Nhìn lại đời sống văn học năm 2020: Lạc quan trên hành trình sáng tạo

Thành tựu sáng tác văn chương năm nay cũng giống như suốt hàng chục năm qua, đó là mặt bằng chung văn chương đi lên nhưng không có tác phẩm vượt trội.

Lịch sử văn chương được dựng xây từ những dấu mốc sinh trưởng tác phẩm lớn của các tác gia, chứ không phải là các tác phẩm “đọc được”, chất lượng khá. Công chúng vui mừng khi thấy các cây bút đều đặn sáng tác, đề tài cũng như phương thức sáng tạo phong phú, đa dạng nhưng tác phẩm có tầm tư tưởng, nghệ thuật tinh vi, phức tạp khiến họ say mê, sửng sốt thì lại không thấy tăm hơi. Cảm xúc này giống như xem một trận đấu bóng đá hấp dẫn, nhiều pha bóng hay nhưng kết quả lại hòa 0 đều.

Xin lấy ví dụ từ cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 5 (2016-2019) của Hội Nhà văn Việt Nam được tổng kết, trao giải cuối năm 2020. Tiểu thuyết vốn được xem là thể loại “máy cái”, bộ mặt của bất cứ nền văn học nào, đáng tiếc lại là “sở đoản” của văn chương Việt Nam. 13 cuốn tiểu thuyết đoạt giải đều là những cuốn tiểu thuyết đáng đọc nhưng không có nhiều đột phá trong sáng tạo; vẫn đi theo lối mòn trong cách thể hiện. Điển hình như một số tiểu thuyết đoạt giải tập trung vào chủ đề lịch sử, có sự nghiên cứu tìm tòi kỹ lưỡng kiến thức lịch sử nhưng quá nệ vào “chép sử” thành ra tác phẩm khô khan, thiếu sinh động. Thế nên, không ngạc nhiên nếu đa phần các tác phẩm đoạt giải cuộc thi tiểu thuyết lần này lại rơi vào tình trạng “không một tiếng vang” như thường thấy.

Nhìn lại đời sống văn học năm 2020: Lạc quan trên hành trình sáng tạo - 1
Nhà văn Bình Ca (bên phải) trong buổi ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Đi trốn”. Ảnh: PHƯƠNG LAN.

Diện mạo tiểu thuyết Việt Nam tất nhiên không gói gọn trong các tác phẩm đoạt giải bởi có nhiều tác giả vì nhiều lý do không tự/được đề cử tác phẩm tham dự cuộc thi. Khá nhiều tác phẩm không dự giải lại được người đọc để ý hơn như tác phẩm của các nhà văn: Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Nguyên Phước, Đoàn Minh Phượng, Nguyễn Ngọc Tư, Bình Ca, Trần Thanh Cảnh, Huỳnh Trọng Khang, Lưu Vỹ Lân, Đinh Phương, Đức Anh... Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Nguyên Phước và phần nào là Đinh Phương... ưa thích những khám phá chiều sâu, đặc biệt là hai vấn đề then chốt của nghệ thuật tiểu thuyết là cấu trúc và ngôn ngữ. Dù các nhà văn trên cố gắng kể những câu chuyện hấp dẫn nhưng vì đào sâu lạ hóa thủ pháp nghệ thuật nên tác phẩm của họ không dễ đọc với đông đảo công chúng. Nếu chẳng có đam mê hay công việc liên quan đến văn chương, không ai lại rảnh rỗi cầm cây bút và cuốn sổ ghi chép để vừa đọc vừa đánh dấu mạch truyện khi mà các tuyến không gian, thời gian và nhân vật thường được xây dựng bằng cấu trúc, ngôn ngữ khác thường. Tuy nhiên, những sáng tạo nghệ thuật tiểu thuyết có thể mới mẻ ở Việt Nam so với mặt bằng nghệ thuật tiểu thuyết trên thế giới thì chưa phải là những tác phẩm tầm cỡ. Ở chiều ngược lại, những tiểu thuyết như của Bình Ca, Nguyễn Ngọc Tư, Huỳnh Trọng Khang, Đức Anh đều có nội dung và hình thức được đại chúng yêu thích, quen thuộc. Đáng chú ý là các cây bút này cũng chú trọng đến lối viết nên tác phẩm không hời hợt, nhàn nhạt. Đây chính là điều đáng mừng của tiểu thuyết Việt Nam thời gian gần đây khi cân bằng giữa hai đòi hỏi là thu hút người đọc và nâng tầm nghệ thuật tiểu thuyết.

Điều đáng mừng của văn chương Việt Nam trong năm nay là sự ra đời nhiều tác phẩm của nhiều người cầm bút trẻ tuổi nghề và tuổi đời lại khác nhau. Bình Ca hơn 60 tuổi mới ra cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Đi trốn”, tiếp nối truyện dài nổi tiếng “Quân khu Nam Đồng”; Trung úy công an Phan Đức Lộc 25 tuổi cũng ra mắt tiểu thuyết đầu tay “Tuyết đỏ” sau khi đã khẳng định mình ở thể loại truyện ngắn. Và còn nhiều cây bút trẻ khác cũng mới bước vào nghiệp viết khiến chúng ta lạc quan về tương lai văn chương Việt Nam những năm tới.

2. Tương tự như tiểu thuyết, thơ ca Việt Nam đương đại cũng đi hai con đường riêng. Những tập thơ xuất bản trong năm 2020 của Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Phương Trâm, Hà Ngọc... rất dễ đọc, chủ yếu là thơ tình, câu thơ có thiên hướng gần với văn xuôi, cốt là để nói lên tâm trạng chứ không chú trọng đến gọt giũa câu chữ. Điển hình nhất là nhà thơ Nguyễn Phong Việt với tập thơ thứ 9 sau 10 năm làm thơ được ra mắt dịp Giáng sinh năm 2020 mang tên “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa” với phong cách thơ quen thuộc chinh phục độc giả trẻ: Chúng ta tham lam như một người đang khát nhìn dòng nước đổ xuống từ trên cao/ chỉ muốn ngửa mặt cả đời để uống lấy/ không cần bon chen nhưng cũng không cần che đậy/ chúng ta giữ chặt lấy/ một con người.

Không đăng tải trên mạng xã hội, chủ yếu sử dụng vần điệu, âm thầm trong sáng tạo để tiếp tục khẳng định vị thế thơ ca Việt Nam có thể kể đến các tập thơ của Trần Kim Hoa, Nguyễn Trọng Hoàn, Phạm Tú Anh, Phan Hoàng Phương, Hà Phạm Phú... Nói là âm thầm vì nếu không được trao giải thưởng của các hội văn học nghệ thuật trong năm nay chưa chắc bạn đọc biết đến. Nhưng một khi đọc các tập thơ, chúng ta thấy nỗ lực sáng tạo tinh tế, đào sâu con chữ, tìm tứ của các nhà thơ. Chẳng hạn, 23 chữ là khổ cuối bài thơ “Phố” trong tập “Bên trời” (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020), nhà thơ Trần Kim Hoa đã tài tình vẽ một “bức tranh” có sắc, có thanh về Hà Nội lặng lẽ cuối năm đón Tết: Ngoại ô xích lại gần/ phố già nua vọng tiếng cười son trẻ/ mẹ ngồi đan áo/ tờ thư năm cũ úa vàng...

Hai dòng thơ khác nhau, đáp ứng nhu cầu độc giả khác nhau nên thật khó bàn chuyện hơn thua, thấp kém. Nhưng chí ít, chúng ta có thể an tâm là người Việt vẫn làm thơ và đọc thơ bằng niềm say mê của một dân tộc nổi tiếng yêu thi ca. 

3. Được mùa tác phẩm nhất trong năm 2020 đáng ngạc nhiên lại là các tác phẩm lý luận phê bình văn học của Nguyễn Văn Dân, Văn Giá, Lê Huy Bắc, Cao Kim Lan, Khuất Bình Nguyên, Nguyễn Thanh Tâm, Đoàn Ánh Dương, Phan Tuấn Anh... Tìm hiểu thêm tác phẩm của các nhà nghiên cứu, chúng ta thấy rõ khuynh hướng ứng dụng lý thuyết để nghiên cứu văn chương vẫn là chủ đạo, trong khi lý luận văn học vẫn là của hiếm và tác phẩm bình giảng văn chương ngày càng ít đi. Công trình tiêu biểu về ứng dụng lý thuyết là "Ma thuật của truyện kể" của TS Cao Kim Lan (Viện Văn học). Đây là một chuyên luận sâu về lý thuyết tự sự học để  lý giải “ma thuật” kể chuyện của nhà văn.

Dù là tác phẩm lý luận văn học, phê bình văn học hay chân dung văn học xuất bản năm qua đều rất công phu, thể hiện trình độ cao của những chuyên gia nghiên cứu văn học, sự nghiêm cẩn trong từng nhận định, câu chữ. Mừng hơn là có công trình nghiên cứu những vấn đề mới mẻ, trong đó đáng chú ý là công trình nghiên cứu “Những khu vực văn học ngoại biên” của TS Phan Tuấn Anh (Trường Đại học Khoa học Huế). Các tác phẩm lý luận phê bình đáng chú ý trong năm nay vẫn là của những nhà nghiên cứu đang công tác tại khối viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng. Đây là xu hướng tất yếu tương tự như các nền văn chương phát triển khác, bởi đơn giản để làm công việc nghiên cứu văn học hiệu quả cần chuyên tâm, chuyên sâu và được được đào tạo bài bản, thông qua các công việc thường ngày là nghiên cứu, giảng dạy văn chương.

4. Sự kiện cuối năm 2020 thu hút sự chú ý của những người cầm bút cũng như công chúng là Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam. Lần đầu sau nhiều năm, Hội Nhà văn Việt Nam bầu đủ 11 Ủy viên Ban chấp hành theo quyết nghị của đại hội ngay trong lần bỏ phiếu đầu tiên. Kỳ đại hội lần này còn được gọi là đại hội chuyển giao thế hệ lãnh đạo của tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp uy tín của các nhà văn, được dư luận xã hội đánh giá tích cực.

Thành công của Đại hội lần thứ X Hội Nhà văn Việt Nam mang lại nhiều hy vọng với sức sống mới trong công tác hội; qua đó thúc đẩy nền văn học nước nhà phát triển. Thời gian 5 năm tới sẽ kiểm chứng những lời hứa hẹn đổi mới của những người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam. Nhưng dù đổi mới sáng tạo công tác hội đến đâu, không ai dám chắc như đinh đóng cột về chất lượng tác phẩm đi lên, nhất là sự xuất hiện của tác phẩm đỉnh cao. Không ai dự đoán tác phẩm văn chương đỉnh cao bao giờ xuất hiện, có thể 5 năm, 10 năm, 50 năm... Tác phẩm đỉnh cao luôn gắn với tài năng lớn, thậm chí thiên tài. Một trong những cơ sở hình thành cho những tài năng lớn phải có môi trường kích thích sáng tạo. Đây chính là công việc của Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp thực hiện để phong trào sáng tác văn chương trên bề rộng phát triển, quan tâm, chăm lo các tài năng trẻ...

Theo QĐND

Tin liên quan

Tin mới nhất