Lửa sáng phía chân trời của Châu La Việt - Lời tri ân của một tấm lòng giữa cuộc đời

(Arttimes) - Cuộc chiến tranh đã đi qua đất nước ta tròn 45 năm, thời gian đang dần xóa đi những vết thương trên da thịt và làm dịu đi những nỗi đau trong tâm hồn người Việt Nam.

 Thế hệ 8X chúng tôi được sống trọn vẹn trong những ngày hòa bình, được hưởng một nền độc lập thực sự, chỉ biết đến chiến tranh qua sách báo, tranh ảnh, phim tài liệu hay phim truyện nhưng cũng chưa thể hình dung một cách rõ rệt sự khốc liệt thực sự của chiến tranh. 

Những tác phẩm hay, gây ám ảnh với bạn đọc như: Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Mùa hè giá buốt của Văn Lê… đã trở thành những tác phẩm tiêu biểu dẫn dắt một chặng đường văn học mới thời hậu chiến. Người đọc nhận ra, những người hùng bước ra từ cuộc chiến tranh khói lửa khi trở về cuộc sống đời thường phải đối mặt với biết bao vấn đề nóng bỏng của cuộc sống. Họ hoặc là bất lực, ngơ ngác giữa dòng chảy cuộc đời hoặc biến chất, tha hóa đến không thể nhận ra. Thế hệ những bạn đọc trẻ sau những năm đầu háo hức tìm hiểu, đón đợi những tác phẩm thời hậu chiến ấy, dần cảm thấy bị trùng lặp, không còn ham thích nữa. Bởi người lính phải vật lộn với cuộc sống thời hậu chiến còn người viết thì vật lộn với những hồi ức chiến tranh, họ ở lại mãi với thời gian quá khứ cũng giống như một tàn đèn mãi không chịu tan.

Lửa sáng phía chân trời của Châu La Việt - Lời tri ân của một tấm lòng giữa cuộc đời - 1 Nhà văn Châu La Việt 

Tôi đến với cuốn tiểu thuyết Lửa sáng phía chân trời của nhà văn Châu La Việt một cách tình cờ khi nhận được món quà của một người bạn. Thú thật, khi biết đây là cuốn sách được sáng tác trong chương trình đầu tư sáng tác của Bộ quốc phòng năm 2019, tôi có hơi ngại ngần vì nghĩ: Đây lại là một cuốn sách viết về hồi ức chiến tranh - của một nhà văn chắc cũng đang bị hãm sâu vào quá khứ. Thế là cuốn sách Lửa sáng phía chân trời đã bị tôi “ngâm nước nóng” trong số sách chờ được đọc. Nếu không có dịch Covid-19 và những tháng ngày buồn chán ở nhà chờ đến lúc được đi làm, tôi đã bỏ lỡ một cuốn sách hay, đáng xem nhất trong năm 2020 của tôi. Hơn 300 trăm trang sách được tôi đọc trọn trong 1 ngày bởi sức hấp dẫn không thể dứt ra từ những hồi ức trong trang sách đó. 

Lửa sáng phía chân trời là cuốn sách đặc biệt, là lời tri ân của nhà văn Châu La Việt dành tặng cho những người đồng đội, đồng chí, những người bạn đã sống và chiến đấu, đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại Cánh Đồng Chum và ngọn đèo Phu Nốc Cốc - tuyến lửa ác liệt nhất thời chống Mỹ bên nước bạn Lào. Dòng chảy của quá khứ được tái hiện một cách tự nhiên, chân thật bắt đầu từ những dòng nhật ký của một vị tướng từng chiến đấu nhiều năm ở Cánh Đồng Chum - Xiêng Khoảng. Những dòng chữ nhuốm màu khói lửa, đạn bom đã khắc họa cuộc sống thiếu thốn, gian khổ của những người lính tình nguyện Việt Nam bên nước bạn Lào. Câu chuyện bắt đầu từ một biến cố đến với anh lính dạn dày kinh nghiệm Thế Trung - trong 1 ngày anh nhận được 3 quyết định quan trọng: Thăng quân hàm - Lên chức, chuyển công tác đến đơn vị mới và tờ đơn ly hôn của người vợ nơi quê nhà. Niềm vui, nỗi buồn đan xen giữa lúc cuộc chiến đang lúc ác liệt nhất. Anh lính Thế Trung trầm lặng, ít nói đã giấu tận sâu trong lòng nỗi đau không dễ ai thấu hiểu để nhanh chóng bắt tay vào công việc mới ở Cánh Đồng Chum. Cuộc đời của những người lính cùng nhau sống và chiến đấu trên ngọn đèo Phu Nốc Cốc dần dần được tái hiện theo sự xuất hiện của họ. Đó có thể là một kỷ niệm hài hước với người vợ chất phác nơi quê nhà của một anh lính tuổi đã cứng, mang một cái tên vô cùng ngộ nghĩnh - Đỗ Xanh. Hay ấn tượng mãi không quên của những người lính được chứng kiến cuộc chia tay “lịch sử” của anh lính trẻ Trần Bình với cô người yêu xinh đẹp Thu Hương và hai người bạn Thu Minh và Đỗ Long - những người nghệ sĩ sẽ sớm nổi danh trong tương lai. 

Mỗi người lính trong cuốn sách Lửa sáng phía chân trời đều có một số phận riêng, một nỗi đau riêng mà họ đều giấu đi không cho ai thấu tỏ. Bởi họ hiểu rằng, nỗi đau của đất nước, của dân tộc, của những người bạn Lào còn lớn hơn rất nhiều tâm tư và nỗi khổ tâm của họ. Từ nỗi đau thể xác của Binh trạm trưởng Lê Thiệp - lo cho trận chiến đến quên ăn quên ngủ đến mức để cho căn bệnh xuất huyết dạ dày phát tác suýt cướp đi tính mạng của anh. Đến nỗi đau tinh thần của Binh trạm phó Thế Trung vì 2 năm chiến đấu xa nhà mà người vợ của anh không vượt qua được cám dỗ đã quyết định ly hôn. Đối với anh lính trẻ Trần Bình - một chàng trai Hà Nội đẹp trai, tài hoa đã quyết định đi theo lí tưởng gia nhập đoàn quân cứu nước, để lại Hà Nội cô bạn gái xinh đẹp, quyến rũ và nhận về đau đớn khi chính cô người yêu đã bỏ anh để sang Nga du học. Điều tôi cảm thấy khâm phục và yêu mến nhất ở những người lính trong tác phẩm Lửa sáng phía chân trời không chỉ ở lòng dũng cảm, can trường, gan dạ, thông minh - những phẩm chất cao quý của người lính Việt Nam mà họ còn là những người đàn ông rất mực vị tha, cao thượng, tinh tế tuyệt vời. Cả Thế Trung hay Trần Bình đều là nạn nhân của sự “bội bạc”, lừa dối. Những hậu phương đáng ra phải là điểm tựa vững chắc cho tinh thần của họ đều đã rời bỏ họ ra đi, không chống lại những cám dỗ về tiền tài, vật chất hay dục vọng. Nhưng cả hai người lính ấy đều không một lời trách cứ, thù hận những người phụ nữ của họ. Trái tim Trung đau đớn, xót xa không chỉ cho chính mình mà còn cho người vợ nơi quê nhà. Anh cũng tự trách mình vì mải mê công việc mà đi biệt suốt 2 năm không về nên anh đã “ký không lưỡng lự vào lá đơn li hôn, giữa hai trận bom đánh dữ dội” để giải thoát cho Trang - vợ anh dù không nhận được một lí do thỏa đáng. Sự dứt khoát ấy cũng chất chứa những 

dằn vặt, khổ sở mãi về sau này, trở thành một vết sẹo trong tâm hồn Trung, theo anh trong những đêm dài mất ngủ. Cách xử sự quân tử, đàn ông, điềm tĩnh của Trần Bình khi nghe tin người yêu đã bỏ mình đi Nga du học cũng khiến người đọc vô cùng nể phục. Anh không chỉ tha thứ mà còn thông cảm và trân trọng khát vọng của người yêu, thậm chí còn thuyết phục hai người bạn Đỗ Long và Thu Minh hãy tôn trọng quyết định đó của cô. Sự cao thượng đó có lẽ chỉ có ở những người lính đã chứng kiến sự mất mát của cuộc chiến tranh, hiểu và trân trọng từng giây phút quý giá của cuộc đời, từng cơ hội đến với con người chỉ một lần không trở lại. 

Cuộc chiến tranh khốc liệt không chỉ cướp đi hạnh phúc, tình yêu, cơ hội được học tập của những người lính trẻ mà tàn nhẫn hơn còn cướp đi tương lai và cuộc sống của họ. Nhà văn Châu La Việt chỉ khắc họa sự ra đi của hai người: một là của anh lính trẻ có biệt danh “Linh cò hương” vốn là học sinh giỏi Văn, bố là sĩ quan cao cấp đang chiến đấu ở mặt trận, anh thừa tiêu chuẩn đi du học nước ngoài vậy mà lại quyết định trở thành một chiến sĩ. Hai là sự hy sinh của Thế Trung giữa lúc anh đang lao lên dẫn đồng đội truy kích địch. Hai nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ, đột ngột dù bất kỳ người lính nào khi ra trận đều chuẩn bị tâm lí cho sự hy sinh. Nhà văn Châu La Việt không viết quá nhiều về nỗi đau của những người ở lại bởi nỗi đau ấy không chỉ thấm đẫm trong 300 trang sách mà sẽ còn thấm thía và nối dài đến mãi sau này - trong lòng những người đồng đội, những người lính Việt Nam! 

Tôi rất thích nhan đề của cuốn tiểu thuyết này: Lửa sáng phía chân trời bởi nó khiến cho độc giả cảm nhận được ý nghĩa của tác phẩm trên nhiều góc độ. Ánh lửa của cuộc chiến tranh năm xưa hay của hoàng hôn trên Cánh Đồng Chum năm nay vẫn luôn rực cháy trong tâm trí những người lính Việt Nam đã từng sống và chiến đấu bên nước bạn Lào. Lửa không chỉ có trong không gian thực mà luôn tồn tại trong tâm hồn những người lính đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Ánh lửa của niềm tin sục sôi, của lòng nhiệt tình tuổi trẻ, của khát vọng hòa bình sẽ luôn cháy sáng mãi trong tâm thức những người còn sống. 

Mạch truyện của tác phẩm được kể theo dòng chảy thời gian, bằng một giọng văn chậm, có tiết tấu thay đổi theo cảm xúc của nhân vật hay sự kiện được đề cập. Những trang viết miêu tả cuộc chiến tranh đậm đặc khói và thuốc súng luôn tạo được độ chân thực và sinh động hiếm thấy. Có lẽ nhà văn Châu La Việt chính là một chứng nhân của lịch sử, ông đã ở đó, trải nghiệm ranh giới của sinh tử nên từng dòng chữ đều sống động và tạo độ rung cảm mạnh nhất. Xen giữa những trang viết về chiến tranh là những câu chuyện về đời sống sinh hoạt hay chuyện cuộc đời của những người lính ở Cánh Đồng Chum. Chuyện vui có, buồn có, xao xuyến có, đau đớn có, tất cả tạo nên một bản hợp ca hào hùng rực cháy. Để rồi, khi bản nhạc ấy kết thúc, người đọc vẫn không ngừng thổn thức, trăn trở và suy tư. Cuộc đời của những người lính ở Cánh Đồng Chum năm xưa dù trẻ mãi ở tuổi đôi mươi, hay khi quay trở lại nơi đây đầu đã mang hai thứ tóc thì vĩnh viễn một phần tuổi trẻ của họ đã sống mãi với đất bạn Lào, trái tim của họ vĩnh viễn mang tình yêu với đất và người nơi đây. Nhà văn Châu La Việt đã hoàn thành xong một lời hứa với những người đồng đội của mình và tôi luôn tin sự tri ân này, tấm lòng tuyệt vời của ông sẽ không chỉ đến với những người bạn đã từng sống và chiến đấu bên mình mà còn đến với đông đảo bạn đọc trên mọi miền tổ quốc. 

Nguyễn Thị Hồng Hạnh   

None

Tin liên quan

Tin mới nhất