Bài học từ vụ Việt Á

Trong Hội nghị toàn quốc giao ban công tác kiểm tra, giám sát Quý I, triển khai nhiệm vụ Quý II năm 2022 vừa qua, liên quan đến Vụ sai phạm Việt Á, UBKT Trung ương yêu cầu phải kiểm tra hết sức thận trọng, khách quan, kịp thời, vi phạm đến đâu xử lý đến đấy ngay, cố gắng kết thúc trong quý 2/2022.

Theo thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKT), Cấp ủy các cấp đã kiểm tra 2.043 tổ chức đảng và 8.718 đảng viên, trong đó có 1.521 cấp ủy viên. UBKT các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 311 tổ chức đảng, 923 đảng viên; trong đó, UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 14 tổ chức đảng và 02 đảng viên (gấp 2,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), đồng thời chỉ đạo cấp ủy và UBKT cấp ủy trực thuộc Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và đảng viên. Nội dung kiểm tra tiếp tục đi vào những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội như: Công tác cán bộ; quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, đất đai, tài nguyên khoáng sản; thực hiện các dự án đầu tư; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; chứng khoán và thị trường chứng khoán; thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học; phòng chống buôn lậu; giữ gìn phẩm chất đạo đức lối sống; thực hiện trách nhiệm nêu gương...

UBKT các địa phương, đơn vị kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 1.700 tổ chức đảng; kiểm tra 332 tổ chức đảng về thu, chi ngân sách, sản xuất kinh doanh.

Cấp ủy các cấp và chi bộ đã thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng và 1.953 đảng viên, có 266 cấp uỷ viên (chiếm 13,6%). UBKT các cấp đã thi hành kỷ luật 26 tổ chức đảng, 1.017 đảng viên, có 222 cấp uỷ viên (chiếm 21,8%). 

Theo ông Trần Cẩm Tú - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tình hình vi phạm, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tham nhũng, tiêu cực vẫn còn diễn biến phức tạp, tinh vi, có việc nghiêm trọng hơn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Kết luận tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Kiểm tra Đảng quý I năm 2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú nhấn mạnh: Trước mắt phải kiểm tra làm rõ, xử lý nghiêm vi phạm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan vụ án tại Công ty Việt Á. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thành lập các đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm tại Học viện Quân y, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Y tế và 8 Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, thành; chỉ đạo 14 tỉnh ủy và 63 UBKT tỉnh ủy, thành ủy thực hiện việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm.

Thực tế, Công ty Việt Á đã vươn vòi bạch tuộc đến khắp đất nước với những khoản hối lộ hàng chục tỷ cho các tỉnh như Hải Dương, Nghệ An, Bắc Giang, Bình Dương, Thừa Thiên Huế… và mới đây cơ quan điều tra đã bắt giam Giám đốc CDC Nam Định Đỗ Đức Lưu và 5 cán bộ liên quan 4 hợp đồng mua kit xét nghiệm Việt Á giá trị trên 53,4 tỷ đồng theo hình thức chỉ định thầu rút gọn. Các vị giám đốc này từng hùng hồn tuyên bố không hề nhận của Việt Á bất cứ đồng hoa hồng nào nay đang xin nộp lại tiền để khắc phục hậu quả.

Theo Tổng cục Hải quan, que thử test nhanh xét nghiệm định tính kháng nguyên virus SARS-CoV-2 được Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á nhập khẩu từ Trung Quốc có giá khai báo 0,955 USD/test (khoảng 21.560 đồng/test), tuy nhiên Việt Á đã bán được với giá 470.000 VNĐ/chiếc, gấp hơn 22 lần cho 62 tỉnh thành, duy chỉ có Bắc Giang là một địa phương không mua.

Chiều 25/4 vừa qua, sau khi Công an tỉnh Nam Định bắt tạm giam các cán bộ CDC Nam Định đã lòi thêm ra việc sau khi CDC Nam Định mua kit test của Việt Á và đưa vào sử dụng để xét nghiệm COVID-19, cán bộ nhân viên bớt xén kit đã mua rồi bán rẻ lại cho chính Việt Á. Đúng là bi hài kịch tham nhũng có lắm chuyện khó tưởng tượng.

Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt - Giám đốc Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu, đẩy cơ cấu giá thành thỏa thuận chi % hậu hĩnh cho các bệnh viện, CDC các tỉnh thành trong cả nước. Chỉ riêng tỉnh Hải Dương ký với Việt Á 05 hợp đồng mua kit trị giá 151 tỷ đồng, Phạm Duy Tuyến giám đốc CDC đã nhận của Phan Quốc Việt gần 30 tỷ đồng. Các địa phương khác thì thế nào mà Phan Quốc Việt có thể thu về gần 4000 tỷ đồng ở 62 tỉnh thành?

Theo một chuyên gia điều tra các vụ án tham nhũng thì bất cứ vụ mua bán nào cũng phải có “lại quả” mới trôi chảy nhanh chóng và bài ca “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” cứ ngân vang trong những chiếc phong bì rất nặng …

Vụ án Việt Á đã được Quốc hội, Chính phủ coi là vụ trọng điểm đang được UBKT Trung ương tiến hành kiểm tra tại 8 UBND tỉnh, thành và rà soát tất cả các địa phương. Việc bắt giam Giám đốc CDC Nam Định và các nhân viên thuộc cấp là phát súng đầu tiên.

Từ vụ án Việt Á thấy rõ hơn hiện tượng “đồng thuận” của những nhóm lợi ích ,thậm chí biến những cơ quan có trình độ khoa học kỹ thuật rất cao, có trình độ quản lý chắc chắn thành những con rối, nhắm mắt làm ngơ, biến cái kit rẻ tiền thành đề tài khoa học chi phí của nhà nước đến 19 tỷ đồng.

Những kẻ làm nghèo đất nước đáng phải xử bắn thì lại nhăn nhở “xin được rút kinh nghiệm” …rút mãi rút hoài suốt hơn 35 năm đổi mới.

Rất may là Bộ Công An đã sớm bắt Giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt cùng giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến ngay khi Việt đưa cho Tuyến gần 30 tỷ đồng từ ngày 17/12 /2021 và khởi tố 7 bị can.Vụ án đang được mở rộng điều tra 62 tỉnh, thành  cùng các bộ, ngành liên quan cho thấy chỉ một mình Phan Quốc Việt với vài nhân viên trong một căn phòng chật hẹp mà thao túng gần như ngành y tế cả nước phải lệ thuộc vào chiếc kit Việt Á mua chui từ chợ trời Trung Quốc giá chưa đến 1 USD.

 Chẳng biết nước ta có bao nhiêu công ty như Việt Á, có bao nhiêu người như Phan Quốc Việt …Chắc cũng không ít đâu. Trong quá trình hội nhập toàn cầu, làm ăn chụp giật, lừa đảo không thể có đất sống, trước sau rồi cũng bị đào thải, bị tù tội. Bài học từ vụ án Việt Á nhắc nhở mọi doanh nghiệp cần phải nghiêm túc sản xuất kinh doanh trong khuôn khổ luật pháp vì lợi ích của đất nước, của nhân dân.

                                       

 


 

VÕ KHẮC NGHIÊM

Tin liên quan

Tin mới nhất