Xây dựng văn hóa học đường, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước

Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thành tựu tư duy lý luận của Đảng ta về văn hóa, về vị trí vai trò của văn hóa, về phương hướng mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ giải pháp xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc) và Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước). Hai Nghị quyết rất quan trọng và rất đặc sắc này có ý nghĩa như một cương lĩnh văn hóa của Đảng ta trong thời kỳ mới – Thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Giá trị và tầm cao lý luận của hai Nghị quyết này kết tinh trong nhận thức quan niệm về văn hóa về vị trí vai trò của văn hóa và trong hệ thống quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Xây dựng văn hóa học đường, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - 1

Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc. (Ảnh: Phạm Hằng)

Quan niệm về văn hóa, văn hóa học đường

Văn hóa là một lĩnh vực rất rộng lớn, vô cùng phong phú và đa dạng thuộc đời sống tinh thần của xã hội và con người.

Văn hóa vừa có tính bộ phận vừa có tính lan tỏa. Tính bộ phận của văn hóa thể hiện rõ trong các thiết chế văn hóa, trong việc hình thành các giá trị phẩm chất của con người, hình thành các kiểu nhân cách văn hóa. Tính lan tỏa của văn hóa biểu hiện trong các giá trị cơ bản, các động cơ, niềm tin khi con người ứng xử trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực đời sống.

Xây dựng văn hóa học đường, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - 2

Ảnh minh họa

Do đó ta có thể nói đến văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa lao động, văn hóa giao tiếp, văn hóa tôn giáo, văn hóa gia đình. Khái niệm văn hóa có nội dung trùng với khái niệm văn minh. Xét chặt chẽ hơn văn hóa và văn minh có điểm khác biệt quan trọng. Văn minh nhấn mạnh trình độ vật chất, kỹ thuật trong nền văn hóa của một xã hội, một thời đại. Văn hóa xác định trình độ nhân văn trong một nền văn minh hoặc một xã hội gọi là văn minh.

Văn hóa là mục tiêu của phát triển kinh tế xã hội. Văn hóa thể hiện trình độ được vun trồng ngày càng cao, ngày càng toàn diện của con người và của xã hội, khiến con người và xã hội ngày càng đổi mới, ngày càng tiến bộ, tiến tới một cuộc sống tự do ấm no hạnh phúc và văn minh. Trong đó bản chất nhân văn, nhân đạo của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng được bồi dưỡng phát huy và trở thành hệ giá trị cao đẹp và chuẩn mực của toàn xã hội. Mục đích này là khát vọng của toàn nhân loại. Đây cũng là lý tưởng, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội khoa học.

Văn hóa là động lực, là nguồn sức mạnh nội sinh cho sự phát triển. Văn hóa khơi dậy và nhân lên mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Trong những thế kỷ trước để phát triển kinh tế người ta chủ yếu khai thác các yếu tố lao động, đất đai. Thời kỳ cơ khí hóa thì vốn, kỹ thuật và quản lý là những yếu tố chủ chốt của tăng trưởng kinh tế.

Ngày nay, trong điều kiện bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thời đại kinh tế tri thức thì yếu tố quyết định cho sự phát triển là trí tuệ là thông tin là sáng tạo đổi mới không ngừng tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần ngày càng cao đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của toàn xã hội.

Do đó trong thời đại ngày nay, để trở thành giàu mạnh không chỉ phụ thuộc vào nhiều hay ít lao động, vốn, kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên mà chủ yếu là khả năng phát huy đến mức cao nhất tiềm năng sáng tạo của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong các yếu tố cấu thành văn hóa nghĩa là trong ý chí tự lực, tự cường và khả năng hiểu biết, trọng tâm hồn đạo lý lối sống, trình độ thẩm mỹ của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng.

Để văn hóa trở thành động lực nội sinh mạnh mẽ cho phát triển thì mỗi chính sách phát triển đúng đắn phải là chính sách làm cho các yếu tố cấu thành văn hóa thấm sâu vào tất cả các lĩnh vực sáng tạo của con người. Văn hóa trong lao động sản xuất, văn hóa trong quản lý, văn hóa trong giao tiếp, văn hóa trong sinh hoạt gia đình, văn hóa trong các cộng đồng dân cư và trong xã hội, văn hóa trong giao lưu và hợp tác quốc tế…

Văn hóa là hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững đất nước. Văn hóa dựa vào chuẩn mực cái đúng, cái tốt, cái đẹp để phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của các nhân tố khách quan và chủ quan, của các điều kiện bên trong và bên ngoài đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

Nền văn hóa mà nhân dân ta xây dựng là nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ mà nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Tiên tiến không chỉ về nội dung tư tưởng mà cả trong hình thức biểu hiện, trong các phương tiện chuyển tải nội dung.

Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị bền vững những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân – gia đình – làng xã – Tổ quốc; lòng nhân ái khoan dung trọng nghĩa tình đạo lý, đức tính cần cù sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống…

Bản sắc văn hóa dân tộc còn đậm nét cả trong các hình thức biểu hiện mang tính dân tộc độc đáo. Bảo vệ bản sắc dân tộc phải gắn kết với mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc cái hay cái tiến bộ trong văn hóa các dân tộc khác. Giữ gìn bản sắc dân tộc phải đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục tập quán, lề thói cũ.

Văn hóa học đường là một phần của văn hóa quốc gia dân tộc. Là lĩnh vực đặc biệt quan trọng tạo điều kiện môi trường để hiện thực hóa triết lý “Học để làm người” của giáo dục. Với cách tiếp cận văn hóa được trình bày trên, gắn với tính đặc thù của một cơ sở giáo dục, đào tạo, chúng ta nhận thức văn hóa học đường là hệ thống các giá trị chuẩn mực được kiến tạo và không ngừng hoàn thiện qua các quá trình tương tác ứng xử giữa nhà quản lý giáo dục, cán bộ giảng viên, giáo viên, học sinh sinh viên và các cộng đồng với nhau trong hoạt động dạy và học, trong các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong trường học và trong các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục, bồi dưỡng, xây dựng thế hệ trẻ trong các nhà trường phát triển toàn diện: nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.

Thực chất văn hóa học đường là hệ giá trị chuẩn mực văn hóa điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vi, tác phong, cử chỉ lời nói của người quản lý giáo dục, của thầy cô giáo, của học sinh, sinh viên trong giao tiếp với các thành viên trong nhà trường và với xã hội. Văn hóa học đường là môi trường văn hóa đặc biệt quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam thành những con người phát triển toàn diện đức-trí-thể-mỹ, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc, có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân.

Mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa học đường Việt Nam trong thời kỳ phát triển mới của đất nước

Để xây dựng thành công văn hóa học đường Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, chúng ta cần thống nhất nhận thức về văn hóa, về văn hóa trong các trường học, về vị trí vai trò của văn hóa, văn hóa học đường, quán triệt sâu sắc mục tiêu chung, 5 mục tiêu cụ thể, 5 quan điểm, 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp trong Nghị quyết TW 9 (Khóa XI) gắn chặt với mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo để tập trung làm tốt những vấn đề cơ bản sau:

Bám sát mục tiêu xây dựng văn hóa học đường Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 quán triệt sâu sắc quan điểm phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, để xây dựng hệ giá trị chuẩn văn hóa học đường Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Kết thúc 2022, Bộ giáo dục đào tạo phối hợp với Bộ văn hóa thể thao du lịch và các cơ quan liên quan cần chủ động hoàn thành công trình rất quan trọng này.

Trên cơ sở hệ giá trị chuẩn mực văn hóa học đường Việt Nam, cần kịp thời đổi mới, bổ sung hoàn thiện nội dung, phương pháp trong chương trình giáo dục chính trị, giáo dục đạo đức, giáo dục công dân và đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức trong các hoạt động của tổ chức Đội, Đoàn trong nhà trường.

Xây dựng văn hóa học đường, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước - 3

Ảnh minh họa

Trên nền tảng của hệ giá trị chuẩn mực văn hóa học đường xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử trong nhà trường Việt Nam xác định chuẩn mực ứng xử văn hóa lãnh đạo quản lý giáo dục trong dạy và học; Trong học tập, tự học tập, rèn luyện của học sinh, sinh viên, trong hoạt động ngoại khóa, trong các hoạt động chính trị xã hội của các tổ chức chính trị xã hội trong nhà trường, trong quan hệ ứng xử giữa các trường học với xã hội.

Xây dựng, hoàn thiện hệ thống các cơ chế, các thiết chế văn hóa trong nhà trường như Phòng thư viện, Phòng truyền thống, Phòng thông tin truyền thông (Bản tin, trang điện tử, phát thanh…) các câu lạc bộ văn nghệ, các khu thể dục thể thao, cảnh quan trường học…Đảm bảo cơ chế, chính sách để các thiết chế này vận hành có nền nếp có chất lượng để làm cho các giá trị văn hóa, giá trị văn hóa học đường thấm sâu vào từng thành viên của nhà trường hình thành nhận thức, niềm tin, điều chỉnh hành vi, cử chỉ, lời nói theo giá trị văn hóa học đường.

Sau Nghị quyết TW 9 (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (6.2014), việc xây dựng văn hóa trong các trường học luôn được Đảng, xã hội quan tâm. Từ tháng 10.2018 đến tháng 3.2022, Chính phủ đã ra bốn quyết định phê duyệt một số chương trình, đề án xây dựng văn hóa trong các trường học. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập.

Ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh việc giáo dục đạo đức lối sống, thẩm mỹ, ứng xử văn hóa và kỹ năng sống cho trẻ em, học sinh, sinh viên. Đến nay 100% cơ sở giáo dục đã xây dựng kế hoạch và tiến hành xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Đã thực hiện việc lồng ghép giáo dục văn hóa học đường trong chương trình giáo dục chính khóa; Đã đổi mới dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt Đội. Trong dạy và học môn đạo đức, giáo dục công dân đã tăng cường liên hệ với thực tiễn, các tấm gương người tốt việc tốt và đề cao trách nhiệm nêu gương mọi nơi mọi lúc của các thầy giáo, cô giáo…

Đến nay công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Phần lớn thế hệ trẻ trong nhà trường hiện nay có kiến thức rộng, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin, có sức khỏe tốt, tinh thần cầu thị trong học tập, khả năng ứng dụng những kiến thức trong học tập vào thực tiễn được nâng cao thể hiện nổi bật trong chất lượng, hiệu quả các phong trào tình nguyện và nhất là trong phong trào lập nghiệp hiện nay; Thái độ quý trọng thầy cô, đoàn kết giúp đỡ bạn học, sống có kỷ cương, không ngừng phấn đấu vươn lên trong học tập và cuộc sống.

Bên cạnh mặt tích cực nêu trên vẫn còn một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên lệch chuẩn và lệch chuẩn nghiêm trọng trong cử chỉ, lời nói, hành vi ứng xử trong các mối quan hệ cơ bản của văn hóa học đường. Tình trạng bạo lực học đường, tình trạng mua bán, sử dụng ma túy, thuốc lắc trong lớp trẻ gia tăng cả quy mô và tính chất; Văn hóa dạy và học biến dạng xuống cấp bởi tình trạng “chạy trường”, “chạy điểm”, “chạy bằng tốt nghiệp”, sau tốt nghiệp thì “chạy vào các cơ quan, đơn vị có nhiều bổng lộc” của học sinh, sinh viên và phụ huynh, tình trạng quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên và trước hôn nhân của học sinh, sinh viên.

Tình trạng “chạy thành tích”, “chạy danh hiệu” của các nhà quản lý giáo dục, của giáo viên, giảng viên… Đây thực sự là những “điểm nóng” của ngành giáo dục, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Thực trạng yếu kém trên đã ảnh hưởng đáng kể đến mục tiêu xây dựng, phát triển văn hóa học đường, mục tiêu xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Văn hóa học đường là bộ phận rất quan trọng của văn hóa quốc gia, quan điểm xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vị trí quan trọng. Xây dựng, phát triển văn hóa học đường Việt Nam trong thời kỳ mới không chỉ là trách nhiệm trực tiếp của ngành giáo dục đào tạo mà còn là trách nhiệm của Nhà nước – Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các cấp; mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội.

Từ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng phát triển văn hóa, con người nói chung và xây dựng phát triển văn hóa học đường nói riêng từ kinh nghiệm tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, then chốt, trọng yếu trong 35 năm đổi mới, chúng tôi kiến nghị Ban Bí thư Trung ương quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng phát triển văn hóa học đường Trung ương do đồng chí Uỷ viên Bộ chính trị, thường trực Ban bí thư làm Trưởng ban, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch mặt trận Tổ quốc làm Phó trưởng ban, Bộ trưởng giáo dục làm Ủy viên thường trực, các thành viên Ban chỉ đạo: Thủ trưởng Bộ giáo dục đào tạo, Phó chủ nhiệm Ủy ban văn hóa giáo dục Quốc hội, Thứ trưởng Bộ văn hóa, Phó ban tuyên giáo Trung ương, Thứ trưởng Bộ lao động thương binh xã hội, Thứ trưởng Bộ công an, Thứ trưởng Bộ khoa học công nghệ, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam. Ban chỉ đạo có đủ thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp như đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ và tăng cường nguồn lực cho xây dựng văn hóa học đường.

Việc quan trọng đầu tiên của Ban chỉ đạo là chỉ đạo các tổ chức Đảng trong hệ thống giáo dục đào tạo cả nước tiến hành tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết TW 9 (Khóa XI) về xây dựng văn hóa con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trọng tâm là thực hiện Đề án “xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025”.

Trước hội nghị tổng kết toàn quốc về vấn đề này cần có cuộc điều tra xã hội học về thực trạng nhận thức về vị trí vai trò của văn hóa, văn hóa học đường, về mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và các giải pháp xây dựng văn hóa con người nói chung và xây dựng văn hóa trong các trường học nói riêng. Điều tra xã hội học về thực trạng văn hóa học đường hiện nay.

Trên cơ sở của điều tra xã hội học khách quan khoa học giúp cho hội nghị tổng kết nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng, đánh giá đúng sự thật để có thể đánh giá đúng thực trạng, ưu điểm, thành tựu, khuyết điểm trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa con người, xây dựng văn hóa trong các trường học, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, quy rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Trong chương trình này phải xác định rõ mục tiêu, tổng quát, muc tiêu cụ thể đến năm 2030, 2045; Xác định rõ hệ giá trị cốt lõi chuẩn mực văn hóa học đường Việt Nam thể hiện trong văn hóa dạy và học, trong văn hóa ứng xử chung trong các cặp quan hệ Thầy – Trò, Trò – Trò, Nhà quản lý giáo dục – Thầy, cô giáo, Nhà trường với Phụ huynh, xã hội; Xác định rõ những thiết chế văn hóa cần phải được xây dựng và vận hành tốt như: Thư viện, Phòng truyền thống, Phòng văn hóa văn nghệ thể dục thể thao để tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, Thể dục thể thao bao gồm các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, các câu lạc bộ thể thao cùng hệ thống Hội trường, sân vận động, khu thể thao trong khuôn viên từng trường.

Trong chương trình hành động phải xác định hệ thống các giải pháp về lãnh đạo, về quản lý, về xây dựng mới hoặc bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp quy các cơ chế chính sách xây dựng văn hóa học đường; Về xây dựng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách trực tiếp xây dựng văn hóa học đường, xác định rõ mức tăng nguồn lực cho xây dựng văn hóa học đường: nguồn ngân sách, nguồn từ xã hội hóa để xây dựng cảnh quan văn hóa của các trường học, xây dựng và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa của từng trường. Chương trình hành động phải phân công cụ thể trách nhiệm thực hiện cho từng tập thể và cá nhân.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về xây dựng văn hóa học đường Việt Nam chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng văn hóa học đường Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 nhất định sẽ được hiện thực hóa thành công.

Hà Nội 8.2022

PGS.TS Đào Duy Quát

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và Opera Vầng trăng Him Lam

Sau 8 năm kể từ ngày công diễn vở opera Lá đỏ, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trở lại ấn tượng với opera Vầng trăng Him Lam, tác phẩm tham gia cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật “Sống mãi với thời gian” giai đoạn 2022 – 2025.