Công tác tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật trẻ tại Tây Nguyên: Gian nan và khó khăn

Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, nhạy cảm và tinh tế của văn hóa. Là nhu cầu thiết yếu bộc lộ những khát vọng chân, thiện, mỹ của con người. Văn học nghệ thuật cũng đồng thời có tác dụng đặc biệt trong việc vun trồng, bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, đạo đức, trí tuệ và bản lĩnh cho các thế hệ con người.

Với tư cách là một sản phẩm văn hóa - góp phần thực hiện những mục tiêu chính trị, tạo đường hướng phát triển cho đất nước. Nghị quyết 23NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới đã khẳng định, vạch ra chiến lược phát triển của văn học nghệ thuật. Nghị quyết 23-NQ/TW cũng chỉ ra “Tài năng văn học, nghệ thuật và vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học, nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp”.

Công tác tìm kiếm và bồi dưỡng tài năng văn học nghệ thuật trẻ tại Tây Nguyên: Gian nan và khó khăn - 1

Với mong muốn ươm mầm những tài năng văn học trẻ, bổ sung cho lực lượng văn nghệ sĩ của tỉnh Đắk Lắk, Hội Văn học nghệ thuật Đăk Lăk tổ chức Trại Bồi dưỡng sáng tác Hương Rừng năm 2022.

Văn học nghệ thuật vùng Tây Nguyên - còn đó những trăn trở

Nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn để văn học nghệ thuật phát huy vai trò to lớn của mình trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách, lối sống con người tốt. Nhiều hạn chế, sự bất cập kéo dài trong việc xây dựng, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển, công tác bồi dưỡng phát triển và trọng dụng tài năng văn học nghệ thuật. Một trong số những khó khăn ấy chính là công tác tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ có tài năng. Ở vùng Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng, đây là bài toán khó mà chưa tìm được hướng đi để tìm được đáp số.

Quả thật, trong nhiều năm qua, với sự bùng nổ của mạng internet và các cách thức truyền thông mới, khắp nơi trong cả nước, trong khi nhiều bạn trẻ đã nổi lên như những hiện tượng âm nhạc, văn học, sân khấu - biểu diễn thì tại vùng Tây Nguyên, không khí sáng tạo văn học nghệ thuật trong những người trẻ lại trầm lăng một cách đáng lo lắng.

Một số những gương mặt nổi bật ở chuyên ngành văn học như Lê Thị Kim Sơn, Lữ Hồng, Tạ Ngọc Diệp (Gia Lai); H’Siêu Byễ, HXíu H'Mok (Đắk Lắk); Đào Thu Hà (Đắk Nông); về mỹ thuật có Y’Buih Niê Kdăm, Y’Luê Niê (Đắk Lắk); Mai Quý Ngọc, Nguyễn Văn Chung, Nguyễn Vinh (Gia Lai); nhiếp ảnh có Vũ Duy Thành (Đắk Lắk), Ngô Minh Phương... xuất hiện và có những dấu ấn nhất định. Mặc dù vậy thì lực lượng khá mỏng ấy chưa tạo nên được làn sóng mạnh mẽ của vùng đất vốn giàu vốn bản sắc như Tây Nguyên.

Thực tế cho thấy, sáng tạo văn học nghệ thuật đòi hỏi nhiều yếu tố với người sáng tác trẻ: năng khiếu, niềm đam mê, điều kiện, sự dấn thân không mệt mỏi và nhiều điều khác mới có thể đạt được sự thành công. Để những đứa con tinh thần đến với công chúng và được đón nhận thật không hề dễ dàng. Bởi người trẻ phải đối diện với rất nhiều thứ: gánh nặng cuộc sống, cơm áo gạo tiền, trách nhiệm với gia đình.

Trong khi sự nghiệp văn học nghệ thuật thì khó khăn, vất vả, rất nhiều chông gai và thử thách không đủ để họ thực hiện trách nhiệm nặng nề của mình với cuộc sống. Nhiều người đã gác lại đam mê văn chương, thơ phú, nhạc họa để lao vào kiếm tiền, lo kiếm sống. Rất nhiều người trẻ vừa chớm chạm ngưỡng cửa văn học nghệ thuật nhưng rồi rút lui rất sớm.

Trong những năm qua, các hội văn học nghệ thuật tại Tây Nguyên nói chung, Hội Văn học nghệ thuật Đăk Lăk đã làm những gì? Chiến lược hoạch định ra sao để phát hiện, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ sáng tác trẻ? Việc động viên, tạo mọi điều kiện tốt nhất để người sáng tác trẻ bộc lộ năng khiếu, tiếp cận gần hơn với những người có chuyên môn, tâm huyết với văn học nghệ thuật để được truyền lửa được thực hiện thế nào? Đó quả thật là câu hỏi rất rộng mà Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk chúng tôi, trong suốt 30 năm qua, qua việc mở 20 lớp bồi dưỡng, trại sáng tác thiếu nhi Hạ Xanh, Hương Rừng với hơn vài trăm lượt học sinh được tham gia vẫn đang loay hoay tìm câu trả lời.

Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch hàng năm đối với việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu viết văn. Phối hợp với Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh tổ chức các câu lạc bộ mỹ thuật, nhiếp ảnh trẻ,... để tìm kiếm, bồi dưỡng người sáng tác trẻ, nhất là tìm đội ngũ người dân tộc thiểu số. Thế nhưng số người trẻ có năng khiếu, tài năng, đi đường dài với văn học nghệ thuật và trở thành văn nghệ sĩ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Càng ngày, học sinh, sinh viên càng không còn mặn mà với việc dấn thân với sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật nữa.

Làm thế nào để kéo những người tài năng trẻ đến với con đường sáng tạo văn học nghệ thuật?

Phải khẳng định rằng, tự bản thân mỗi người trẻ có tài năng văn học nghệ thuật là một cái cây non tràn trề nhựa sống. Họ đều phải tự vận động, tự nỗ lực. Nhưng nếu sự nỗ lực chật vật ấy được giúp đỡ một cách kịp thời, trong sáng và có chiến lược của hội văn học nghệ thuật thì có thể họ sẽ tỏa sáng đúng lúc. Ngoài những chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước thì sự quan tâm ở từng địa phương, đặc biệt là cán bộ quản lý của các hội văn học nghệ thuật vô cùng quan trọng.

Trước hết là công tác bồi dưỡng, định hướng tài năng văn học nghệ thuật phải được phối hợp giữa hội văn học nghệ thuật tỉnh, gia đình, nhà trường. Quan tâm đến nhiều và năng trẻ ở mọi chuyên ngành nghệ thuật như văn học, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, múa, âm nhạc... có chiến lược phát hiện, bồi dưỡng tùy vào đặc trưng của chuyên ngành.

Hội văn học nghệ thuật các tỉnh mở rộng tiêu chí và sân chơi để người có tài năng văn học nghệ thuật trẻ dễ dàng tiếp cận. Thay đổi quan điểm hội văn học nghệ thuật chỉ dành cho những người có chuyên môn văn học nghệ thuật cao, sâu; tuổi tham gia hội văn học nghệ thuật vào hàng “cây đa, cây đề” mà là dành cho mọi lứa tuổi. Cơ chế xét kết nạp hội viên linh động, thậm chí đặc cách để bồi dưỡng, tạo nguồn.

Tổ chức các câu lạc bộ văn học nghệ thuật trẻ đa dạng, hoạt động phong phú gồm sinh hoạt trực tiếp và trực tuyến. Đồng thời kết hợp ứng dụng các nền tảng công nghệ tin học mới như facebook, youtube, tik-tok… để thu hút giới trẻ, kích thích tinh thần sáng tạo của các em.

Kiên nhẫn và hướng dẫn các em viết, sáng tác, tạo điều kiện tốt nhất để tác phẩm của các bạn trẻ đến được với công chúng đúng với khả năng. Đừng thổi phồng tài năng của các em. Hãy để các bạn trẻ nỗ lực bằng chính sự rèn luyện của bản thân chứ không phải bằng sự lăng-xê tên tuổi.

Các hội văn học nghệ thuật các tỉnh vùng Tây Nguyên chú trọng hơn việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số tại các trường dân tộc nội trú, tại các trại sáng tác cấp huyện, cấp trường, đơn vị cơ sở để tăng cường bản sắc địa phương, vùng miền, sự đa sắc thái các dân tộc tại Tây Nguyên.

Một số kiến nghị với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Liên hiệp cần có định hướng về những nội dung, phương thức hoạt động, đặc biệt có nhiều hơn sân chơi cho người trẻ ở nhiều lĩnh vực (trại sáng tác, lớp bồi dưỡng cho mọi chuyên ngành văn học, âm nhạc, mỹ thuật,..) như nhiều năm trước đây.

Thường xuyên mở lớp tập huấn, bồi dưỡng tại các vùng, miền (đa dạng chuyên ngành, đa dạng kênh giới thiệu người tham gia).

Có định hướng cho tạp chí văn học nghệ thuật các hội văn học nghệ thuật mở rộng sân chơi, giới thiệu tác phẩm cho người sáng tác trẻ.

Xây dựng cơ chế hỗ trợ hoạt động công bố tác phẩm, triển lãm, in ấn và phát hành sách cho người trẻ từ nhiều nguồn (ngân sách và xã hội hóa).

Với những mong muốn và kỳ vọng ấy, hy vọng rằng trong tương lai không xa, văn học nghệ thuật vùng Tây Nguyên nói chung, văn học nghệ thuật của Đăk Lăk nói riêng sẽ có những khởi sắc, cả về lực lượng và tác phẩm nghệ thuật, đóng góp chung cho sự phát triển văn học nghệ thuật của đất nước.

Niê Thanh Mai

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày