Mỹ thuật sân khấu Việt Nam

(Arttimes) - Nghệ thuật sân khấu, ngay từ khi mới ra đời, đã có sự tham gia của mỹ thuật (qua sự trang điểm/hóa trang và phục trang của diễn viên, qua việc làm đẹp cho nơi biểu diễn…), nhưng phải trải qua một quá trình lâu dài chuyên ngành mỹ thuật sân khấu mới định hình và phát triển để trở thành một thành phần hữu cơ trong một vở diễn.

Đến lúc này, việc thiết kế trang trí sân khấu không đơn giản chỉ là để minh họa, làm đẹp cho diễn viên và sàn diễn nữa, mà còn góp phần phản ánh nội dung, tư tưởng của vở diễn, tạo dựng bối cảnh, không gian cho những sáng tạo của diễn viên, qua đó truyền tải một cách trực quan thông điệp nghệ thuật mà các chủ thể sáng tạo gửi gắm.

Mỹ thuật sân khấu Việt Nam - 1
Chú thích ảnh

Thiết kế mỹ thuật sân khấu – với chức năng của người họa sĩ trang trí sân khấu – là một bộ phận không thể tách rời của nghệ thuật sân khấu – bao gồm kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, múa, ánh sáng... Trong mối quan hệ tổng hòa đó, chức năng của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật và người đạo diễn thật sự gắn bó với nhau một cách mật thiết để làm cho vở diễn đạt yêu cầu cả về nội dung và hình thức, đưa ngôn ngữ trang trí đến với người xem, tạo điều kiện cho người nghệ sĩ biểu diễn, sáng tạo những vai diễn bất tử của mình.

Thiết kế mỹ thuật sân khấu (không tính đến những ban kịch tài tử hay các gánh hát tuồng, chèo, cải lương... trước Cách mạng Tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp với tính chất nghiệp dư và với sự tham gia của một vài họa sĩ), thì kể từ ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957), đã đi qua một chặng đường 64 năm. Khoảng thời gian trên nửa thế kỷ đó, đã hình thành một đội ngũ các họa sĩ sân khấu Việt Nam có nghề nghiệp, có bản lĩnh và tài năng, vượt qua không ít khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu của sân khấu, bằng các thủ pháp tả thực, ước lệ, cách điệu, tượng trưng, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống của cha ông và sân khấu hiện đại, để thiết kế hàng nghìn vở diễn từ tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối, kịch dân ca, ca múa, xiếc...

Mỹ thuật sân khấu Việt Nam - 2
Chú thích ảnh

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, nhất là vài ba năm trở lại đây, trong cơ chế thị trường, cũng như các khâu kịch bản, đạo diễn, âm nhạc, diễn xuất của diễn viên...trang trí sân khấu cũng có vẻ chững lại với sự đơn điệu và lặp lại chính mình. Một đội ngũ quá mỏng (vài ba chục anh em họa sĩ sân khấu trong cả nước), với điều kiện sân khấu qúa ít ỏi của các nhà hát đã không thể phát huy hết sức sáng tạo của người họa sĩ. Nếu so sánh với sân khấu các nước tiên tiến trên thế giới, chúng ta phải chấp nhận một thực tế là sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu. Sân khấu của ta vẫn chỉ là một sàn diễn cố định vài chục mét vuông từ đầu đến cuối vở diễn và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật từ ca, múa, nhạc, giao hưởng hợp xướng, tuồng, chèo, cải lương, kịch nói cho đến cả hoa hậu áo dài và thời trang áo tắm... Việc tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, panô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ và vải. Trong lúc các nước, nhất là các nước có nền sân khấu tiên tiến, đã từ lâu, sân khấu – sàn diễn - đã được hiện đại hóa một cách khá hoàn chỉnh. Những sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều lớp, cả lên cao hay xuống thấp dưới gầm sàn diễn, cả mở rộng và thu hẹp không gian, những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sĩ biểu diễn, với ánh sáng, âm thanh hoàn hảo bởi vài trăm ngọn đèn chiếu sáng và tạo dựng không gian bằng ánh sáng. Để dàn dựng, xử lý một lớp kịch, nếu cần thiết, đạo diễn và họa sĩ có thể đưa cả voi, ngựa,  và nhiều cảnh thật khác của đời sống lên sân khấu ...Nghĩa là sự hiện đại hóa một cách triệt để đã tạo điều kiện tối đa cho đạo diễn và họa sĩ tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, mở ra nhiều không gian linh hoạt, biến hóa, bất ngờ, đầy gợi cảm và hết sức chủ động với đầy đủ các chất liệu cũng đa dạng và phong phú. Nào là các loại chất dẻo, thủy tinh, các loại kính màu và gương phản chiếu, các tấm  nhựa công nghiệp và các loại sợi, thảm cho mặt sàn sân khấu phù hợp với phong cách của từng vở diễn, và từng loại hình nghệ thuật sân khấu, từ cổ điển đến đương đại hôm nay…

Mỹ thuật sân khấu Việt Nam - 3
Chú thích ảnh

Trong bối cảnh sân khấu đang có những bước chuyển biến nhất định của nó, cuốn sách Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam của PGS.TS. Họa sĩ Đoàn Thị Tình vừa được Nhà Xuất bản Mỹ thuật cho ra mắt bạn đọc, là một đóng góp rất đáng ghi nhận. Cùng với việc trình bày những đặc điểm của mỹ thuật sân khấu, PGS.TS Đoàn Thị Tình còn công bố một khối lượng lớn những tư liệu hình ảnh về các phác thảo thiết kế mỹ thuật của các vở diễn, bao gồm từ cảnh trí cho đến hóa trang, trang phục…. Đây chính là kết quả của một quá trình tìm tòi, sưu tập tư liệu rất lâu dài và công phu, nhờ vào những tư liệu chân thực này mà những miêu tả, nhận định của tác giả trở nên thuyết phục hơn với người đọc. Từ đó, giúp cho người đọc có một hình dung tương đối cụ thể về sự hình thành và phát triển của mỹ thuật sân khấu Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử. Chúng tôi cho rằng, đây chính là đóng góp nổi bật của chuyên luận Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam, như chính tác giả đã bày tỏ: “trước sau chúng tôi chỉ dám coi đây là một sưu tập tư liệu chưa đầy đủ về sự hình thành và phát triển của Lịch sử Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam”. Với tư cách là một họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu suốt nửa thế kỷ qua, chúng tôi đồng nhất với quan điểm ấy của tác giả khi thực hiện cuốn sách này. Hy vọng rằng sau Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam, PGS. TS Đoàn Thị Tình sẽ tiếp tục những công trình mới của mình về sân khấu - trong đó có Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam hiện đại…

Với những trang viết đầy tâm huyết của PGS.TS Đoàn Thị Tình - vừa dưới góc nhìn của một họa sĩ đã trực tiếp làm công việc “bếp núc” sân khấu cho các vở diễn, vừa là một nhà sưu tầm (tư liệu), nghiên cứu về chuyên ngành/nghệ thuật này - người đọc sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về công việc của người họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu, từ đó có những ghi nhận đúng đắn hơn, công bằng hơn về những đóng góp của chuyên ngành này vào thành công chung của một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh - tức là khi tác phẩm đó đang được biểu diễn cho khán giả trực tiếp thưởng thức. Bên cạnh đó, cũng có thể coi Mỹ thuật Sân khấu Việt Nam của PGS.TS Đoàn Thị Tình, chính là những tiếp cận đầu tiên chuẩn bị cho một/những công trình nghiên cứu một cách hệ thống, toàn diện về đề tài này, trong tương lai…

Và như thế, trong chặng đường lịch sử của nền sân khấu cách mạng và lịch sử hoạt động của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, thiết kế mỹ thuật đã đóng một dấu son và được ghi nhận như một bộ phận không thể thiếu được của tổng thể nghệ thuật sân khấu Việt Nam đương đại!

Lê Huy Quang

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân