Nhà thơ Hữu Thỉnh: Kỳ vọng một thế hệ cầm bút mới sung sức, đồng hành cùng thời cuộc

Hội nghị Những người viết văn trẻ Toàn quốc lần thứ X đã diễn ra thành công với sự tham gia sôi nổi của 120 cây bút trẻ và thu về những kết quả quan trọng trong việc định hướng trách nhiệm cho thế hệ cầm bút mới. Sau Hội nghị, phóng viên Arttimes đã có buổi trò chuyện cùng nhà thơ Hữu Thỉnh – Nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Kỳ vọng một thế hệ cầm bút mới sung sức, đồng hành cùng thời cuộc - 1

Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X (Nguồn: Thể thao và Văn hóa)

PV: Thưa nhà thơ Hữu Thỉnh, ông có cảm nhận như thế nào về Hội nghị những người viết văn trẻ lần thứ X?

Hội nghị Những người viết văn trẻ năm nay nhận được sự quan tâm vô cùng đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Được đón Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tới dự và phát biểu trong buổi sáng 18-6 khai mạc hội nghị.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư và quà tới hai đại biểu đặc biệt của hội nghị là đại biểu trẻ nhất Trần Phú Minh Anh (sinh năm 2007, một học sinh trường quốc tế tại TP.HCM) và đại biểu khuyết tật Vũ Nguyên đến từ Thanh Hóa. Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi quà tặng các đại biểu viết văn trẻ dự Hội nghị. Đó là những vinh hạnh chưa từng có trong tiền lệ, thể hiện sự kỳ vọng to lớn của Đảng và Nhà nước đối với thế hệ những người viết văn trẻ.

Hội nghị Những người viết văn trẻ lần thứ X đã thành công tốt đẹp trong tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết và đầy cảm xúc. Đó cũng chính là sự nỗ lực rất lớn của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc quan tâm tới thế hệ trẻ và hướng tới nền văn học tương lai của chúng ta. Vì trách nhiệm đó, Hội Nhà văn đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để tổ chức một Hội nghị lớn như năm nay, thu hút được sự tham dự của đông đảo cây bút trẻ triển vọng trong cả nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Kỳ vọng một thế hệ cầm bút mới sung sức, đồng hành cùng thời cuộc - 2

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên hai tác giả đặc biệt của hội nghị: Tác giả trẻ nhất Trần Phú Minh Anh và Vũ Nguyên - vượt lên trên cơ thể khiếm khuyết (Nguồn: Báo điện tử Chính phủ)

PV: Hội nghị lần này có gì đặc biệt so với những Hội nghị trước không, thưa ông?

Hội nghị lần này với chủ đề “Vì sao chúng ta viết?” hướng tới tinh thần động viên, khuyến khích và định hướng thế hệ những người viết trẻ sáng tác, sớm có được những tác phẩm văn chương xuất sắc về thời kỳ đổi mới của đất nước.

Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành thời gian để đối thoại, lắng nghe và giải đáp thắc mắc, băn khoăn của những người viết trẻ; chia sẻ thân tình vì sao ông có mặt ở đây để khẳng định Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cá nhân ông dành sự quan tâm đặc biệt tới thế hệ trẻ nói chung và các nhà văn trẻ nói riêng. Đó là một trong những nét nổi bật nhất của Hội nghị năm nay.

PV: Qua Hội nghị lần này, ông nhận thấy thế hệ những người viết trẻ đang thay đổi như thế nào so với những thế hệ đi trước?

Những người viết trẻ ngày nay đã có được sự chuẩn bị chu đáo về văn hóa, ngoại ngữ, nắm bắt nhanh nhạy xu hướng phát triển của thời đại. Họ có xu hướng đi sâu hơn vào đời sống trực diện, đào sâu vào những mối quan hệ giữa con người với con người. Họ cũng chú trọng về vấn đề đạo đức người cầm bút, đánh thức lương tâm con người trong việc chống tham nhũng, chống tiêu cực, chống suy thoái về tư tưởng, lối sống. Họ sẽ là lực lượng chủ yếu viết về công nghiệp hóa và hiện đại hóa, về công cuộc đổi mới và bảo vệ đất nước.

Nhà thơ Hữu Thỉnh: Kỳ vọng một thế hệ cầm bút mới sung sức, đồng hành cùng thời cuộc - 3

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng lãnh đạo hội Nhà văn và các đại biểu tham dự Hội nghị (Nguồn: Tiền phong)

Đặc biệt, Hội nghị năm nay đón nhận sự tham gia đông đảo, nhiệt tình của 120 cây bút trẻ trên khắp cả nước với tinh thần năng nổ hơn, sáng tạo hơn, đề xuất được nhiều vấn đề để Hội Nhà văn suy ngẫm. Họ đã mạnh dạn nêu lên những khó khăn và thuận lợi của thế hệ những người viết trẻ; họ băn khoăn về chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước đối với văn học nghệ thuật hay những chính sách động viên, khuyến khích với những cây bút là người dân tộc thiểu số…

PV: Ông kỳ vọng điều gì về thế hệ những cây bút trẻ ngày nay?

Những tham luận tâm huyết đối với sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà đã cho tôi thấy niềm tin mãnh liệt vào thế hệ những người viết trẻ. Tuy nhiên, về năng lực chuyên môn, để có thể đi xa trên con đường sáng tác, họ vẫn là những viên ngọc thô cần mài dũa, trau dồi. Tôi kỳ vọng sẽ có được một thế hệ nhà văn mới sung sức, đủ sức gánh vác nền văn học nước nhà, phát triển sự nghiệp văn chương mà cha ông gây dựng.

PV: Vậy ông có điều gì muốn gửi gắm đến thế hệ những người viết trẻ không, thưa ông?

Sáng tác văn học là một hành trình gian khổ và cô đơn. Thế hệ người viết trẻ cần phải xác định rõ trách nhiệm bản thân, sống và lao động sáng tạo, có thế mới đi được xa trên con đường sáng tác. Thế hệ những nhà văn, nhà thơ đi trước đã để lại một sự nghiệp văn chương vô cùng tự hào, những người viết trẻ hãy nỗ lực tiếp nối truyền thống và phát triển hơn nữa sự nghiệp văn chương đó. Thứ nhất, họ hãy làm sao để sáng tác được những tác phẩm hay, có giá trị với đời sống.

Thứ hai, những người viết văn trẻ phải đi vào cuộc sống của nhân dân để tích lũy vốn sống lâu dài, hiểu đời, hiểu người. Những người viết trẻ cần chuẩn bị về vốn sống, chuẩn bị tâm thế của một người viết đồng hành cùng dân tộc, nhân dân. Cần xác định đó là vị trí chiến đấu của những cây bút trẻ. Từ đó góp phần xây dựng đất nước, hướng tới một xã hội phát triển phồn vinh.

Thứ ba, ngoài tích lũy vốn sống trực tiếp phải tích lũy được vốn sống gián tiếp thông qua việc trau dồi lịch sử, tinh hoa văn hóa của dân tộc ta. Phải gắn bó với nền văn hóa của dân tộc, tiếp thu một cách có chọn lọc, sáng suốt văn hóa thế giới; không nên vồ vập, tiếp thu sống sít, không nên rơi vào tình trạng cũ người mới ta.

Phát triển nền văn chương nước nhà không chỉ là sứ mệnh của riêng những người viết trẻ mà Hội Nhà văn cũng cần có kế hoạch sâu hơn để giúp cho từng nhân tố phát triển. Nhưng dù cho Hội có quan tâm đến đâu chăng nữa, Đảng và Nhà nước có quan tâm đến đâu chăng nữa thì họ cũng không thể chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ bên ngoài mà chính bản thân mỗi người viết phải tự cố gắng trau dồi văn hóa, nâng cao vốn sống, vốn hiểu biết, vốn chính trị, nỗ lực vượt bậc mới có thể phát triển.

Sống ở trung tâm của những chuyển động xã hội rộng lớn, những người viết trẻ phải tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Thông qua tác phẩm của mình phản ánh cái hay, cái tốt, cái vươn dậy để sớm trở thành một lực lượng viết về công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

PV: Xin cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh đã trả lời phỏng vấn! Chúc nhà thơ luôn khỏe mạnh và tiếp tục đồng hành, dẫn dắt thế hệ những người viết trẻ tiến những bước xa hơn trên con đường văn chương vẻ vang của dân tộc.

Đọc thêm >>> “Văn học không thể chỉ trông đợi vào những thiên tài trời cho”

Phạm Hằng (Thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất