Nhân World Cup 2022: Chút cực đoan về bóng đá

Bóng đá ư? Đó là thứ hấp dẫn nhất trong các thứ hấp dẫn. Và World Cup cùng với Euro là những ngày hội lớn nhất của đa phần đàn ông. Tại thời điểm này, mọi thứ như dường như trở nên vô nghĩa, chỉ có bóng đá mới khiến họ lưu tâm.

Tại World Cup năm nay, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) có mời mấy người đẹp tham gia bình luận bóng đá trước, giữa hai hiệp và sau các trận đấu. Trên các trang mạng xã hội, nhiều đấng mày râu tỏ sự bất bình, tẩy chay, có ý đả kích, giễu cợt các người đẹp nhảy lên tham gia bình luận. Các nàng bị “ném đá” tơi bời, không biết có bị sứt đầu, mẻ trán và chảy nhiều máu không?

Tại sao giới mày râu bình luận được mà giới má hồng lại không? Cơn cớ gì lại không muốn cho họ tham gia bình luận? Vấn đề ở đây là họ nói gì, bình luận thế nào, có đáp ứng được yêu cầu chuyên môn không mà thôi. Nếu lên hình chỉ cho “tươi mát” thì thừa, vì năm nay các trận đấu diễn ra giữa mùa đông ở Việt Nam.

Nhân World Cup 2022: Chút cực đoan về bóng đá - 1

Ảnh minh họa

Chẳng ai nóng bức gì mà cần sự mát mẻ. Còn nếu để cánh mày râu cải thiện… mắt thì không đúng lúc vì lúc này, người ta chỉ quan tâm đến trận đấu, còn ngoài ra như đã nói, tất cả đều vô nghĩa. Vả lại, các người đẹp xuất hiện trên màn hình cũng chưa đến mức “chim sa, cá lặn”.

Vậy thì chỉ nên phàn nàn nàng nào chẳng hiểu gì về bóng đá, không biết bình luận mà cứ lên tivi lấy được. Điều này thì kể cả đàn ông mà mắc phải cũng nên tẩy chay giống như có năm nhà đài từng mời một vài văn nghệ sỹ tuy nổi tiếng nhưng không hiểu biết về bóng đá nên cứ phải nói dựa rất buồn cười! Nữ mà bình luận như các nàng Tiểu Huyền (người nhà đài) hay Ngọc Trâm (nguyên tuyển thủ bóng đá quốc gia) thì hơn khối chàng vẫn đang “chém gió” đấy.

Một người đàn ông nào đó tưởng như nông cạn về kiến thức, sơ sài về tâm hồn chẳng khiến ta để ý. Nhưng bỗng anh ta để lộ sự đam mê bóng đá, nhất lại bình luận rôm rả về mọi chi tiết liên quan đến các trận đấu thì tự nhiên sẽ trở nên đáng yêu. Và thế là con người ấy đã xoá đi ấn tượng mờ nhạt ban đầu. Lúc này, anh ta sẽ thú vị hơn khối bậc tài ba mà dửng dưng, mù tịt về bóng đá. Nhưng niềm say mê phải đến tận cùng.

Tôi lại xin hỏi: Bạn biết được bao nhiêu tên tuổi các ngôi sao bóng đá trên thế giới? Họ là người nước nào? Đang đá cho câu lạc bộ nào? Đến đó từ bao giờ, ở đâu đến với giá chuyển nhượng là bao nhiêu? Xem một trận đấu trên ti-vi, với một câu lạc bộ nổi tiếng như Manchester United chẳng hạn, bạn có đọc tên, chỉ mặt được từng cầu thủ không? Nếu có, tôi mới tin. Còn chưa thì tôi bảo rằng bạn chưa phải là dân mê bóng đá thực sự đâu.

Ấy là nói chung. Nhưng cũng có nhiều kiểu bóng đá. Chỉ hấp dẫn với bóng đá tấn công. Khai cuộc là cầu thủ dồn lên, nhanh chóng tiếp cận khung thành đối phương. Sút gần, sút xa, phải sút nhiều. Vào lưới thì quá sung sướng mà ra ngoài cũng thế, còn hơn không sút, cứ rê dắt luẩn quẩn rồi mất cơ hội. Thú vị nhất là chơi bóng một chạm. Bóng vào chân cầu thủ rồi bật ngay sang cầu thủ khác. Từ bên này sân, chỉ mấy lần bật như thế, bóng đã rót được vào lưới đối phương. Sướng mắt làm sao! Chán nhất là chuyền bóng ngang, chuyền trở lại phía sau. Ấy là những lúc cả đội bóng đang “bế tắc” hoặc dở thói “câu giờ”.

Bóng đá cũng như tình yêu, phải hồn nhiên, “dại” một chút mới hay, mới đáng yêu. Tức là hết mình, đừng tính toán nhiều quá. Ra sân là xông lên, ghi bàn, càng nhiều càng tốt. Không gì chán bằng trận đấu nhàm tẻ, không có bàn thắng. Chẳng khác gì yêu nhau đích thực rồi, là của nhau rồi, chiếm trọn niềm tin rồi mà không được... dẫu chỉ một lần. Dèn dứ, tính toán quá, chiến thuật tinh xảo, kỹ lưỡng, ma giáo quá giống như một người bước vào tình yêu cứ đắn đo, cân nhắc thiệt hơn đủ điều. Mất hết cả nhựa của tình yêu.

Cho nên số người yêu đội Ý không nhiều vì đội này tiêu biểu cho lối đá quá tính toán mà yêu đội Anh hơn mặc dù Ý cũng có nhiều hảo thủ lẫy lừng. Bóng đá Anh luôn tấn công, đã thắng vẫn tấn công là chính. Đá cứ ào ào, như thác chảy, lốc cuốn, như tình yêu đam mê, cháy bỏng mãnh liệt. Thú vị vô cùng. Vậy nên đã từng có không ít người cảm thấy mất vui vì vắng đội Anh ở một kỳ Euro như năm 2008 do thất bại ở vòng loại.

Chán nhất những đội từ đầu tới cuối trận chỉ lo “đỏ bê tông” để thủ hòa. Vẫn biết huấn luyện viên phải tính toán từng đường đi, nước bước cho mỗi trận đấu chứ không thể liều mình, đá văng mạng để chuốc lấy thất bại. Nhưng tính toán đến mức như những gã đàn ông so đo, cân nhắc thiệt hơn trước khi đến với một người đẹp thì không gì chán và…hãm tài bằng!

Nhân World Cup 2022: Chút cực đoan về bóng đá - 2

World Cup 2022 có tổng cộng 32 đội tuyển chia vào 8 bảng đấu.

Tại sao bóng đá là môn thể thao hấp dẫn nhất, thu hút một lượng người đông nhất? Rất dễ hiểu bởi môn này – và chỉ môn này – mới hàm chứa đầy đủ tính “kịch” và tính “nhạc”. Kịch vì luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ, không thể dự đoán. Đội mạnh hơn hẳn, thuộc đẳng cấp trên, gồm nhiều cầu thủ lớn, trứ danh cuối cùng vẫn thua một đội yếu kém hơn về mọi phương diện.

Ví như ở World Cup năm nay, không ai có thể nghĩ đội Argentina lại có thể thua đội Saudi Arabia yếu kém hơn nhiều về mọi phương diện ở một trận vòng bảng. Nhiều kẻ cá độ đã phá sản. Các chàng bình luận trước trận đấu ai cũng dự đoán đội xứ “một nghìn một đêm lẻ” thua cách biệt từ 2 bàn trở lên trước đội xứ Nam Mỹ có danh thủ Messi số 1 thế giới. Vậy nên cứ dự đoán cho vui. Bởi vì bóng đá cũng giống như xổ số thôi. May mắn và ngẫu nhiên là hai yếu tố luôn trú ngụ trong môn thể thao vua này. Đó là tính kịch, là sự bất ngờ nằm ngoài mọi tiên đoán.

Còn tính “nhạc”? Một trận bóng đá phải luôn thay đổi nhịp điệu, lúc chậm, lúc nhanh. Lúc “tiếng khoan như gió thoảng ngoài” (chậm). Lúc lại “tiếng mau sầm sập như trời đổ mưa” (nhanh). Chứ từ đầu tới cuối trận mà cứ đá dề dà, thăm dò, dèn dứ nhau lâu quá khiến người xem buồn ngủ thì không còn gì chán bằng.

Bóng đá thì vô cùng thú vị như đã nói nhưng lại cũng rất tệ hại. Sau mỗi mùa bóng kéo dài hàng tháng như World Cup, Euro hoặc vài tuần như Giải Đông Nam Á, châu Á, có những cặp vợ chồng lôi nhau ra tòa án ly dị. bởi những cô nàng không thể chịu được cảnh đêm nào cũng nằm chỏng chơ một mình, còn ông chồng thì thức trắng đêm hò hét. Lại còn rủ một lô bạn đến cùng xem bên cạnh đống mực khô nướng, lạc rang, hoặc bất cứ đồ “mồi” nào để uống với bia.

Sáng hôm sau, để lại một “chiến trường” lổng chổng chai, hộp và đủ thứ rác rưởi khác. Tất nhiên nạn nhân, người khắc phục “hậu quả” là các nàng chứ không ai khác. Có đức lang quân còn kích bạn bè uống thả phanh rồi lăn quay ra ngủ, kéo gỗ khò khò đến hôm sau mới lóp ngóp bò dậy. Mùi bia rượu nồng nặc khắp căn phòng lâu nay được coi là tổ ấm hạnh phúc của gia chủ.

Đôi điều về bóng đã hẳn là có phần cực đoan. Nhưng chắc chắn sẽ được giới nghiền bóng đã đồng tình, tâm đắc. Còn ai không nằm trong số người này thì cũng xin chớ phản ứng cho dễ có nguy cơ tăng huyết áp nhất là đối với những quý vị mắc căn bệnh quái ác này. Dễ hiểu vì quý vị có ham thích bóng đã đâu mà có thể chia sẻ đôi điều này./.

Nguyễn Đình San

Ăn theo bóng đá
Ăn theo bóng đá

Đi Brasil về mà không kể chuyện bóng đá thì coi như chưa đi Brasil, một ông bạn tôi khẳng định như thế. Nhưng kể chuyện...

Tin liên quan

Tin mới nhất