Văn học nghệ thuật với những vấn đề hiện nay

(Arttimes) - Văn học là một hoạt động nhận thức, một hiện tượng ý thức, một hình thái ý thức xã hội đặc thù; văn học đồng thời còn là nghệ thuật của ngôn từ, một hình thái tổ chức đặc biệt của ngôn từ. Chính vì thế, tính tư tưởng và tính nghệ thuật đều thấm sâu trong những tác phẩm của các nhà văn ưu tú ở mọi thời đại. Những tác phẩm văn học xuất sắc, những kiệt tác xưa nay, xét đến cùng, đều là con đẻ của thời đại, thể hiện tư tưởng riêng và cá tính sáng tạo độc đáo của những nhà văn gắn bó sâu nặng với co

1. Về một phương diện nào đó, văn học là tiếng nói của thời đại. Sự gắn bó mật thiết của văn học, nghệ thuật với xã hội và thời đại, là một trong những vấn đề sống còn, muôn thuở của văn chương nghệ thuật. Văn học sinh ra và tồn tại là vì xã hội và con người; dòng chảy bất tận, vô cùng của văn học, chủ yếu là bởi vì nó vị nhân sinh. Biêlinxki quan niệm: “Thơ, trước hết là cuộc đời, sau đó mới là nghệ thuật”. Tố Hữu khẳng định dứt khoát: “Văn học không chỉ là văn chương mà thực chất là cuộc đời. Văn học sẽ không là gì cả nếu không vì cuộc đời mà có. Cuộc đời là nơi xuất phát, cũng là nơi đi tới của văn học”. Chế Lan Viên nhấn mạnh: “Dẫu tuyệt bút thì thơ cũng là con đẻ của đời”. Tô Hoài cũng nhận thấy: “Mỗi trang văn đều soi bóng thời đại mà nó ra đời”.

Trên những nét lớn, có thể thấy, văn học Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay bước vào thời kỳ hiện đại, đã và đang trải qua hai thời kỳ lớn. Thời kỳ thứ nhất: Từ đầu thế kỷ XX đến tháng Tám 1945. Đây là thời kỳ văn học vận động mạnh mẽ theo hướng hiện đại hóa. Thời kỳ thứ hai: Từ 1945 đến nay. Thời kỳ này có thể chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất: Từ 1945 đến 1975, văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hóa, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Văn học giai đoạn này phát triển trong một hoàn cảnh đặc biệt, đã tạo nên thành tựu của một giai đoạn văn học chủ yếu mang đậm tính sử thi. Giai đoạn thứ hai: Từ 1975 đến nay. Văn học giai đoạn này có những nhiệm vụ mới, đặt ra những vấn đề mới về xã hội, con người và nghệ thuật.

2. Với chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975, lịch sử dân tộc ta đã mở ra một thời kỳ mới – thời kỳ độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hôi nhập với thế giới. Đất nước, xã hội và con người Việt Nam lại có những nhu cầu, đặt ra những vấn đề mới. Những quá trình mới của cuộc sống, những xung đột mới đòi hỏi cách thức phản ánh và lý giải nghệ thuật về chúng tất yếu dẫn tới “sự thay thế về những cái mốc” trong văn học. Văn học “viết” chủ yếu theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn không đáp ứng được đòi hỏi này. Từ năm 1975, một giai đoạn văn học mới được mở ra mà thời điểm thực sự đổi mới có thể tính từ năm 1986.

Như trên đã nói, từ năm 1975, đất nước ta đã chuyển sang một thời kỳ mới. Chiến tranh đã kết thúc, đất nước trở về cuộc sống bình thường. Tư tưởng, tình cảm, tâm lí, thị hiếu, nhu cầu của con người về vật chất và tinh thần không còn như trước nữa, nhưng văn học từ sau 1975 dường như vẫn vận động theo quán tính của nó trong khoảng mươi năm. Nhiều nhà văn nhạy cảm và sớm nhận ra hiện tượng “lệch pha” giữa người cầm bút với công chúng văn học. Nguyễn Khải nhận xét: “Chiến tranh náo động ồn ào mà lại có cái yên tĩnh giản dị của nó. Hòa bình mà lại chứa chấp những cái sóng ngầm, gió xoáy bên trong”[1]. Thanh Thảo cho rằng: “Những giản đơn của cuộc đời nô lệ/ Bỗng phức tạp vô cùng khi ta có tự do”. Nguyên Ngọc quả quyết: “Hóa ra đời sống trong hòa bình phức tạp hơn trong chiến tranh rất nhiều. Chiến tranh ác liệt, nhưng đơn giản. Trong chiến tranh, mọi quan hệ xã hội và con người dồn lại và thu hẹp vào một quan hệ duy nhất: sống – chết… Trong chiến tranh, xác định xong vấn đề sống – chết, thì có thể sống rất thanh thản. Trong chiến tranh, lạ vậy, xã hội cũng “trong sạch” hơn, “an toàn” hơn về mặt đạo đức… Hòa bình thì khác hẳn. Hòa bình tức là trở lại đối mặt với cái bình thường hàng ngày… tất cả những cái nhiêu khê của cuộc sống bị che lấp trong chiến tranh bây giờ thức dậy, vây quanh con người từng giờ ở khắp mọi nơi. Nếu trong chiến tranh chỉ có một câu hỏi duy nhất: sống hay chết, thì bây giờ vô số câu hỏi muôn hình nghìn vẻ dấy lên từ những tầng sâu của xã hội, tích lũy âm thầm trong quá trình lịch sử phức tạp và lâu dài, bày hết ra trước con người… Ấy vậy mà khi con người đó tìm đến văn học để mong tìm được ở đấy ít ra một lời tâm sự, một lời an ủi, chia sẻ, thì họ lại nghe, vẫn như ngày trước, ồn ào một giọng điệu anh hùng ca mà giờ đây đã trở nên lạc lõng, xa lạ… Có một điều quan trọng là  dù nói ra hay không nói ra người cầm bút nào cũng nhận thấy: từ nay không thể viết như trước được nữa”. Có thể nói, sự đổi mới trong ý thức nghệ thuật đã làm cho hầu hết người viết văn, làm thơ thuộc các thế hệ khác nhau, đều có chung một ý nghĩ như Lê  Lựu: “không thể viết như cũ được nữa”[2]. Đó cũng là tâm sự, là nỗi niềm trăn trở, day dứt của Chế Lan Viên, muốn có được những vần thơ thực sự có ích cho đời: “Người lính cần một câu thơ giải đáp về đời,/ Tôi ú ớ./  Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong/ Mà tôi xấu hổ./ Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay/ Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ/ Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười ” (Ai ? Tôi !, trong Di cảo thơ, tập I).

Là con đẻ của một hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa như thế, văn học Việt Nam từ sau 1975 đã nhạt dần khuynh hướng, tính chất sử thi; khuynh hướng thế sự, đời tư càng ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đối tượng của văn học không còn là những sự kiện lịch sử, chủ yếu là con người của lịch sử, là nhân vật mang tính chất sử thi của văn học trước năm 1975 nữa mà là những con người được quan sát từ góc độ cá nhân và trong quan hệ đời thường; không chỉ được nhấn mạnh ở tính giai cấp mà còn được nhìn nhận ở tính nhân loại; không chỉ chú ý đến phẩm chất tinh thần mà còn được mô tả ở phương diện con người tự nhiên, con người nhân bản, ở những nhu cầu bản năng; không chỉ được soi sáng ở đời sống ý thức mà còn được thể hiện ở phương diện tâm linh. Sự đổi mới cách nhìn về hiện thực và con người như thế đã dẫn đến việc nội tâm của nhân vật được khai thác sâu hơn, không gian đời tư, thời gian tâm lí được chú ý, bút pháp hướng nội được phát huy. Giọng điệu trần thuật vì thế mà cũng trở nên đa dạng, ngôn ngữ nghệ thuật cũng gắn với hiện thực và ngôn ngữ đời thường hơn.

3. Cuộc sống hiện tại đang đặt ra những vấn đề nóng bỏng, cấp bách, đòi hỏi văn học nghệ thuật cần cất lên tiếng nói của mình. Từ năm 1975 đến nay, văn học Việt Nam có thể chia thành ba chặng đường. Chặng thứ nhất, từ 1975 đến 1985 là thời kỳ chuyển tiếp từ văn học mang tính chất sử thi thời chiến tranh sang văn học thời hậu chiến. Chặng thứ hai, từ 1986 đến đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX là thời kỳ văn học đổi mới sôi nổi, mạnh mẽ, gắn liền với chặng đầu công cuộc đổi mới của đất nước. Chặng thứ ba, từ giữa những năm 1990 đến nay, văn học trở lại với những quy luật bình thường, nhưng vẫn không xa rời định hướng đổi mới, có xu hướng quan tâm nhiều hơn vào những cách tân nghệ thuật.

Quan sát sự vận động và phát triển của văn học Việt Nam đương đại, có thể thấy, khoảng năm 1986, có sự  xuất hiện liên tiếp, như là sự bùng nổ của những tác phẩm thực sự có tư tưởng nghệ thuật sâu sắc, sau đó dường như có sự chững lại. Từ đó đến nay, văn học nước nhà còn ít tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Đâu là nguyên nhân chủ quan và khách quan của thực trạng này ? Thông thường, một xã hội bao cấp về kinh tế, về tư tưởng thì khó có khả năng tạo nên một nền văn học nghệ thuật đa dạng và phong phú. Có phải, vì hiện thực của đất nước trong giai đoạn này không khơi gợi được cảm hứng của những người cầm bút ? Không hẳn như vậy. Thực trạng đầy phức tạp, bề bộn, sự đan xen, giằng xé giữa cái ác và cái thiện, cái xấu và cái tốt, tiêu cực và tích cực, nạn tham nhũng phát triển ngày càng tinh vi và trầm trọng là mảnh đất mỡ màu cho các cây bút tiểu thuyết và những nhà soạn kịch. Phải chăng, vì nhiều nghệ sĩ không có đủ trí tuệ để trở thành nhà tư tưởng, không tạo được một cảm hứng chủ đạo – một trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, nồng nàn xuyên suốt tác phẩm, có khả năng “biến sự chiếm lĩnh thuần tuý trí óc đối với tư tưởng thành tình yêu đối với tư tưởng, một tình yêu mạnh mẽ, một khát vọng nhiệt thành” (Biêlinxki). Ở đây, phải chăng có vấn đề về cảm hứng, nhiệt hứng trong sáng tạo nghệ thuật; vấn đề về thái độ, tình cảm của người nghệ sĩ trước “những điều trông thấy” mà không còn hoặc là không thực sự “đau đớn lòng” nữa? Không hẳn là vì thiếu tài năng, bởi vì, đúng như Xtăngđal lí giải về hiện tượng từ đỉnh cao rớt xuống của nghệ thuật Ý: “Nghệ thuật Ý từ đỉnh cao rớt xuống hoàn toàn không phải vì, như người ta thường suy nghĩ, đã mất đi hơi thở cao quý của thời Trung cổ, hoàn toàn không phải là vì thiếu những người sáng tạo thiên tài. Thiên tài bao giờ cũng sống trong nhân dân như tia lửa ở trong hòn đá lửa – chỉ cần một cơ hội là đã để cho tia lửa đó bùng lên từ hòn đá lửa vô tri vô giác”. Ở đây, quả là có vấn đề thiếu vắng những tư tưởng lớn, bản lĩnh lớn, thiếu một thế giới quan sâu sắc và rộng lớn dẫn đến tình trạng hoặc là không có khả năng nắm bắt, phát hiện, hoặc là né tránh những vấn đề to lớn, sống còn của dân tộc, thời đại và nhân loại.

Muốn có tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao thì người nghệ sĩ phải lăn lộn với hiện thực đời sống, phải gắn bó sâu sắc với nhân dân, với dân tộc và thời đại. Không thể khám phá cuộc sống một cách chung chung, hời hợt mà phải gắn bó, “lăn lộn” với đời. Còn gì sâu sắc bằng nhà văn phản ánh “những điều trông thấy”, những điều mà mình trực tiếp trải nghiệm, chiêm nghiệm. Hơn ở đâu hết trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, những cái nhìn, cách cảm nhận bâng quơ đều không mấy giá trị. Tầm cỡ của một tác giả, một tác phẩm văn học, một phần được xác định ở chỗ, tác giả, tác phẩm đó có gắn bó mật thiết với đời sống xã hội, có phản ánh sâu sắc vấn đề lớn, vấn đề sống còn của thời đại hay không. Những nhà văn lớn, những kiệt tác xưa nay đều động chạm đến những vấn đề không chỉ lớn, có ý nghĩa sống còn đối với cộng đồng, dân tộc mà còn là những vấn đề có tính chất chung của toàn nhân loại, muôn thuở, muôn đời. Đúng như quan niệm của Nam Cao: “Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn, lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình... Nó làm cho người gần người hơn...” (Đời thừa). Muốn có được những tác phẩm đỉnh cao thì trước hết người nghệ sĩ phải thực sự có tư tưởng chứ không chỉ loay hoay trong việc tìm tòi những hình thức, những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, tân kì, mới lạ. Người đời xưa cũng đã từng phân biệt hai thứ văn như hai cách trồng cây: “Một bên, thì mở rộng cho cây hàng trăm mẫu ruộng; tưới cho cây bằng nước sông Giang sông Hoài, mong cho thân cây cao hàng trăm trượng, sương gió tôi luyện cho cành của nó, móc mưa dầm cho gốc của nó, cành to gốc lớn, mặc ý vươn ra bốn mặt. Cho nên nó xanh tươi mầu mỡ biết bao ! Rõ là một áng văn chương của tạo hoá! Một bên thì thả cho cây nửa sọt đất, tưới cho cây bằng nước vũng nước khe, mong cho thân cây cao vừa gang tấc, hôm nay uốn cái cành, ngày mai tỉa cái lá, dọc ngang uốn éo, trăm vẻ đổi thay, tuy tạm đủ giúp cho ngắm nghía, nhưng sinh ý nào khỏi héo khô. Bởi vì cái tô sức ở bên ngoài thì bên trong tàn tạ; cái vun đắp ở bên trong, thì bên ngoài tốt tươi. Đó là cái gọi là cái lớn thì đủ sức bao dung cái nhỏ; mà cái nhỏ không đủ sức nâng đỡ cái lớn”[3].

Muốn có tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, cố nhiên, nhà văn cần phải có tài năng nghệ thuật. Bởi lẽ, tư tưởng trong tác phẩm văn học không phải là thứ tư tưởng “chay” mà phải hoá thân thành tư tưởng nghệ thuật, một thứ tư tưởng được thể hiện chủ yếu qua những hình tượng nghệ thuật, thấm nhuần cảm xúc và tình cảm của nhà văn. Nội dung tư tưởng dù có cao đẹp, tiến bộ đến đâu, nhưng nếu không được biểu hiện bằng một hình thức nghệ thuật tương ứng, nghĩa là tư tưởng không trở thành tư tưởng nghệ thuật thì cũng không thể trở thành một tác phẩm có giá trị. Những tác phẩm ưu tú, những kiệt tác xưa nay không phải là sự minh hoạ giản đơn cho tư tưởng này hay tư tưởng nọ, dẫu là tư tưởng sâu sắc và độc đáo. Nếu như văn học ở giai đoạn trước 1975 được nhìn nhận chủ yếu như là vũ khí tư tưởng của cách mạng, phục vụ cho mục tiêu cao cả và đáp ứng những nhu cầu của sự nghiệp cách mạng, thấm nhuần quan niệm: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh), thì văn học thời hiện tại cũng không thể từ bỏ vai trò vũ khí tư tưởng của nó, nhưng được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, về tinh thần dân chủ, trách nhiệm công dân, ở vai trò dự báo, dự cảm những vấn đề của đời sống xã hội. Văn học thời kỳ hiện nay không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, cộng đồng mà chủ yếu là tiếng nói riêng của cá nhân mỗi người cầm bút. Trong thời đại hiện nay, nhà văn nào không thể vươn lên thành nhà tư tưởng thì nghệ thuật dẫu có điêu luyện đến đâu, tác phẩm của họ cũng không thể bay cao, bay xa được. Người đọc hôm nay đòi hỏi ở mỗi nhà văn đồng thời là nhà tư tưởng, một nhà hoạt động xã hội, mỗi tác phẩm không chỉ soi sáng mà còn khơi gợi suy nghĩ cho người đọc, để cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề của cuộc sống. Thời đại mới, lý tưởng mới, đối tượng mới đòi hỏi nghệ thuật mới.

Thời đại hiện nay đang đặt ra gay gắt vấn đề dân chủ, vấn đề quyền sống của mỗi cá nhân, vấn đề chủ quyền của dân tộc…; đó là những vấn đề nóng bỏng đặt ra đối với mỗi người cầm bút. Nó đòi hỏi nhà văn phải gắn bó sâu sắc với con người, xã hội và thời đại, như Nguyễn Minh Châu quan niệm: “Nhà văn phải là một thứ côn trùng lấy cái râu mà thăm dò không khí thời đại. Nhưng nhà văn muốn có tầm cỡ thời đại thì phải ngụp sâu vào dân tộc mình, nhân dân mình”. Phải viết “các đề tài khoáng đạt”, phải chạm được vào những vấn đề lớn, liên quan tới hàng triệu con người, nếu không muốn hóa thành “chú mèo con” theo suy tưởng của Chế Lan Viên: “Những nhà thơ bỏ các đề tài khoáng đạt/ Về trong phòng con ngột ngạt/ Như con hổ đại ngàn/ Hóa chú mèo con/ Xưa đến thác rừng uống những vầng trăng/ Nay liếm miếng thịt con trong bát/ Và thiên hạ thấy chú lấy tiếng meo meo làm tiếng hát/ Thay cho tiếng gầm làm náo động không gian” (Đề tài, trong Di cảo thơ, tập II).

Văn học thời kỳ này đang vận động mạnh mẽ theo hướng dân chủ hóa. Nền văn học bước vào công cuộc hiện đại hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc; cần phải đổi mới cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật. Đổi mới là quy luật tất yếu; đó cũng là quy luật chung cho cả xã hội và văn học nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

(1) Nguyễn Khải, Văn xuôi trước yêu cầu đổi mới, Văn nghệ quân đội, số 1 – 1984, tr. 17.

(2) Lê Lựu trả lời phỏng vấn báo Quân đội nhân dân, ngày 24 – 4 – 1988

(3) Nguyễn Văn Siêu, Thơ gửi Quảng Đông du tử Liêu Luân Anh, in trong Từ trong di sản, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1981, tr. 129 – 130.

None

Trần Đăng Suyền

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Không chỉ là người đầu tiên viết tiểu thuyết về lực lượng Cảnh sát biển, mới đây nhà văn Trần Khánh Toàn lại tiếp tục thành công (giải B của Bộ Công an) với tiểu thuyết đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát Cơ động - một đề tài mới lạ còn ít người khám phá.