Phong tặng NSND, NSƯT – trăn trở trước “phút 89”

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”- NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”- NSƯT. Tuy nhiên, trước “phút 89”, câu chuyện chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 lên Cổng Thông tin điện tử của Bộ VHTTDL để lấy ý kiến của nhân dân. Như vậy, “quả bóng” đã được “đá” lên Hội đồng cao nhất. Sự hồi hộp đang đến với những người trong cuộc. Việc lấy ý kiến của nhân dân sẽ được tiến hành trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ 26/7 đến hết ngày 16/8 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước họp theo quy định.

Theo Nghị định 40/2021/NĐ-CP (năm 2021), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (năm 2014) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; với NSND, Nghị định quy định có 4 tiêu chuẩn. Đáng lưu ý “tiêu chuẩn thứ 2” là “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ”. Đặc biệt, mục 4 quy định “Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc”.

Phong tặng NSND, NSƯT – trăn trở  trước “phút 89” - 1

Trao tặng danh hiệu NSND, NSUT lần thứ IX

Với NSƯT, Nghị định quy định: “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ” và “Có cống hiến nổi trội, tài năng nghệ thuật xuất sắc”.

Để đạt được danh hiệu NSND, NSƯT, nghệ sĩ cần phải đáp ứng một số tiêu chí cụ thể. Ví dụ: nghệ sĩ phải hoạt động nghệ thuật liên tục hoặc cộng dồn theo số năm nhất định (20 năm với NSND và 15 năm với NSƯT) và có được một số giải thưởng Vàng, Bạc (quy đổi phù hợp với từng danh hiệu) tại các giải thưởng chuyên nghiệp, các Hội diễn toàn quốc...

Mỗi loại hình nghệ thuật đều có đặc thù riêng. Để được Nhà nước công nhận danh hiệu NSND, NSƯT người nghệ sĩ đó phải có bề dày cống hiến, “có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc”. Và đặc biệt, phải có sức lan tỏa, tầm ảnh hưởng lớn với công chúng. Điều này được quy định tại Nghị định 40/2021/NĐ-CP (năm 2021), sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP (năm 2014) của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

Đối với những nghệ sỹ cao tuổi đã nghỉ hưu như NSƯT Nguyễn Thanh Đính (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), NSƯT Lê Gia Hội (Nhà hát Ca vũ kịch Việt Nam),  NSƯT Đồng Thị Tuyết Thanh (Đài tiếng nói Việt Nam), NSƯT Ma Bích Việt (Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội)... Với số nghệ sỹ này, tuy không đủ huy chương nhưng trước khi nghỉ hưu họ đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp và có sức lan tỏa với nhiều thế hệ trong cộng đồng. Điều này, giới nghệ sỹ thấy chính xác.

Điều đáng tiếc là, cũng có những trường hợp hiện đã nghỉ hưu, khi còn làm việc chưa có nhiều đóng góp, không có sự lan toả nhưng vẫn “lọt” danh sách phong tặng NSND trong đợt này.

Trong lĩnh vực âm nhạc, cũng có những nghệ sĩ không có Huy chương Vàng cá nhân, không có sức lan toả và sự ảnh hưởng tới công chúng, cũng vẫn “lọt” danh sách phong tặng NSND.

Theo danh sách được công bố, có trường hợp nghệ sỹ trẻ có đủ huy chương nhưng chưa có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa đến với công chúng. Trong khi đó, nhiều ngôi sao như 2 anh em NSƯT Quốc Cơ – Quốc Nghiệp, NSƯT Xuân Hinh không có trong danh sách đề nghị NSND, ca sỹ Tùng Dương “trượt” danh sách NSƯT. Đó là điều tiếc nuối.

Để xảy ra tình trạng này một phần là do hội đồng cấp dưới quá nể nang, đẩy trách nhiệm lên hội đồng cấp trên. Điều này có thể khiến cho NSND “gạo cội” chạnh lòng, gây tổn thương danh dự nghề nghiệp với những nghệ sỹ có tài năng thực sự.

NSND Thanh Hoa, người có 50 năm cống hiến cho nghệ thuật tâm sự:  “Đã là nghệ sỹ được phong tặng danh hiệu, nhất là NSND thì ít nhất phải có một bộ phận nào đó trong nhân dân được biết đến, có tác phẩm để khi nhắc đến tác phẩm nhân dân nhớ tới tên nghệ sỹ ấy và ngược lại chứ?”. Chị nhấn mạnh, nó phải tâm phục khẩu phục, trước hết trong giới làm nghề với nhau.

Có thực tế có rất nhiều NSND, NSƯT, kể cả lĩnh vực biểu diễn, công chúng chưa bao giờ thấy mặt, cũng chẳng nghe thấy tên nhưng vẫn "lọt" qua các hội đồng cấp dưới? Điều này gây ra sự khó hiểu, “vàng thau lẫn lộn”.

NSND Thanh Hoa chia sẻ: “50 năm từ khi làm nghề đến nay, tôi luôn tâm niệm là nghệ sĩ, làm công việc văn hóa nghệ thuật, là một nghề hết sức thiêng liêng. Khi chọn nghề này, đã là điều gì đó thuộc về trái tim rồi. Chữ nghệ sĩ, vì thế, đã nói lên những gì cao quý, chứ đừng bảo rằng phải ưu tú, phải có danh hiệu thì mới ý thức giữ gìn thế nào. Lương tâm của người làm nghề, của một nghệ sĩ sẽ tự biết làm gì và làm như thế nào để được công chúng tin yêu”.

Theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở có; hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm hội đồng cấp nhà nước và hội đồng chuyên ngành. Chính vì vậy, một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của Hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền. Chính vì sự khắt khe này, khó có chuyện “chạy” hồ sơ. Tuy nhiên, không phải không có ì xèo về việc dễ dãi, cảm tính. Cũng có không ít trường hợp khai hồ sơ “mắc lỗi” chưa trung thực.

Năm 2022, NSND Thanh Hoa không được “mời ngồi” hội đồng xét duyệt. “Tôi mới được mời một lần. Lần đó, tôi rất mong hội đồng cầm cân nảy mực thật chuẩn, đừng vì cảm tính, nể nả hoặc vì thành tích. Danh hiệu không phải là thành tích”, chị chia sẻ.

Nể nả, dĩ hòa vi quý, tâm lý "xôi làng", tư duy "xin - cho". Nói về vấn đề "xin" và "cho" nhiều ý kiến rằng, nghệ sỹ phía Bắc thường hay “xin”; ngược lại nghệ sỹ ở phía Nam, chỉ "cho" chứ không "xin!". Số đông anh chị em nghệ sỹ lòng tự trọng và liêm sỉ; biết mình là ai. Họ không háo danh và không cần giải quyết "khâu oai" nên họ thiệt thòi về danh hiệu.

Được phỏng vấn khi "trượt" danh sách NSND, NSƯT Thoại Mỹ cho biết: "Nếu thêm một  danh hiệu thì cũng chỉ là một sự ghi nhận cho những cố gắng suốt bao năm, còn nếu không có chị vẫn làm nghề bởi suốt cuộc đời, chị cố gắng vì khán giả chứ không phải vì những tấm huân huy chương hay là danh hiệu". NSƯT Thoại Mỹ nói, chị “không hổ thẹn vì điều này bởi chị đã cống hiến hết mình cho sân khấu”.

Sau đó UBND TP Hồ Chí Minh đã có công văn gửi đến Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Hội đồng cấp Nhà nước kiến nghị xem xét lại hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND đối với NSƯT Thoại Mỹ.

“Phút 89" đang đến, với nhiều eo xèo, muôn thuở.

Chúng tôi đề nghị Hội đồng cấp Nhà nước cần có sự đánh giá chuẩn mực từng nghệ sĩ, để người được công nhận danh hiệu xứng đáng với những tiêu chuẩn NSND, NSƯT.

Từ Tâm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày