Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 2 - Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng

“Các tác phẩm sao chép đơn thuần trong tâm thế không đúng mực, vì mục đích kiếm danh, kiếm lợi cho bản thân, không có cái ‘hồn’ mà người sáng tạo đích thực truyền tải vào thì sẽ không bao giờ có thể có giá trị lâu bền, chân chính được.”

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 1 - "Chuyện thường ngày ở huyện"?

Chép tranh là một hiện tượng có tính lịch sử, thế giới có và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ở một số nơi, chép tranh còn là sinh kế chính của một số người. Như tại thành phố Thâm Quyến, Tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc còn có cả một làng chép tranh, hay người ta có thể dễ dàng tìm thấy các bức tranh Cổ điển châu Âu bày kế cạnh những phong cảnh kiểu Kitsch trên phố Nguyễn Thái Học – một cách phổ biến và công khai và phải có tuổi đời hàng thập kỷ.

Việc trục lợi từ  chép tranh có phải một ‘vấn nạn’, một căn bệnh trầm kha của nền nghệ thuật nước nhà – theo như nhiều lời phê bình, nhận xét? Và có giải pháp nào ‘xử lý’ hoặc kiểm soát được hoạt động này không? Hãy cùng PV Arttimes.vn gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của họa sĩ Hùng Khuynh – chuyên gia về tranh sơn mài, để có cái nhìn đa chiều hơn về chủ đề này.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 2 - Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng - 1

Họa sĩ Hùng Khuynh

Hãy nhìn nhận việc chép tranh một cách đa chiều

PV: Xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn nạn chép tranh?

Trước khi gọi đây là “vấn nạn”, tôi cho rằng ta nên lưu ý 2 điểm quan trọng trước khi đánh giá để có cái nhìn khách quan:

Thứ nhất, dưới góc độ lịch sử, chép tranh là một hoạt động quan trọng và mang tính truyền thống: người vẽ nghiên cứu, học tập thông qua việc sao chép lại tác phẩm – có thể là của thầy giáo, của các cây đa cây đề, hoặc ngay của các hoạ sĩ đồng lứa, thậm chí sao chép ngay cả tác phẩm của mình.

Đôi khi người ta sao chép vì quá yêu mến một tác phẩm nào đó, đôi khi lại là vì cuộc sống mưu sinh, phục vụ cho các đối tượng khách hàng mong muốn có một số bức tranh để treo nhưng lại không đủ khả năng tiếp cận với hoạ sĩ, tác phẩm gốc. Với các tác phẩm chép này, người vẽ có thể công khai ký tên và khẳng định luôn đây là một tác phẩm chép lại, hoặc đơn giản là không ký tên.

Bình xét ở góc độ này, cá nhân tôi cho rằng chép tranh là một hoạt động bình thường khi người sao chép có ý thức đúng đắn về mục đích và phạm vi của hoạt động này. Trong một số trường hợp, việc sao chép còn có giá trị nếu người sao chép cung cấp được thêm cho tác phẩm các tầng ý nghĩa (bằng các thủ pháp nghệ thuật), hay hoàn thiện những gì mà tác phẩm gốc không xử lý được, và lý tưởng nhất là với sự cho phép của tác giả.

Tuy nhiên, xét dưới góc độ thứ hai, chép tranh sẽ nghiêm trọng đến cực kỳ nghiêm trọng nếu như người thực hiện hành động này sai mục đích, phạm vào tội chiếm đoạt, ‘ăn cắp’ sản phẩm lao động của người khác, lừa đảo,… đặc biệt khi hành vi này có chủ tâm, công khai và mang tính hệ thống.

Ví dụ như “đạo” lại, sao chép lại gần như nguyên vẹn một tác phẩm khác, hoặc thâm chí … xoay ngang tác phẩm gốc, chỉnh sửa một số chi tiết rồi coi đó là tác phẩm của mình, và còn tệ hơn khi gửi tác phẩm đó đi dự thi, trưng bày hoặc đấu giá. Những sự việc kiểu này không phải là hiếm trên mặt báo Việt Nam, trên các mạng xã hội hay thậm chí từ các nguồn tin nước ngoài – đó mới là vấn nạn mà ta phải lưu tâm.

Một vấn đề cần quan sát ở nhiều khía cạnh, và theo tôi, ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng giống như hai mặt của một bàn tay. Vì vậy, ta cần việc đặt chép tranh trong những hoàn cảnh, mối quan hệ cụ thể, xem xét mục đích, giá trị kinh tế, hay lương tâm của người chép mà có đánh giá cho phù hợp và thích đáng.

Nếu biết có người có ý định muốn chép tranh của mình thì cá nhân tôi sẽ xem xét xem mục tiêu chép của họ là gì, chép vì yêu thích, chép để chơi thì tôi sẽ nói cho người ta cách biểu hiện cho đúng, hướng dẫn họ làm cho chuẩn. Tôi cũng sẽ cung cấp cho họ những thông tin pháp luật mà tôi biết nếu các sản phẩm sao chép này được mang đi dự thi, đi bán hay đưa vào triển lãm.

Nói chung, sao chép nên có ý thức rõ ràng chứ không được tràn lan.

Các tác phẩm sao chép, đạo nhái mà thiếu đi sự lao động chân chính sẽ không có sức sống lâu bền

PV: Còn đối với hành vi nhái phong cách tranh thì ông đánh giá như thế nào?

Ý tưởng là vô cùng quan trọng: đó là xương sống, linh hồn của một tác phẩm. Ranh giới trong việc đạo ý tưởng, nhái phong cách cũng vi tế, khó phân định hơn so với các sao chép về hình thức; việc xác lập bằng chứng, xử lý cũng khó hơn, và đương nhiên, hệ quả nếu có cũng nghiêm trọng hơn gấp bội.

Việc sao chép ý tưởng, phong cách cũng có thể diễn ra một cách cố tình hoặc trong vô thức. Ví dụ như trường hợp một số họa sĩ có tư duy về một vấn đề nghệ thuật giống nhau, nên khi anh ta bắt gặp ý tưởng của một hoạ sĩ khác và chợt nhận ra đây là ý tưởng mà mình vẫn luôn tìm kiếm, anh ta vẽ ra một tác phẩm “chẳng may” lại na ná với tác phẩm mà đồng nghiệp của mình sáng tác ra – vậy anh ta cố tình hay chỉ vô tình chịu ảnh tưởng từ tác phẩm kia, quả thật đây là vấn đề rất khó phân định.

Trong tất cả các ngành nghệ thuật, từ âm nhạc, văn thơ, hội hoạ, phim ảnh,… để sản sinh ra một tác phẩm nghệ thuật trọn vẹn, người sáng tác buộc phải lao động cật lực: họ phải suy tư, trăn trở, nghiên cứu, thử nghiệm và lao động không ngừng, phải “mang nặng đẻ đau”, dồn hết tinh hoa vào tác phẩm – quá trình này quả thật rất vất vả.

Chính quá trình này mới tạo nên giá trị độc nhất của tác phẩm – một giá trị chân chính mà người khác không dễ dàng gì có thể sao chép một cách hời hợt. Vì vậy, theo tôi, các tác phẩm sao chép đơn thuần trong tâm thế không đúng mực, vì mục đích kiếm danh, kiếm lợi cho bản thân, không có cái ‘hồn’ mà người sáng tạo đích thực truyền tải vào thì sẽ không bao giờ có thể có giá trị lâu bền, chân chính được.

Còn người sao chép, dù có một hai tác phẩm lọt qua được vòng kiểm duyệt ở đâu đó, lừa được con mắt thế gian đôi lần thì họ cũng vĩnh viễn luôn phải sống trong lo sợ, tự lấy thanh danh, sự nghiệp, sự sáng tạo cả đời của mình ra đánh cược như vậy, theo tôi quả thật không đáng.

Vấn nạn đạo tranh: Kỳ 2 - Ranh giới giữa bóng tối và ánh sáng - 2

Một tác phẩm tranh cổ động bị tố đạo nhái

Ngõ cụt chép tranh

PV: Theo họa sĩ tại sao có một số người sẵn sàng và bất chấp sao chép tác phẩm của người khác dù họ biết đây là việc làm không đúng?

Không phải ai học vẽ cũng xác định được ngay hướng đi, mục tiêu hay phong cách cho mình, vì vậy họ phải sao chép, vẽ theo, bắt chước – vì rất nhiều lý do; làm như thế sẽ có những lợi ích nhất định, nhanh có tác phẩm hơn, nhưng không phải là con đường lâu dài để sản sinh ra được một phong cách riêng hay tạo ra giá trị nghệ thuật đích thực. Khi chỉ sao chép, họ là người kiếm sống bằng nghề vẽ, chứ không phải sống vì nghệ thuật, vậy nên họ rơi vào cái khoảng chép tranh, nhái phong cách.

Còn nếu dám sống vì nghệ thuật, anh vì nó thì nó sẽ vì anh. Nhiều người nghĩ là sống bằng nghề, điều này là điều đương nhiên rồi, khi anh sống vì nghệ thuật thì tất nhiên nghệ thuật sẽ nuôi anh, đó là hai mặt tác động qua lại lẫn nhau.

Theo cá nhân tôi đúc rút lại, thì đây là quy luật cho – nhận: khi dốc hết tâm trí sức lực cho nghệ thuật thì anh sẽ được đền đáp xứng đáng. Làm nghệ thuật là lúc đầu phải hy sinh, phải nếm trải khó khăn, vất vả nhưng khi tác phẩm nghệ thuật ra đời, nếu nó nhận được tình cảm thẩm mỹ của chủ thể thưởng thức thì nó sẽ đem đến những giá trị, nó không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà nó còn mang đến những giá trị tinh thần cao quý hơn.

Xin cảm ơn họa sĩ đã dành thời gian trả lời phỏng vấn cho Arttimes.vn! 

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống