Người góp phần nâng tầm giá trị của cây sen

Chưa từng học qua trường lớp hội họa nhưng với năng khiếu và niềm đam mê từ nhỏ, ông Lê Văn Nghĩa (tức Bảy Nghĩa) ở xã Long Hưng B, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã nghiên cứu, chế tác thành công những bức tranh làm từ lá sen.

Nét độc đáo và ý nghĩa ở đây là những lá sen gần như chỉ là phế phẩm nông nghiệp nhưng qua bàn tay của người nghệ nhân-nông dân Bảy Nghĩa-lại trở thành sản phẩm nghệ thuật không chỉ gây tò mò, thích thú cho người thưởng lãm mà còn góp phần đưa sản phẩm đặc trưng của mảnh đất sen hồng lên tầm cao mới.

Cơ duyên đặc biệt

Khi được hỏi cơ duyên nào mà ông có ý tưởng làm tranh bằng lá sen, nghệ nhân Bảy Nghĩa chỉ lặng im. Có lẽ, chính ông cũng chẳng biết nguyên cớ bắt nguồn từ đâu, sau phút im lặng, ông bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện có vẻ "liêu trai chí dị". Năm 2017, vợ của ông mất vì bạo bệnh. Sự ra đi của người vợ đã được báo trước nhưng vẫn để lại trong ông niềm tiếc thương vô hạn. Nỗi đau quá lớn khiến ông gần như mất hết lý trí để rồi suốt một thời gian dài từ sáng sớm tới chiều muộn, ông chỉ quanh quẩn bên ngôi mộ giữa cánh đồng bao la. “Hôm đó trời mưa tầm tã, tôi có chút hơi men trong người, trên tay ôm một bó lá sen lững thững mang về nhà với suy nghĩ mà con gái của tôi cho rằng nghe có vẻ điên rồ, đó là người ta có thể làm tranh từ vỏ cây tràm thì tại sao lá sen không làm được. Tuy vậy, con gái vẫn ủng hộ cha bởi không muốn cha suốt ngày chìm đắm trong nỗi đau mất mát”, ông Nghĩa bộc bạch.

Nghĩ là làm, ông Nghĩa bắt đầu nghiên cứu, chế tác và sau nhiều lần làm thử, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tiên với sự thành công ngoài mong đợi. Theo ông Nghĩa, để có được một bức tranh bằng lá sen mất rất nhiều thời gian và công đoạn phức tạp. Lá sen phải đem phơi nắng dầm mưa một tuần và 6 tháng sau, khi lá không còn biến đổi màu sắc mới được lựa chọn sử dụng. Lá sen, gân lá và những mảnh vụn đều được dùng để tạo hình, tùy vào nội dung của bức tranh và ý thích của người chơi. Nét độc đáo tranh lá sen của ông là không sử dụng phẩm màu nhưng bức tranh vẫn đa màu sắc và được phối rất hài hòa, chỉ cần phun thuốc chống mối mọt và phun một lớp keo mỏng sẽ cho tuổi thọ lên đến vài chục năm. Ông Nghĩa cho biết: “Khó nhất là lựa màu, chỉ cần khác tông một chút là bức tranh sẽ mất đi nét thần thái và tính nghệ thuật. Đặc biệt là tranh chân dung. Trước tiên, mình phải có tư duy trừu tượng về màu sắc và mắt phải tinh mới có thể phối được màu theo nội dung bức tranh và ý đồ của tác giả”.

Người góp phần nâng tầm giá trị của cây sen - 1
Nghệ nhân Bảy Nghĩa hoàn tất công đoạn của bức tranh về Bác Hồ bằng lá sen. 

Đến nay, ông Nghĩa đã chế tác thành công được khoảng 1.000 bức tranh với đủ các thể loại chân dung, phong cảnh nhưng ông thích nhất làm tranh về Bác Hồ, mặc dù đây là đề tài vô cùng khó. Khó bởi ở Bác toát lên sự giản dị nhưng không hề giản đơn, bình dị nhưng không tầm thường. Ông Nghĩa đã lên mạng, đọc sách báo, tìm hiểu những mẩu chuyện về Bác để làm được những bức tranh chân dung phù hợp với từng thời điểm tuổi tác và gắn với một câu chuyện hay sự kiện nào đó. “Chân dung thì điều đầu tiên là phải giống. Nhưng giống phải đi đôi với làm toát lên nét biểu cảm và tính cách của người đó mới đạt được sự hoàn hảo. Khó nhất là tạo nếp nhăn trên khuôn mặt Bác, bởi đó không phải nét đơn thuần của một người già mà là sự suy tư, trăn trở. Khi phong thái đĩnh đạc của một chính trị gia, khi Bác lại bình dị như một lão nông, gần gũi như người cha”-ông Nghĩa bộc bạch. Chính vì vậy, Bác Hồ luôn là nguồn cảm hứng vô tận để người nghệ sĩ nông dân Bảy Nghĩa thỏa mãn đam mê nghệ thuật, đó không chỉ đơn thuần là sự cố gắng mà còn phải dành cả tâm huyết, trí tuệ, sự yêu mến, kính trọng mới tạo nên được những bức tranh về Người.

Gắn kết đam mê với nâng tầm giá trị của sen

Ở tuổi 62, ông Nghĩa chẳng mong ước gì nhiều. Niềm an ủi lớn nhất của ông là con gái duy nhất đã trưởng thành và yên bề gia thất. Vật chất với ông không còn quan trọng bởi có thứ quan trọng hơn là những kỷ niệm và đam mê. Ngày qua ngày, ông vẫn sống và sáng tác trong căn nhà cũ kỹ ven sông, nằm lọt thỏm sau những rặng cây cao. Nhưng đó lại chính là nơi khởi nguồn và nâng tầm giá trị mới cho sen, một loại cây đặc sản của quê hương Đồng Tháp. Rất nhiều người trên mọi miền Tổ quốc, có cả người nước ngoài biết đến và đặt ông làm tranh. Ông Nghĩa rất vui và xem đó như một cơ hội để quảng bá sản phẩm của quê hương đến với mọi nơi. “Tranh của ông Nghĩa là sự kết hợp độc đáo giữa chất liệu quen thuộc là lá sen và tư duy nghệ thuật. Nghe quen mà lạ. Khi xem tranh, điều đầu tiên người xem cảm nhận được là tranh được làm rất công phu, từ đó trân trọng sự lao động nghệ thuật của tác giả. Đặc biệt, dù là tranh phong cảnh hay chân dung thì mỗi bức tranh đều có hồn và gợi cảm xúc”-chị Đặng Bùi Linh Trang ở Cần Thơ, đến tham quan tại phòng tranh của ông Bảy Nghĩa nhận xét.

Sự trân trọng của mọi người đối với ông Nghĩa chính là bởi cái tâm của người làm nghệ thuật. Có những bức tranh làm tốn rất nhiều thời gian và công sức nhưng thành phẩm lại không được ưng ý, ông Nghĩa nhất định không bán dù người mua rất thích. “Có những bức tranh nhìn sơ qua rất đẹp, thậm chí người bình thường không thể nhận ra tranh bị lỗi màu hoặc chi tiết nhỏ. Những bức tranh đó tôi không bán mà giữ làm kỷ niệm như một bài học để không phạm phải sai lầm. Nếu bán cho khách, lỡ có người trong nghề phát hiện thì mình mất uy tín và điều quan trọng là cái tâm mình không cho phép làm ăn gian dối”-ông Nghĩa cho biết. Hơn nữa, ông làm tranh không hẳn vì tiền mà cốt là để thỏa mãn niềm đam mê.

Trải qua những biến cố của cuộc đời, ông Nghĩa đã cảm thấy hài lòng với hiện tại. Ông chỉ mong mình có đủ sức khỏe để thỏa sức sáng tạo và ngày càng làm được những sản phẩm có tính nghệ thuật ở tầm cao mới. “Tôi chọn sen làm chất liệu sáng tác bởi sen là sản vật của quê hương tôi. Khi người ta xem tranh, sẽ nghĩ đến mảnh đất sen hồng Đồng Tháp. Cao hơn, xa hơn, khi khách quốc tế tham quan cùng với lời giới thiệu, họ sẽ biết nhiều điều thú vị hơn từ cây sen, đặc biệt đó là đại diện cho vẻ đẹp về văn hóa và phẩm chất con người Việt Nam chúng ta. Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng. Nhị vàng bông trắng lá xanh. Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”-ông Nghĩa tự hào.

Theo QĐND

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống