Chuyện cầu Long Biên: Bài 4 - Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế

“Nên đặt vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích của quan hệ quốc tế, lợi ích của cộng đồng lên trên để đưa ra một giải pháp phù hợp, sao cho vừa giữ được sự tôn trọng đối với giá trị văn hóa - lịch sử vừa để cây cầu được phát huy trọn vẹn vai trò của nó đối với đời sống nhân dân”.

Ứng xử với cầu Long Biên hiện hữu như thế nào đang là mối quan tâm đặc biệt của công luận, dù không còn là chuyện mới.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 1 - "Chứng nhân lịch sử"

Chuyện cầu Long Biên: Bài 2 - "Bảo tồn mà lại làm mới là thiếu kiến thức"

Chuyện cầu Long Biên: Bài 3 - “Những di sản nên được trao truyền”

Hơn 10 năm qua, đã có không ít các cuộc hội thảo, tọa đàm của giới chuyên môn, nhà quản lý và các chuyên gia văn hóa, lịch sử về nội dung này. Tuy nhiên, cùng với sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng, “số phận” cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng vẫn đang chờ một giải pháp mang tính quyết định.

Chia sẻ với phóng viên Arttimes.vn, GS.TS Trần Ngọc Vương - chuyên gia văn hóa, lịch sử cho rằng, bên cạnh sự tư vấn và hỗ trợ từ phía Pháp, thì Việt Nam - trên phương diện là chủ thể của lịch sử phải tự quyết định là chính. Nhà nước Việt Nam nói chung và Bộ GTVT nói riêng là những thực thể quyền lực chính thức cần phải có ý kiến mạnh dạn; phải có kế hoạch sử dụng, khai thác và làm mới hình ảnh cây cầu trong tầm nhìn dài hạn.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 4 - Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế - 1

GS.TS Trần Ngọc Vương (Ảnh: NVCC)

Theo GS.TS Trần Ngọc Vương, Pháp coi cầu Long Biên như một chứng tích cho sự đóng góp của chủ nghĩa thực dân đối với bức tranh nhiều mặt kinh tế - chính trị - văn hóa bản địa.

Kể từ sau năm 1956, mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam đã thay đổi, người Pháp vừa muốn lưu lại những dấu ấn và ảnh hưởng của họ về nhiều mặt đối với Việt Nam, vừa muốn hợp tác và phát triển với Việt Nam trên một tinh thần mới. Cho nên, Đại sứ quán Pháp nói riêng và nước Pháp nói chung đã nhiều lần bày tỏ sự quan tâm tới câu chuyện số phận của cây cầu lịch sử.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 4 - Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế - 2

Cầu Long Biên những năm 90 (Ảnh tư liệu)

GS.TS Trần Ngọc Vương cho rằng, giữa Pháp và Việt Nam cần có sự thông hiểu và tương nhượng lẫn nhau trong chuyện trùng tu cầu Long Biên. Pháp cũng không nên cố gắng bằng mọi giá giữ được hình ảnh nguyên bản của cây cầu (mà theo quan điểm của họ, đó là một công trình kiến trúc quá vượt trội).

"Bởi bên cạnh sự đóng góp mang tính phát triển cho Việt Nam, thì trong giai đoạn chiến tranh, nước Pháp cũng gây nhiều nỗi khổ đau cho dân Việt, 80 năm cai trị của Pháp không phải là ít dấu ấn nặng nề. Quan hệ giữa hai nước cần thay đổi tuy nhiên họ cũng nên bằng mọi cách làm nhạt đi, làm mờ đi dấu ấn thực dân”, GS.TS Trần Ngọc Vương nhìn nhận.

Cũng theo Giáo sư, trong nhiều năm qua, Pháp đã hỗ trợ xây lại và xây mới nhiều cây cầu khác (cả cầu đường sắt, đường bộ) cho Việt Nam. Xét trên mọi phương diện thì hợp tác với Pháp – với sự sẵn sàng, tự nguyện hỗ trợ và viện trợ của họ thì việc tu tạo lại cầu Long Biên là hoàn toàn khả thi.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 4 - Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế - 3

Mới đây Hà Nội đã thành lập tổ chuyên gia cùng Pháp nghiên cứu cải tạo cầu Long Biên

Tuy nhiên, Việt Nam trên phương diện là chủ thể của lịch sử, chúng ta phải tự quyết định là chính. Nhà nước Việt Nam nói chung và Bộ GTVT nói riêng là những thực thể quyền lực chính thức cần phải có ý kiến mạnh dạn; phải có kế hoạch sử dụng, khai thác và làm mới hình ảnh cây cầu trong tầm nhìn dài hạn.

Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế

Bày tỏ quan điểm về phương án trùng tu cầu Long Biên, GS.TS Trần Ngọc Vương nhìn nhận, nếu vẫn tiếp tục khai thác giá trị giao thông thì nên đặt cầu Long Biên nằm trong hệ thống đường sắt đô thị của Hà Nội thay vì hệ thống đường sắt quốc gia như cũ. Bởi nếu đặt trong hệ thống đường sắt quốc gia, cây cầu này cũng chỉ mang vai trò phụ vì hiện đã có nhiều cây cầu khác bắc qua sông Hồng đã và đang phát huy tốt hiệu quả.

Chuyện cầu Long Biên: Bài 4 - Hài hòa lợi ích quốc gia, quan hệ quốc tế - 4

Cầu Long Biên hiện đã trở nên cũ kĩ, già nua nhưng vẫn mang những giá trị quan trọng về mặt giao thông và văn hóa - lịch sử 

“Ý muốn mà nhiều người đồng thuận là cố gắng giữ lại cơ bản dáng hình của cây cầu Long Biên cũ, bởi dù sao nó vẫn là một biểu tượng kiến trúc đẹp nổi tiếng thế giới. Nhưng về mặt chất liệu, vật liệu thì phải thay đổi, thậm chí phải thay đổi toàn bộ bởi cây cầu đã trở nên hao mòn sau hơn một thế kỉ sử dụng”, GS.TS Trần Ngọc Vương nhận định.

Bên cạnh đó, GS.TS Trần Ngọc Vương cũng nhấn mạnh đến yếu tố điểm nhấn của cầu Long Biên nằm ở giá trị văn hóa - lịch sử và du lịch, cần được khai thác, phát triển. Việc trùng tu cây cầu cần có sự điều tra, thống kê về góc độ kinh tế học cũng như góc độ văn hóa - xã hội để xác định được nhu cầu sử dụng, đồng thời phải đáp ứng được khả năng kĩ thuật cho việc thiết kế, thi công xây dựng.

GS.TS Trần Ngọc Vương:

"Trong câu chuyện trùng tu cầu Long Biên cần cố gắng tối đa để không tồn tại lợi ích nhóm, không có sự “chấm mút” bởi đây là điểm dễ gây ra ác cảm và phản ứng dữ dội nhất từ nhiều phía. Nên đặt vấn đề lợi ích quốc gia, lợi ích của quan hệ quốc tế, lợi ích của cộng đồng lên trên để đưa ra một giải pháp phù hợp, sao cho vừa giữ được sự tôn trọng đối với giá trị văn hóa - lịch sử vừa để cây cầu phát huy trọn vẹn vai trò của nó đối với đời sống nhân dân".

Phạm Hằng

#
Lê Nam: Trước hết háy đặt lợi ích của người dân Hà Nội lên trên hết đã. Các anh các chị cứ nhìn cảnh giờ cao điểm sáng chiều dòng xe oto, xe máy xếp hàng từ gần cầu Long Biên để lên cầu Chương Dương qua sông thì biết nỗi khổ như thế nào.

Tin liên quan

Tin mới nhất