Từ vụ chặt cây đa đình Chèm đến việc trùng tu di tích hiện nay

(Arttimes) - Việc trùng tu di tích luôn cần đến hai tố chất, đó là cái tâm - tấm lòng đối với di sản cha ông để lại, hai là trình độ chuyên môn.

Vừa qua, dư luận xã hội ở Hà Nội và trong cả nước xôn xao về sự kiện trùng tu đình Chèm và nhất là việc trong quá trình trùng tu, cây đa to phía bên phải trước cổng đình, cạnh nghi môn ngoại (tứ trụ trước cửa đình) bị chặt hạ. Nếu nhìn vào cảnh quan khi còn cây đa toả bóng mát và tạo thêm phong cảnh cổ kính của đình và cảnh quan khi cây đa có chu vi ba, bốn người ôm không xuể bị chặt hạ trơ gốc rộng mênh mông thì quả tình nếu không hiểu nội tình, nguyên nhân của sự chặt hạ này sẽ tạo nên một sự bất bình lớn mà ngay người viết bài này từng trải qua.

Từ vụ chặt cây đa đình Chèm đến việc trùng tu di tích hiện nay - 1
Đình Chèm khi chưa chặt hạ cây

Cây đa bị chặt hạ đó như thế nào?

Trước tiên cần khẳng định, cây đa này không phải là giống đa thuần Việt đã từ lâu nằm trong thành ngữ quen thuộc của người Việt ta khi nói về phong cảnh làng quê “mái đình cây đa” mà là cây đa giống ngoại lai có xuất xứ từ Ấn Độ, nên được gọi là đa Ấn Độ, hay còn có tên là đa đỏ, đa dai, đa cao su… với tên khoa học là ficus elastica.

Vì sao cây đa Ấn Độ này lại được trồng ở trước cửa đình Chèm và trồng từ bao giờ?

Cụ Lê Văn Hiệu là thủ từ của đình Chèm từ 2010 đến 2018 cho biết, vào giữa thập kỉ 90 của thế kỉ trước, khi một vị lãnh đạo cao cấp của nước ta sang thăm Ấn Độ, được lãnh đạo Ấn Độ tặng cho giống cây đa này. Nhà lãnh đạo nước ta về trồng tại khu du lịch tâm linh Tràng An, từ đó không ít địa phương trong nước nổi lên phong trào trồng đa Ấn Độ. Ở làng Chèm có người trồng vườn đã ươm giống đa Ấn Độ này mang biếu cụ Nguyễn Văn Ẩn là Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Thuỵ Phương dạo đó. Cụ Ẩn bèn bứng cây đa giống thuần Việt ra trồng đằng sau đình để trồng cây đa Ấn Độ thế vào. Theo nhiều cụ già trong làng và chính cụ Nguyễn Văn Thìn - Trưởng ban khánh tiết của đình Chèm khẳng định, cây đa Ấn Độ này được trồng vào quãng 1996 đến 1998. Như vậy là cây đa Ấn Độ trước cửa đình Chèm vừa bị chặt hạ chỉ có độ tuổi từ 24 đến 26 năm, chưa thể xếp vào cây cổ thụ. Nhưng đa Ấn Độ vốn là giống cây có sự phát triển rất tốt, thường được xem như loại cây phong thuỷ có sức sống mạnh. Cây đa Ấn Độ trước cửa đình Chèm lại được trồng trên nền phù sa sông Hồng nên có sự tăng trưởng nhanh.

Nhưng xét về địa thế thì cây đã này nằm ở thế chênh vênh giữa thềm cao so với mảnh sân nhỏ giữa nghi môn ngoại (tứ trụ) và nghi môn nội (tầu tượng) lại do phát triển nhanh nên ngày càng có xu thế nghiêng về phía tứ trụ (mỗi năm nghiêng từ 0,5-6 độ, đến năm 2021 độ nghiêng đã lên đến 10 độ). Thậm chí có lần mưa bão, cành đa đã làm gẫy chóp trụ gần cây. Các nhà quản lý đình Chèm đã cho xây một đế cây bằng bê tông để giữ cho gốc cây khuôn lại nhưng vì sự phát triển mạnh mẽ của rễ cây nên đế cây bằng xi măng cũng không giữ được. Dưới 2/3 gốc cây lại có một đường ống dẫn nước thải của đình thoát ra nên xu hướng cây nghiêng về nghi môn ngoại và cả mái nghi môn ngoại ngày càng rõ. Vì thế nên vào ngày 28/6 /2021, Ban Tế tự cùng Ban khánh tiết và các vị cao niên trong làng đã có cuộc họp đề nghị hạ cây đa đỏ phía đông bắc đình Chèm trước lối dẫn vào đình. Tất cả gần 40 cụ trong cuộc họp đều tán thành và nhất trí đề nghị UBND phường Thuỵ Phương cho phép hạ cây đa đỏ để bảo vệ di tích , tạo thuận lợi cho việc tu sửa đường rãnh thoát nước. Cụ Nguyễn Văn Thìn - Trưởng Ban khánh tiết phường Thuỵ Phương cho biết, sau khi nhận đề nghị của Ban khánh tiết và Ban Tế tự, UBND phường Thuỵ Phương đã có công văn gửi lên cấp trên, nhưng hơn một năm trôi qua cấp trên của phường không trả lời trong khi đó kế hoạch trùng tu đã đến. Để đảm bảo tiến  độ trùng tu nên Ban quản lý đình Chèm – cụ thể ở đây là Ban khánh tiết đã quyết định hạ cây đa đỏ.

Từ vụ chặt cây đa đình Chèm đến việc trùng tu di tích hiện nay - 2
Biên bản họp của Ban khánh tiết, Ban tế tự và các cụ cao niên trong làng

Không chỉ gần 40 bô lão trong cuộc họp vào giữa năm 2021 nhất trí 100% đề nghị hạ cây đa đỏ để bảo vệ sự an toàn của di tích mà khi được hỏi thì hầu hết người dân phường Thuỵ Phương đều tán thành việc nên chặt cây đa Ấn Độ để về lâu dài không ảnh hưởng đến di tích đình Chèm. Bà Nguyễn Thị Xuân Lý - một chủ doanh nghiệp, người nhiệt tình trong cung tiến cho đình sau khi được giải thích cũng tán đồng việc chặt hạ. Tiến sĩ Nguyễn Văn Đường, nguyên giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì khẳng định, việc chặt cây đa đỏ là cần thiết và hợp lý. Cụ Lê Đình Thu, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng nay gần 90 tuổi cũng đồng tình về sự chặt hạ này…

Từ vụ chặt cây đa đình Chèm đến việc trùng tu di tích hiện nay - 3
Cây đa lớn ở trước cửa đình Chèm bị chặt hạ hôm 18/3

Nội tình của việc hạ cây đa đỏ Ấn Độ có độ tuổi 24-26 tuổi trước cửa đình Chèm gây bức xúc trong dư luận xã hội là như vậy. Về việc này, tôi cho rằng các Ban khánh tiết, Tế tự cũng như các cụ bô lão của phường Thuỵ Phương cũng như UBND phường Thuỵ Phương đã tuân thủ đúng trình tự, thủ tục trùng tu, bảo vệ di tích. Sự chậm trả lời đề nghị của Ban quản lý đình Chèm, và UBND phường Thuỵ Phương, của cấp trên phường Thuỵ Phương là chưa thoả đáng. Phải chăng đó chính là nguyên nhân tạo ra dư luận bất bình xung quanh việc chặt cây đa đỏ ở đình Chèm?

Suy nghĩ về việc trùng tu di tích

Đất nước ta trải qua 4000 năm lịch sử, mặc dù qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc nhưng di tích lịch sử, kiến trúc, văn hoá cha ông ta để lại cho hậu thế vẫn còn rất nhiều. Những di tích này trải qua năm tháng thời gian, cái ít cũng vài trăm năm, cái nhiều tới hàng ngàn năm. Sức nặng của thời gian, sự tàn phá của mưa gió và cả sự vô cảm của con người cũng khiến nhiều di tích hư hại nhiều. Việc tu sửa, trùng tu lại là điều rất cần thiết với ý nghĩa gìn giữ di sản của cha ông để từ đó phát huy truyền thống dân tộc trong sự hoà nhập hiện nay. Trong bộ luật số 28/2001/QH10 của Quốc hội về di sản văn hoá ở điều 34 đã nêu rõ “Việc bảo quản, tu bổ và thu hồi di tích phải được xây dựng thành dự án trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo nguyên gốc của di tích”. Đáng tiếc từ khi nhà nước trở thành “chủ đầu tư” các dự án trùng tu di tích, hiện tượng lợi dụng dự án trong lĩnh vực này để kiếm lợi, không để ý đến chất lượng trùng tu, nhất là bỏ qua nguyên tắc “phải đảm bảo nguyên gốc di tích” đã trở thành hiện tượng khá phổ biến. Tình trạng đáng buồn này đã tồn tại vài  thập niên kể từ khi bộ luật 28 của Quốc hội ra đời. Vì thế nên dư luận trong cả nước mới thật đau lòng khi di tích Thành nhà Mạc ở thành phố Tuyên Quang sau khi trùng tu đã trông giống như cái lò gạch giữa đường phố. Gần đây nhất, giếng ngọc hơn 500 năm của đền thờ nhà sử gia Lê Văn Hưu ở Thiệu Hoá, Thanh Hoá bị thu hẹp và trở thành vũng nước. Cửa Nghi môn của đình Tự Động phường Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương bị phá đi làm lại không đúng nguyên mẫu. Ngôi đình gỗ ở làng Lương Xá huyện Ứng Hoà,  Hà Nội được dựng từ thời Lê Trung Hưng có độ tuổi hơn 300 năm bị phá đi để bê tông hoá. Người ta còn đưa cả xe ủi, máy xúc vào trùng tu tháp Bánh Ít được xây hơn 1000 năm tại Tuy Phước Bình Định vào để làm công việc trùng tu…

Tôi có dịp được chứng kiến các chuyên gia Ba Lan trùng tu tháp Ponnagar ở Nha Trang. Tôi thực sự cảm phục công việc tỉ mỉ, thận trọng của họ khi họ bóc từng hòn gạch, từng đường mạch nhỏ xíu kết dính các viên gạch để đảm bảo giữ nguyên gốc hình dáng, cấu trúc của di tích. Từ việc làm của các chuyên gia Ba Lan, tôi nhận ra việc trùng tu di tích luôn cần đến hai tố chất của người trùng tu. Đó là cái tâm – tấm lòng đối với di sản cha ông để lại, hai là trình độ chuyên môn. Còn ở ta không ít công trình di tích khi đã thành dự án trùng tu thì việc mở rộng đấu thầu trong đó có sự tham dự của các nhà thầu không có trình độ chuyên môn, lại thiếu hẳn sự tôn trọng đối với di sản cha ông. Việc chọn nhà thầu có giá bỏ thầu rẻ bất chấp trình độ tay nghề trùng tu di tích là một trong những nguyên nhân khiến nhiều di tích “lợn lành thành lợn què”. Di tích bị hiện đại hoá với chất lượng tồi tệ. Đó là chưa kế sự lại quả giữa bản quản lý đầu từ và nhà thầu đang là vấn nạn buồn và phổ biến cũng làm chất lượng công trình nói chung và công trình trùng tu nói riêng bị ảnh hưởng lớn.

Đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) theo quyết định số 2028/QĐ –TTg ngày 25/12/2017 được công nhận di tích kiến trúc cấp quốc gia đặc biệt, là một công trình được dựng lên từ trên dưới 2000 năm để thờ Thượng Đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng – danh nhân ngoại giao đầu tiên của nước ta đồng thời là người có công dẹp giặc ngoại xâm từ thời An Dương Vương. Không chỉ là một trong những đình hiếm hoi có tuổi đời lâu nhất nước ta mà còn là công trình kiến trúc bộc lộ rõ tài năng xây dựng và bảo tồn của cha ông ta từ hàng ngàn đời nay.

Trở lại việc trùng tu đình Chèm

Ngoài việc chặt cây đa trước cửa đình khi chưa được giải thích đã nổi lên dư luận phê phán thì việc trùng tu các bậc thềm trước và sau nghi môn nội và nghi môn ngoại cũng gây ra những bức xúc. Cũng trong biên bản cuộc họp hai Ban Tư tế và Khánh tiết cùng một số các cụ cao niên trong làng thì đã cho biết năm 2011 “Đình Chèm được quận Bắc Từ Liêm quan tâm đầu tư nâng cấp một số hạng mục cần thiết như hạ thấp nền sân phía trước hơn 10cm tạo thành nền sân như những năm trước đây. Nâng bốn bậc lên tàu tượng (Nghi môn nội ) thành 5 bậc, đảo ngói thay toàn bộ dui hỏng toàn bộ đình, làm mới toàn bộ cửa của hai nhà tả hữu mạc”. Như vậy là từ năm 2011 đã có quyết định của quận Bắc Từ Liêm về đầu tư nâng cấp một số hạng mục nhưng phải 10 năm sau, vào cuối năm 2021 kế hoạch đầu tư mới được triển khai thực hiện. Ở đây tôi chưa muốn nói đến các hạng mục khác trong đợt trùng tu này mà chỉ muốn nói đến việc nâng cấp bốn bậc lên năm bậc ở tàu tượng (nghi môn nội) thì qua tìm hiểu và tận mắt nhìn thấy trên công trường trùng tu thấy lớp đá cũ của các bệ này bị bóc ra xếp vào một chỗ để thợ xây dựng xây các bậc thềm theo lối xây bậc bình thường rồi mới ốp đá lên đã làm lộ ra cảnh đào bới tan hoang dễ gây bức xúc cho bất kì ai được chứng kiến. Tôi hỏi cụ Nguyễn Văn Thìn, Trưởng ban Khánh tiết đình Chèm là trong quá trình trùng tu có cố vấn chuyên ngành trùng tu không. Cụ Thìn bảo không có, và chỉ có ban kiểm tra…? Phải chăng sự thiếu một cố vấn trùng tu nên việc trùng tu đình Chèm hiện nay không đáp ứng đầy đủ được nguyên tắc mà điều 34 trong luật 28/2001/QH 10 của Quốc hội về di sản văn hoá yêu cầu?

Từ vụ chặt cây đa đình Chèm đến việc trùng tu di tích hiện nay - 4
Toàn bộ bậc thềm, nền đá ngoài đình, mặt hướng ra sông Hồng cũng được tháo dỡ

Hoàng Bách - Thành Bìn

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày