Ngày xuân nói chuyện cắm hoa

Từ ngàn xưa, khi Đức Phật còn tại thế, đã có tích “Niêm hoa vi tiếu” (Đức Phật đưa một cành hoa lên và Ngài Ca Diếp mỉm cười). Nhân đó, Đức Phật đã xác nhận sự giác ngộ của Ngài Ca Diếp, người đại đệ tử của mình có một cái tâm tràn đầy niềm vui, thanh tịnh, đầy tình yêu thương và sự hiểu biết chân thật. Đức Phật liền nói: “Ta có pháp môn vi diệu không thể dùng lời mà diễn tả được. Nay ta trao cho ông Ca Diếp”. Các bộ kinh lớn của Phật như: Diệu Pháp Liên Hoa, Kinh Hoa Nghiêm đều lấy tên các loài hoa quý. Bởi vì hoa vốn tinh khiết, đẹp đẽ, trong sáng, rực rỡ, tự tại... từ lúc còn là “nụ hàm tiếu” đến lúc tàn phai rơi xuống...

Trong chúng ta thử hỏi mấy ai là người không yêu hoa? Kẻ phàm phu ví hoa với người con gái đang độ thanh xuân, ví người phụ nữ tàn phai sắc đẹp với hoa tàn. Nhưng cho dù tàn vẫn là hoa, dù ai đó tàn nhẫn vứt đi, dẫm đạp lên, nó vẫn là hoa. Nó như mãn nguyện để hóa sang kiếp khác, vì cuộc đời ngắn ngủi của nó đã dâng hiến cho đời vẻ đẹp dịu dàng, trong sáng, hương thơm và sắc màu lung linh, huyền ảo.

Khi vui, buồn, yêu thương, lễ tết, lúc sống cũng như lúc qua đời, con người luôn thấy mình gắn liền với các đóa hoa tươi thắm. Hoa tỏ rõ sự hiểu biết chân thật, tràn đầy tình thương yêu, niềm an vui, nguồn hạnh phúc trong lành. Nó luôn là quà tặng của tình yêu, lòng ngưỡng mộ, sự kính trọng giữa người với người. Hơn nữa nó lãng mạn đến mức ngôn ngữ và văn tự không còn tác dụng gì.

Ngày xuân nói chuyện cắm hoa - 1

Ảnh Ngọc Phương.

Ngày xưa, xưa lắm các đệ tử của Đức Thích Ca đã không giống những kẻ phàm phu kia. Khi họ nhìn thấy những cánh hoa rơi rụng trong cơn bão tố, động lòng trắc ẩn, đi góp nhặt chúng lại và bỏ vào chậu nước để hoa sống được lâu hơn. Lệ cắm hoa, dâng hoa cúng Phật được hình thành từ đó. Các chùa chiền ở Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên, Nhật Bản có tập quán chưng hoa trên bàn thờ đã có hàng ngàn năm. Ở Trung Hoa, nghệ thuật cắm hoa từ thời nhà Đường, nhà Tống đã phát triển rất cao độ. Khi người Mông Cổ xâm lấn lập nên nhà Nguyên, nền văn minh Hoa Trái của nước này bị tiêu diệt nhưng lại được bảo tồn và phát triển ở các nước láng giềng nhất là Nhật Bản.

Từ thế kỷ thứ VII, người Nhật sang Trung Hoa đã học được nhiều kiến thức về đồ sành, đồ sứ, các bộ môn nghệ thuật cắm hoa, thiền và trà đạo. Người Nhật vốn yêu thiên nhiên, đã đắm mình trong sự hòa hợp giữa con người và vũ trụ, sự thống nhất giữa bản thể vũ trụ và tự tánh con người, tìm tới niềm an vui trong sáng rộng mở vốn sẵn có nơi mỗi chúng ta. Người đó chính là “hoa của đất”. Mỗi con người là một đóa hoa có hương thơm, màu sắc, vóc dáng, tâm tư, khát vọng, nhận biết hết sức riêng biệt nhưng lại luôn luôn hòa mình với hàng triệu triệu đời sống khác trên trái đất này.

Khi ta cắm một bình hoa với một cái tâm tĩnh lặng, an vui sẽ giúp cho ta tiếp xúc được với sự sống nhiệm màu. Trong căn phòng nhỏ bé, yên tĩnh của ta dường như rộng lớn hơn, thiên nhiên như ùa vào nhà mang theo màu sắc rực rỡ diệu kỳ, niềm vui trong sáng, nồng ấm và hạnh phúc. Bỗng dưng ta muốn làm thơ. Cho dù từ thuở cha sinh, mẹ đẻ chẳng ai dạy ta làm thơ hết. Ta bất giác lẩm bẩm một mình:

“Hoa hồng, hoa hồng!

Tôi yêu màu hoa diễm lệ

Tôi mê mùi hương kiêu sa

Từ thuở bé thơ

Tôi hằng mơ

Ai đó tặng tôi

Một bông hồng vàng...”

Rồi nắng tắt, nhìn bông hoa ủ dột ta bất giác thở dài, gieo tiếp mấy vần thơ:

“Hoa hồng tự do

Toả hương cho thơm sạch cuộc đời

Hay lướt qua tình tôi say đắm

Chiều nay

Khoảnh khắc tàn phai

Cánh hồng rơi xuống...”

Ta thấy tâm ta như cùng cánh hoa rơi được đón nhận vào miền “Đất sạch”. Và ta bất giác hiểu được nụ cười ngàn xưa của Ngài Ca Diếp.

Ngày xuân nói chuyện cắm hoa - 2

Nghệ thuật dạy cắm hoa ngày nay chú trọng nhiều đến sự giản dị, tự nhiên, đầy tính sáng tạo.

Nghệ thuật dạy cắm hoa ngày nay chú trọng nhiều đến sự giản dị, tự nhiên, đầy tính sáng tạo. Các hoa lá cắm trong bình phô bày hết vẻ đẹp thiên nhiên, thể hiện dòng sống trôi chảy. Nét đẹp của bình hoa là do sự phối hợp các đường nét của cành lá, các đóa hoa, dáng dấp, màu sắc, của mọi nhánh hoa, dù lộng lẫy, đỏ thắm như một đóa hoa hồng nhung hay dịu dàng, kín đáo, khiêm nhường như một cành hoa lưu ly, đều mang hết ý nghĩa mà người cắm hoa gửi gắm.

Làm sao sự hài hòa về màu sắc, sự quân bình của các yếu tố và vị trí đặt bình hoa tạo nén vẻ sống động lạ thường tuy nó vẫn là một tĩnh vật im lìm. Nó tựa bài thơ không lời. Khi ta cắm một bình hoa, ta tham dự vào sự sáng tạo tuyệt đối và cả sự huỷ diệt tuyệt đối. Các cánh hoa, cành lá, bình hoa, nước nuôi hoa được sắp xếp, phối hợp để tạo nên một vẻ đẹp hoàn thiện hoàn mỹ như bày tỏ nguồn sống của vũ trụ nơi hoa lá mong manh...

Khi ấy ta quên đi cái “tôi” nhỏ bé của mình, các tạp niệm: khen, chê, giận, hờn, yêu, ghét... quấy nhiễu tâm ta dường như tan biến đã nhường cho một tâm hồn ung dung, tự tại chăm chú vào việc duy nhất: cắm một bình hoa đẹp nhất cho tâm hồn ta. Ấy là lúc ta quên hết mọi khổ đau, khắc nghiệt của hàng ngày, của cuộc đời. Ta nhập vào cái lặng lẽ của dòng suối mát đầu nguồn, cái đẹp của tâm linh.

Ta như được uống một thang thuốc nhiệm màu từ dòng suối đó để tiêu diệt luôn cái xấu, cái ích kỷ, hẹp hòi trong cái “tôi” nhỏ bé. Âu cũng tại vì ngày Xuân, nên hồn người viết bài này trở nên bay bổng, cho dù vậy ngôn ngữ và ngòi bút cũng trở nên không ích gì. Chỉ hằng mong cho tất cả những ai yêu cuộc sống, yêu thương nhau có một bình hoa đẹp như ý để đón nhận một mùa Xuân của Đất Trời và lòng người.

Hương Nghiêm

Quê hương tôi
Quê hương tôi

Con người ta có nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một chốn duy nhất để quay về, nơi ấy chính là quê hương.

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.