Võ Khắc Nghiêm: Người Lệ Thủy “cháy” hết mình ở Vùng Than

Xuất thân nghề cơ điện mỏ, cả đời gắn bó với vùng than và người thợ mỏ, để rồi khi chuyển sang cầm bút viết văn, Võ Khắc Nghiêm như hòn than cháy hết mình, tỏa ra thứ nhiệt lượng mãnh liệt.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942 quê ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông thuộc thế hệ nhà văn, nhà báo đầu tiên của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Sau khi tốt nghiệp khoa cơ điện mỏ đầu tiên của Trường Trung cấp Kỹ thuật Mỏ, ông về gắn bó với vùng than. Hơn nửa thế kỷ qua, ông luôn ý thức rõ trách nhiệm và niềm tự hào của người cầm bút trưởng thành từ một vùng đất giàu đẹp, anh hùng.

Võ Khắc Nghiêm: Người Lệ Thủy “cháy” hết mình ở Vùng Than - 1

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho biết: “Tôi may mắn sớm được tiếp cận với nền công nghiệp hiện đại, sống với những người thợ giàu sáng tạo, giàu nhân ái và bất khuất kiên cường. Những câu chuyện, những nhân vật tôi đã khắc họa trong các tác phẩm của mình chỉ phản ánh được một phần nhỏ cuộc sống phong phú, đa dạng của thợ mỏ”. Không chỉ có vậy, nhân vật của Võ Khắc Nghiêm còn công tác ở nhiều ngành quan trọng ở các địa phương trong tỉnh như: Uông Bí, Vân Đồn, Hạ Long, Bái Tử Long.

Những năm tháng ở Quảng Ninh đã trang bị cho Võ Khắc Nghiêm không chỉ vốn sống, tri thức mới mà còn nâng tầm nhìn cao rộng hơn. Nhờ vậy, khi “động” đến những mảng đề tài khác trong cuộc sống, ngòi bút Võ Khắc Nghiêm vẫn dễ dàng “tung hoành”. Hàng loạt tác phẩm của ông đã đua nhau ra đời, phần lớn trong số đó là tiểu thuyết như: Nhân danh công lý, Mười sáu tấn vàng, Cướp ngày, Sự huyền diệu của tình yêu, Đại dương trong mắt em, Người tình 15 năm, Phúc họa đời người, Trăng lạnh Hạ Long v.v.

Võ Khắc Nghiêm: Người Lệ Thủy “cháy” hết mình ở Vùng Than - 2

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm ngoài cùng bên trái.

Trải qua nhiều công việc khác nhau như làm Trưởng Đài phát thanh rồi Phó Giám đốc Trung tâm truyền hình Công nghiệp mỏ, Phó Tổng biên tập Tạp chí Than Việt Nam, vừa làm báo vừa sáng tác, Võ Khắc Nghiêm đã cho ra đời hàng trăm truyện ngắn, bút ký, phóng sự, hàng chục tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh, hàng ngàn bài báo sắc sảo.

Ngay từ thời làm việc ở Mỏ than Cọc Sáu, Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã có tác phẩm in trên các báo, xuất bản sách. Sau đó, hàng loạt các tác phẩm của Võ Khắc Nghiêm đã ra mắt công chúng và để lại những dấu ấn sâu sắc, như: Xung đột âm thầm (truyện ngắn, 1986); Người cha tội lỗi (tiểu thuyết, 1990); Cướp ngày (tiểu thuyết, 1989); Bi kịch ngược chiều (kịch, 1988); Quy luật muôn đời (kịch, 1991); Bỉ vỏ (kịch, 1990); Tình yêu quá khứ (kịch, 1990)... Mảnh đời của Huệ (tiểu thuyết và kịch bản phim truyện)...

Nét chung dễ nhận thấy trong các tác phẩm của Võ Khắc Nghiêm là trong đó luôn lấp lánh hình ảnh người lao động, đặc biệt là người công nhân mỏ. Cuốn tiểu thuyết Huyết thống của ông được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam chấm giải nhất giải thưởng Văn học công nhân lần thứ VII (1995 – 2005). Đây là tác phẩm thứ hai của ông được trao giải thưởng này, trước đó là cuốn Mảnh đời của Huệ đã đạt giải A văn học công nhân (1990 – 1995)…

Võ Khắc Nghiêm: Người Lệ Thủy “cháy” hết mình ở Vùng Than - 3

Trang bìa tiểu thuyết "Mảnh đời của Huệ" (NXB Lao động ấn hành năm 1992).

Ông bảo, điều mà ông tâm đắc nhất là đã tiếp nhận được ở Quảng Ninh sự trăn trở tìm tòi sáng tạo, chân thực, bao dung khi viết văn, viết báo phải đem lại điều gì đó mới mẻ, trong sáng, luôn có tấm lòng vì người lao động, hướng người đọc đến sự tốt đẹp cao sang cho dù trong hoàn cảnh nào cũng phải có cái nhìn đa chiều. Ngay cả cách thể hiện cũng phải mới mẻ, phù hợp với nội dung để tạo nên sức hấp dẫn trong từng chi tiết, từng câu đối thoại, không chỉ phù hợp với tính cách nhân vật mà còn phải có trí tuệ, gắn với sự khái quát hoàn cảnh xã hội. Cố nhà văn Sĩ Hồng, nguyên Tổng thư ký Hội VHNT Quảng Ninh, có lần đọc tác phẩm của Võ Khắc Nghiêm, đã từng nói: “Văn chuơng Võ Khắc Nghiêm ngồn ngộn chất liệu sống, lối viết tốc độ và cắt lớp, là lối viết văn hiện đại”.

Về điểm này, nhà văn Ma Văn Kháng nhận xét: “Điều nhất quán xuyên suốt trong sáng tác của Võ Khắc Nghiêm là không ngừng khám phá những sự mới lạ của cuộc sống, ông cố tìm ra cho riêng mình cách thể hiện không giống ai, chú trọng đến lượng thông tin và dựng lên hàng loạt nhân vật sống động sâu đậm bản sắc và thân phận. Nhất là thân phận những người thợ và những người phụ nữ trong cuộc sống hiện tại”.

Võ Khắc Nghiêm đã chọn cho mình cách viết “tốc độ”, dồn nén; áp dụng phương pháp cắt lớp của điện ảnh, tạo ra những xung đột tính cách của sân khấu và cả cách lướt qua sự kiện kiểu của báo chí để cho người đọc tiếp nhận nhanh thông tin và gợi mở cho họ sức tưởng tượng sống cùng nhân vật, chỉ tập trung khoét sâu vào những sự kiện chính. Điều này giống như trong khai thác than người ta phải chọn phương hướng mở lò, cắt tầng đi thẳng vào vỉa than sao cho ngắn nhất, hiệu quả nhất.

“Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện bình thường mà độc đáo” - nhà văn Võ Khắc Nghiêm cho biết. Bởi vậy, nhân vật trong sáng tác của Võ Khắc Nghiêm chủ yếu được khắc họa số phận với những xung đột căng thẳng đầy hấp dẫn.

Võ Khắc Nghiêm: Người Lệ Thủy “cháy” hết mình ở Vùng Than - 4

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) với những cây bút ngành Than. Ảnh chụp sau khi "Thị Lộ chính danh" ra mắt bạn đọc.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm đã được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp sân khấu, Huy chương Vì An ninh Tổ quốc, giải A Văn học công nhân, giải A Văn nghệ Hạ Long (giải thưởng văn nghệ của tỉnh Quảng Ninh), nhiều giải thưởng của Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Bộ Công An. Năm 2017, ông được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Năm 2021, ông được trao Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2020 với tiểu thuyết Thị Lộ chính danh.

Dù khi tuổi đã cao nhưng Võ Khắc Nghiêm vẫn say sưa viết văn, nhất là viết về vùng mỏ. Đánh giá về Võ Khắc Nghiêm, nhà văn Nguyễn Đức Huệ nhận xét: “Ông vẫn tiếp tục đi và viết, chưa bao giờ chịu ngồi yên, lúc nào cũng muốn làm một điều gì đó, viết ra một điều gì đó mà mình cảm nhận được từ cuộc sống, nhất là cuộc sống người thợ mỏ, những người suốt đời gắn bó với vùng than, cái vùng đất mà cho đến hôm nay, tuy đã xa rồi, ông vẫn từng ngày dõi theo từng biến động, dù rất nhỏ thôi, của nó, như dõi theo nhịp đập trái tim mình, như ngày xưa ông từng sống và yêu như vậy”.

Phạm Học

Tin liên quan

Tin mới nhất