Loa phường 4.0: Sao cho “hợp thời”?

"Vừa rồi, tôi có dịp sang Ukraine, những lúc tên lửa Nga phóng vào thành phố Lviv, còi báo động hú vang đường. Có lần, tôi cùng ngài Đại sứ Việt Nam tại Ukraine ngồi ở một quán ăn, bỗng nhiên, chiếc điện thoại của Đại sứ kêu vang, tiếng còi hú và thông báo "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Tên lửa Nga đang bắn vào thành phố, tên lửa Nga đã cách Lviv 10km, yêu cầu đồng bào vào nơi trú ẩn, không đi ra ngoài đường”

Theo Chiến lược thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 của Hà Nội, đến năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư. Loa phường từng được lắp nhiều trên cột viễn thông, nay đã giảm mỗi phường còn 4-5 cụm loa, thời lượng phát 15-30 phút, tối đa ngày hai lần.

Cùng với đó, các đài truyền thanh cơ sở sẽ dần chuyển đổi công nghệ sang sử dụng phương thức truyền đưa tín hiệu âm thanh, dữ liệu trên hạ tầng viễn thông, Internet; sử dụng phổ biến công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp với công nghệ xử lý dữ liệu lớn (Big Data) trong sản xuất nội dung.

Thông tin trên nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, bên cạnh những ý kiến ủng hộ, đồng tình, mong đợi sự nâng cấp của loa phường thì cũng có không ít người dân tỏ ra bức xúc về sự phiền phức mà loa phường đem lại. Loa phường cần được “hồi sinh” như thế nào cho hợp lí?

Phóng viên Thời báo Văn học Nghệ thuật Arttimes.vn đã ghi nhận ý kiến của ông Nguyễn Cảnh Bình - người được biết đến nhiều với vai trò một diễn giả, một doanh nhân, một nhà hoạt động xã hội sôi nổi và có nhiều đóng góp.

Loa phường 4.0: Sao cho “hợp thời”? - 1

Ông Nguyễn Cảnh Bình hiện là Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Alpha Books và Omega Việt Nam. Đồng thời là Viện trưởng Viện Lãnh đạo ABG.(Ảnh: NVCC)

Định kiến loa phường

Người dân Thủ đô đang quan tâm đến kế hoạch đưa trở lại hệ thống loa phường, trong đó phần nhiều là những ý kiến phản đối, bức xúc, không đồng tình. Điều đó dễ hiểu, khi có lẽ nhiều người có những trải nghiệm không mấy dễ chịu đối với loa phường.

Nhiều người khó chịu vì tiếng loa đánh thức dậy quá sớm. Nhiều người khi ở gần có thể bị làm phiền vì âm thanh quá to, và quá gần. Nhiều người dị ứng vì nội dung phát thanh nhàm chán, rập khuôn, thậm chí gây… buồn ngủ. Chừng đó lí do đủ để người ta “ghét” loa phường. Nhưng thay vì tìm giải pháp dung hòa đáp ứng được cả nhu cầu của thành phố, vừa hữu ích, vừa khắc phục những điều phiền toái ấy, thì hầu hết chúng ta chỉ muốn loại bỏ hoàn toàn thứ công cụ này.

Có lẽ kí ức đẹp đẽ về loa phường giờ đây chỉ còn là hình ảnh mờ nhạt với nhiều người trẻ. Nhưng ở thế hệ 7X chúng tôi, tuổi thơ lớn lên với tiếng loa phóng thanh mỗi sớm mỗi chiều.

Ngày nhỏ, tôi sống ở phường Trung Liệt quận Đống Đa, loa phường ngày hai buổi vang lên giọng cô phát thanh viên đọc tin “nóng” ở phường, ở thành phố đôi khi có cả những thông tin đọc hay tóm tắt từ báo Nhân dân.

Đến cả những năm 90, khi radio hay vô tuyến còn là thứ xa xỉ, loa phường vẫn đồng hành với mỗi phố phường, thôn xóm. Sự truyền tải thông tin hữu ích ở giai đoạn đó giúp cho hệ thống phát thanh bằng loa ở các địa phương chiếm vị trí quan trọng trong công tác truyền thông.

Loa phường 4.0: Sao cho “hợp thời”? - 2

Khi chưa có truyền hình, internet..., loa phường từng là phương tiện thông tin quan trọng trong đời sống nhân dân 

Nhưng rõ ràng, cùng với thời gian và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, hệ thống loa phát thanh xã, phường, thị trấn ở nhiều nơi dần dần mất đi ưu thế, đặc biệt là ở các đô thị phát triển.

Tuy nhiên, vị trí và tầm quan trọng của hệ thống loa cơ sở vẫn phát huy được tác dụng rất hữu hiệu trong những hoàn cảnh cấp bách cần thông tin tức thời như thiên tai, dịch bệnh, trật tự trị an… Minh chứng rõ rệt nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội vì Covid - 19, cô lập giữa người với người, giữa nơi này với nơi khác thì hệ thống loa truyền thanh đã làm tốt vai trò truyền tải, gắn kết và thông tin kịp thời đến nhân dân.

Loa truyền thanh có hai chức năng, một là thông báo, hai là thông tin. Nhưng trong bối cảnh internet phủ sóng, smartphone người người “bỏ túi”, việc cập nhật thông tin dễ dàng qua mạng xã hội, báo điện tử, vô tuyến… khiến chức năng thông tin của loa phường trở nên yếu thế. Tuy nhiên, chức năng thông báo lại khó có phương tiện truyền thông nào sánh bằng, cả về tính tức thời hay sức lan tỏa mạnh mẽ, vậy tại sao không để loa truyền thanh được phát huy thế mạnh của nó?

Thay vì những định kiến về sự phiền toái có thể khắc phục của loa phường (ví như chất lượng âm thanh, nội dung thông tin, vị trí đặt loa…) thì với cách nhìn tích cực và thiện cảm về nó, chúng ta nên tôn trọng mong muốn truyền đạt thông tin của những nhà quản lý, nhà lãnh đạo nhưng cần một cách tiếp cận khác, cần một giải pháp hợp lý hơn.

“4.0 rồi! nên để app thay thế loa sắt”

Vừa rồi, tôi có dịp sang Ukraine, những lúc tên lửa Nga phóng vào thành phố Lviv, còi báo động hú vang đường. Có lần, tôi cùng ngài Đại sứ Việt Nam tại Ukraine ngồi ở một quán ăn, bỗng nhiên, chiếc điện thoại của Đại sứ kêu vang, tiếng còi hú và thông báo "Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý. Tên lửa Nga đang bắn vào thành phố, tên lửa Nga đã cách Lviv 10km, yêu cầu đồng bào vào nơi trú ẩn, không đi ra ngoài đường” (tôi tạm dịch là thế). Rồi có lần, giữa đêm khuya, khi chúng tôi đang ngủ, điện thoại của Đại sứ và cán bộ Sứ quán lại hú ầm ĩ "Tên lửa Nga đang bắn vào thành phố, đồng bào chú ý…", rất hữu ích mà tiện lợi vô cùng.

Ngài Đại sứ giải thích, "Chỉ sau 1 tháng chiến tranh, chính quyền Ukraine đã làm ngay ra một app điện thoại để mọi người dân cài đặt trên điện thoại di động. Mình sống ở thành phố nào thì chọn thành phố đó, kiểu định vị tự động cũng được, hoặc tự chọn. Khi có báo động tên lửa hoặc cấp cứu gì đó, sẽ có thông báo tự động, còi hú, hướng dẫn.”

Quả là một sáng kiến hay! Tôi nghĩ loa phường ở Việt Nam cũng có thể làm tương tự, chỉ cần làm app - mà app thì quá đơn giản. Mọi thông báo về tiêm chủng, mất điện, mất nước... hay báo động trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn, thiên tai… đều hiện lên cả âm thanh, hình ảnh và văn bản trên ứng dụng đó. Vừa tiện cho Đảng và Nhà nước, vừa tiện cho nhân dân.

Những người muốn nghe thì bật chế độ auto, những người không muốn nghe thì tắt đi. Người dân sống ở phường nào, thành phố nào thì bật định vị hoặc chọn địa điểm đó để biết thông báo của khu vực mình. Nhỡ khi có trường hợp khẩn cấp như thiên tai, hỏa hoạn… thì có thông tin báo đến tức thời.

Loa phường 4.0: Sao cho “hợp thời”? - 3

Ảnh minh họa

Loa phường vật lý thông thường hoàn toàn không có tính tương tác, tính thông tin hai chiều. Sử dụng loa app sẽ giúp ghi nhận được những phản hồi của người dân, họ có thể bình luận, đánh giá hay nghe lại những thông tin cần thiết.

Thông tin thể hiện ở dạng hình ảnh, video và cả text hữu ích hơn rất nhiều, có những thông tin mà chỉ loa vật lý không thể truyền tải được như các sơ đồ hướng dẫn, hình ảnh… Tóm lại có rất nhiều tính năng hữu ích mà loa vật lí không thể sánh bằng ứng dụng app trên điện thoại.

Việc làm một cái app như vậy vừa phù hợp với mong đợi của lãnh đạo thành phố về việc có một kênh thông tin cấp bách, kịp thời, vừa phù hợp với chủ trương hiện đại hóa, chuyển đổi số của đất nước.

Ở một số vùng như nông thôn hay miền núi, smartphone chưa mang tính đại chúng thì loa sắt có thể còn phù hợp và có thể duy trì. Nhưng ở thành phố hay đô thị hiện đại, rõ ràng điện thoại thông minh đã trở thành vật bất li thân của đại đa dân chúng, kể cả người cao tuổi ở đô thị họ cũng đang thích nghi và bắt kịp thời đại.

Cho nên việc dùng app thay thế loa sắt ở những thành phố phát triển là phương án hợp lí, hiệu quả, tiết kiệm được chi phí hơn nhiều so với việc lắp đặt loa sắt ở từng phường, từng tổ dân phố.

Loa phường đáng “được yêu” hơn “bị ghét”

Với kinh nghiệm xuất bản hơn 20 năm, tôi thấy việc tiếp nhận thông tin qua truyền thanh rất thú vị, nhất là khi con người chúng ta có giác quan và có sự cảm nhận hơn nhiều thứ mà text văn bản thuần túy chuyển tải.

Khi chúng ta điều khiển phương tiện giao thông hay ngồi trên tàu điện, xe bus… việc đọc thông tin sẽ không dễ dàng hơn nghe phát thanh. Hay ngoài việc thông tin thì truyền thanh cũng khơi dậy được cảm xúc từ giọng đọc tốt hơn là chữ nghĩa, hình ảnh trên các mặt báo.

Rõ ràng khi chúng ta lắng nghe thông điệp nào đó từ giọng nói của một lãnh đạo thành phố hay con người, nhân vật, sự kiện khác rất nhiều so với việc chúng ta đọc một thông tin trên mặt báo toàn chữ là chữ, có phần khô khan, khó đi vào lòng người.

Vấn đề còn lại chỉ là việc khắc phục những phiền toái không đáng có cho người dân như khắc phục ô nhiễm tiếng ồn, cải thiện chất lượng âm thanh, chất lượng nội dung thông tin tránh gây nhàm chán… thì phương thức thông tin qua truyền thanh sẽ nhận được thiện cảm nhiều hơn là sự phản ứng dữ dội như hiện nay.

Tất nhiên, định kiến xã hội đối với loa phường đã rất lớn, nên việc phát huy hiệu quả hoạt động của hệ thống này, đối với chính quyền thành phố sẽ là một áp lực không nhỏ. Lãnh đạo thành phố và Sở Thông tin Truyền thông nên lắng nghe nhiều hơn nguyện vọng và những ý kiến đóng góp của nhân dân và mạnh mẽ sử dụng công nghệ và tư duy chuyển đổi số để tìm ra phương án cải tổ hoạt động truyền thanh công cộng theo hướng thân thiện và hữu ích đối với cộng đồng.

Ông Nguyễn Cảnh Bình còn được biết đến trong vai trò là tác giả, dịch giả và tham gia biên soạn một số cuốn sách nổi bật gồm “Hiến pháp Mỹ được làm ra như thế nào?” và một số tác phẩm khác. Ngoài ra, ông còn nghiên cứu về các vấn đề thiết chế, hiến pháp, tổ chức, lãnh đạo và giáo dục.

Loa phường 4.0: Sao cho “hợp thời”? - 4

Tự truyện Sinh năm 1972 của ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT Alpha Books mới được ra mắt (Ảnh: Phạm Hằng)

Phạm Hằng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật

“Điện Biên Phủ - thiên anh hùng ca, nguồn cảm hứng sáng tạo lớn của văn học nghệ thuật” là một hội thảo ý nghĩa được tổ chức nhân dịp Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), giúp lan tỏa những giá trị của Điện Biên Phủ trong đời sống văn học nghệ thuật nước nhà. Đồng thời, thúc đẩy sự thăng hoa, bền bỉ, nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo cho các văn ng

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

(Ảnh) “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”: Thăm và phát động cuộc thi vẽ tranh tại Trường Tiểu học Him Lam

Trong khuôn khổ chương trình “Qua miền Tây Bắc - về với Điện Biên”, đoàn đại biểu là các văn nghệ sĩ Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có dịp đến thăm và tặng quà cho học sinh Trường Tiểu học Him Lam, đồng thời phát động cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Hoan Hô chiến sỹ Điện Biên”. Sự kiện do Thời báo Văn học nghệ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Điệ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ