Năm ấy, gió lạnh sớm...

(Arttimes) - Năm ấy, gió lạnh sớm. Cô giáo Tùng 22 tuổi, tốt nghiệp khoa Hóa trường Đại học Sư phạm, được quyết định về dạy học ở trường cấp III Yên Dũng 2, một trường nhỏ miền trung du Bắc Giang. Phải một buổi tàu ngược từ Hà Nội lên Bắc Giang, rồi đạp xe thêm 12 cây số đường đất đỏ trong gió lạnh hun hút vào xã Tân An.

Khi bước chân vào sân trường, một khung cảnh buồn và ảm đạm. Trời như cũng âm u hơn, gió như cũng buốt da buốt thịt hơn. Những hàng cây bàng trồng chưa kịp lớn, chiếc giếng thơi mờ mờ rêu xanh sát mé nhà giáo viên, những mái nhà gianh, vách đất không cửa toang toác, gió lạnh thổi bời bời. Nhà giáo viên kề bên lớp học, mái lá, tường vôi, mỗi căn phòng chỉ đủ kê một giường nhỏ và một chiếc bàn con leo ánh đèn dầu soạn giáo án, ngăn với nhau bằng những tấm phên thưa ...

Trường mới được thành lập được dăm năm, nghèo lắm. Lại trên một miền quê nghèo (những ngày ấy, cả nước mới đi qua chiến tranh gần như kiệt quê, quê hương làng xóm nào áo cũng vá vai, một phần cơm ba phần khoai sắn). Để trường ra trường, lớp ra lớp như khẩu hiệu ngành giáo dục thật khó như đi tìm được lá diêu bông.

Ngay đêm đầu tiên, cô giáo chỉ biết... khóc. Tình cảnh này, với một cô giáo sinh trưởng nơi thành phố, không cám cảnh tủi thân rơi nước mắt thì mới lạ! Nhưng đây là điều chính cô đã chọn. Ba cô có thể can thiệp cho con mình khi tốt nghiệp về giảng dạy ở một mái trường lớn nơi thành phố phương Nam, nhất là trong bối cảnh khi ấy mới giải phóng, rất cần nhiều giáo viên vào Nam. Nhưng chính cô lại khước từ. Bởi cô yêu một người lính, anh ấy cũng từ mặt trận về học cùng trường sư phạm, nhưng sẽ tốt nghiệp sau cô một hai khóa. Cô nhất quyết ở lại miền Bắc để chờ đợi anh…

22 tuổi, gương mặt lúc nào cũng tươi tắn, lại là cô giáo trẻ mới ra trường hồn nhiên, các thầy hiệu trưởng, hiệu phó quý mến lắm, hứa sẽ tạo hết điều kiện cho cô công tác tốt. Thế nhưng công việc đầu tiên cô được giao, lại là một công việc không phải thầy cô nào cũng muốn nhận: Làm chủ nhiệm một lớp học các em học sinh ở xa trường nhất (các xã Lão Hộ, Trí Yên, Lãng Sơn...), cha mẹ thuần túy làm nông, nhà nào kinh tế cũng ngặt nghèo bữa no bữa đói. Để cho con cái tới trường, là bao vấn đề nan giải cho cha mẹ, từ người đâu mà giúp cha me cày cấy, vớt rau vớt bèo đun nấu cho lợn ăn? Tiền đâu mà sắm bút sắm sách, lại cả áo quần, lại cả thêm chiếc xe đạp cho con tới trường? Đau đầu nghĩ suy, rồi thắt lưng buộc bụng cho con đi học, vừa là thương con mà cũng vừa do lời của ông cha dặn lại: "Thiên kim di tử, bất như nhất kinh". Nghĩa là để cho con ngàn vàng không bằng để cho con một quyển sách”. Lời dặn này không chỉ ghi tạc vào đá núi, mà còn ghi tạc trong tâm can mỗi người dân Yên Dũng quê nhà...

Nhớ buổi đầu đến nhận lớp, nhìn các em mà cô giáo se lòng. Lớp giữa đồng trống huênh trống hoác, bời bời gió lạnh. Các em chỉ chiếc áo cánh phong phanh, em nào khá lắm thì có thêm chiếc khăn quàng cổ. Rét quá, chúng nó cứ phải ngồi sít lại bên nhau thêm hơi người cho ấm. Những gương măt tím tái, những hàm răng va vào nhau cầm cập thành tiếng, những bàn tay cầm bút run lên vì gió lạnh tưởng không viết nổi con chữ... làm cô giáo nói cười trên bục giảng đấy, mà nước mắt cứ chảy ngược vào lòng.Chính buổi đầu ấy, một ý nghĩ lóe sáng lên trong cô: Trước khi truyền những ngọn lửa tri thức, hãy truyền cho các em ngọn lửa của trái tim mình, ngọn lửa của tình thương yêu để sưởi ấm các em, để cùng các em vượt qua những giá lạnh này....

Vâng… 40 năm đã trôi qua. Các em Minh Tiến, Đài, Độ, Viễn, Bừng, Khang, Sơn, Dũng,Vang… Năm ấy gầy gò xanh xao trong gió rét, nay đều đã trưởng thành, đều rất vững vàng trong cuộc sống và thành đạt trong xã hội. Trường học thắp sáng lý tưởng, tri thức, quê hương nghèo cho bản lĩnh, tình yêu. Hầu hết các em lớp học này tốt nghiệp lới 10 đều lên dường nhập ngũ, lúc ấy mặt trận biên giới đã mở ra.

Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới

Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới

Vũ Đài, Trường Sơn, Trần Văn Dũng, Ngô Minh Tiến… tất cả lên đường, kể cả các em nữ như Nguyễn Thị Độ. Cuộc chiến đấu ấy đã tôi luyện các em trưởng thành, có những em lập thành tích rất xuất sắc, được chọn lọc đưa về đào tạo sỹ quan, có em sau này là chủ tịch huyện, là phó giám đốc sở y tế tỉnh, đặc biệt có em sau này mang quân hàm cấp tướng, là tỉnh đội trưởng, rồi Tư lệnh Quân khu trọng yếu nhất của đất nước, và hiện là Trung tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội. Nhớ hôm cô về thăm lại trường cũ, mừng với các em khôn lớn, trưởng thành đã đành, nhưng với cứ ái ngại với các em lới học năm ấy của mình. Cô nói với lớp trưởng Đài rằng: “Em xem lớp mình có ai khó khăn nhất, không may bị bệnh tật hay bất hạnh trong cuộc sống, em đưa cô đến thăm trước hết nhé.”. Cả lớp trưởng Đài, cả em Độ và các em đều thưa rằng: “Không cô ạ. Cô hãy yên tâm. Chúng em đều đã nên người! Có bạn nào có khó khăn hơn, chúng em vẫn giúp đỡ hỗ trợ cho nhau, không để ai thật thiếu thốn hay bất hạnh cô ạ…”. Cô khóc, mà cười, mà nắm tay các em, cảm ơn các em...

*

Một ngày tháng 7, điện thoại cô giáo rung lên: “Thưa cô…” - ” Ồ em..” - Cô xúc động vì nhân ra giọng nói học sinh năm xưa của cô, nay là một vị Tướng - “Cô ơi, em vào công tác TP Hồ Chí Minh cô ạ, nhưng đợt này công việc đặc biệt quá, em chưa có thời gian đến thăm cô và gia đình được. Cô thông cảm cho em cô nhé. Khi nào hoàn thành, trở ra Hà Nội, cho phép em lại thăm cô chú và gia đình”.

Cô lặng đi đầu dây, hết sức xúc động vì trọng trách em đang gánh vác: “Chúc em sức khỏe và thành công nhé”. Cô cũng chỉ có thể nói với người học trò yêu quý năm xưa của mình như thế, vì cô biết em đang đi làm nhiện vụ quân đội, với chức trách của một vị tướng ra trận…

Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng… Cũng may qua những dòng thông tin trên báo chí, cô giáo biết những người cán bộ chiến sỹ ấy đang ở đâu, đang chiến đấu công tác như thế nào… Để dõi theo và gửi gắm tất cả tình cảm yêu thương cho họ. Những cán bộ chiến sỹ quân đội ấy, đã đến với Sài Gòn của cô, như tinh thần Bộ trưởng, Đại tướng Phan Văn Giang khi ấy: “Bộ Quốc phòng quyết tâm bằng mọi cách, mọi biện pháp, sử dụng mọi lực lượng, với khả năng của mình, thậm chí vượt cả khả năng của mình, quyết tâm cùng với nhân dân TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai và các địa bàn có dịch khắc phục triệt để dịch bệnh, để cuộc sống của người dân có thể trở lại bình thường”, và như lời người đứng đầu thành phố: “Các đồng chí đã đến thành phố bằng lương tâm, trách nhiệm, lòng dũng cảm, sự hy sinh. TP Hồ Chí Minh không may bị rơi vào tâm dịch. Trong khi lực lượng tuyến đầu của thành phố chiến đấu đến gần hết sức của mình thì các đoàn xuất hiện và lao thẳng vào mặt trận, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh để chia lửa cùng đồng đội".

Cô và bao nhiêu trái tim người dân thành phố , xin cảm ơn những chiến sỹ quân đội, cảm ơn em và các chiến sỹ của em những ngày tháng ngày qua đã hết lòng công tác, chiến đấu cho thành phố. Nhưng em nhé, khi nào xong nhiệm vụ tở về, nhớ cho cô được gặp em nhé , để xem rồi những này tháng vất vả qua, mái tóc em có bạc thêm không, nước da em có sạm đen thêm không, nụ cười còn tươi rói như ngày nào năm xưa, gian khổ thế mà các em vẫn tươi cười vươt qua và không ngừng trưởng thành…

None

Châu La Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Hải Phòng được chọn tổ chức Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024

Chiều 28/3 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao, Tạp chí Kinh tế Việt Namvà UBND thành phố Hải Phòng phối hợp tổ chức Họp báo Chương trình Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2024 (Vietnam Connect Forum). Đồng chủ trì buổi họp báo có các đại biểu: Nguyễn Như Hiếu - Cục trưởng Cục Ngoại vụ, Bộ Ngoại giao; Hoàng Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng; Đào Quang Bính - Tổng Thư ký T