Bàn về tự do và giới hạn của nghệ sĩ

“Dù là nghệ thuật có sự tự do của cái tôi, thì mỗi nghệ sĩ trước hết đều là con người xã hội, là công dân của một quốc gia. Ngay cả khi họ là công dân toàn cầu cũng vậy. Đã là một công dân thì họ phải có trách nhiệm xã hội, và đương nhiên, họ cũng phải chịu trách nhiệm trước những tác động xấu gây ra cho xã hội”.

Thời gian qua, không ít người quan niệm rằng, là nghệ sĩ phải được sống khác đời, là nghệ sĩ phải được tự do mới có thể sáng tạo nghệ thuật. Nhưng những đặc quyền nhất định về sự tự do khiến nhiều nghệ sĩ dễ dàng bỏ qua chuẩn mực văn hóa và pháp luật, phô bày những hành vi tha hóa về đạo đức gây bàng hoàng dư luận.

Tiếp nối loạt bài Chấn chỉnh nghệ sĩ lệch chuẩn, PV Arttimes.vn tiếp tục tiếp cận vấn đề dưới góc độ nhà quản lý. NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam đã có cuộc trao đổi vưới PV Arttimes.vn về sự tự do của nghệ sĩ, và tự do trong khuôn khổ nào để không lệch khỏi chuẩn mực?

Bàn về tự do và giới hạn của nghệ sĩ - 1

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ từ 1/6/2022. Trước đó, ông đã có hơn 30 năm công tác tại Nhà hát (Ảnh: NVCC)

“Tự do chỉ tồn tại khi thượng tôn pháp luật”

Tôi quan niệm tự do chính là sự thoải mái trong khuôn khổ pháp luật, và trước hết là tôn trọng văn hóa, đạo đức. Chúng ta sống trong khuôn khổ ý thức của mình, nhưng chúng ta không để bản thân đi lệch khỏi chuẩn mực chung - đó chính là tự do. Và nghệ thuật chân chính là như vậy. Là kết quả của một thôi thúc bên trong: trí tuệ, tấm lòng, con tim nghệ sĩ.

Người làm nghệ thuật cần tự do, nhưng trong xã hội, không ai có thể có tự do tuyệt đối, không thể có thứ tự do ai muốn làm gì thì làm. Mỗi người đều phải sống trong những ràng buộc của hoàn cảnh, nghệ sĩ cũng không ngoại lệ. Nếu không chấp nhận hoặc không thích ứng được với những ràng buộc đó, chúng ta khó tránh khỏi tình thế mất tự do, thậm chí mất cả bản thân mình.

Tự do chỉ thực sự tồn tại khi chúng ta thượng tôn pháp luật. Nếu sống thiếu trách nhiệm, không màng tới pháp luật, nghệ sĩ cũng chẳng còn tự do để mà hoạt động nghệ thuật, niềm tin nơi công chúng và xã hội cũng đánh mất đi. Chỉ khi hiểu được trách nhiệm của mình, chúng ta mới vạch ra được đường biên trong không gian tự do cá nhân.

Bàn về tự do và giới hạn của nghệ sĩ - 2

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến: "Tự do chính là sự thoải mái trong khuôn khổ pháp luật, và trước hết là tôn trọng văn hóa, đạo đức" (Ảnh: NVCC)

Dù là nghệ thuật có sự tự do của cái tôi, thì mỗi nghệ sĩ trước hết đều là con người xã hội, là công dân của một quốc gia. Ngay cả khi họ là công dân toàn cầu cũng vậy. Đã là một công dân thì họ phải có trách nhiệm xã hội, và đương nhiên, họ cũng phải chịu trách nhiệm trước những tác động xấu gây ra cho xã hội.

Cụ Nguyễn Du viết “có tài mà cậy chi tài” đấy thôi! Tài năng luôn đi đôi với nhân cách. Và nhân cách chính là “mảnh đất màu mỡ” cho tài năng nảy nở, phát triển. Nhân cách giúp ta vượt qua những tính toán tầm thường, sống có trách nhiệm, sống cống hiến.

Chưa kể, nghệ sĩ còn là người lan tỏa, định hướng cái đẹp tới công chúng thì càng phải làm tròn bổn phận đó. Nghệ sĩ không chỉ phấn đấu cho nghề, cho nghệ thuật mà còn phải thường xuyên rèn luyện trở thành người có văn hóa, có đạo đức và hoàn thiện nhân cách.

Nghệ sĩ hãy nêu cao vai trò làm gương

Nghệ sĩ cần hiểu về vai trò và trách nhiệm của mình, nhưng bên cạnh ý thức chủ quan của cá nhân họ, cũng cần cả sự định hướng từ phía cơ quan quản lí, trước hết là đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật nơi nghệ sĩ công tác. Hãy giúp nghệ sĩ hình thành được sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò, ý nghĩa của mình.

Từ nhận thức đúng và đủ này, chúng ta hy vọng người nghệ sĩ sẽ trở thành một tấm gương tốt cho công chúng. Còn với những người mà tài năng thực chất không có, “lạm dụng” danh xưng nghệ sĩ để nổi tiếng chỉ bằng các hình thức bên ngoài, bằng cách sống khác biệt, lập dị, bất chấp dư luận, bất chấp pháp luật nhất định sẽ bị loại thải.

Hiện nay đã có bộ Quy tắc ứng xử dành cho người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật của Bộ VHTTDL ban hành. Mặc dù quy tắc ứng xử không mang tính ràng buộc, nhưng nó có tác dụng trong việc nâng cao nhận thức và định hướng hành vi cho nghệ sĩ.

Khi người nghệ sĩ hiểu rằng những gì mình nên làm và không nên làm, được làm hay không được làm thì họ sẽ tránh được những sai sót như đã từng diễn ra. Và nếu quy tắc ứng xử được các cơ quan, đơn vị quán triệt thường xuyên tới nghệ sĩ, sẽ giúp nghệ sĩ khắc ghi được những giá trị chuẩn mực để soi chiếu trước mỗi lời nói, hành động của mình.

Với một đơn vị có sự đặc thù như Nhà hát Tuổi trẻ - nơi hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên dành cho thanh thiếu nhi (đối tượng dễ bị tác động và chi phối về nhận thức, hành vi hơn cả) thì những quy chuẩn về đạo đức của nghệ sĩ càng phải đặt lên hàng đầu. Chúng tôi luôn ý thức rằng mỗi phát ngôn hay hành vi ứng xử của mình sẽ phần nào đó trở thành tấm gương, trở thành sự chuẩn mực cho khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ nhìn nhận, đánh giá.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến sinh năm 1968, tốt nghiệp ngành Đạo diễn Sân khấu, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Trong hơn 30 năm công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, ông từng giữ vị trí Phó giám đốc phụ trách Hành chính và Đối ngoại, Trưởng đoàn Kịch 2.

Nghệ sĩ tham gia nhiều vở kịch như Lời thề thứ 9, Quỷ nhập tràng, Nhà búp bê, Con cáo và chùm nho, Lời nói dối cuối cùng... và đạt huy chương tại các hội diễn.

Bên cạnh đó, ông cũng đạo diễn các tác phẩm Ông ba bịThợ săn sa bẫyCon chim xanh... Năm 2018, vở Hoa cúc xanh trên đầm lầy do Sĩ Tiến đạo diễn đoạt huy chương vàng tại Liên hoan Kịch nói Toàn quốc.

NSƯT Nguyễn Sĩ Tiến tham gia cả lĩnh vực phim truyền hình nhưng không nhiều, có thể kể đến những bộ phim như Trò đờiChàng rể họ LêĐàn Trời...

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.