Mỹ “giải mã” hạt giống bí ẩn nghi gửi từ Trung Quốc

Một cơ quan liên bang của Mỹ thông báo đã xác định được 14 loại cây từ các gói hạt giống bí ẩn được cho là gửi từ Trung Quốc.

Mỹ “giải mã” hạt giống bí ẩn nghi gửi từ Trung Quốc - 1 Người dân tại một số nước gồm Mỹ, Australia, Canada và châu Âu đã nhận được các gói hạt giống bí ẩn nghi gửi từ Trung Quốc. (Ảnh: Bộ Nông nghiệp Mỹ)

Theo Cơ quan Thanh tra Sức khỏe Động Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, các hạt giống được xác định là hỗn hợp của các loài cây “trang trí, ăn quả, rau, thảo mộc và cỏ dại”.

Trong số các hạt giống trên, các nhà thực vật cho đến nay đã xác định được các loài cây: cải bắp, dâm bụt, oải hương, bạc hà, bìm bìm, mù tạt, hoa hồng, hương thảo và xô thơm.

“Đây chỉ là một nhóm nhỏ trong số các mẫu mà chúng tôi thu thập được tính đến thời điểm này”, Osama El-Lissy, phó quản lý phụ trách kiểm dịch và bảo vệ thực vật thuộc Cơ quan Thanh tra Sức khỏe Động Thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, tuần trước cho biết.

Tháng trước, người dân tại nhiều bang ở Mỹ cho biết đã nhận được các gói hạt giống lạ được cho là gửi từ Trung Quốc qua đường bưu điện, trong khi họ không đặt hàng. Nhiều gói hàng đóng dấu bưu điện từ Trung Quốc hoặc có chữ Trung Quốc trên bưu kiện.

Sau khi ghi nhận các trường hợp trên, cả 50 bang ở Mỹ đã phát cảnh báo về các gói hạt giống bí ẩn. Cơ quan thanh tra thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ xác nhận đã nhận được các gói hạt giống do ít nhất 22 bang gửi về.

Doyle Crenshaw tại thành phố Booneville, bang Arkansas cho biết ông đã trồng một số hạt giống lạ mà ông nhận được.

“Tôi nói với vợ tôi rằng: “Chúng không giống bất kỳ hạt giống hoa nào mà tôi từng thấy”, Crenshaw nói hôm 2/8.

Mỹ “giải mã” hạt giống bí ẩn nghi gửi từ Trung Quốc - 2

Người dân ở Illinois, Mỹ nhận bưu kiện nghi gửi từ Trung Quốc chứa hạt giống lạ. (Ảnh: Rex)

Crenshaw cho biết ông đã đặt mua hạt giống hoa cúc zinnia trên trang thương mại điện tử Amazon. Tuy nhiên, khi Crenshaw nhận hàng cách đây 2 tháng, bưu kiện của ông không chỉ gồm các hạt giống hoa cúc zinnia xanh mà còn có các hạt giống mà ông không đặt mua. Trên bưu kiện có đề chữ “hoa tai” và “Trung Quốc”.

“Nó là một cây khá đẹp. Giống như một cây bí ngô khổng lồ”, Crenshaw cho biết, mô tả loài cây mọc lên từ hạt giống lạ mà ông đã nhận được.

Crenshaw cho biết ông đã gọi điện cho Sở Nông nghiệp Arkansas và các nhà chức trách sẽ tới nhà ông trong tuần này để đào loài cây được trồng từ hạt giống lạ. Các nhà chức trách cũng sẽ thu thập gói hạt giống lạ khác mà ông Crenshaw nhận được nhưng chưa mở.

Sau khi nhận được các gói hàng trên, Crenshaw cho biết vợ chồng ông đã quyết định từ bây giờ sẽ chỉ đặt mua hạt giống nội địa.

Theo cơ quan thanh tra thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ, các bằng chứng cho thấy gói hạt giống này là “chiêu trò lừa đảo”, trong đó người bán cứ gửi đi các hạt giống lạ cho người mua với hy vọng tăng doanh thu.

Theo Art Gover, nhà nghiên cứu khoa học cây trồng tại Đại học Penn State, mặc dù rủi ro từ các hạt giống lạ ở mức thấp, song người nhận vẫn không nên trồng các hạt này. Một số người lo ngại rằng đây có thể là cách để đưa các loài thực vật độc hại vào Mỹ, hoặc một hình thức chiến tranh sinh học.

Ông Gover cho rằng các hạt giống lạ có thể gây rắc rối vì chúng có thể mang theo các loại cỏ dại và mầm bệnh.

Lisa Delissio, giáo sư sinh học tại Đại học Salem State tại bang Massachusetts, cho biết nếu bất kỳ hạt giống lạ nào phát triển thành các loài xâm lấn, chúng có thể chiếm chỗ của các loài thực vật bản địa và cạnh tranh tài nguyên, gây hại cho môi trường, nông nghiệp và sức khỏe con người.

Ông Delissio khuyến cáo bất kể khi nào nhận được thứ gì đó lạ, người nhân nên “đốt” chúng, chứ không chỉ vứt vào thùng rác.

“Ai biết được ai đứng đằng sau chuyện này và có gì ẩn sau đó. Tôi nghĩ còn nhiều thứ xung quanh câu chuyện này”, Giáo sư Bernd Blossey tại Đại học Cornell ở New York cho biết.

Ngoài Mỹ, người dân tại Nhật Bản, Canada, Anh và Australia cũng thông báo về việc nhận được các gói hạt giống lạ được cho là gửi từ Trung Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin ngày 28/7 cho biết các thông tin đề địa chỉ người gửi từ Trung Quốc trên nhãn của các gói hàng là giả mạo. Ông Wang nói rằng dịch vụ bưu chính Trung Quốc đã yêu cầu dịch vụ bưu chính Mỹ gửi trả lại các bưu phẩm cho Trung Quốc để phía Bắc Kinh điều tra.

Theo dantri.com.vn

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).