Một thời "Đi dọc miền Trung"

Bài thơ Đi dọc miền Trung của Phạm Đình Ân được công bố lần đầu vào năm 1972 trên tạp chí Tác phẩm mới thuộc Hội Nhà văn Việt Nam được nhiều bạn đọc, trong đó có bạn đồng nghiệp và một số nhà thơ tên tuổi, chú ý và khẳng định. Dư luận từ ấy cho đến nay cho rằng đó là một trong số những bài thơ nổi bật trong thơ chống Mỹ cứu nước. Hai chúng tôi đã có nhiều lần tâm sự về văn chương. Lần này, tôi lại gặp Phạm Đình Ân, chuyện trò về bài thơ Đi dọc miền Trung, uộc chuyện trò đã dựng lại một phần không khí sáng t

Một thời "Đi dọc miền Trung" - 1

Nhà thơ Phạm Đình Ân 

ĐQH: Trong cuốn Thơ Thế hệ nhà thơ chống Mỹ, cứu nước do NXB Hội Nhà văn công bố, trong đó có Đi dọc miền Trung, rồi thơ của Yên Đức, và tôi cũng góp một bài. Mới đây, trong tuyển tập Dọc đường thơ của bạn, bài thơ Đi dọc miền Trung được in lại. Tôi vui mừng và bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa. Một thời tươi đẹp và hào hùng quá, Ân ạ. 

Hai đứa mình biết nhau từ năm 1970, đến năm 1972, Ân tạo nên “sự kiện” Đi dọc miền Trung. Buổi đầu nhóm bạn Phạm Đình Ân - Đỗ Quang Hưng - Mã Giang Lân thân nhau. Anh Lân có bài thơ Trụ cầu Hàm Rồng vừa đoạt giải cuộc thi thơ 1969-1970 do tuần báo Văn nghệ tổ chức, chúng mình nể lắm. Phạm Đình Ân thì có bài thơ đầu tiên đăng trên báo Văn nghệ năm 1968, khi còn học năm thứ 3 khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp.  

PĐÂ - Tôi về báo Nhân Dân tháng 11/1969. Đến mùa hè năm 1971 xin đi thực tế vào tuyến lửa Quảng Bình - Vĩnh Linh, khi cuộc kháng chiến cứu quốc đang ở giai đoạn rất quyết liệt. Vào đến Quảng Bình, liên hệ được với anh Nguyễn Sinh, phóng viên thường trú (sau này là nhà văn Nguyễn Sinh, tác giả cuốn Ký sự miền đất lửa nổi tiếng), anh ấy tạo điều kiện, giới thiệu cho đi tiếp vào Vĩnh Linh. Tôi tìm đến các đơn vị quân đội pháo phòng không. Ấn tượng ám ảnh tôi là các anh bộ đội hồn nhiên, chân thật, kham khổ, chịu đựng, quả cảm, khiến mình rất thương mến và cảm phục. Tôi đến thăm được hai gia đình, đã hẹn từ trước qua Lê Xuân Đố, người bạn thân quý học cùng lớp đại học, khi ấy đang công tác tại Ban văn nghệ, Đài Tiếng nói Việt Nam - sau này anh trở thành nhà thơ. Trước tiên, đến thăm, chào mẹ thân sinh Lê Xuân Đố. Sau là đến thăm Trần Nhật Thu - tác giả bài thơ Một bức tường vỡ đôi, giải Ba cuộc thi thơ 1969 - 1970 do báo Văn nghệ tổ chức. Khi về Hà Nội, tôi viết ngay mấy bài báo đăng trên báo nhà. Sau đó, những buổi không có việc ở cơ quan, hoặc các buổi tối, chủ nhật, ra Thư viện Quốc gia ngồi hí húi viết. Sửa đi sửa lại nhiều lần. Khi thấy tạm ổn, hình như bốn năm bài, tôi đưa tất sang tạp chí Tác phẩm mới. Nhà thơ Bằng Việt đọc, ông giữ lại hai bài (bài kia là bài Phi lao) đưa đăng luôn vào số 19 tháng 5 và 6 - 1972. Từ đó, Đi dọc miền Trung trở nên như một kỷ niệm đẹp gắn bó giữa tôi với nhà thơ Bằng Việt cùng cả gia đình ông trong nhiều năm.

ĐQH: Tôi nhớ, hai đứa mình gặp nhau ngay khi bài thơ vừa xuất hiện. Hồi ấy, ấn phẩm văn chương còn ít, người viết văn, làm thơ chưa nhiều; ít loại/nhóm, khuynh hướng như hiện nay; giới sáng tác trẻ luôn luôn có ý thức học hỏi, san sẻ với nhau, ít khi phân tán, thờ ơ; thêm nữa là sự quan tâm của độc giả, của toàn xã hội đối với văn chương nhiều hơn, tập trung hơn hiện nay, do vậy mà có sáng tác hay vừa mới xuất hiện thì lập tức bạn viết, bạn đọc chú ý ngay, rồi tin nhanh chóng truyền từ người nọ sang người kia. Yên Đức đang cư trú ở Uông Bí, gửi thư cho tôi (ghi ngày 26-7-1972), nội dung thăm, thông báo mấy việc, giữa trang thư có mấy câu được tách riêng ra. “Thơ trên báo độ này cũng nhạt thì phải. Tác phẩm mới số 19 (tháng 5-6-1972) có bài “Đi dọc miền Trung” của Phạm Đình Ân, mình thấy thích. Lâu lâu mới lại gặp một bài thơ đọc được”.  

PĐÂ: Hưng đã tặng lại tôi bức thư. Khi ấy, Yên Đức vừa đoạt Giải chính thức văn học về đề tài công nhân. Trong cuộc thi thơ 1969-1970 do báo Văn nghệ tổ chức, Yên Đức được trao giải Khuyến khích cùng các bạn thơ Hoàng Trung Thủy, Nguyễn Đức Mậu, Ý Nhi. Mã Giang Lân được nhận giải Ba như ban nãy tôi vừa nêu. Mãi đến sau này tôi mới gặp Yên Đức. Nhưng chúng mình buồn quá, bạn ấy chuyển công tác về Văn phòng Hội Nhà văn, chỉ được khoảng chục năm thì mất. 

ĐQH: Dư luận trên báo chí về bài thơ chắc nhiều chứ?

PĐÂ: Những năm tháng ấy, đời sống văn học có nhiều sự kiện đáng phải quan tâm, có thể vì thế mà sự chú ý đến bài thơ Đi dọc miền Trung có phần bị phân tán. Mãi đến năm 1985 mới có bài đầu tiên viết về Đi dọc miền Trung  của nhà thơ Tô Hà. Bài viết kết luận: “Đất nước đã hoàn toàn giải phóng, hiện tại đã biết bao thay đổi, song Đi dọc miền Trung mãi mãi đối với chúng ta vẫn là điều nhắc nhở… Đi dọc miền Trung đã đánh dấu sự mở đầu thành công của Phạm Đình Ân. Bài thơ cảm tác nghiêng về phía chính luận một thời một - thời từng khiến nhiều bạn đọc xúc động - đã và chắc mãi mãi còn làm xúc động người đọc, bởi một trong những yếu tố hàng đầu của thơ, đó là sự chân cảm”.  

ĐQH: Nếu tôi không nhầm thì từ khi bạn in tập thơ đầu tay Nắng xối đỉnh đầu năm 1990, tái bản năm 2001, lại có nhiều bạn thơ, nhà phê bình đề cập bài thơ ấy.  

PĐÂ: Nhà phê bình Nguyên An đăng bài giới thiệu trên báo Nhân dân chủ nhật trong đó có câu: “Chọn tác phẩm có tiếng vang này đặt ở cuối tập, chắc là Phạm Đình Ân muốn khẳng định anh sẽ tiếp tục đi tiếp con đường thơ, con đường đời mà anh đã chọn”. Nhà thơ Trúc Thông, trong bài Người bạn cùng lứa, một chặng thơ qua đăng Văn nghệ đã viết: “Tình hình thơ đi khá nhanh mà người bạn của tôi lại trình làng khá chậm… Cũng may, thơ Phạm Đình Ân nghiêng về những giá trị lâu dài. Qua những lát cắt cuộc đời rất cụ thể, bao giờ anh cũng đánh bật lên những tứ thơ khái quát…”. Nhà thơ Phan Cung Việt, trong bài Một nhân cách thơ, đăng Tạp chí Thanh niên (tháng 2-1998) cho rằng: “Các bài thơ về miền Trung, về gió nắng quê hương của anh lắng lại bền lâu trong lòng người”. Nhà thơ Vân Long có bài Đi dọc miền Trung, những xúc động đầu đời còn mãi, đăng trên tạp chí Nhà văn (số 2 năm 2006). Ông nhấn mạnh: “Thực tiễn cho thấy, có những tác phẩm tạo được vị trí trong tiến trình văn học, được ghi dấu mốc về sự trưởng thành trong đời văn của tác giả. Bài thơ Đi dọc miền Trung là một thí dụ. Tuy chưa có dịp tham dự cuộc thi nào, nhưng trong khi nhiều bài thơ đoạt giải đã bị quên lãng, thì Đi dọc miền Trung còn lại, như để nhắc nhở chúng ta: có một thời như thế”. 

ĐQH: Khi nhắc đến Phạm Đình Ân, mọi người nói ngay đến tập thơ Nắng xối đỉnh đầu và bài thơ Đi dọc miền Trung. Có phải hai cụm từ đó dần dần trở thành lời nói cửa miệng, thay cho lời chào khi gặp gỡ?

PĐÂ: Thật thú vị Hưng ạ. Tên bài thơ đã thành tên của tôi những lúc mọi người chào hỏi thân mật, đùa vui. Hai cụm từ ấy được nhiều người nhắc đi nhắc lại bằng hình ảnh tượng trưng, ẩn dụ: nắng xối đỉnh đầu. Đã nhắc đến Nắng xối… là gợi ra … miền Trung hoặc ngược lại. Nhà thơ Hữu Thỉnh, trong những lần trò chuyện với tác giả, đều nhắc lại, khẳng định và đề cao bài thơ Đi dọc miền Trung. Ông cho biết bài thơ đã lôi cuốn ông khi nhà thơ còn đang ở chiến trường. Khi tặng tập thơ Trường ca biển, ông đã ghi: “Thân quý tặng anh Phạm Đình Ân, tác giả Đi dọc Miền Trung mà tôi vô cùng khâm phục! Hà Nội, 27-5-2004”. Nhà thơ Bằng Việt, nhiều lần nhắc lại kỷ niệm chọn, biên tập và cho in chùm thơ hai bài, trong đó có Đi dọc miền Trung. Ông ghi nhận giá trị của bài thơ khi ra đời và được thử thách qua thời gian. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong một số lần gặp cũng nhắc đến. Ông cho rằng bài thơ đã để lại dấu ấn thơ ca một thời. Bài thơ đã lay động tâm hồn ông. Hình ảnh sâu sắc nhất đối với ông là quả dưa thấm mát tình yêu thương của người mẹ miền Trung giữa trưa hè bỏng rát.  

ĐQH: Đi dọc miền Trung là một trong những bài thơ nổi bật, có sức sống lâu bền trong thơ chống Mỹ, cứu nước. Tác phẩm đã nêu cao đức tính cần cù, chịu khó, trọng nhân nghĩa, ý chí quả cảm; hướng đến cuộc sống lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng của nhân dân nói chung; và bộc lộ xúc cảm thơ cả nồng nhiệt, nhiều suy tư, trăn trở của tác giả giữa hoàn cảnh chiến tranh ác liệt về một dải đất nghèo khó mà anh hùng nói riêng. Tuy nhiên, có lúc nào bạn tự hỏi rằng độc giả và giới sáng tác trẻ hôm nay có còn thích thú bài thơ này và những bài khác tương tự của những tác giả khác?  

PĐÂ: Vấn đề không đơn giản, không thể dễ dàng lý giải tại một cuộc trò chuyện, bạn ạ. Những năm sau đó cho đến hiện nay, khi tôi đã cố gắng đưa thơ mình hòa nhập vào đời sống thơ ca đã đổi mới - thì một vài bộ phận bạn đọc không để ý nhiều đến Đi dọc miền Trung nữa, đó cũng là lẽ thường. Mọi người nhắc đến Hà Đông, Sợi tóc, Đầu năm mua muối, Cuối năm mua vôi…

ĐQH: Viết được như Ân cũng là rất thành công rồi. Một số bạn thơ nói với tôi rằng họ bị ám dụ bởi hình ảnh, hình tượng người mẹ trong bài thơ. Hình ảnh người mẹ lồng vào hình ảnh quê hương, đất nước trong chiến tranh, trở nên một hình tượng thơ nổi bật. Bạn đọc chú ý đến chi tiết “Dưa thấm mát tình yêu thương của mạ (…)/ Nước quả dưa này vắt ra từ hạt cát/ vắt kiệt từ gió lửa nắng chang chang/ Nước quả dưa này là mồ hôi mẹ chắt”. Rồi tứ thơ, hình tượng thơ lại được nâng lên cao hơn do biện pháp nghệ thuật liên tưởng từ mẹ đến quê hương và Tổ quốc tại dải đất miền Trung: “Đất nước thắt lưng buộc bụng ở miền Trung/ Như người mẹ thương con/ Suốt một đời nắng sương hậm hụi”… “Tôi càng nghĩ càng thương nhân dân của tôi” … “Tôi thương những tấm lưng cháy nắng/ Những bả vai tấy sần vì vác đạn/ Đất nước đau thắt ruột ở miền Trung”… Viết về miền Trung đến thế thì còn gì có thể nói thêm/

PĐÂ: Sự việc “Tôi ghé vào một nhà bên đường/ Nương mình trong bóng mạ/Mạ dúi vào tay tôi mấy quả dưa” để rồi “Tôi rưng rưng đi tiếp quãng đường” là có thật. Nhưng đến câu “Dưa thấm mát tình yêu thương của mạ” thì mạ ở đây là mẹ đẻ của anh Đố, cũng là mẹ Quảng Bình, mẹ Tổ quốc. Trước và sau Phạm Đình Ân, nhiều tác giả viết về miền Trung cũng xuất sắc. Tố Hữu viết: “Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền Trung”. Hoàng Trần Cương, có chương Miền Trung đặt ở cuối trường ca Trầm tích. Nguyễn Hữu Quý có bài Miền Trung súc tích, xúc động. Còn Lê Đình Cánh, với bài Nửa ngoài miền Trung thì tài hoa… Mới đây thì thơ về miền Trung khá nhiều. 

ĐQH: Vâng, đó cũng là những sáng tác rất hay. Riêng thơ của Ân lại có chỗ đứng riêng bởi nó đạt chất lượng cao ngay tại buổi đầu sáng tác của tác giả, cũng là một trong những bài thơ xuất hiện sớm nhất, đáng chú ý nhất viết về miền Trung, về đất nước - nhân dân trong chiến tranh ở một bối cảnh xã hội và văn chương một thời đáng nhớ.

PĐÂ: Cảm ơn bạn rất nhiều về cuộc trò chuyện này. Mong rằng, GS.TS. Đỗ Quang Hưng vẫn luôn luôn nhớ đến thơ, nhớ đến văn chương, văn học.

ĐQH: Cảm ơn bạn, nhà thơ Phạm Đình Ân!

None

ĐỖ QUANG HƯNG (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất