết mình của các thầy cô để cố gắng hơn nữa trong học tập, rèn đức, luyện tài, nâng tầm tri thức để mang lại niềm vui, tự hào, hạnh phúc cho các thầy cô.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục chủ động quán triệt, triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển giáo dục-đào tạo, nhất là Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo bằng các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, thiết thực và hiệu quả.

Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý - 6

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh kỷ niệm cùng các nhà giáo dự Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. (Nguồn ảnh:  Báo Giáo dục & Thời đại)

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng với nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, nhiệt huyết nhiều hơn, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm hơn, đội ngũ các nhà giáo sẽ khắc phục mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu trở thành người thầy giáo tốt, thực sự là hình mẫu cho người học, để nghề dạy học luôn được tôn vinh, là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định số 167-HĐBT, trong đó nêu rõ: Hàng năm sẽ lấy ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó, ngày vinh danh nghề dạy học và nhà giáo, được tổ chức trọng thể trên toàn quốc, trở thành ngày hội truyền thống của các nhà giáo Việt Nam.

Nguyễn Hoàng Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.