Những vần thơ tình ám ảnh của một nhà văn

(Arttimes) - Nguyễn Thế Hùng là một nhà văn thuộc thế hệ 7X (sinh năm 1972) đã định hình và khẳng định được mình trong lĩnh vực văn xuôi từ nhiều năm nay. Anh sở hữu nhiều giải thưởng văn học danh giá ở cả hai miền Nam, Bắc và Trung ương. Nhưng quan trọng hơn là bạn đọc và đồng nghiệp luôn ghi nhận anh là một nhà văn có bản lĩnh, có phong cách riêng, không lẫn lộn với bất cứ cây bút nào.

Những vần thơ tình ám ảnh của một nhà văn - 1
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng

Cách đây mấy tháng, Nguyễn Thế Hùng tặng tôi tập thơ Mượn lửa mặt trời do NXB Hội Nhà văn ấn hành cuối năm 2020. Lâu nay, hầu như văn đàn vẫn mặc định anh nổi trội ở lĩnh vực văn xuôi, mà rất ít người biết anh làm thơ. Vậy nên tôi có phần tò mò với ý nghĩ: Để coi anh chàng nhà văn quân đội rồi bây giờ là công an này làm thơ ra sao? Nhất là cái tên tập thơ thật độc đáo và ấn tượng: Mượn lửa mặt trời. Có cái gì đó dữ dội, cuồng nhiệt, nóng bỏng, mãnh liệt đây (vì vừa “lửa”, lại vừa “mặt trời”). Nhưng lại có phần khiêm nhường, từ tốn (“mượn”).

Xưa nay, người viết văn xuôi bước chân sang địa hạt thơ cũng nhiều nhưng ít người đặc sắc được cả hai thứ. Chỉ được một. Tất nhiên cả hai đều tầm phào, làng nhàng, chẳng in được dấu ấn nào trong công chúng là nhiều hơn. Không nhiều người được như Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng. Thế nên tôi đã rất hào hứng tiếp nhận tập thơ của Nguyễn Thế Hùng. Tôi lại có thói quen khi đọc một tập thơ mới được tặng, bao giờ cũng mở trang bất kỳ nào để đọc bài đầu tiên mà không theo thứ tự từ đầu chí cuối như thông lệ. Nếu bài đầu mà dở thì tôi khó đọc hết cả tập. Ngược lại, nếu bài hay thì sẽ đọc tiếp, đọc tất cả mọi bài. Và tôi đã giở đúng trang 80 tập thơ Mượn lửa mặt trời thì thấy bài Mượn. Ngay khổ đầu đã khiến tôi vô cùng ấn tượng: “Đã bao giờ dám trách nhau đâu/ Em mượn anh từ người đàn bà khác/ Mượn trong bóng đêm và âm thầm nước mắt/ Mượn một chút của người để mình đỡ chơi vơi”. Rõ đây là một giọng thơ lạ. Không thể đọc lướt và chỉ một lần mà buộc tôi phải đọc cả bài rồi đọc lại lần thứ 2, thứ 3 một cách đầy thích thú.

Những vần thơ tình ám ảnh của một nhà văn - 2
Tập thơ Mượn lửa mặt trời

Và bài viết này, tôi chỉ xin nói đôi điều cảm nhận về mảng thơ tình của Nguyễn Thế Hùng mặc dù các mảng khác anh viết về quê hương, về chiến tranh, thời cuộc, mẹ và những người ruột thịt đều hay, sâu sắc. Thơ tình nói ở đây xin được hiểu với nghĩa thông thường: Thơ về tình yêu đôi lứa.

Hầu như bất cứ người làm thơ nào cũng ít nhất từng làm một bài thơ tình. Trong nền thơ Việt Nam hiện đại, thơ tình có lẽ phải chiếm đến gần một nửa tổng số các bài thơ đã ra đời. Thời Thơ mới ra đời trước năm 1945, đại bộ phận là thơ tình với những tên tuổi lẫy lừng như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Bính…Làm thơ tình thì dễ. Hầu như ai cũng có thể làm được vài câu thơ lục bát diễn tả niềm thương, nỗi nhớ người trong mộng của mình kiểu như: “Anh yêu em quá em ơi/Ngày thương đêm nhớ rối bời lòng anh…”. Nhưng làm hay khiến người đọc thích thú, nhớ mãi thì cực khó. Tình trạng phổ biến của thơ tình ngay cả những người làm thơ nhiều, thậm chí được coi chuyên nghiệp là dông dài, nhạt nhẽo, không mới, lặp lại những ý tứ nhiều người đã nói, hoặc một thái cực khác là cầu kỳ, rối rắm, bản thân người làm thơ cũng không tự phân tích được thơ của mình cho người khác hiểu.

Thơ tình của Nguyễn Thế Hùng gây ấn tượng mạnh, ám ảnh mãi người đọc trước hết bởi anh tìm tòi được những ý, tứ mới lạ mà bài “Mượn” vừa nhắc tới ở trên là một minh chứng tiêu biểu. Thơ anh đi đến tận cùng của chủ nghĩa nhân bản, của những gì rất CON NGƯỜI. Một trong những thứ rất Người đó là tình yêu trai gái. Thứ tình cảm này đâu phải lúc nào cũng chân phương, nghiêm chỉnh, suôn sẻ (ta vẫn gọi là hợp pháp) mà lắm khi trái tim mách bảo ta rung động theo chiều hướng phức tạp, không dễ được dư luận đồng tình (tạm gọi là bất hợp pháp). Ví như những tình cảm khác giới ngoài vợ, ngoài chồng. Bất hợp pháp (vì không được pháp luật thừa nhận) nhưng không hẳn là bất chính vì đó là tình cảm thực sự từ trái tim chứ không phải xuất phát từ bất cứ sự vụ lợi nào. Thật thú vị khi Nguyễn Thế Hùng diễn tả cái tình cảm rất chân thành đến thật thà của một người con gái hướng đến một người đàn ông: “Không khởi đầu, chẳng gặp nhau điểm cuối/Em âm thầm cóp nhặt riêng em”. Cô ta thực ra là rất đáng thương và tội nghiệp khi không chế ngự được trái tim mình để chỉ đi “mượn” mà không dám chiếm hẳn: “Em mượn ngày, mượn tháng, mượn năm/Mượn những cô đơn/Mượn ngày nắng quái/Mượn lạnh lẽo người đời/Mượn lạnh lẽo thị phi/Mượn một chút anh thôi/Quây tổ ấm riêng mình”. Cái tứ thơ lạ, thú vị còn được bộc lộ ở cái kết bài khá bất ngờ, đột xuất: “Em mượn anh từ người đàn bà khác/Và biết đâu ở phương trời nào đó/Có một người cũng đang muốn mượn em”.

Con chim giật mình trước cành cây cong” là một thành ngữ quen thuộc đối với người Việt Nam. Càng quen thuộc hơn đối với khách má hồng từng qua ít nhất một lần đổ vỡ, đau khổ, một lần thất vọng trong cõi tình. Đã bị một cánh cung nào đó bắn mình chết hụt. Sau khi thoát chết thì nhìn bất cứ cành cây cong nào cũng tưởng như đó là là cây cung đang giương lên, bắn mình. Trạng thái tâm lý này được Nguyễn Thế Hùng diễn tả thật hay trong bài Mình em thôi đã chật lắm rồi. Cô gái trong bài thơ có vẻ tha thiết đề nghị một chàng trai nào đó chớ hò hẹn mình bởi mình như là đã tắt lửa lòng từ lâu. Nhưng lời khẩn cầu sao mà có sức cuốn chàng đến thế khiến nàng càng nói, chàng ta lại càng muốn lao vào. Cái mâu thuẫn trong đáy sâu tâm trạng của cô cũng vì thế mà hiện ra thật tinh tế: “Đã hết dại khờ, đã hết cuồng phong/Em như con tàu lao vào vịnh vắng/Qua lâu rồi cái thời nhặt nắng/Một cánh chim chuyền cũng cô đơn”. Em không muốn có thêm anh nữa bởi chỉ “mình em thôi đã chật lắm rồi”. Cách nói có vẻ ngoa ngoắt, cực đoan của cô gái chính là để che giấu cái tâm trạng đầy mâu thuẫn trước anh khi em đang là “con chim giật mình trước cành cây cong”. Em không muốn có thêm anh vì “mình em thôi đã chật lắm rồi” quả là một cách diễn tả thật độc đáo. Độc đáo ở chỗ cô gái bịa ra cái lý do nhà “chật lắm rồi” để khước từ tình cảm của chàng trai. Ta thấy Nguyễn Thế Hùng luôn tìm ra cách nói hay, lạ, không phải ai cũng tìm được cách nói như thế.

Thơ nói chung và thơ tình nói riêng của Nguyễn Thế Hùng kén người đọc. Nhưng không phải là anh cố tình viết cho khó hiểu đến tắc tỵ như một số bạn trẻ mới làm thơ cố tình tỏ ra mình cách tân. Mà là anh rất tự khó tính với mình, không bao giờ viết ra thơ một cách dễ dãi. Có cảm giác để ra được một bài thơ, một câu thơ, anh phải trăn trở, tìm tòi, “Thôi, Sao” lắm. Và chữ nghĩa anh huy động luôn có ý sâu sa, người đọc phải đào sâu, suy nghĩ, nghiền ngẫm kỹ mới có thể nắm bắt được hết điều anh muốn nói: “Ta về nhé! Gió thoảng từ kiếp trước/Vẫn thông thênh mê mải đến kiếp này/Em cơn gió du ca không mệt mỏi/Chỉ còn ta…như chú ngựa già…” Và còn gì xót xa hơn những câu thơ được viết từ một  trái tim đau: “Thà đừng gặp, đừng nhen ân ái cũ/Đừng cho ta hối tiếc những ngày xưa/Bên hiên vắng chiều xa ai hong tóc/Còn sợi nào cho tuổi em xưa?”Đọc thơ tình của Nguyễn Thế Hùng, tôi như sống lại một thời rực lửa yêu đương, luôn sống trong mọi cảm giác luyến ái: Khi thì thắc thỏm, khắc khoải ngóng trông, lúc lại bồi hồi xao xuyến phút gặp gỡ, rồi lo sợ tình yêu tuột khỏi tay…Tất cả chỉ là phần hồn thiêng liêng và thánh thiện, không một chút gợi vẻ gì gọi là trần tục. Nhưng thực sự mê đắm, thực sự nồng say. Không bồi hồi, thảng thốt sao được khi đọc những câu thơ sau trong bài  “Chiều Nhật Lệ”: “Và tôi hát bóng chiều đang rụng bến/Ngoài xa kia còn lại một cánh buồm/Như ngọn bút vẽ lên trời ráng đỏ/Cháy một thời hoa lửa  tuổi xa xưa”. Và cũng vô cùng nuối tiếc: “Ta chẳng còn tuổi nữa để cho nhau/Khi chiều về sầm sập sau cánh cửa”. Tôi từng có lần đi dạo bên bờ sông Nhật Lệ, cũng có những kỷ niệm thật êm đềm nơi đây. Tôi định bụng sẽ viết một bài hát gắn với kỷ niệm ở dòng sông rất nên thơ này. Vậy mà cứ lần lữa mãi chưa thể viết ra. Mãi gần đây, đọc được bài thơ này của Nguyễn Thế Hùng, tôi mới phổ thành ca khúc cùng tên. Bạn đọc có thể nghe trên Youtube.

Thơ tình của Nguyễn Bính thì dịu ngọt, nhẹ êm, đẹp như ca dao (“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rì”). Của Xuân Diệu thì đam mê, mãnh liệt nhưng ồn ã, có phần quá mạnh mẽ đến thô thiển (“Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi”). Nguyễn Thế Hùng làm thơ tình như moi từ ruột gan ra những cung bậc phong phú của tình yêu với đủ mọi màu sắc, gây ám ảnh lớn cho người đọc. Đọc xong một bài của anh, khép cuốn sách lại, những vần thơ ấy còn có sức lắng đọng mãi trong tâm khảm người đọc, không dễ dứt. Đó là điều người làm thơ nào cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm được. Tạo nên được hiệu ứng này nơi người đọc là nhờ ở anh luôn tìm được những tứ thơ mới lạ, độc đáo và huy động những từ ngữ đắt. Không dễ gì viết được: “Bóng chiều đang rụng bến”, “Như ngọn bút vẽ lên trời ráng đỏ” (Chiều Nhật Lệ), “Mỏng như lá tre, sắc như cật nứa” (Thương về Hà Tĩnh), “Tóc vẫn thế dài như hò hẹn/Vấn đời em vào cảnh bần hàn”… Ta có thể gặp rất nhiều câu thơ như thế ở nhiều bài.

Hầu hết những bài thơ tình (và các bài không phải là thơ tình) trong tập Mượn lửa mặt trời đều đem đến cho người đọc sự thú vị bởi những ý tứ sâu xa, nặng chất lượng tư tưởng và thẩm mỹ. Đọc thơ anh phải đọc kỹ và ngẫm nghĩ. Nhưng không mệt vì ta thấy hứng thú. Tôi đang có trong tay hàng trăm tập thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp cũng như người làm thơ nghiệp dư tặng. Rất trân trọng và biết ơn nhưng rất ít tập khiến tôi có thể đọc hết và kỹ từng bài. Thường là chỉ đọc lướt qua một hai bài và khổ đầu tiên rồi thôi vì nhạt, cũ, không có gì mới mẻ. Hoặc thơ như hũ nút, chẳng thể hiểu tác giả định biểu hiện điều gì. Nếu có thể so sánh thơ tình của Nguyễn Thế Hùng với một cô gái thì đó là cô gái có hình thức ưa nhìn, có duyên mặn mà, đằm thắm và rất có cá tính. Cá tính đó là sự khảng khái, thẳng thắn, trung thực, vị nào rõ vị nấy, chua ra chua, ngọt ra ngọt. Giống như anh viết trong bài Thương về Hà Tĩnh - bài thơ ra đời khi lần đầu tiên tác giả nghe tin Hà Tĩnh quê mình có dịch Covid-19: “Như Ngàn Phố chỉ chảy một dòng trong” “Như nước sông trong, đục phân minh”. Bất cứ người đàn ông nào gặp cô gái này cũng phải đem lòng vương vấn. Tuy nhiên, có thể chinh phục được trái tim của cô hay không lại là chuyện khác. Không dễ!

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất