Mấy suy nghĩ tản mạnh về thơ

(Arttimes) - Làm thơ vừa dễ lại vừa khó. Hình như người Việt Nam nào cũng có thể làm được một vài câu, ít nhất là lục bát mà không dễ như vậy đối với việc viết văn hoặc các hình thức văn nghệ khác. Nhưng làm được thơ hay thì cực khó. Không ít nhà thơ được coi là chuyên nghiệp mà cả đời chỉ làm được những bài thơ trung bình, chưa có nổi một câu thơ hay.

Vậy thế nào là thơ hay? Trước hết phải nói đến yếu tố chủ quan của người thưởng thức. Hay dở lắm khi thuộc vào cái “gu” (thị hiếu thẩm mỹ) của họ. Thích gì thì cho đó là hay và ngược lại. Điều này cũng giống như khẩu vị của người ta vậy. Và cái “gu” lại phụ thuộc vào tầng lớp, trình độ học vấn, hiểu biết, đặc điểm tâm lý của người thưởng thức nữa. Đa số bà con nông dân, người có tuổi, đặc biệt là phụ nữ thích thơ Nguyễn Bính, Đoàn Văn Cừ mà ít để ý tới Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, mặc dù đó là những tên tuổi lẫy lừng trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Ngược lại, tuổi trẻ thành thị, trí thức thì có phần hâm mộ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trong Lư, Hàn Mạc Tử... Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, hết thảy bộ đội, nhân dân đều thích thơ Tố Hữu hơn các nhà thơ khác. Dẫn qua vậy để thấy cái “gu” của công chúng là không thể bỏ qua. Nhưng chẳng lẽ người làm thơ lại cứ luôn phải chạy theo họ? Vậy còn gì là bản sắc riêng của mỗi nhà thơ?

Thơ phải tạo được ấn tượng đặc biệt, phải khiến người đọc bị ám ảnh mạnh. Nhưng không dễ. Cũng như trong vô vàn người ta bắt gặp giữa đời, những gương mặt, tính cách để lại ấn tượng thú vị khiến ta khó quên quả là không nhiều. Tất nhiên là phải ấn tượng tốt, chứ ấn tượng kiểu kỳ dị, gây phản cảm thì thật tệ hại.

Cũng chẳng nên nặng nề về việc tự biểu hiện chủ thể hay phản ánh xã hội. Có cá nhân nào lại không mang dấu ấn xã hội, thời cuộc? Nói gì không mấy thành vấn đề, mà điều quan trọng là nói như thế nào.

Và quan trọng nhất phải là thơ ấy mang đến cho người đọc điều gì? Tặng họ cái đẹp với ý nghĩa hoàn chỉnh nhất của từ này là được rồi. Xin miễn chẻ hoe là tác giả chỉ thể hiện mình mà không nói đến người. Biểu hiện mình mà như thơ Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Hồ Xuân Hương thì chẳng đầy ắp, sâu sắc ý nghĩa xã hội đó sao? Còn như cao giọng nói chuyện thế sự, hô hào tuyên truyền nghĩa vụ với cộng đồng mà nhạt nhẽo, tầm phào thì phỏng có ích gì? Và cần thấy mỗi nhà thơ có sở trường riêng. Thơ đậm chất công dân có lẽ không ai bằng Mai-a-cốp-xki. Giá trị của ông thật lớn lao trong nền thơ Xô Viết. Nhưng chẳng lẽ tất cả đều như ông?

Có những người luôn làm công việc thẩm định xét chọn thơ cứ thích nhận xét với người làm thơ: Thơ bạn riêng tư quá, cần xã hội nữa lên, cần mở rộng tới những chủ đề lớn lao hơn. Vâng. Người làm thơ phải luôn ý thức tới nghĩa vụ công dân của mình đối với đất nước, dân tộc, nhất là lúc lịch sử đầy biến cố. Không thể chấp nhận một nền thơ được coi là có giá trị lại vắng bóng Tổ quốc, Đảng, lãnh tụ, nhân dân trong thơ. Nhưng những chủ đề lớn lao ấy vẫn có thể được nói ở những khía cạnh tưởng như rất riêng, tưởng là tác giả “biểu hiện” mình. Ta thấy gì qua một bài thơ ngắn ngủi chỉ vẻn vẹn bốn câu có vẻ như rất riêng tư sau đây của Chế Lan Viên:

“Nhớ xuôi trông mãi mảnh tin nhà

Nay được phong thư nước suối nhòa

Chẳng dám giận nhiều con thác lũ

Thương tình chú ngựa khổ đường xa”

(Thư mùa nước lũ)

Đằng sau bài thơ gọn ghẽ với những lời lẽ có vẻ rất “riêng tư” ấy là cái “phông” của xã hội hiện lên khá đậm: Cuộc kháng chiến chống Pháp cam go, gian khổ đến nỗi “chú ngựa” cũng phải chia sẻ nỗi vất vả cùng con người. Bài thơ này tôi đọc xong một lần đã nhập tâm được ngay từ khi còn học lớp 10 phổ thông.

Thơ hay là ở những bài cụ thể, câu chữ cụ thể chứ tuyệt nhiên không ở cái tên của tác giả. Trong sáng tác nói chung, thơ nói riêng không có cái bóng nào hết. Và chẳng ai bị cái bóng nào che khuất. Nhiều nhà thơ lớn có tiếng tăm bởi sự nghiệp của họ gồm nhiều tác phẩm cụ thể tạo nên - đầy sức thuyết phục. Nhưng như vậy không có nghĩa họ không có những bài thơ, câu thơ dở, thậm chí rất dở, cứ như không phải của họ vậy. Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn. Không ai không biết danh Đồ Chiểu. Vậy mà tác giả Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chạy giặc vẫn còn vô số các câu chẳng thơ chút nào, lại còn kỳ cục là đằng khác:

“Vân Tiên nổi giận một khi

Vật chàng xuống đất bẻ đi một giò”

            Hoặc:

“Vợ Tiên là Trực chị dâu

Chị dâu em bậu dám đâu lỗi nghì”

            Xuân Diệu thì:

“Tổ quốc ta như một con tầu

Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau”

Bên cạnh đó, không ít những người tên tuổi còn xa lạ hoặc chưa phải đã nổi tiếng mà có những câu thơ, bài thơ khá thú vị. Ví dụ:

“Một thời cháy bỏng đam mê

Mái đầu bạc, sợi tóc thề vẫn xanh”

                                                      (Hạnh Ly)

“Làm thơ lục bát tặng anh

Mà quay quắt nhớ, mà hanh hao lòng”

                                                              (Nguyễn Thị Hiền)

“Gói mùa thu cầm tay

Ngực cốm thơm hương cỏ”

                                               (Hữu Việt)

Và vô số tác giả có những sáng tạo bước đầu thật đáng khâm phục mà tôi không thể dẫn hết.

Nhưng sáng tạo không bao giờ là sự kì dị, quái đản. Những năm qua và giờ đây, có một vài người làm thơ muốn chơi trội, thèm khát sự nổi tiếng nhưng tài năng bất cập. Cảm thấy tìm tòi, sáng tạo theo hướng chân chính, tiếp cận cái đẹp đích thực khó khăn, vượt quá năng lực tầm thường, xoàng xĩnh của mình bèn nghĩ đến cách làm “ngon ăn” hơn: Tạo nên những bài thơ, câu thơ quái dị, gớm ghiếc chủ yếu khơi gợi bản năng tính dục tự nhiên của con người. Sự khơi gợi, kích thích này thực chất chẳng mới mẻ gì, đã trở nên cũ rích bởi trong lịch sử phương Tây, người ta đã từng sáng tạo theo học thuyết Freud - một học thuyết chủ trương giải thích mọi hành vi của con người, ngay từ còn nhỏ đều chịu sự tác động thôi thúc cái ẩn ức sinh lý (lybido) nói trên. Chỉ có điều trước đây, người ta chịu ảnh hưởng chủ nghĩa Freud một cách tự nhiên, vô thức thì nay một số người làm thơ nói trên đã cố tình lặp lại và đẩy cao sự hối thúc bản năng tính dục của con người. Đáng tiếc, có tác giả trong số đó lại quá trẻ, vừa lớn lên, đang mon men bước vào thơ, vào đời. Nhưng thôi, dẫu sao đó cũng là sự hung hăng, ngộ nhận, tự huyễn hoặc mình, ít nhiều đáng thương hơn là đáng giận của kẻ non nớt muốn cải tạo, thôn tính tất cả để trở nên nổi tiếng. Chỉ đáng giận một vài bậc cha chú cũng có ít nhất vài chục năm làm thơ, tuy mới ở hàng “thường thường bậc trung”, viết lách tàm tạm nhưng dẫu sao cũng được coi là nhà thơ nghiêm chỉnh, tư duy đứng đắn lâu nay, vậy mà bỗng nhiên ra sức lên giọng hô hào, cổ súy cho những cây bút con cháu kia hãy “cách tân” hơn nữa. Họ cứ làm như bấy lâu nay nền thơ ta lạc hậu, cũ rích cả. Cũng là một thứ ám ảnh ấn tượng nhưng quả thật, thơ phú của những người vừa nói trên chẳng khác gì một cô gái điên, xõa tóc rũ rượi và... thoát y vũ, vừa đi vừa múa may trên đường phố! Quả là gây... ấn tượng cực mạnh bởi không ai không ngoái cổ nhìn, dù có bận đến đâu. Chỉ có điều người ta nhìn rồi lắc đầu, lè lưỡi. Và nếu đúng lúc bắt gặp hình ảnh cô gái điên ấy mà ai có đang ăn uống thì ắt hẳn sẽ mất ngon. Nhưng đáng trách hơn cả vẫn là những người có trách nhiệm cho những bài thơ ấy ra đời mà không nghĩ tới việc họ đã xì luồng khí độc, ít nhất là bụi bẩn vào bầu không khí trong lành của chúng sinh. Vậy nên rốt cuộc thơ vẫn phải trở về cái đẹp muôn đời vĩnh cửu: Tình người, nhân văn cao cả với những rung động tinh tế nhất. Xin hãy chú trọng biểu hiện phần NGƯỜI, chứ chẳng nên lè tè thấp hèn ở phần CON, bởi nếu là NGƯỜI hoàn chỉnh thì đã đầy đủ yếu tố nhân bản rồi.

Dân tộc, truyền thống hiện đại? Một bài thơ hay, gây thú vị, đem lại mỹ cảm cho người đọc hẳn nhiên là sẽ mang trong nó những yếu tố trên. Nhưng thiết nghĩ chẳng nên tách bạch rạch ròi những yếu tố đó. Và cũng xin chớ lầm lẫn truyền thống là cái gì xưa cũ và hiện đại là mô đen, tân ký. Truyền thống với đúng nghĩa của nó phải là cái Classique (cổ điển) nhất. Còn hiện đại chính là cái truyền thống được phát huy hiệu quả cao nhất, có tác dụng thỏa mãn người ta nhất ở hiện tại. Vậy thì hiện đại đương nhiên là phải mang trong mình nó những yếu tố truyền thống rồi. Từ HIỆN ĐẠI luôn luôn loại trừ mọi thứ tân kỳ, cóp nhặt, ngoại lai, xa lạ với bản sắc văn hóa, tâm lý dân tộc. Đó là sự cố tình ăn cóp, học đòi kệch cỡm và vô duyên. Nói để cho ra nhẽ, ngọn ngành vậy thôi chứ đông đảo công chúng thưởng thức thơ đâu có mấy để ý tới những lý lẽ. Họ chỉ có mỗi một điều: Thích hay không mà thôi. Thật là thú vị, người ta vừa rất thích thơ Nguyễn Bính, lại thích cả thơ Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu. Đừng nghĩ chỉ ngày xưa. Hiện tại số người tìm đọc thơ Nguyễn Bính nhiều gấp bội so với các tập thơ được coi là hiện đại mới ra lò. Chẳng lẽ người ta lạc hậu, kém hiện đại cả sao?

Vậy là, dẫu tản mạn thế nào, tôi vẫn xin trở về và chốt lại: Thơ phải thú vị, chí lý, tinh tế, thâm thúy, phải gây ấn tượng, gợi mỹ cảm mạnh mẽ, ám ảnh người ta như người đàn bà mặn nồng, đằm thắm, có duyên, tiếp xúc ít phút, nói chuyện dăm ba câu, nụ cười điệu đà, ánh mắt tình tứ khiến ta phải lòng, líu tíu thêm, dễ mê mẩn, rồi rời xa mà không được gặp lại, dễ tương tư. Trong nền thơ của chúng ta không phải là không có nhiều bài thơ giống như những người đàn bà như thế. Và cũng từng có nhiều nhà thơ đã bắt mất hồn những công chúng yêu thơ như thế./.

Nguyễn Đình San

Tin liên quan

Tin mới nhất

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng

Ngày 23/4, đối tác chuyển dịch năng lượng Đông Nam Á (ETP) thuộc Văn phòng Dịch vụ Dự án Liên hợp quốc (UNOPS) phối hợp với Vụ Kinh tế công nghiệp, dịch vụ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội thảo tham vấn "Chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về chuyển dịch năng lượng" nhằm nâng cao hiểu biết của công chúng về chuyển đổi năng lượng giữa các thành phần xã