Mấy đính chính cần thiết

Trong đời sống văn nghệ, có những điều mới nghe tưởng vô hại. Nhưng ngẫm kĩ, nếu cứ để tiếp diễn, thấy bất ổn, bởi sẽ khiến công chúng ngộ nhận rồi quen dần với sự không chính xác, sai sự thật. Những người liên quan đến sự việc thường có tâm lý ngần ngại, không muốn lên tiếng vì sợ bị hiểu lầm nên cũng đành chép miệng cho qua. Nhưng những cơ quan truyền thông, nhất là liên quan đến lĩnh vực có các sự việc diễn ra thì không thể im lặng, mà cần có những công bố chính thức để đính chính.

Đó là những chi tiết liên quan đến mấy bài hát nổi tiếng sau đây.

Thứ nhất là bài “Người ơi! người ở đừng về”. Lâu nay, công chúng đều được nghe giới thiệu là “dân ca quan họ Bắc Ninh”. Trong các băng, đĩa nhạc, các tập bài hát... đều ghi như vậy. Tập “Dân ca Việt Nam” (cố nhạc sĩ, nhà giáo nhân dân Xuân Khải sưu tầm, tuyển chọn) do NXB Thanh Niên ấn hành tháng 9/2006 cũng đề là “Dân ca quan họ Bắc Ninh”, còn ghi thêm: “Nghệ sĩ Thanh Phượng hát, người ký âm: Xuân Khải ghi qua chương trình của Đài phát thanh, Truyền hình Hà Nội”.

Mấy đính chính cần thiết - 1

“Người ơi! người ở đừng về” là một tác phẩm thanh nhạc, được nhạc sĩ sáng tác, cải biên dân ca.

“Dân ca” tức là những bài hát khuyết danh người sáng tác, nằm trong kho tàng văn nghệ dân gian, phiếm chỉ cả về tác giả và thời điểm ra đời, lưu truyền từ vùng này sang vùng khác, từ đời này qua đời khác. Quả là “Người ơi! người ở đừng về” quá nổi tiếng từ lâu, hầu như người Việt Nam nào cũng biết, cũng hát được vài câu. Thậm chí, nhiều người nước ngoài đến nước ta, yêu thích âm nhạc dân gian Việt Nam đã tìm để học bài này.

Nhưng sự thật, bài này không phải là dân ca mà là một tác phẩm thanh nhạc, được nhạc sĩ sáng tác, cải biên dân ca. Tác giả là Xuân Tứ - nguyên giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Ông là người thúc đẩy sự phát triển bộ môn đàn accordion ở Việt Nam. Nói đến cây đàn này, ở Việt Nam, không thể không nhắc đến ông.

Cái tên Xuân Tứ còn gắn với một bài hát rất nổi tiếng khác ra đời những năm 50 của thế kỉ XX có tên “Quê hương tôi” khai thác chất liệu hát văn ở Nam Định (“Ai đi đâu đấy hỡi ai, dừng chân, vân vi ớ a đôi lời ...”). Cũng những năm tháng này, nhiều dịp tiếp xúc với dân ca quan họ Bắc Ninh, Xuân Tứ  đặc biệt ưa thích bài “Giã bạn” nhưng thấy có những lời lẽ quá cổ (“Chuông vàng gác cửa Tam quan. Người khôn ở lại, người ngoan ra về…”).

Ông bèn nghĩ ra việc từ giai điệu bài quan họ cổ này, sáng tạo nên một bài hát và đặt tên Người ở, đừng về với phần lời: “Người ơi, người ở đừng về. Người về em vẫn có mấy khóc thầm. Đôi bên là bên sông như vạt áo mà này cũng có a ướt đầm, ướt đầm như mưa... Người ơi, người ở đừng về”. Sau câu mở đầu trên, Xuân Tứ đã cho hát nhấc lên một quãng 8 bằng việc nhắc lại 6 tiếng “Người ơi! Người ở đừng về”.

Xử lý này về sau còn được nhiều ca sĩ áp dụng để kết bài. Lời lẽ ta nghe quen thuộc như lâu nay là do Xuân Tứ làm ra, chứ lời cổ ông không nhớ hết. Và giới ca sĩ cũng phần nhiều chỉ biết và thuộc lời mới của ông chứ không biết lời cổ. Hôm nay, chỉ những nghệ nhân có tuổi sống ở vùng quan họ Kinh Bắc may ra còn nhớ.

Người viết bài này hỏi Xuân Tứ: “Anh tự thấy công sức tạo nên “Người ở đừng về” là bao nhiêu phần trăm so với bài dân ca “Giã bạn?”. Nhạc sỹ trả lời: “Về âm nhạc là 50%, còn về lời là 100%”. Vậy nên, trường hợp này, chính xác phải giới thiệu “Sáng tác của Xuân Tứ, phát triển từ bài dân ca Giã bạn” chứ không thể nhầm lẫn coi “Người ơi! Người ở đừng về” là dân ca quan họ Bắc Ninh.

Mấy đính chính cần thiết - 2

“Người ơi! Người ở đừng về” phát triển từ bài dân ca "Giã bạn"

Trường hợp thứ hai là bài “Trông cây lại nhớ đến Người”. Lâu nay ta vẫn được nghe giới thiệu là sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Nhưng sự thực, ông đã từ giai điệu bài dân ca Nghệ An nổi tiếng “Giận mà thương” rồi cải biên chút ít và đặt lời mới nói về Bác Hồ, sau khi Người từ trần.

Lời bài dân ca như sau: “Anh ơi! khoan vội bực mình. Em xin kể lại để anh thêm tỏ tường. Anh cứ nhủ rằng em không thương. Em đo lường thì rất cặn kẽ. Vì thương anh nên em bàn với mẹ phải ngăn anh không đi chuyện ngược dòng. Giận thì giận mà thương thì thương...”.

Phần giai điệu của bài hát rất gần với bài dân ca, còn phần lời thì  nhạc sĩ cũng làm lại hoàn toàn: “Trông cây lại nhớ Người. Rừng bao nhiêu cây mọc thì tôi ơn Người bấy nhiêu. Nhớ Bác Hồ trồng cây năm xưa. Bác tuy già nhưng mạnh khỏe. Vì thương dân, Bác dăn dò cặn kẽ: Ươm mầm xanh là như mẹ thương con...”.

Vì thế, chính xác phải nói: Dân ca Nghệ Tĩnh do Đỗ Nhuận cải biên và đặt lời. Và bài này phát ở chương trình dân ca, nhạc cổ của Đài Tiếng nói Việt Nam thì đúng hơn là chương trình nhạc mới (giống như mọi chương trình dân ca có lời mới). Sinh thời, nhạc sĩ Đỗ Nhuận cũng nói rõ điều này. Ông không coi bài này như một sáng tác mới hoàn toàn giống như rất nhiều bài hát nổi tiếng khác của mình.

Mấy đính chính cần thiết - 3

“Trông cây lại nhớ đến Người” là dân ca Nghệ Tĩnh do Đỗ Nhuận cải biên và đặt lời.

Hai mức độ lao động của Xuân Tứ và Đỗ Nhuận là tượng tự như nhau nhưng “Trông cây lại nhớ đến Người” thì ai cũng được nghe là “sáng tác của Đỗ Nhuận”, trong khi “Người ơi! Người ở đừng về” thì không ai nghe nói gì đến Xuân Tứ. Đó là điều không chính xác, không công bằng.

Một bài hát khá nổi tiếng có tên “Tùy hứng lý qua cầu” từ khi xuất hiện, luôn được giới thiệu ở các phương tiện (trên sóng phát thanh, truyền hình, ca sĩ biểu diễn trên sân khấu, thâu băng đĩa, in trong sách, các tuyển tập ca khúc...) là nhạc và lời của Trần Tiến. Nhưng sự thực lại khác: Nhạc sĩ đã dựa vào bài thơ của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc để tạo nên ca khúc của mình.

Theo lời bà Đỗ Bạch Mai là vợ ông Quốc thì người làm nhạc gần như đã phổ nguyên xi bài thơ, không thay đổi. Tuy nhiên, khi tôi tìm văn bản ca khúc và nguyên văn bài thơ của Bế Kiến Quốc thì thấy không như bà Mai nói mà Trần Tiến chỉ sử dụng nguyên văn 2 câu thơ. Còn lại là phần lời do nhạc sĩ tạo nên (hai câu thơ đó là: “Bằng lòng đi em mỗi khi buồn muốn khóc. Một mình anh ca điệu lý qua cầu”). Nhưng có điều cần nói. Cũng theo bà Mai, Trần Tiến và Bế Kiến Quốc có quan hệ quen biết. Một lần nhà thơ đọc cho nhạc sĩ nghe bài thơ “Điệu lý qua cầu” mới sáng tác. Nhạc sĩ nghe xong mới tạo nên bài hát “Tùy hứng lý qua cầu”, tức là bài thơ đã gợi ý cho nhạc sĩ viết nên bài hát. Lại có nguyên văn 2 câu thơ trong phần lời.

Vậy nên, sòng phẳng và chính xác phải ghi “lời dựa theo thơ của Bế Kiến Quốc”. Đương nhiên là không thể ghi toàn bộ lời của nhà thơ như ý bà Mai muốn. Và cũng không thể lờ hẳn việc điền thêm tên Bế Kiến Quốc như lâu nay công chúng vẫn thấy. Riêng về phương diện người làm thơ bị “bỏ quên” khi nhắc đến một bài hát phổ thơ hoặc phỏng thơ, tác giả bài viết này xin đề cập riêng ở một dịp khác. Ở đây chỉ nói một bài hát nổi tiếng của một nhạc sĩ quen biết nhưng chưa một lần đả động đến tác giả bài thơ mà từ đó mới có bài hát, dẫu chỉ là “phỏng thơ”.

Lại có khi sự thật đã ngược lại với trường hợp bài hát trên. Đó là ở đâu cũng giới thiệu đầy đủ người làm lời ca nhưng sự thật lại không hoàn toàn như vậy như trường hợp nhạc sĩ Cao Việt Bách sáng tác bài “Tiếng hát từ thành phố mang tên Người”. Bài hát luôn được giới thiệu gắn với phần lời ca của Đăng Trung.

Mấy đính chính cần thiết - 4

Nhạc sĩ Cao Việt Bách

Cao Việt Bách cho biết: Sau ngày 30/4/1975, các nhạc sĩ khác đã viết nhiều bài hát rất hay về sự kiện này. Ông muốn có một bài nói về Bác Hồ liên quan đến thành phố mang tên Người gắn với việc người thanh niên yêu nước xuất phát từ đây để đi tìm đường cứu nước, mở đầu cho sự nghiệp cách mạng của mình. Đang tư duy, “thai nghén” tác phẩm thì một lần, ông tình cờ đọc được trên báo Tiền Phong một bài viết có cái “tít” “Từ thành phố này người đã ra đi”. Thế là ông chộp lấy để mở đầu bài hát của mình: “Từ thành phố này, Người đã ra đi. Bao năm ước mong đón Bác trở về...”.

Bài báo của tác giả Đăng Trung - một phóng viên đang làm việc ở báo Tiền Phong. Sự thật là toàn bộ lời ca bài hát chỉ có câu đầu của nhà báo, còn lại do nhạc sĩ đặt lời. Nhưng Cao Việt Bách tôn trọng tác giả bài báo, đã rất “rộng rãi” ghi trong bản thảo của mình khi gửi đến đài phát thanh là: lời: thơ Đăng Trung. Ông nghĩ không lẽ lại viết một cách rất dài dòng văn tự: “lời: xuất phát từ một bài báo của Đăng Trung có tên “Từ thành phố này...”.

Vừa dài, vừa kì khôi! Nhưng không vì thế lại lờ tịt người ta, vì dẫu sao bài báo cũng là một gợi ý cho ông viết nên bài hát, sau trở nên rất nổi tiếng. Về trường hợp này, theo tôi, để cho thật chính xác, cần nói: nhạc Cao Việt Bách, lời: ý của Đăng Trung. Có thể hơi... ngộ, chưa gặp ở đâu, nhưng chính xác, đúng sự thật.

Ở trên là một số trường hợp số đông công chúng chưa có dịp biết tường tận về sự ra đời của một số bài hát nổi tiếng. Chính vì vậy mà đã hiểu không chính xác do có sự sai lệch về thông tin của các phương tiện phổ biến tác phẩm ngay từ đầu. Cũng có khi do chính tác giả đã hoặc vô ý, hoặc cố tình đóng góp vào sự sai lệch đó do việc không chủ động đính chính lại cho đúng sự thực.

Chẳng phải là vấn đề quan trọng, cũng chẳng phương hại đến đời sống tinh thần của xã hội nhưng thiết nghĩ không thể bỏ qua việc thiếu chính xác rất không đáng có này. Vậy nên rất cần sự đính chính một cách chính thức để trả lại mọi giá trị đúng với sự thật./.

Nguyễn Đình San

Nghĩ về thể ca khúc
Nghĩ về thể ca khúc

Sản sinh ra được một ca khúc không khó. Người viết chỉ cần võ vẽ biết ký âm, thậm chí không biết nhạc nhưng có chút...

Tin liên quan

Tin mới nhất