Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức"

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng: “Những vật tư của cây cầu bị xuống cấp thì ta thay thế chứ đừng bao giờ có ý nghĩ phá bỏ nó đi. Có như vậy thì nhân dân mới tin tưởng và mãn nguyện, cầu Long Biên mới giữ được giá trị là công trình kiến trúc, văn hóa – nghệ thuật độc nhất vô nhị, trường tồn theo năm tháng”.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 1 - "Chứng nhân lịch sử"

Cầu Long Biên là một biểu tượng gắn liền với Hà Nội, đây là một công trình kiến trúc đặc biệt bởi nó từng là niềm tự hào của xứ sở Đông Dương, là người bạn đồng hành với người dân Hà Nội qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, đến nay cây cầu lịch sử vẫn ở lại với Thủ đô chứng kiến sự đổi mới và phát triển từng ngày của nơi đây.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 1

Cầu Long Biên – cây cầu thép đẹp nhất Hà Nội

Như một anh thương binh già nua và cũ kỹ vẫn ngày qua ngày nghiêm trang đứng trên những dòng nước đỏ nặng phù sa, cầu Long Biên được thời gian phủ lên mình một gam màu hoài cổ, ẩn chứa một nét đẹp của quá khứ, của một thời đã xa. Để hiểu hơn về ý nghĩa lịch sử và giá trị văn hóa của cầu Long Biên, PV Thời báo Văn học Nghệ thuật Arttimes.vn đã có dịp gặp gỡ và lắng nghe những chia sẻ của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 2

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Kim Đáng (trái) trong một triển lãm ảnh của ông.

Cầu Long Biên - Vang danh một thời

PV: Cầu Long Biên từ lâu đã được biết đến là “chứng nhân lịch sử”, “tháp Eiffel nằm ngang” hay “cây cầu đẹp nhất Hà Nội”, vậy xin ông cho biết trong quá khứ cầu Long Biên đã từng trải qua những điều gì để khiến nó nổi tiếng đến vậy?

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 3

Hình ảnh cầu Long Biên xưa

Cầu Long Biên khởi công ngày 12/9/1898 dưới thời toàn quyền Đông Dương Paul Doumèr và được thiết kế bởi kỹ sư nổi tiếng thế giới – Eiffel. Sẽ có người cho rằng cầu Long Biên không phải do Eiffel thiết kế, bên Pháp cũng không có chứng cứ về điều này nhưng tôi lại có được tài liệu khẳng định về việc kỹ sư Eiffel cùng với Paul Doumer nuôi quyết tâm lớn để cùng làm cây cầu này. Và cũng chính nhờ “Cầu Paul Doumer” toàn quyền Đông Dương khi trở về Pháp đã trúng cử tổng thống.

Tôi sẽ kể câu chuyện về cầu Long Biên trước khi nó được khởi công xây dựng, đây từng là một công trình được triển khai dựa trên sự không tin tưởng của rất nhiều người. Người ta cho rằng Paul Doumer thật “vĩ cuồng” và “điên rồ” khi “như muốn chồng lên núi để lên trời”.

Các quan lại phong kiến lúc bấy giờ dù là người có tư tưởng phóng khoáng nhất cũng cho rằng đó là một kế sách liều lĩnh. Hàng loạt các thắc mắc của người An Nam được đưa ra, có người còn hỏi rằng: “Có phải các ông định kéo một sợi dây cáp từ bờ vắt qua sông?”. Cả người Việt và người Pháp khi ấy đều tỏ ra bi quan, hoài nghi trước ý tưởng đó của Paul Doumer, ngoại trừ Eiffel – người thiết kế ra nó.

Theo Giám đốc Sở Lưu trữ Đông Dương và Thư viện - Paul Boudet: “không để ý tới những phê phán nữa, bất chấp dư luận hoài nghi, đả kích, châm biếm, đố kỵ và phản đối, Paul Doumer vẫn quyết định xây cầu và chiếc cầu vĩ đại ấy được xây dựng xong chưa tới 4 năm 7 tháng, trong khi kế hoạch thực hiện và kỳ hạn là 5 năm”.

Lễ khánh thành cầu diễn ra vào ngày 28/2/1902. Báo chí thời đó đã khen ngợi cầu Long Biên hết lời: “cây cầu to đẹp và tráng lệ như một con rồng xanh bồng bềnh trên mặt nước”; hay ví cầu “như một chiếc cầu vồng bắc ngang trời mênh mông”. Khi đã hoàn thành rồi, cây cầu đứng thứ hai trên thế giới về độ nổi tiếng, sau một cây cầu ở Mỹ.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 4

Một làng chài nhỏ cạnh Cầu Long Biên trong quá khứ

Cầu Long Biên còn chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử dân tộc ta. Trong thời điểm Pháp xâm lược Việt Nam lần thứ hai, chúng đánh chiếm Hà Nội khoảng 60 ngày đêm, Trung đoàn “Quyết tử” Thủ đô đã chiến đấu hết sức dũng cảm và để bảo toàn lực lượng, quân ta chủ trưởng rút quân lên chiến khu Việt Bắc. Đây là một việc vô cùng gian nan, vì mọi cửa ngõ đều có sự kiểm soát của giặc.

Giặc cũng đã chiếm và canh gác rất cẩn thận tại cầu Long Biên, nhưng chúng không ngờ rằng quân ta đã bí mật rút lui dưới chân cầu, ngay bên dưới họng súng của những tên lính canh. Đêm 17/2/1947, Trung đoàn “Quyết tử” Thủ đô từ cầu Long Biên đã rút khỏi Hà Nội an toàn lên chiến khu Việt Bắc.

Cầu Long Biên cũng lại là nơi chào đón quân ta trở về ngày 10/10/1954, Quân ta ngày hôm đó tiến về Thủ đô thật hào hùng và khí thế: “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” như dự báo năm 1949 của nhạc sĩ Văn Cao trong bài hát “Tiến về Hà Nội”. Cầu Long Biên cùng lúc đó cũng chứng kiến những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội, chúng nó vừa buồn, vừa hằn học, vừa tiếc nuối khi chúng nhận bàn giao của bộ đội Việt Nam về thế chỗ.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 5

Binh sĩ hai bên tập trung tại chân cầu Long Biên trong thời điểm chuyển giao quyền lực trong ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954

Trong giai đoạn chống Mỹ, cầu Long Biên lại tiếp tục “vào sinh ra tử” với quân và nhân Hà Nội. Chính tôi cũng đã được chứng kiến những ngày tháng khó khăn, gian khổ nhưng kiên cường này. Các chiến sỹ phòng không khi đó đã mang súng lên nóc cầu để chốt giữ và đánh vỗ mặt vào địch, nếu bị địch nó bắn trúng là chỉ có hy sinh luôn trên đấy hoặc rơi xuống sông. Ác liệt lắm!

Trải qua 13 trận cầu không việc gì, nhưng đến trận thứ 14 thì quân Mỹ dùng “bom thông minh” điều khiển từ Hạm đội 7 cho nên đã cắt đứt được cầu Long Biên chỉ còn có 12 nhịp. Sau đó, cầu được bộ công binh khắc phục, sửa chữa nhưng nó không thể lành lặn như trước được, nên cầu Long Biên sau này trông giống như một anh thương binh là vì thế.

Cần nỗ lực cứu vãn những giá trị tốt đẹp

PV: Hiện tại, cầu Long Biên đã già nua và xuống cấp rất nhiều, theo ông, chúng ta nên ứng xử như thế nào với cây cầu này?

Tính đến nay, cây cầu này đã hơn 120 tuổi nhưng ta vẫn cứ giữ lại, sử dụng nó và coi đó là một bảo tàng sống. Nhưng trước đây người ta đề xuất hạn khai thác nó chỉ đến những năm 60 của thế kỷ XX là phải dừng lại rồi. Vậy mà đến nay, đã hơn 60 năm sau hạn khai thác chúng ta vẫn còn sử dụng được.

Hiện nay, cây cầu này đã già yếu và xập xệ quá rồi, mà người đi lại ngày càng đông, ngày ngày bào mòn nó từ sáng sớm đến tận đêm khuya thì nó lại càng nhanh xuống cấp.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 6

Cầu Long Biên vẫn luôn chờ một giải pháp bảo tồn hợp lý

Hiện tại đã có nhiều phương án được đưa ra, có đề xuất cho rằng bên cạnh cầu Long Biên ta xây thêm một cái cầu khác với kiến trúc như thế, nhưng cũng có những ý kiến thiếu văn hóa cho rằng phá cái cầu đó đi thì lập tức bị nhân dân Thủ đô phản ứng kịch liệt. Tôi cho rằng chúng ta không nên có một tư tưởng như vậy với một di sản văn hóa lịch sử.

Đã đến lúc cần phải tu bổ, phải nâng cấp, để cho cầu kéo dài được tuổi thọ, tiếp tục phục vụ nhu cầu đi lại của dân chúng nhưng làm sao giữ được nguyên dạng của nó thì mới là cách bảo tồn đúng đắn. Những vật tư của nó bị xuống cấp thì mình thay thế thôi chứ đừng bao giờ có ý nghĩ phá bỏ nó đi. Có như vậy thì nhân dân mới tin tưởng và mãn nguyện, cầu Long Biên mới giữ được giá trị là công trình kiến trúc, văn hóa – nghệ thuật độc nhất vô nhị, trường tồn theo năm tháng.

Hãy giữ nguyên màu của thời gian

PV: Từ câu chuyện bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử của cầu Long Biên thì theo ông chúng ta cần gìn giữ những di tích, những công trình lịch sử như thế nào cho thế hệ mai sau?

Theo tôi, chúng ta nên giữ lại tất cả những gì vốn là của nó một cách tự nhiên nhất. Như các di tích ở Hà Nội: Hồ Gươm – “Lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng thành phố” chứa đựng bề dày lịch sử của kinh thành Thăng Long – Hà Nội thì ta không nên đụng đến nữa. Văn Miếu chúng ta cũng bảo tồn rất tốt rồi. Các Nhà hát lớn, Nhà thờ lớn, Hoàng thành Thăng Long cũng được gìn giữ cẩn thận và chúng ta nên làm điều tương tự với cầu Long Biên.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 7

Khoảnh khắc bình yên được nhìn từ cầu Long Biên

Còn ở khắp đất nước ta, tất cả mọi di tích mang tính lịch sử cần được có kế hoạch bảo vệ cẩn thận và bảo vệ đúng cách. Tôi cũng được biết có một số nơi, khi các di tích, đền chùa, miếu mạo bị cũ màu đi theo thời gian, họ đã tu sửa lại bằng cách quét vôi, sơn lên như mới.

Làm như vậy rất nguy hiểm, rất tai hại, bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng vì làm như thế thì đâu phải là bảo tồn đúng cách. Cứ bảo tồn bằng cách này, những giá trị lịch sử, vết tích thời gian sẽ vô tình bị mất đi, không tạo được dấu ấn cho người đến tham quan vì nó tạo ra những cái cảm xúc lạ lẫm, chứ nó không mang đến bất kỳ sự liên tưởng lịch sử nào vì các di tích ấy đã bị mất đi cái nét mộc mạc, cũ kỹ, cổ kính rồi.

Ở Hà Nội, cùng với cầu Long Biên còn có những công trình như Nhà Hát Lớn, Nhà thờ lớn, Bộ ngoại giao đều là những công trình rất đẹp mà người Pháp đã để lại. Chúng ta có thể học hỏi họ rất nhiều. Họ xây dựng, bố trí, trồng cây rất ăn nhập với kiến trúc, những con phố đẹp với những hàng cây cơm nguội ở phố Lý Thường Kiệt, hàng cây sao ở phố Lò Đúc là người Pháp đã nghiên cứu rằng ở phố ấy phải trồng những loại cây ấy nó mới khớp với kiến trúc.

Ấy vậy mà ta lại trồng theo kiểu “tạp phí lù”, trồng cho nó có cây thì hỏng hết cả. Cây nó đứng cạnh kiến trúc thì nó tạo cho kiến trúc của mình đẹp hơn. Hay như với người cũng vậy, khi ăn mặc hiện đại, mốt nọ mốt kia đứng trong một kiến trúc cổ tự nhiên sẽ bị bật ra ngay. Người và cảnh nó phải ăn nhập với nhau.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức" - 8

Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng đề xuất giữ nguyên màu của thời gian cho các công trình mang giá trị lịch sử.

Cho nên, màu thời gian vẫn phải để cho màu thời gian, màu thời đại dùng cho những công trình thuộc thời đại. Chứ không thể lấy màu thời đại để bôi vào màu thời gian. Chúng ta phải gìn giữ, bảo tồn một cách nguyên trạng những địa danh lịch sử, để cho thế hệ sau này khi đặt chân đến những khu di tích họ sẽ cảm nhận được thời gian đã tạo nên màu sắc ấy như thế nào và người ta thấy ngay được, liên tưởng ngay được những năm tháng trong quá khứ đã xảy ra điều gì.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Nhiếp ảnh gia Hoàng Kim Đáng!

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất