Ca sĩ thật đáng quý, nhưng...

Ca sĩ thật đáng quý, vì họ là những người đem đến cho đời rất nhiều niềm vui, thoả mãn rất lớn nhu cầu thưởng thức âm nhạc của công chúng, là đối tượng hiếm hoi không dễ kiếm tìm trong nhân gian. Nhưng ca sĩ, đôi khi cũng đồng thời là nỗi phiền hà, có khi bực mình, khó chịu, ức chế, làm nguội lạnh bao cảm hứng của nhiều người.

Trước hết, phải khẳng định rằng trong hoạt động âm nhạc, ca sĩ là đối tượng dứt khoát phải có. Họ là khâu trung gian, là lần sáng tạo thứ hai để chuyển tải tác phẩm thanh nhạc đến người nghe.

Không có họ, số đông công chúng không biết được tác phẩm bởi vì không phải nhạc sĩ sáng tác nào cũng biết hát và cho dù có hát được cũng không thể làm thay công việc của ca sĩ. Mà âm nhạc lại phải được vang lên, chứ không thể chỉ ở trên trang giấy và đọc bằng mắt. Trong lịch sử từng có nhiều ca sĩ đã khiến biết bao tác phẩm thanh nhạc có được đời sống lâu bền bởi sự sáng tạo lần thứ hai của họ. 

Và nói đến những bài hát có giá trị nào đó, không thể không nói đến những ca sĩ đã thể hiện thật tuyệt vời, khó có người khác hát hay hơn, ít nhất là cho đến hôm nay. Nhớ bài hát, nhiều người nhớ ngay đến tên tuổi ca sĩ đã hát, mặc dù tác phẩm xuất hiện đã từ rất lâu. Có khi nhạc sĩ viết nên bài hát chưa chắc được người ta nhớ tên. 

Đó thật sự là những ấn tượng mạnh mẽ, đậm đà, không lớp bụi nào của thời gian có thể phủ lên, xoá đi được. Đó là các trường hợp: Thương Huyền hát Biết ơn chị Võ Thị Sáu của Nguyễn Đức Toàn, Tân Nhân hát Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ, Khánh Vân hát Bài ca hy vọng của Văn Ký, Trần Khánh hát Tình ca Của Hoàng Việt, Tôi là người thợ mỏ của Hoàng Vân, Quốc Hương hát Hồ Chí Minh đẹp nhất mang tên người của Trần Kiết Tường, Tường Vi hát Cô gái vót chông của Hoàng Hiệp… 

Còn rất nhiều trường hợp khác nữa không thể kể hết. Dĩ nhiên là những bài hát hay tự thân đã có giá trị, song, nếu không gặp được ca sĩ có tài, lao động hết mình, hẳn là không dễ gì có thể đến được với công chúng, chưa nói trở nên nổi tiếng. 

Chắc chắn số lượng những bài hát hay nhưng không có số phận may mắn để gặp được ca sĩ giỏi, rốt cuộc hoặc là phải vĩnh viễn chìm trong bóng tối hoặc là cũng được vang lên từ thanh quản của những ca sĩ ít tài năng hoặc lao động cẩu thả cũng dẫn tới chết yểu hắn là không ít.

Nhiều bài hát, ca sĩ đã không hát được đúng tốc độ phù hợp nhất. Chỉ cần hát nhanh (hoặc chậm) hơn một chút cũng đủ “giết” tác phẩm. Mà không phải nhạc sĩ nào cũng chú ý ghi rõ quy định tốc độ trong bài. 

Có khi ca sĩ tự ý thay đổi nốt nhạc theo một thói quen dễ dãi khiến giai điệu từ chỗ “đắt” trở nên rẻ tiền, tầm thường. Lại có người trình độ nhạc lý yếu, xướng âm không đúng, bản nhạc ghi một đằng, hát một nẻo hoặc thay đổi tiết tấu bài hát, thích kết nhấc lên một quãng 8 mặc dù tác giả không ghi. 

Có không ít ca sĩ rất mauvais gout (thị hiếu thẩm mĩ thấp kém), không nhận ra được tính chất sang trọng, tình cảm sâu sắc của tác phẩm đã thể hiện rất hời hợt, tầm thường bằng một vài tiếng nấc, luyến láy hết sức dông dài khiến tác giả khi nghe tác phẩm của mình đã không giấu được sự bực bội, phiền lòng. 

Chẳng những xử lý dở về âm nhạc, họ còn hát nhầm lời mà toàn những cái nhầm làm cho bài hát trở nên ngây ngô, ngớ nhẩn. Các nhạc sĩ có bài được sử dụng trên các làn sóng, biểu diễn trên các sân khấu phàn nàn với tôi là họ đều có nhiều tác phẩm bị như vậy. 

Chỉ xin đơn cử vài trường hợp: Bài Cùng anh tiến quân trên đường dài của Huy Du được tác giả viết ở nhịp 2/4. Nhưng khá nhiều người đã hát đoạn 1 thành 3/4 : “Qua núi qua sông qua đồng lúa chín, ta nghe xao xuyến tiếng gọi thiết tha. Ngọn lửa trong tim những chiều hành quân sáng lên bài ca những người anh hùng…”. 

Các chiến sĩ trẻ noi gương Nguyễn Viết Xuân, cùng tiến bước theo người anh hùng liệt sĩ trên mỗi chặng đường hành quân. Bước đi của họ khoan thai, chững chạc, đàng hoàng, tràn ngập niềm tin yêu lạc quan bởi họ đang được đốt cháy trong tim bằng ngọn lửa chủ nghĩa anh hùng cách mạng. 

Nếu hát thành 3/4 sẽ không có điều đó nữa mà trở nên nhạt nhẽo, tầm thường, thậm chí còn gây cho người nghe cảm giác những bước “tiến quân” được diễn tả bởi những người lê gót trong chuếnh choáng, lảo đảo của hơi men. Ví dụ thứ 2 là bài Tình em biển cả của Nguyễn Đức Toàn cũng bị nhiều ca sĩ xử lý tương tự. Nhạc sĩ viết ở nhịp 2/4. Họ cứ hát thành 3/4 hoặc 6/8. Nghe rất dề dà, buồn tẻ.

 Bài hát hay là vậy, đặc biệt có mấy chỗ tác giả cho xuất hiện những chùm 3 nốt (triolet) ở đoạn hai thật đắt nhưng người hát đã làm mất hiệu quả. Bao nhiêu trăn trở, tìm tòi của người nhạc sĩ, chỉ vì cẩu thả, dễ dãi hoặc hạn chế trong cảm thụ thẩm mĩ - nếu không muốn dùng một từ không tiện là sự dốt nát mà đã phải đổ xuống sông, biển một cách uổng phí. 

Cũng có những ca sĩ khi hát đã có sáng tạo khác so với tác phẩm. Nhưng làm cho hay hơn thì ít lắm so với “lợn lành chữa lợn què”. Trường hợp ca sĩ sáng tạo mà hay hơn thường chỉ đúng đối với những người viết nghiệp dư, tác phẩm chưa hoàn chỉnh. Còn với những nhạc sĩ đã thành danh thì chớ nghĩ tới việc hát khác họ viết bởi tác giả lao tâm khổ tứ từ một trí tuệ lớn trong khi mình không thể so được với họ, chỉ là thói quen hát mà thôi.

Vậy là hôm nay, trong lĩnh vực ca hát, có vẻ như “phú quý giật lùi”? Vẫn nhiều tên tuổi liên tục xuất hiện và được công chúng ái mộ tiếng hát. Một đội ngũ ca sĩ đông đảo hơn trước rất nhiều, hùng hậu khắp từ Nam ra Bắc. Họ có mặt ở đủ các ga-la, nhạc hội, các đêm nhạc nọ, chương trình kia với rất nhiều tên gọi thật là “kêu”, hấp dẫn. 

Nhưng bây giờ, họ là ai? Câu hỏi sao ngớ ngẩn, kỳ khôi. Họ là ca sĩ chứ là ai nữa. Nhưng vừa nói, họ là “thợ hát” nhiều hơn là nghệ sĩ thực thụ như các thế hệ cha anh. Bởi vì chỉ thuần tuý coi họ biểu diễn, nghe họ hát thì còn tạm chấp nhận (“tạm” thôi vì nhiều người diễn cũng chướng lắm), chứ biết rõ một số ứng xử của họ liên quan trực tiếp đến biểu diễn thì không thể nào chấp nhận. Ngày Thương binh liệt sĩ, người ta trân trọng mời những người đã có công lớn trong chiến tranh đến thưởng thức một chương trình ca nhạc. 

Những ca sĩ trên sân khấu bất chấp ở dưới là những ai, họ đã thi nhau múa may, quay cuồng với những trang phục nhố nhăng nhất để trình diễn những bài ca hoặc là Tây, Tàu đâu đâu, hoặc là trong nước nhưng sướt mướt, ỉ eo, hay cuồng nhiệt, náo loạn. Điều dễ hiểu là phần lớn đám ca sĩ trong chương trình này còn trẻ, không biết và cũng không thích hát những bài phù hợp với anh, chị em thương binh hôm đó - những bài tạo nên diện mạo đặc sắc nền ca khúc Việt Nam một thời. Như vậy đã đáng phàn nàn lắm. 

Họ mặc cả chuyện cát-sê không chút dè dặt với yêu cầu phải trả cao không kém gì biểu diễn có doanh thu mặc dù là một cuộc phục vụ thương binh và gia đình liệt sĩ. Họ không thể nhân nhượng với lời nói thẳng là: “Không thể chấp nhận mức thù lao thấp vì “còn phải giữ giá”.

Có lần, tôi được một trường đại học mời nói chuyện về âm nhạc. Họ đặt vấn đề mời đích danh nữ ca sĩ nọ đang rất nổi đến hát minh hoạ cho buổi nói chuyện. Tôi từng đã có bài viết giới thiệu cô rất trân trọng trên một tờ báo lớn khi cô bắt đầu được nhiều người ái mộ. Những tưởng việc làm của mình sẽ khiến cô vui vẻ nhận lời, sẵn sàng cộng sự trong cuộc làm việc tại trường đại học kia. Nào ngờ cô đặt thẳng vấn đề.

- Thế chú định trả cháu bao nhiêu?

Tôi nói:

- Đây là một trường học. Người ta mời chú nói chuyện về chủ đề cách mạng trong ca khúc Việt Nam cho toàn thể thầy, trò nghe. Không có bán vé nên chỉ thù lao mức độ cho chúng ta. Nhưng chú nghĩ là họ sẽ cư xử chu đáo, lịch sự.

- Cần phải cụ thể chú ạ! Cháu phải biết rõ mới nhận lời được. Đó là việc thứ nhất. Còn việc thứ hai: Cháu không thể hát nhiều bài cách quãng theo nội dung chú nói được đâu, mà phải để cho cháu hát liền một mạch, dăm bảy bài cũng được, vì sau đó cháu phải đến hát ở chỗ khác nữa. Việc thứ ba: Cháu có thể hát các bài theo chỉ định của chú nhưng không thể thuộc lòng, mà phải cầm giấy, vì những bài hát cách mạng cháu đâu có thuộc nhiều. Mà trong chương trình này lại không được hát những bài “tủ” của cháu.

Tôi ít nhiều “choáng” trước những yêu cầu dứt khoát, không chút dè dặt của cô ca sĩ. Đã vậy, tôi đành phải hỏi:

- Vậy theo ý cháu, họ thù lao bao nhiêu thì cháu có thể nhận lời?

Cô công bố luôn mức tiền phải trả - tất nhiên phần của cô. Còn tôi - nhạc sĩ nói chuyện cả buổi - cô không cần để ý. Mức tiền ấy cũng xấp xỉ bằng việc cô đi hát ở những nơi có bán vé lâu nay. Cô còn biết nói thêm một câu:

- Ấy là nể chú chơi với bố cháu chứ nếu thẳng thừng ra thì phải….

Tôi nói luôn: 

- Điều ấy không quan trọng cháu ạ. Vấn đề cần nghĩ đến là cháu tới hát ở một trường đại học lớn, người ta hâm mộ giọng hát của cháu. Và đây là một sinh hoạt âm nhạc trong dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Chú nghĩ rằng chẳng lẽ cháu không cho đó là một vinh hạnh sao?

Tôi không ngờ cô đã “dạy” cho mình một bài học:

- Chú cũng giống bố cháu, cứ thích sống bằng đủ thứ vinh quang trên đời, chỉ loại trừ tiền. Chúng cháu nghĩ khác chú ạ. Lao động hiệu quả đến đâu phải được hưởng xứng đáng tới đó. Không thể để người ta lợi dụng mình. Một sinh hoạt do chú cháu ta tạo nên nổi đình đám, lại trong dịp lớn, ở đấy họ được nhiều thứ lắm. Họ được cấp trên khen, quần chúng ca ngợi. Còn chú cháu ta thì mệt nhoài. Họ chi cho ta bõ bèn gì với việc họ nghênh tiếp cấp trên.

Thế là lần đó, tôi đành không thoả mãn được nguyện vọng của trường đại học nọ. Thay vì, tôi mời một nữ ca sĩ khác ít tiếng tăm hơn. Chị là nghệ sĩ quân đội, đã hát hết mình. Lúc đầu, sự xuất hiện của chị ít nhiều làm những người tổ chức hơi mất hứng.

Nhưng sau đó, vào làm việc, chị đã nhanh chóng thuyết phục mọi người bởi thái độ phục vụ và cung cách ứng xử lịch sự. Hai cung cách, hai thái độ đối ngược nhau. Về giọng hát, chị đã hát hiệu quả nhiều bài mà cô ca sĩ trẻ kia khó có thể thể hiện tốt bởi khác nhau về phong cách, chất giọng, sở trường, mặc dù cô đang có sức bật mạnh.

Quá nặng về tiền, ắt là phải làm ẩu, không thể bỏ nhiều công sức. Những ca sĩ này không dại gì mất công tìm kiếm những tác phẩm mới, biết có thể có giá trị nhưng tập tành lâu, mệt, bèn đổ xô đến những bài đã lây lan như bệnh dịch, nghe đến nhàm tai.

Rất hiếm thấy ca sĩ chịu khó tìm đến những sáng tác mới, hay. Hình như họ không có khả năng cảm nhận một bài hát hay khi chưa được vang lên ở đâu. Tôi chứng kiến không ít trường hợp như sau: Nhạc sĩ trao cho nhiều ca sĩ một bài hát mới sáng tác rất hay, mong họ chắp cánh. Nhưng các ca sĩ đều xếp xó.

Một thời gian sau, nhờ một ca sĩ vì tin ở tài năng của vị nhạc sĩ kia mà kiên trì tập rồi hát ở những nơi mình vẫn phục vụ. Thế là sau đó, bài hát nổi lên rồi lây lan. Lúc này đám ca sĩ kia mới quay lại xin nhạc sĩ bài hát (vì họ đã chót để mất.

Học hành thì biếng nhác. Ngày trước, các bậc cha anh còn học Tây, học Tàu rồi thuộc lòng kho dân ca khắp các vùng, các dân tộc. Bây giờ họ rất ngại học và đọc, càng xa lạ với những giá trị truyền thống.

Cung cách của họ chỉ có thể kích thích nhạc sĩ đổ xô sáng tác… “hàng chợ”, lái công chúng tới những ham thích thưởng thức âm nhạc thấp kém. Đáng buồn thay, một vài tờ báo đã thay vì uốn nắn, lại phụ hoạ thêm bằng việc thực hiện những bài giới thiệu họ như những ngôi sao sáng chói, tài năng kiệt xuất trên bầu trời ca hát Việt Nam. Truyền hình thì cũng thi nhau “lăng xê”, tôn vinh họ.

Ca sĩ đang “nổi” được coi là “ngôi sao”, xuất hiện trên kênh truyền hình phải tới hàng chục lần, người đóng vai trò MC còn sẵn sàng giới thiệu cả chồng, con cô ta cùng những chi tiết sinh hoạt đời thường của cô. Nghe mới lố làm sao.

Đành rằng không thể uống nước lã để hát và tài năng phải được trọng đãi bằng cả tinh thần lẫn vật chất nhưng nhiều ca sĩ thiếu tự trọng đã tự hạ thấp mình bằng việc đòi hỏi nâng cao tiền công hát.

Tuy nhiên, tôi cho rằng bàn đến ca sĩ không cần thiết nói nhiều đến chuyện thu nhập của họ mà cái lớn hơn, trầm trọng hơn, cần phê phán họ hơn chính là sự lười nhác học hành, sự hạn chế về tri thức, nhận thức chính trị, về ý thức phục vụ các đối tượng, sự hạn hẹp về năng lực cảm thụ tác phẩm và sự cẩu thả trong lao động nghệ thuật của một số lượng không nhỏ ca sĩ hiện nay.

Những tên tuổi ca sĩ ngày trước vừa nhắc tới ở trên khi đã nổi tiếng vẫn còn kéo dài mãi sự cao đẹp về nhân cách và tài năng đến hết cuộc đời. Bây giờ vừa sớm nổi đã ngộ nhận và tự cho quyền mặc cả với xã hội, không trách tài năng sớm dừng lại. Có người tuổi chưa tới 30 mà xem ra sức bật không còn nhiều.

Tất nhiên, đáng buồn vậy, nhưng đâu có thể vơ đũa cả nắm. Cũng may vẫn còn nhiều người không nằm trong số trên. Nhưng dẫu sao cũng là một hiện tượng không thể bỏ qua./.

None

Thôn Ca

Tin liên quan

Tin mới nhất