Truyện ngắn: Chuyện tình cô giáo vùng cao

(Arttimes) - Trời vừa mờ sáng, Huyền Trang đã tỉnh dậy sau một ngày đi đường vất vả từ Hà Nội lên Bình Liêu, Quảng Ninh để nhận công tác. Mặc dù khắp cả người còn đau ê ẩm song cảnh vật nơi đây đã làm cô ngây ngất đắm say…

Mặc vội chiếc áo khoác màu hồng lên thân hình mảnh mai dong dỏng cao với làn da trắng mịn màng của một tiểu thư chốn Hà Thành, Huyền Trang bước ra khỏi khu tập thể của trường và ngắm nhìn những bông hoa Sở, loài hoa quen thuộc gắn bó nhiều năm với mảnh đất và con người Bình Liêu. Những cánh hoa trắng muốt, nõn nà, bung xòe, điểm xuyến nhụy vàng như tượng trưng cho sự mộc mạc, dân dã và mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc nơi đây.

Truyện ngắn: Chuyện tình cô giáo vùng cao - 1

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Dưới làn sương đêm, cánh hoa xòe nở rộ tạo thành một không gian trắng tinh khôi trải dài khắp sườn núi, xen lẫn giữa những cánh rừng hồi, rừng quế và ngọn cỏ lau uốn lượn bên cung đường tuần tra biên giới, tất cả tạo thành một bức tranh thiên nhiên đẹp, hoang sơ và bình dị…

Mãi ngắm nhìn phong cảnh tuyệt đẹp ở nơi đây, Huyền Trang như bị lạc vào chốn mê cung…Bỗng từ phía sân trường vọng lại tiếng cô giáo Thủy hiệu trưởng:

- Cảnh ở đây có đẹp bằng Hà Nội không cô Trang?

Trang bối rối khi nhìn thấy cô hiệu trưởng cũng đang đi về phía mình:

- Đẹp lắm cô ạ, mà cô cũng đi ngắm cảnh buổi sáng à? Trang hỏi lại.

Cô Thủy thân mật nói: Sáng nào mình cũng phải ra ngắm phong cảnh và tập thể dục một lúc mới lên lớp. Có lẽ phong cảnh nơi đây đã níu kéo mình ở lại gần mười năm rồi… cô Thủy còn nói tiếp:

- Sao Trang không chọn công tác ở thành phố mà lại lên đây cho vất vả?

Trang vừa nhặt một bông hoa Sở đang rụng vừa nói:

- Em muốn thử sức mình cô à. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm 10+2 Hà Nội, em tình nguyện làm đơn xung phong lên đây để dạy học. Mặc dù bố mẹ và người thân không đồng ý nhưng em vẫn thích đi đến vùng cao để đem tuổi thanh xuân cống hiến. Em không những muốn lên đây để khám phá cái cảnh núi rừng mà còn mơ ước mang những con chữ đến với các em nhỏ vùng cao…

Cô Thủy tươi cười vỗ vai Trang:

-Tốt lắm, nhưng chị cũng nói thật với em nơi đây vẫn là vùng rừng thiêng nước độc, dân ở thưa thớt, bản làng xa xôi, người dân còn khổ lắm. Nhưng được cái con người nơi đây sống với nhau thật thà, chân chất, san sẻ cùng nhau. Ở đây chúng ta không chỉ vượt lên những khó khăn về vật chất mà còn phải vượt qua những nỗi buồn tinh thần vì phải xa nhà, xa gia đình và người thân.Từ miền xuôi lên miền ngược, thiếu thốn nhiều thứ, mùa hè thì nóng, mùa đông thì lạnh như cắt da, cắt thịt, đến ngọn nến cũng phải tiết kiệm. Đặc biệt,tình trạng học sinh bỏ học thường xuyên xảy ra.Các em là người dân tộc thiểu số, còn nhỏ nên suy nghĩ rất tùy ý, thích thì đi học, mà chẳng thích thì đi nương.Cô và trò thường xuyên gặp khó khăn trong vấn đề ngôn ngữ giao tiếp.Đó cũng là một khó khăn, thách thức đối với cô giáo trẻ miền xuôi. Hồi mới lên đây chị cũng có tâm trạng giống em bây giờ, yêu cảnh đẹp hoang sơ, nhưng sợ cô đơn vất vả. Nhưng rồi cũng quen dần em ạ…

Huyền Trang ngước nhìn cô Thủy với ánh mắt thân thiện và nói:

- Em biết mà, chính vì hiểu được nỗi gian truân vất vả của những người đi trước mà em muốn được lên đây để cùng chia sẽ…

Hai người vừa đi bộ ngắm cảnh và nói chuyện được gần một giờ đồng hồ chị Thủy nói với Huyền Trang:

- Mình về thôi em, sáng nay 7giờ 30 em lên phòng Ban Giám hiệu để chị giới thiệu với mọi người, sau đó chúng ta sẽ ra hội trường dự lễ Ngày Nhà giáo Việt Nam nhé. Huyền Trang đáp:

- Vâng, em nhớ rồi cô à.

Buổi đầu gặp gỡ các thầy cô của trường đúng vào ngày hai mươi tháng mười một, ngày nhà giáo Việt Nam của năm 1977, Huyền Trang lần đầu tiên trong đời chính thức trở thành cô giáo. Trang được các em học sinh tặng hoa chúc mừng,cô thật sự xúc động không cầm nỗi những giọt nước mắt…

Huyền Trang được nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 2B. Lớp cô chủ nhiệm có ba mươi em học sinh chủ yếu là người dân tộc Tày, Dao, Hoa, Sán Chỉ. Hầu hết các em đều ở xa trường phải đi bộ hàng giờ đồng hồ để đến lớp.

Những ngày đầu mới lên lập nghiệp, Huyền Trang chấp nhận từ bỏ ánh đèn thành phố, gắn bó với học trò miền núi, chẳng ngại những bữa cơm đạm bạc, thiếu thịt, thiếu cá, những giấc ngủ trằn trọc lo âu... cô sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thanh xuân để bám bản, bám trường. Huyền Trang được nhà trường ưu tiên giành cho một căn phòng đẹp nhất trong khu tập thể. Nói là đẹp nhất nhưng cũng chỉ được độ  chín mười mét vuông được lợp bằng tranh, vách nứa. Trong phòng chỉ kê được một chiếc giường nhỏ và chiếc bàn làm việc không có tủ đựng quần áo. Mùa đông về gió thổi lọt qua khe lạnh buốt. Hàng ngày Huyền Trang phải tự đi ra suối lấy nước, kiếm củi về để nấu ăn. Lớp học chỉ là những nhà tranh, vách nứa dựng tạm, có nơi che mưa, che nắng qua ngày để dạy học.

Vất vả là vậy, nhưng Huyền Trang luôn xác định mình vừa là cô giáo dạy văn hóa, đồng thời còn là người mẹ dạy và uốn nắn để hình thành nhân cách sống cho các em, chăm sóc các em từ bữa ăn, giấc ngủ. Mỗi khi có học sinh nghỉ học, Huyền Trang nhờ cô giáo khác đứng lớp hộ mình rồi cô đến  tận nhà, tận nương vận động đưa học sinh về trường đi học.

Mỗi lần lên lớp nhìn những ánh mắt buồn rầu của những đứa trẻ mong ước đi học nhưng không đủ sách vở, quần áo. Những bữa cơm lúc no, lúc đói, nhiều ngày phải ăn ngô... lòng Trang như đau quặn và cô mong mõi muốn làm điều gì thật tốt giúp các cháu. Cô đã lấy tiền lương hàng tháng của mình mua sách cho những học sinh mà gia đình không có điều kiện.

Ngoài dạy học tại trường, Huyền Trang còn nhận thêm nhiệm vụ xóa mù chữ tại các bản làng. Đường vào bản lởm chởm sỏi đá và bùn lầy, có những đoạn chiều rộng đường chỉ hẹp chừng nửa mét, một bên là vách núi hiểm trở, một bên là khe suối, nhưng Huyền Trang vẫn vui vẻ hàng ngày đến với bà con. Có những hôm trời tối, mưa phùn, gió bấc nhiều lần cô giáo Trang phải “vồ ếch”, quần áo lấm lem bùn đất đỏ quạch, chân tay bị chầy xước dính máu. Nhưng chính từ những khó khăn, gian khổ đó lại thôi thúc Huyền Trang càng yêu ngành và yêu nghề,“càng yêu ngành bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu”.

Mỗi buổi đi dạy học vất vả về, cô thường tâm sự với đồng nghiệp: “Không phải ai cũng sẵn sàng học chữ. Phần lớn những người đến lớp xóa mù chữ đã lớn tuổi.Ngoài việc họ không biết chữ thì vẫn còn một số suy nghĩ lạc hậu, cổ hủ. Do vậy, cô vào bản dạy chữ buổi tối không chỉ làm công tác giáo dục mà còn làm công tác tư tưởng để giúp họ thay đổi nhận thức cuộc sống…”.

Một hôm khi Huyền Trang vào bản dạy học về, lúc này trời nhá nhem tối, bỗng phía trước cô nhìn thấy mấy cậu thanh niên ăn mặc trông nhố nhăng đi lại gần cô chòng ghẹo. Cô sợ quá định chạy quay trở lại bản nhưng không kịp nữa rồi, mấy kẻ kia cũng chạy đuổi theo…được một quảng cô mệt quá không chạy nổi, một kẻ trong số họ đã ôm choàng lấy cô. Huyền Trang gào lên kêu cứu. May mắn thay vừa lúc ấy có một chiến sĩ bộ đội biên phòng trên đường đi tuần tra đã kịp thời giải cứu cho cô. Mấy gã thanh niên bị chiến sĩ biên phòng đánh cho một trận no đòn bèn hô nhau bỏ chạy…Huyền Trang ngước cặp mắt sáng còn ngấn lệ nhìn người chiến sĩ biên phòng với dáng vẻ to cao cũng đang nhìn cô với ánh mắt thông cảm. Hai cặp mắt lần đầu tiên gặp nhau ánh lên niềm tin, trìu mến…Trang xúc động nói với người chiến sĩ biên phòng:

- Hôm nay may quá, nếu không có anh đến cứu chắc em chết mất.

Người chiến sĩ biên phòng cười tươi và nói:

- Lần sau cô không nên đi một mình, đường vắng nguy hiểm lắm. Rồi anh nói tiếp:

- Mà cô giáo mới ở dưới xuôi lên à, sao tôi chưa gặp bao giờ ?.

Trang thẹn thùng, vội vàng đáp:

- Vâng em mới lên đây được mấy tháng anh à.

Rồi Trang hỏi lại:

- Sao anh biết em mới dưới xuôi lên.

Anh chiến sĩ biên phòng nhìn Trang với vẻ trìu mến:

- Em mới lên không biết anh thôi, Trường tiểu học của em thường xuyên tổ chức giao lưu kết nghĩa với đơn vị bọn anh. Rằm trung thu vừa rồi chi đoàn anh cùng chi đoàn của Trường em cùng tổ chức trung thu cho các cháu thiếu nhi.

Huyền Trang chợt nhớ ra có lần cô Thủy, Hiệu trưởng cũng có giới thiệu về chi đoàn thanh niên của đơn vị biên phòng kết nghĩa và chợt hỏi lại:

- À, em nhớ ra rồi, đơn vị của anh có bí thư chi đoàn Hoàng Dũng phải không?

Nghe Trang hỏi vậy, người chiến sĩ biên phòng chợt thay đổi nét mặt, nhìn dòng suối đang róc rách rồi khẽ nói:

- Có, có….

Mãi theo đuổi câu chuyện giữa núi rừng, hai người đã về đến gần trường lúc nào không hay biết…Khi chia tay, Huyền Trang một lần nữa cảm ơn người chiến sĩ biên phòng và ngỏ lời mời anh lúc nào có dịp đến trường giao lưu.

Về đến trường, Huyền Trang kể lại chuyện cô bị trai bản trêu chọc và được người chiến sĩ biên phòng giải cứu. Nghe Trang tả về hình dạng to cao của người chiến sĩ biên phòng, cô Thủy - Hiệu trưởng biết ngay đó là Hoàng Dũng, vội nói:

- Đấy là anh Hoàng Dũng, bí thư chi đoàn đơn vị biên phòng đấy…

Nghe cô Thủy nói vậy, Huyền Trang bộc lộ cảm xúc:

- Thế mà em cứ tưởng…

Thời gian cứ thế trôi đi, nhân dịp Tết cổ truyền của năm 1978, hai chi đoàn tổ chức buổi liên hoan văn nghệ đón giao thừa. Khi thấy Hoàng Dũng cùng các chiến sĩ đến, Huyền Trang ngượng ngùng không dám gặp. Thấy vậy Hoàng Dũng vội chủ động hỏi:

- Cô giáo Huyền Trang đã hết sợ chưa?

Đôi má Trang chợt ửng đỏ, cô bẻn lẻn nói:

-Dạ em hết sợ rồi à…anh nói dối em…

Hoàng Dũng cười to:

- Ồ, anh có nói dối gì em đâu, anh bảo có anh Hoàng Dũng mà…

Đêm giao thừa, hai chi đoàn tổ chức hái hoa dân chủ vui liên hoan văn nghệ bên ngọn lửa hồng ở sân trường thật đầm ấm, vui vẻ, không gian đó làm vơi đi nỗi nhớ nhà của của các chiến sĩ biên phòng và những cô giáo vùng cao. Đón giao thừa xong, trời cũng vừa gần sáng, các chiến sĩ biên phòng về đơn vị tiếp tục làm nhiệm vụ. Các thầy cô giáo vẫn ngồi quanh đống lửa rực hồng say trong tiếng nhạc, như thả hồn về quê nhà…

Chia tay Trang để trở về đơn vị, Hoàng Dũng nhìn Trang và khẽ nói:

- Chúc em sang năm mới có người yêu nhé.

Huyền Trang nắm chặt tay Hoàng Dũng và vui vẻ đáp lại:

- Em cũng chúc anh như vậy.

Hoàng Dũng vốn là người dân tộc thiểu số, lại được sinh ra ở chính mảnh đất này nên rất am hiểu phong tục tập quán của người địa phương, đó là điều kiện rất thuận lợi trong quá trình công tác. Bí thư chi đoàn Hoàng Dũng rất thông thạo tiếng dân tộc Hoa - Trung Quốc, nên ngoài nhiệm vụ tuần tra, sẵn sàng chiến đấu, anh còn kiêm luôn nhiệm vụ làm phiên dịch cho đơn vị. Chuyện chàng trai người Dao - Hoàng Dũng được đi học trở thành anh “Bộ đội Cụ Hồ” lại về công tác tại biên giới quê hương là niềm tự hào của cả dân làng. Bố của Hoàng Dũng không dấu được niềm sung sướng về con trai mình, ông thường tâm sự với bà con làng bản:

- Mẹ nó mất từ khi nó mới ba tuổi, một tay tôi nuôi dạy nó vất vả lắm, nhưng được cái cháu rất khỏe, ngoan và thông minh nên tiến bộ nhanh, chỉ nỗi thiếu thốn tình cảm của mẹ từ bé nên cháu rất thiệt thòi…

Thế rồi từ khi gặp Huyền Trang cái duyên bén đến trong anh lúc nào không  biết, tình yêu của anh bộ đội địa phương Hoàng Dũng với cô giáo miền xuôi xinh đẹp đã được nảy nở. Quen nhau một thời gian khá dài nhưng do tính tình hay nhút nhát, Trung sĩ Hoàng Dũng cũng chỉ lặng lẽ quan tâm cô giáo mà không dám ngỏ lời. Sau đó nhờ bạn bè giúp đỡ, chàng trai người Dao mới bạo dạn nói lời yêu với cô giáo miền xuôi…

     Vào một đêm trăng sáng, Hoàng Dũng hẹn gặp Huyền Trang bên quả đồi sau trường. Hai người ngồi bên nhau nhưng họ im lặng. Mãi một lúc sau Hoàng Dũng mới vụng về hỏi:

- Thế em đã ăn cơm tối chưa?

Huyền Trang thầm thì trả lời:

-Dạ, em ăn từ chiều rồi mà.

Lần này Hoàng Dũng đã mạnh dạn hơn, anh lại hỏi:

- Ngày hôm nay em có đi dạy học không?

Huyền Trang lại trả lời:

- Dạ, hôm nay chủ nhật nhà trường nghỉ anh à…Như đoán được những câu hỏi vô duyên của mình, Hoàng Dũng không hỏi thêm mà chỉ ngước cặp mắt trìu mến nhìn Trang. Nhìn ánh mắt và sự vụng về nhưng chân thật của Hoàng Dũng lúc này, Huyền Trang chủ động lái sang câu chuyện gần “chủ đề” hơn:

- Tết vừa rồi, em chúc anh năm nay có người yêu, bây giờ thế nào rồi hả anh?

Câu hỏi đó làm anh thêm bối rối, rừng khuya càng chìm trong chiều sâu, phải chờ một lát sau Hoàng Dũng mới đặt nhẹ bàn tay lên vai của Trang và nói:

- Người yêu của anh đang ngồi cạnh đây này!

Ôm chặt lấy người anh, Huyền Trang nũng nịu:

- Cái anh này, sao lại nói liều thế… em làm sao tin được…

Thế rồi hai người gục đầu vào lòng nhau,một làn hơi ấm tỏa ra trong không gian yên tĩnh.Một làn gió thoảng đưa hương quế, hương hồi cứ ngạt ngào quấn quyện giữa đôi bạn trẻ. Và đêm đó, hai người đã chính thức tỏ lời hò hẹn chuyện trăm năm…

Từ đó, hễ mỗi khi đến ngày nghỉ, Dũng và Trang lại giúp nhau trong công việc. Nhiều đêm tối Huyền Trang phải vào bản dạy học cho bà con, tranh thủ trên đường tuần tra Hoàng Dũng lại xin được làm vệ sĩ cho cô. Những ngày nghỉ cô tranh thủ đến thăm bố của anh và giúp việc nấu nướng, giặt giũ… Bố của Dũng thường khoe với mọi người dân trong bảncô dâu tương lai xinh đẹp, nết na, quê thành phố.

Cuộc sống ở bản làng đang bình yên, bỗng nhiên một hôm quân giặc đến. Quân Bành trướng xâm lược nổ súng, bắn đại bác, gây tội ác dã man. Thành phố, làng bản xác xơ, trường học phải đóng cửa, mọi hoạt động không còn như trước nữa.Theo lệnh của cấp trên, Huyền Trang cùng các thầy cô và người dân sơ tán về xuôi. Trước lúc chia tay, Huyền Trang ôm chặt lấy Hoàng Dũng rất lâu, với giọng xúc động nghẹn ngào, đầy xúc động:

- Anh ở lại chiến đấu dũng cảm để bảo vệ từng tấc đất biên cương của Tổ quốc. Em vẫn mãi mãi chờ anh. Nói đến đây nước mắt Trang cứ chảy giàn giụa… 

Về lại thành phố, được gặp lại bố mẹ và các em, Trang mừng mừng, tủi tủi kể cho mẹ nghe những tháng ngày gian nan, vất vả mang con chữ lên vùng cao giúp đồng bào vùng biên giới. Nhưng giờ đây cuộc sống hạnh phúc của cô giáo miền xuôi tạm thời gián đoạn.

Đêm đêm dưới ánh đèn lung linh của thành phố ngạt ngào mùi hoa Sữa, Trang nhớ trường, nhớ bản làng với những đàn em thơ ngây và nhớ nhất người yêu Hoàng Dũng - chàng trai dân tộc Dao hiền lành chịu thương, chịu khó giúp đỡ Trang trong công tác. Nhớ anh, Trang vội cầm bút viết mấy dòng chữ đầy cảm xúc: Anh yêu quý! Xa anh thời gian chỉ đếm đầu ngón tay, ấy thế mà em cứ ngỡ như hàng năm trời. Biết bao điều muốn tâm sự cùng anh. Bố mẹ em và gia đình cũng biết chuyện của chúng mình… tất cả đều vui, mong một ngày sạch bóng quân thù để trở lại mái trường thân yêu, nơi đó có anh đang đứng gác bảo vệ bình yên cho bản làng. Em rất tự hào về anh và sẽ kể cho học trò nghe nhiều về chiến công của anh và đồng đội. Anh ạ, ở chốn Đô thành, người và xe cộ đi lại đông vui, tấp nập, nhưng không làm em khuây khỏa nỗi buồn nhớ anh.Nhớ về mùa hoa Sở nở trắng xóa cả núi rừng, đẹp đến nao lòng. Nhớ những đêm liên hoan bản làng vang tiếng hát, tối giao thừa dào dạt nhớ thương anh, với những làn sương đêm và ánh lửa hồng… Anh ơi! Dù xa cách nhau hàng trăm cây số, nhưng khoảng cách không làm phai nhạt tình cảm mà mãi mãi chúng ta vẫn thuộc về nhau …”.

Tình yêu của cô giáo Huyền Trang và anh bộ đội biên phòng Hoàng Dũng đang vào độ chín thì cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra buộc cho họ phải chia ly. Mãi đến hai năm sau, khi tiếng súng tạm yên, cuộc sống của người dân trở lại bình thường. Huyền Trang trở lại Bình liêu cùng bạn bè đồng  nghiệp và bà con dân bản xây dựng lại ngôi trường đã bị pháo địch phá nát để đón học sinh đến trường. Gặp lại các cháu lòng Huyền Trang rất đỗi vui mừng vì cả lớp đã trở về đông đủ…

Phải hai tháng sau khi trở lại trường, Huyền Trang mới được gặp Hoàng Dũng vì đơn vị anh đã chuyển đi. Ngày gặp nhau hai người sung sướng và nghẹn ngào kể cho nhau nghe về những tháng ngày đằng đẳng chờ đợi…Mùa xuân năm 1981, đôi bạn trẻ Huyền Trang và Hoàng Dũng đã chính thức trở thành vợ chồng. Đám cưới của họ thật giản dị chỉ có bánh kẹo và trà, thuốc lá nhưng có đủ bạn bè hai cơ quan cùng tham dự, đặc biệt các em học sinh của lớp Trang chủ nhiệm không vắng một em nào. Trong ngày vui, cô giáo Thủy, Hiệu trưởng hát tặng đôi bạn trẻ bài: Hà Nội một trái tim hồngcủa nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn:     Người Hà Nội hôm naу ra đi,       mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ.           Những ánh đèn qua ô cửa sổ,          bầu trời đêm, cháу bỏng tình уêu.  Một chàng trai là chiến sỹ biên phòng,     một cô gái lên đường đi xa, vẫn thủу chung với cả tấm lòng.    Hà Nội ơi, một trái tim hồng.”.

Khi tiếng hát ngọt ngào đầy hào sảng của cô giáo Thủy vừa dứt, cả hội trường vang lên những tràng pháo tay không ngớt chúc mừng cho đôi bạn trẻ. Trong không khí đó, Huyền Trang không giấu nỗi xúc động của mình, cô không nghĩ rằng lại có một ngày mình được hạnh phúc như vậy…Đôi bản trẻ ôm hôn nhau thắm thiết, họ đắm say trong ngày vui hạnh phúc. Cuối năm đó Huyền Trang và Hoàng Dũng đã vui sướng đón nhận một Hoàng tử ra đời. Hạnh phúc của hai người, hai gia đình càng được nhân lên gấp bội./.

None

Trần Anh Tuấn

Tin liên quan

Tin mới nhất