Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 5 - Họa sĩ không đơn độc

“Nhiều sự việc vi phạm được giải quyết sẽ tạo hiệu ứng răn đe để những kẻ cơ hội không còn dám làm bậy nữa. Chỉ khi đó người nghệ sĩ mới yên tâm sáng tác và mọi giá trị được trả về đúng như nó có”.

Loạt bài về vấn nạn đạo tranh của Thời báo Văn học nghệ thuật 

Để tiếp tục đưa ra hồi chuông cảnh báo và tìm ra hướng khắc phục vấn nạn chép tranh, nhái phong cách tranh, PV Arttimes.vn đã có cuộc gặp gỡ với TS. LS Hoàng Tám Phi, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Anh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 5 - Họa sĩ không đơn độc - 1

TS. LS Hoàng Tám Phi, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Tâm Anh - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Phân biệt tranh thật, tranh chép dưới góc nhìn của luật pháp

PV: Xin ông hãy cho biết vấn đề chép tranh, nhái phong cách dưới góc nhìn của luật pháp?

Những năm gần đây, tình trạng sao chép tranh không xin bản quyền tác giả đã thành phổ biến. Nhưng nguy hiểm hơn sao chép là tình trạng tranh “nhái phong cách”. Lượng tranh nhái giờ đây nhiều hơn cả tranh thật và được rải đầy các gallery lớn nhỏ Hà Nội và TPHCM.

Những bức tranh đẹp hay tác phẩm của các tác giả nổi tiếng, được công chúng yêu thích và có thị trường là đối tượng được nhắm đến. Họa sĩ bị “nhái phong cách” nhiều như Lê Thanh Sơn, Hồng Việt Dũng, Phạm Luận, Lê Thiết Cương, Nguyễn Thanh Bình...

Ví dụ: Phong cách của họa sĩ Hồng Việt Dũng được sử dụng để làm nền cho một vài dạng tranh chân dung khác… nhưng nếu không thật hiểu biết và tinh mắt, người ta chỉ có thể tin đó là tranh Hồng Việt Dũng. Do vậy, dần dà, hội họa Việt Nam giảm uy tín và dẫn đến mất uy tín trên thị trường quốc tế.

Quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả bị xâm phạm. Việc “nhái” phong cách trong hội họa hiện chưa được đề cập trong các văn bản pháp lý ở nước ta, mà mới chỉ phụ thuộc vào lương tâm nghề nghiệp của người cầm bút vẽ. Tuy nhiên, tình trạng này có vẻ gia tăng theo thời gian và ngày càng được chuyên nghiệp hóa.

PV: Những tiêu chí nào để xác định một tác phẩm là sao chép hay đạo nhái ý tưởng thưa ông?

Hiện chưa có bộ tiêu chí chính thức nào để làm cơ sở tham chiếu cho việc xác định một bức tranh thật hay là sao chép hay nhái phong cách. Bởi vì, việc xác định tranh thật hay giả là vô cùng phức tạp và phải dựa vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, máy móc kỹ thuật và thậm chí là cả cảm xúc của người nghệ sĩ nên đây là việc khó không chỉ riêng với Việt Nam mà với cả thế giới nói chung. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không thể phân biệt thật giả.

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thành lập Trung tâm giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trung tâm thuộc Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, hoạt động độc lập, có tài khoản, con dấu. Bộ cũng đã thành lập hội đồng giám định. Hội đồng gồm 3 hội đồng nhỏ: Hội đồng giám định tác phẩm hội họa, đồ họa; Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt; Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh.

Mặt khác về kỹ thuật, Viện Khoa học hình sự Bộ Công an có thể thẩm định chất liệu sơn, chất liệu vải, thẩm định được năm tuổi của gỗ. Kết quả giám định của cơ quan chức năng là căn cứ pháp lý vững chắc để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả khi có tranh chấp. Đồng thời, cũng là căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự (nếu có).

Chép tranh, nhái phong cách xảy ra ngày càng nhiều do đâu?

PV: Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả ngày một gia tăng?

Luật Sở hữu trí tuệ 2005; Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan; Đã tạo cơ sở pháp lý thống nhất cho việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, trong đó có tranh chấp về quyền tác giả tại Việt Nam.

Tuy nhiên, từ khi đạo Luật này có hiệu lực thi đến nay, tình hình xử lý các vi phạm Quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng của cơ quan thực thi Quyền sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập; giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ tại Tòa án chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu của xã hội.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng các tranh chấp, vi phạm quyền tác giả ngày một gia tăng.

Một là, hành vi xâm phạm quyền tác giả luôn tạo ra “siêu lợi nhuận” nên hấp dẫn nhiều đối tượng tham gia trên nhiều địa bàn và nhiều lĩnh vực khác nhau.

Hai là, trong quá trình hội nhập, nhiều người tiêu dùng ưa lựa chọn những sản phẩm giả “như thật” mà lại có giá bán thấp, sự hạn chế về hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật còn thấp của người tiêu dùng cũng là nguyên nhân khiên cho không ít chủ thể thiếu ý thức tôn trọng pháp luật, sao chụp, mô phỏng, giành giật thị truờng.

Ba là, phần lớn các chủ sở hữu trí tuệ chưa thực sự chú ý đến việc bảo vệ quyền lợi của mình, chưa chủ động đăng ký bảo hộ quyền tác giả để dễ dàng bảo vệ lợi ích của mình.

Bốn là, các quy định về sở hữu trí tuệ và hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ còn chưa tập trung, còn nhiều điểm bất cập, việc tổ chức các hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ chưa có hiệu quả, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa được thực thi tốt.

Năm là,  mức xử phạt hành chính theo quy định hiện hành quá thấp, không đủ sức răn đe, tỷ lệ phạt cảnh cáo quá lớn... nên số tái phạm cao, thậm chí các vụ tái phạm còn tăng lên về quy mô.

Như vậy, theo pháp luật hiện hành, bên cạnh việc áp dụng các biện pháp tự bảo vệ, chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 5 - Họa sĩ không đơn độc - 2

Bức tranh cổ động của họa sĩ Dương Ngân Hải (phải) bị tố là đã đạo tranh của họa sĩ A. Arkhipenko vẽ tuyên truyền cho Thế vận hội 1980 tại Moscow. (Nguồn: Báo CAND)

Họa sĩ không đơn độc khi lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình

PV: Khi phát hiện quyền lợi bị xâm phạm, chủ sở hữu quyền tác giả nên làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Họa sĩ không nên im lặng mà cần lên tiếng một cách mạnh mẽ bằng nhiều cách khác nhau để bảo vệ mình, bảo vệ sự công bằng trong sáng tạo, lao động nghệ thuật và rộng hơn là bảo vệ nền nghệ thuật trong sáng và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, tâm lý cả nể từ lâu là “đặc sản” cố hữu trong các nghệ sĩ, ở nhiều lĩnh vực khác nhau chứ không chỉ riêng gì các họa sĩ. Điều này rất không tốt cho công cuộc đấu tranh đòi công lý, công bằng và bình đẳng trong lao động, sáng tạo nghệ thuật. Bởi lẽ, chúng ta có Luật Bản quyền, Luật Sở hữu trí tuệ rồi, Bộ luật hình sự, đây là những cơ sở pháp lý đủ mạnh để bất kỳ ai vi phạm bản quyền đều có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự. 

Thông thường, phần đông họa sĩ quan niệm chuyện nhỏ bỏ qua, để thời gian làm việc. Đây là một trong những lý do, các vụ vi phạm bản quyền nhiều nhưng thường không bị xử lý, vì họa sĩ không muốn “làm to chuyện”. Nhưng đã đến lúc họa sĩ phải lên tiếng, thậm chí phải kiên trì đấu tranh bảo vệ lợi ích của mình, có như vậy thị trường mỹ thuật mới có thể phát triển bền vững và lành mạnh, nạn xâm phạm bản quyền mới mới thuyên giảm và tiến tới chấm dứt.

Các hình phạt đã được đưa ra cho những kẻ đạo nhái

PV: Hành vi xâm phạm quyền tác giả như sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, hay làm và bán tác phẩm mà chữ ký tác giả bị giả mạo hay mạo danh tác giả, chiếm đoạt quyền tác giả v.v... sẽ có mức xử phạt như thế nào?

Thứ nhất, xử lý hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính: Các biện pháp hành chính được áp dụng nhằm xử lý hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm: “buộc chấm dứt hành vi xâm phạm và xử phạt hành chính, các biện pháp khắc phục hậu quả”. Trong những trường hợp được pháp luật quy định, có thể áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Mỗi hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ, người thực hiện hành vi bị buộc phải chấm dứt hành vi xâm phạm và phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính: cảnh cáo, phạt tiền, mà theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250.000.000 đồng, đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.

Ngoài ra, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như:

Tịch thu hàng hoá giả mạo về Quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo về Quyền sở hữu trí tuệ;

Đình chỉ có thời hạn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đã xảy ra vi phạm. Cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ gồm cơ quan Thanh tra, Quản lý thị trường, Hải quan, Công an và Ủy ban nhân dân các cấp.

Thứ hai: Giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan  tại Tòa án: Xét về bản chất, Quyền sở hữu trí tuệ là quyền dân sự. Việc xử lý các hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ trước hết và trực tiếp phải nhằm mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể quyền, khuyến khích hoạt động sáng tạo và bảo vệ quyền và lợi ích họp pháp của người sử dụng, của xã hội, của nhà nước.

 Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể áp dụng những biện pháp như: Buộc chấm dứt hành vi vi phạm; Buộc xin lỗi cải chính công khai; Buộc bồi thường thiệt hại vật chất và tinh thần; Buộc tiêu hủy hàng hóa phương tiện vi phạm. Ngoài ra, chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện vụ án dân sự về Quyền sở hữu trí tuệ.

Như vậy, thông qua việc giải quyết tranh chấp tại Tòa án, chủ thể Quyền sở hữu trí tuệ không chỉ yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền mà còn buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại do hành vi đó gây ra, bao gồm cả thiệt hại vật chất và tinh thần, nếu có.

Thứ ba, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi (tội phạm) xâm phạm quyền tác giả:

Theo khoản 1 điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, tùy vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm, người phạm tội có thể bị phạt tù đến 3 năm hoặc 5 năm.

Như vậy vấn đề còn lại là các nhà sáng tạo phải hành động thực sự trong công cuộc bảo vệ chính mình. Khi phát hiện ra tác phẩm của mình bị xâm phạm, phải kiên quyết đến cùng sự việc.

Nhiều sự việc vi phạm được giải quyết sẽ tạo hiệu ứng răn đe để những kẻ cơ hội không còn dám làm bậy nữa. Chỉ khi đó người nghệ sĩ mới yên tâm sáng tác và mọi giá trị được trả về đúng như nó có.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 5 - Họa sĩ không đơn độc - 3

Ngày 6/12/2018 Trung tâm Giám định và Triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh đã được ra mắt và đi vào hoạt động

Bảo hộ quyền tác giả là nhiệm vụ của luật pháp

PV: Theo ông, luật pháp có vai trò như thế nào trong việc giải quyết vấn nạn đạo tranh, nhái trong cách tranh trong ngành mỹ thuật?

Pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế-xã hội hiện nay, hoạt động của các chủ thể trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, quyền tác giả hay quyền liên quan là một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm, thực tế đã ghi nhận nhiều tranh chấp phát sinh xoay quanh lĩnh vực này.

Để tác phẩm nghệ thuật chân chính đến được với đông đảo công chúng thì việc cần có một hành lang pháp lý đủ mạnh đóng một vài trò quan trọng cho sự phát triển bền vững và minh bạch. Sự ghi nhận về mặt Pháp luật đối với tác phẩm của các cá nhân, tổ chức là hoàn toàn phù hợp, xét về mặt cơ sở lý luận cũng như thực tiễn áp dụng.

Xã hội ngày càng phát triển, phương tiện thông tin đại chúng cũng càng phát triển và như một hệ quả tất yếu, hành vi bất hợp pháp xâm phạm đến quyền tác giả ngày càng xảy ra phổ biến, với nhiều cách thức, "thủ đoạn" tinh vi hơn. Vì vậy, nhu cầu bảo hộ quyền tác giả được đặt ra như một sự tồn tại khách quan cần có.

Hơn nữa, việc bảo hộ quyền tác giả sẽ thúc đẩy sự sáng tạo trong lĩnh vực này. Hầu hết hệ thống pháp luật các quốc gia trên thế giới hiện nay đều công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng của các tổ chức, cá nhân nhằm mục đích khuyến khích hoạt động sáng tạo, phổ biến tiến bộ khoa học, công nghệ, văn hoá, nghệ thuật, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bảo hộ quyền tác giả khuyến khích sự sáng tạo, thông qua các quy định của pháp luật, chủ sở hữu quyền có điều kiện để sử dụng, khai thác các lợi ích hợp pháp, có thể bù đắp các chi phí, qua đó tạo động lực để tiếp tục sáng tạo các sản phẩm mới. Bảo hộ quyền liên quan là một điều kiện cần thiết để tăng cường giao lưu văn hoá khoa học giữa các quốc gia và nâng cao uy tín của quốc gia trong quan hệ quốc tế.

Việc bảo hộ có hiệu quả quyền tác giả là một trong những điều kiện căn bản để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phát triển môi trường thu hút các nhà đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - văn hoá, xã hội, đồng thời giúp cho công chúng được tiếp cận và thường thức những giá trị của các tác phẩm nghệ thuật và khoa học, đặc biệt hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, khiến cho quyền tác giảdễ dàng bị xâm phạm. Vì vậy, việc bảo hộ quyền liên quan càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Hệ thống pháp luật cần hoàn thiện hơn

PV: Để hạn chế vấn nạn chép tranh, nhái phong cách tranh theo ông cần thực hiện những biện pháp gì?

Các biện pháp xử lý hành vi xâm phạm Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm các biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự, tuỳ theo tính chất, mức độ xâm phạm. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến Quyền sở hữu trí tuệ, biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính.

Vì vậy, cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống pháp luật hơn nữa nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động này. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền phổ biến và giáo dục việc tuân thủ pháp luật để người dân hiểu rõ để không vi phạm cũng như hiểu rõ các chế tài nghiêm khắc mà họ phải gánh chịu nếu vi phạm. Qua đó tạo được ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hộ quyền tác giả từ đó giúp cho hoạt động sáng tác và thị trường mỹ thuật được minh bạch và lành mạnh.

Mặt khác, cần tăng cường hoạt động thanh - kiểm tra của cơ quan quản lý và các Hiệp hội nghề để sớm chấn chỉnh, ngăn chặn những vi phạm trong lĩnh vực này theo thẩm quyền.

Xin cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn với Arttimes.vn! 

Thời báo Văn học Nghệ thuật Arttimes.vn sẵn sàng trở thành cầu nối giúp các họa sĩ liên hệ với luật sư khi cần tư vấn pháp lý (miễn phí) liên quan đến vấn nạn đạo tranh.

Để có cái nhìn tổng thể và toàn diện về vấn đề này, chúng tôi đã liên hệ với Hội Mỹ thuật Việt Nam và Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch). Ngay sau khi nhận được phản hồi từ các đơn vị trên, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!
BBT

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất