Nhạc sỹ Quỳnh Hợp: “Sài Gòn mai đầy nắng, thả hồn theo cánh diều”

(Arttimes) - Nữ nhạc sỹ Quỳnh Hợp có những kỷ lục sáng tác âm nhạc đáng đi vào Kỷ lục Guinness: 70 album đã phát hành, trong đó có khoảng 7 album với gần 100 ca khúc (phổ thơ) viết về Đà Lạt - Lâm Đồng; gần 50 bài hát (phổ thơ) viết về Hà Nội, hàng chục bài hát (phổ thơ) khi ra đảo Trường Sa, kết hợp với nhạc sĩ nguyễn Hồng Sơn tổ chức một đêm ca nhạc, phát hành hai album về Trường Sa.

Những hoạt động ấy được coi là sự kiện chính trị và xã hội, với sức làm việc không biết mệt mỏi của Quỳnh Hợp, một nữ nhạc sỹ trưởng thành từ quân đội, nhiều năm tháng gắn liền với các đoàn nghệ thuật bộ đội thông tin, Phòng không không quân, và sau này có gần 20 năm công tác tại Đài tiếng nói TP Hồ Chí Minh. Nhạc sĩ Quỳnh Hợp được coi là người có tầm hoạt động sâu rộng, nhạy bén với không khí của thời cuộc, và trải rộng cảm xúc với cộng đồng…

Nhạc sỹ Quỳnh Hợp: “Sài Gòn mai đầy nắng, thả hồn theo cánh diều” - 1

Nhạc sỹ Quỳnh Hợp

Quỳnh Hợp gắn bó với TP Hồ Chí Minh cũng đã 20 năm. Khi đại dịch Covid-19 tràn tới, Sài Gòn lâm trận, thì Quỳnh Hợp cũng như người lính xưa ra trận. Và những nét nhạc của chị bay lên, như truyền thêm tình cảm và sức mạnh cho con người, từ chính tình yêu với mảnh đất mình đang gắn bó là TP Hồ Chí Minh. Trước đại dịch Covid-19, như nhiều văn nghệ sỹ sống giữa tâm dịch, Quỳnh Hợp tự hỏi lòng mình: “Trong cuộc chiến cam go với đại dịch này thì thơ, nhạc, múa, hát.v.v. có cần không?” và câu trả lời cũng hiện lên ngay trong chị: Cần, rất cần! Chúng ta phải khỏe về cả vật chất & tinh thần để đẩy lùi dịch bệnh và có thể, chúng ta sẽ phải sống chung với dịch bệnh Covid như những loại dịch bệnh trước đây”. Như những cuộc chiến tranh trước đây, tiếng đại bác gầm không làm tắt tiếng họa mi, âm nhạc Quỳnh Hợp cũng như tiếng hót chim họa mi lên tiếng: “Cùng chung lòng chung sức/ Đẩy lùi nhanh dịch bệnh”. Và bài hát “Bộ đội ta về phố” đã nhanh chóng hoàn thành, với giai điệu và lời ca rất đẹp: “Bộ đội ta về phố/ Trẻ đẹp lại tận tâm/Từng ngõ phố làm quen/Tiếp tế đến từng nhà/ Bộ đội ta về phố/ Sài Gòn với bao ngỡ ngàn / Những trái tim ấm áp/ Hết lòng vì nhân dân”.

Bài hát “Thương lắm Sài Gòn ơi” của Quỳnh Hợp (Lời thơ Ngu Chí Tử ) ra đời rất sớm, mang lại nhiều  cảm xúc cho người dân TP Hồ Chí Minh trong cơn đại dịch: “Thương lắm Sài Gòn ơi!/ Những mảnh đời rời rã/ Vắt khô dòng nước mắt/ Mặn chát lạnh bờ môi/ Thương lắm Sài Gòn ơi!/ Lạnh lùng bóng lá rơi/ Tiếng còi xe giục giã/ Về đâu nơi xa xôi?/ Thương lắm Sài Gòn ơi!/ Đêm chìm trong hoang lặng/ Bao tấm lòng nhân ái/ Phận người được sẻ chia/ Thương lắm Sài Gòn ơi!/ Nghe nỗi niềm chơi vơi /Mong bình yên trở lại/ Thắp cho nhau nụ cười”

Tiếp sau đó  là ca khúc  “Đêm mưa”, từ một tâm sự của cô giáo Nguyễn Thị Hà (Vịnh Nghi) đã  tin cậy chia sẻ cùng  nhạc sỹ: Em rất muốn chị viết về những thầy cô giáo nơi ổ dịch -  những người đang phải nỗ lực rất nhiều trong những  ngày dịch bệnh này… Chị biết không, khi dịch phức tạp, người dân Sài Gòn nườm nượp đổ về qua xã em, em đã nhìn thấy thầy giáo của em trên 50 tuổi đi trực chốt. Mái tóc điểm bạc trong đêm mưa. Rồi giờ dịch lan ra nhiều tỉnh khác, cũng thấy các thầy cô đi trực chốt, đi chợ hộ dân, hướng dẫn chích vắc xin, đi tập huấn rồi quen với việc test nhanh...

 Cô giáo Hà kể tiếp: Vừa có 3 ổ dịch mới phát sinh ở xã Tân Phú. Gần 22h giờ đêm, chỗ em phát hiện ổ dịch mới, hơn 100 giáo viên được điều động đi ngay trong cơn mưa tầm tã để truy vết khoanh vùng. Có những người vừa xong bài giảng, có những người máy tính còn dở dang trang giáo án cho bài dạy trực tuyến sáng mai… đều gác lại lên đường vào tâm dịch. Hơn 2 tháng nay, có rất nhiều thầy cô giáo của chúng em tham gia trực chốt, tham gia tập huấn test nhanh và trực tiếp tham gia chống dịch. 

Câu chuyện kể về những thầy cô giáo ở ổ dịch xã Tân Phú – huyện Đồng Phú – tỉnh Bình Phước đã làm nhạc sỹ rất xúc động. Chị đã phổ ngay thành bài hát “Đêm mưa” từ bài thơ chưa đặt tên mà cô giáo Nguyễn Thị  Hà gửi gắm. Bài hát có giai điệu tự sự thiết tha, kể câu chuyện rất thật của các thầy cô giáo trong những ngày cùng cả nước căng mình chống dịch, để chúng ta thêm thương yêu và cảm phục họ. “Mưa rơi trên chốt tạm/ Ướt mái tóc người thầy/ Bạc như màu bụi phấn/ Miệt mài bao tháng năm./ Mưa rơi nhòe đêm vắng /Run dáng gầy mảnh mai/Thầy cô  rời giáo án/ Có lệnh cần là đi…” và: “Trắng đêm vì Covid/ Sáng giáo án vẫn ngời/ Những chân trời tươi sáng/ Cho đàn em thơ ngây”.

“Sài Gòn ta đó/ Gió cũng thật hiền/ Ngang qua vừa đủ/ Để mà nhớ thương”, những câu thơ ấy của nhà thơ  Bùi Nguyễn Trường Kiên luôn ám ảnh trong Quỳnh Hợp. Nhưng Sài Gòn hôm nay còn bao điều nhức nhối, thương đau, bi kịch vì bão táp đại dịch tàn phá. Quỳnh Hợp  tâm sự về bài hát “Mồ côi” của chị viết sau đó: Khi Covid ồ ạt tấn công Sài Gòn, không ai trong chúng ta có thể hình dung rằng nó gieo rắc đau thương kinh hoàng đến vậy. Sau hơn 4 tháng thực hiện cách ly nghiêm ngặt, Sài Gòn phố vắng tanh, chỉ còn nghe tiếng xe cấp cứu gào lên nghẹt thở và người ta cứ âm thầm khóc khi thấy cảnh tang thương đăng đầy trên mạng, có cả người thân, những bạn bè, hàng xóm của tôi đã lặng lẽ ra đi vì đại dịch. Đặc biệt là hàng ngàn trẻ em bỗng trở thành mồ côi giữa đại dịch, những đôi mắt con trẻ ngơ ngác giữa trần gian…

Bác sỹ Trịnh Loan đã gửi một bài thơ chị viết thấm đẫm nước mắt đau xót các cháu mồ côi cho Quỳnh Hợp một đêm, và nhạc sỹ  cảm nhận ngay trái tim của người mẹ, bác sĩ, nhà thơ Trịnh Loan, đã sẻ chia sâu đậm với những trẻ em không may bị mất cha mẹ trong đại dịch. Giọng thơ giản dị, gần gũi mà chan chứa yêu thương, cùng nỗi thương cảm những mảnh đời bất hạnh khi không còn cha mẹ “Đường trần bước bơ vơ”. Đã hiện lên thành nốt nhạc thành giai điệu trong Quỳnh Hợp ngay đêm ấy: “Con đến với đời / Giữa hân hoan đón đợi/ Nhà rộn vui tiếng cười / Lời ru thơm vành nôi/ Mẹ đỡ con tập lẫy/ Cha dắt tay tập đi/ Từng miếng ăn giấc ngủ /Chăm chút con từng li/ Ngày đầu con đến trường / Cha ngóng trông thấp thỏm / Mẹ nước mắt ngắn dài/ Lòng lo như lửa đốt / Tối cả nhà sum vầy / Bên mâm cơm dẻo ngon/ Đêm rúc vào lòng mẹ / Con yên ả giấc tròn”. Nhưng: “Cơn đại dịch Covid/ Bất ngờ đến cuốn trôi/ Bao nhiêu là mất mát/ Con thành trẻ mồ côi/ Mất cha rồi mất mẹ/ Mảnh khuyết cuộc đời con/ Những tấm lòng nhân ái/ Đùm bọc và cưu mang/ Nhưng khoảng trống tâm hồn/ Con đâu thể lấp đầy/ Cơn đại dịch Covid/  Khiến phận người mong manh/ Con mất cha, mất mẹ/ Đường trần bước bơ vơ”.

Một ca khúc khác của Quỳnh Hợp viết mới đây chưa ráo nét mực, cũng làm người nghe vô cùng xúc động, là bài hát “Gieo neo nẻo về” phổ từ bài thơ “Đem nay quỳ lạy cùng nhau” của nhà văn Trần Nhã Thụy. Chị hết sức đồng cảm với tác giả khi viết nên những câu thơ xé ruột xé gan này, và cũng như tác giả, đã khóc khi viết bài thơ, khi chứng kiến cảnh đồng bào mình rời thành phố ngay trong đêm 30/9 rạng sáng 1/10. Nhìn dòng người vật vã trong mưa ở các chốt cửa ngõ Sài Gòn mà thấy xót xa “đi không được mà ở cũng không xong”.

 Đồng cảm với những lời thơ, bài hát sẻ chia sâu sắc với nỗi thống khổ, mất mát, đau thương… của  những người dân. Bài hát như lời khẩn cầu, nghẹn ngào, tức tưởi về nỗi khổ đau tột cùng của con người trong đại dịch. Bài hát khắc ghi những ngày Sài Gòn vô cùng khó khăn  trong đại dịch Covid – 19, dù sau đó, đã có tin vui: Những người đang ở TP muốn trở về quê đã được Thành phố phối hợp với LLVT đưa về tận nhà. 

 “Chắp tay vái lạy thân run bần bật/ Cho con thoát chốt tìm đường về quê /Chắp tay vái lạy sao hôm sao khuê / Soi đường đi giữa bốn bề rào giăng/ Đêm nay vái lạy cuộc ly biệt dài/ Lạy cờ bay lạy tượng đài trong đêm/ Bao hơi thở quấn đêm trường cheo leo / Lạy về hun hút gieo neo phận người/ Con đường bỗng hóa dòng sông/ Mẹ cùng con, vợ cùng chồng bơi đi / Lạy cho thành phố tắt đèn /Cha từ tro cốt dìu con bay cùng …”.

Tất nhiên, đại dịch đã làm Sài Gòn đau thương tột cùng, nhưng cũng làm Sài Gòn mạnh mẽ đứng lên, giành giật lấy cuộc sống, giành giật lấy mỗi số phận con người. Và dòng sáng tạo trong Quỳnh Hợp vẫn như dòng sông ào ạt, khúc buồn cùng những khúc vui, làm nên bản bi hùng ca của TP Hồ Chí Minh những ngày đại dịch. Xin được kết thúc bài viết biểu dương sức sáng tạo nghệ thuật của nữ nhạc sỹ năng động, mạnh mẽ, nồng nhiệt, từng nhiều năm như bông hoa đẹp khoác  màu xanh áo lính này,  bằng chính sáng tác mới nhất của chị, như  truyền thêm bao sức sống mới, bao màu nắng mới cho TP Hồ Chí Minh của chúng ta: “Sài Gòn mai đầy nắng” mà như tâm sự của chị: “Có một sự xốn xang không hề nhẹ”. Bài hát này là những cảm nhận rất khó diễn tả khi lúc đó chỉ còn khoảng 4 tiếng nữa thôi là sang ngày 1/10,  Sài Gòn sẽ được nới lỏng một số hoạt động, Sài Gòn như được hồi sinh sau 4 tháng phong tỏa, cách ly, buồn đau, mất mát, hoang mang…

 Bài hát hát rằng: “Đạp xe một vòng quanh phố xá/ Cảm nhận sự sống đang hồi sinh / Cảm thấy nhẹ người sau 4 tháng/ Ngày mai, Sài Gòn đón nắng lên/ Phố phường đang được thay áo mới /Người người hỉ hả nói với cười./ Ngày mai trời nắng đẹp/ Đem muộn phiền ra phơi/ Buồn đau bốc hơi mất/ Hoá thành mây trên trời/ Chào đón ngày nắng đẹp/ Xua những ngày bão giông/ Đủ nắng hoa sẽ nở / Đủ yêu hạnh phúc sẽ đong đầy…”.

Bài Tuyên truyền nghị quyết 84/CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ None

Hiếu Nghĩa

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Giá trị đặc sắc của Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương

Gần dân, chăm dân – dân quý, dân thờ là yếu tố tạo nên giá trị đặc sắc của di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trong tâm thức dân gian, sự chăm lo và gắn bó gần gũi với số phận sinh tồn, làm ăn và phát triển của cộng đồng dân chúng từ các thế hệ vua Hùng cùng các bậc tiền nhân thuở xa xưa luôn luôn là “một sự thực lịch sử”, cần được ghi nhớ và tri ân.