Nhớ GS,TS-NSND Quang Hải – Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh

(Arttimes) - Từ những năm 1956 - 1960 của thế kỷ trước, nhà nước đã cử ba sinh viên đầu tiên của Việt Nam qua Liên Xô học chuyên ngành Chỉ huy giao hưởng ở các nhạc viện danh tiếng thời bấy giờ là Tchaikovsky và Leningrad: Trọng Bằng, Trần Quý và Quang Hải. Sau khi trở về nước, trước 1975, dù là những nhà quản lý khác nhau nhưng họ vẫn luôn gắn bó với nghề chỉ huy trong việc giảng dạy và tham gia các chương trình lớn nhỏ mang tính hàn lâm tại Hà Nội.

Sau 1975, GS-NSND Trọng Bằng giữ chức vụ Giám đốc Nhạc viện Hà Nội và Tổng thư ký của Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa V và khóa VI; NSND Trần Quý từng giữa chức vụ Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Trung ương; GS,TS-NSND Quang Hải là Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, rồi  được điều về làm Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh từ 1975 đến 1997.

Ngày 12 tháng 4 năm 1956, Trường Quốc gia Âm nhạc tọa lạc ở số 112 đường Nguyễn Du, Quận 1, Sài Gòn được thành lập, với mục đích là giảng dạy những bộ môn âm nhạc truyền thống Việt Nam như trình tấu nhạc cụ dân tộc Việt Nam… Khi khai giảng lần đầu Trường có 150 sinh viên ghi danh. Năm 1960, trường chính thức đổi tên thành Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ, sau khi mở thêm phân khoa kịch nghệ tăng cường thêm các bộ môn cải lương, hát bội, và thoại kịch.

Năm 1975, Sài Gòn giải phóng, thống nhất đất nước, Trường bước sang một trang sử mới, để sau này năm 1982, được đổi tên thành Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh và mang tên này đến ngày nay. Người Hiệu trưởng buổi đầu lịch sử ấy, sau cũng là Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh là GS,TS-NSND Quang Hải, năm ấy ông vừa tròn 40 tuổi, và vừa giã từ cương vị Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc Vũ kịch Việt Nam vào Sài Gòn nhận nhiệm vụ mới.

Nhớ GS,TS-NSND Quang Hải – Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh - 1
Trường Quốc gia Âm nhạc nay là Nhạc viện TP Hồ Chí Minh

GS,TS Nguyễn Văn Nam – nhạc sĩ có nhiều bản giao hưởng hoành tráng nhất Việt Nam nói về GS,TS-NSND Quang Hải: “Tôi đồng hương Tiền Giang với Quang Hải. Anh tên thật là Huỳnh Tấn Sĩ. Năm 1949, tôi nhập ngũ và được phân công về Tổ quân nhạc khu 8, sau này là Đoàn văn công mặt trận Đồng Tháp Mười. Lúc này, tôi và anh quen nhau, rồi thân nhau. Bởi vì trong một đơn vị, chúng tôi là trẻ nhỏ với nhau, tôi là bé Nam, anh là Bé Năm, Hoàng Khanh là bé Nữ (sau này là vợ anh). Quang Hải được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nhạc lễ và nhạc tài tử Nam bộ. Vào Tổ quân nhạc khu 8, tôi và Quang Hải đã trở thành tổ viên dưới sự dìu dắt của tổ trưởng là nhạc sĩ Huê Nhu (tác giả Vệ quốc đoàn tiến lên) và tổ phó là nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí (tác giả Tiểu đoàn 307). Ngày ấy, chúng tôi như những người “lính nhí” được thế hệ đàn anh dìu dắt. Chúng tôi tham gia phục vụ quân đội trên khắp các chiến trường Đồng Tháp Mười. Chỉ với những nhạc cụ thô sơ, chúng tôi nỗ lực phục vụ. Những năm tháng ấy, nhiều sự kiện quan trọng trong những tháng ngày khói lửa chiến tranh vẫn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi. Nhiều sự kiện trong cuộc đời, tôi luôn gắn bó với Quang Hải. Năm 1954, tôi và Quang Hải tập kết ra Bắc. Dù đứng trong hàng ngũ quân đội, nhưng chúng tôi vẫn đeo đuổi sự nghiệp âm nhạc, cùng chung niềm đam mê âm nhạc. Quang Hải được cử đi học chuyên ngành chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch tại Nhạc viện Léningrad. Tôi giải ngũ theo diện thương bệnh binh hạng nặng và thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Học ở trường 4 năm, năm 1966, tôi được cử sang Nga học chuyên ngành sáng tác âm nhạc tại nhạc viện cùng với Quang Hải. Tại đây, tôi rất vui được gặp anh, anh đã đưa tôi về sống cùng, giúp đỡ tôi rất nhiều.

Anh là người rất thông minh, nhanh nhẹn. Anh là nhạc trưởng Việt Nam đầu tiên và duy nhất cho đến nay được làm việc và biểu diễn với Dàn nhạc Nghệ sĩ Công huân Léningrad, một trong những dàn nhạc nổi tiếng thế giới. Sau 11 năm miệt mài đèn sách, Quang Hải đã tốt nghiệp đại học và nghiên cứu sinh hai chuyên ngành: Chỉ huy giao hưởng - nhạc kịch và lý luận phê bình âm nhạc. Về nước, anh tham gia nhiều hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp. Quang Hải là một trong số rất ít người từng giữ chức vụ Giám đốc của các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa Thông tin trong suốt 30 năm: Giám đốc Nhà hát Giao hưởng hợp xướng ca vũ kịch Việt Nam (1970 - 1975), Giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh (1975 - 1997).

Nhớ lại những năm đầu giải phóng, phải nói cả đất nước và TP Hồ Chí Minh khó khăn trăm bề. Giữ được cho đời sống con người bình yên còn khó, nói gì đến phát triển văn học nghệ thuật. Nhưng với một tình yêu quê hương miền Nam nồng nàn, một tình yêu xả thân cho âm nhạc từ những ngày lửa đạn, ý thức trách nhiệm lớn lao của người nghệ sĩ với Đảng, với Nhà nước, và một tâm huyết luôn bùng cháy với thế hệ trẻ, cùng một vốn tri thức âm nhạc “khổng lồ” được tiếp thu từ ông cha cho tới những kinh viện âm nhạc lớn trên thế giới, GS, TS Quang Hải đã xắn tay áo lên cùng đồng nghiệp vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, không chỉ xây lại nền móng mà còn cho “vươn tầng” để xây dựng nên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh tầm vóc quốc gia và quốc tế hôm nay. Nếu ông có 9 năm hoạt động nghệ thuật “đàn cò đàn kìm măng đô lin” nơi những bưng biền Đồng Tháp để phục vụ quân dân Nam Bộ kháng chiến, 21 năm học tập trau dồi tri thức ở nước ngoài và đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc bác học của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, thì đời ông cũng có tới  22 năm dâng hiến cho sự nghiệp âm nhạc của Nam Bộ, của nước nhà và cho Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

Nhớ GS,TS-NSND Quang Hải – Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh - 2
GS,TS-NSND Quang Hải

Chúng ta cảm nhận được gì với đóng góp lớn lao của Quang Hải trên cương vị là vị Giám đốc đầu tiên của Nhạc viện TP Hồ Chí Minh?

Về tổng quát, với người thuyền trưởng tài ba và dũng cảm Quang Hải, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tầm hàng đầu đất nước, là học viện chuyên ngành chuyên đào tạo và nghiên cứu nhóm ngành âm nhạc từ trình độ Trung cấp đến bậc Tiến sĩ tại Thành phố Hồ Chí Minh, là một trong ba nhạc viện lớn nhất tại Việt Nam, cùng với Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Huế,  là những cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu của cả nước; tham gia vào việc định hướng, giáo dục nhằm nâng cao đời sống âm nhạc cho toàn xã hội; góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xin được giới thiệu thêm rằng: từ những khoa lớp còn đơn sơ buổi đầu, nay Nhạc viện TP Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo 7 ngành bậc đại học, trên đại học như thạc sĩ, tiến sĩ… với 36 chuyên ngành khác nhau, gồm: Biểu diễn nhạc cụ truyền thống; Âm nhạc học; Sáng tác âm nhạc; Chỉ huy âm nhạc; Piano; Biểu diễn nhạc cụ phương Tây; Thanh nhạc; Sư phạm âm nhạc; Chỉ huy Giao hưởng; Chỉ huy Hợp xướng;  Âm nhạc học; Lý luận và Phương pháp giảng dạy âm nhạc.  

Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, dàn nhạc thính phòng và giao hưởng nổi tiếng của nhiều nước… đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Nhạc viện. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của trường được mời đi biểu diễn ở các nước. Nhạc viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn cùng với các Dàn nhạc giao hưởng nước ngoài. Đội ngũ giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ đầu ngành và các sinh viên xuất sắc đã đóng vai trò là nghệ sĩ khung cho các Đoàn nghệ thuật TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, cho nhà hát nhạc vũ kịch TP TP Hồ Chí Minh. Tên tuổi các nghệ sĩ nổi tiếng của TP Hồ Chí Minh đều gắn liến với Học viện. Điều đặc biệt là Giám đốc Nhạc viện – GS,TS Quang Hải chính là người khởi xướng và tổ chức đào tạo tiến sĩ âm nhạc đầu tiên tại Việt Nam. Ông trực tiếp đào tạo trên 50 nghiên cứu sinh, cao học và đại học. Trong số này đã có người đã trưởng thành với học hàm Phó Giáo sư, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú…

Nói về đóng góp của GS,TS-NSND Quang Hải cho dòng nghệ thuật bác học ở Việt Nam, GS,TS Nguyễn Văn Nam ghi nhận: “Tôi luôn nhất trí và cùng quan điểm với Quang Hải, người luôn đau đáu tìm cách phát triển dòng nhạc không lời của Việt Nam: Khí nhạc Việt Nam đã có một lịch sử hàng ngàn năm, đã trải qua một quá trình cải tiến và hoàn thiện của nhiều thế hệ. Nhờ vậy, nó có khả năng biểu hiện vô cùng phong phú và đa dạng… Nó là niềm tự hào của cả dân tộc ta. Trách nhiệm của các nhạc sĩ, các nhà khoa học trong lĩnh âm nhạc là phải chứng minh cho được điều này. Cách làm tốt nhất là cho nhạc khí dân tộc ta đối thoại với dàn nhạc tiên tiến của thế giới…”. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, nhạc sĩ nổi tiếng từng là Phó giám đốc Nhạc viện TP Hồ Chí Minh nói về GS,TS Quang Hải: “Ông là người nhạc sĩ của dòng nhạc bác học nhưng gắn tâm hồn mình với sân khấu dân tộc. Gia tài đó rất đáng quý và là tấm gương phấn đấu của nhiều thế hệ nhà giáo làm công tác giảng dạy âm nhạc sau này". Nhạc sĩ Phan Nhân: "GS Quang Hải là tấm gương sáng cho các thế hệ học trò. Từ nay, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh không còn thấy bóng dáng của ông, với giọng nói ôn tồn và những lời khuyên bảo hết sức quý báu dành cho học trò". Và GS, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh nói về GS,TS Quang Hải: "Ông sống giản dị đúng nghĩa một nhà giáo và là tấm gương sáng đối với nhiều thế hệ học trò. Những tác phẩm ông để lại cho đời đã ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi và các thế hệ khán thính giả mộ điệu âm nhạc bác học... ".   

Với những thành tích đã đạt được trong nghệ thuật và cuộc đời cách mạng (là người Việt Nam duy nhất cho tới nay đã chỉ huy dàn nhạc Nghệ sĩ công huân tập thể của Nga - một trong những dàn nhạc nổi tiếng nhất thế giới, từng dựng hàng trăm chương trình hòa nhạc giao hưởng và nhạc kịch (9 vở nước ngoài) trong thời gian 10 năm ở Nga. Trên quê hương, ông dàn dựng nhiều vở nhạc kịch, ballet, chương trình biểu diễn giao hưởng. Gia tài sáng tác ông để lại khá đồ sộ và phong phú về thể loại, gồm 3 tổ khúc giao hưởng, 2 concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng, fantasie cho piano biến tấu trên chủ đề “Lý tầm quân”, hoà tấu cho dàn nhạc dân tộc Ngày hội, Giao hưởng - đại hợp xướng Chuỗi ngọc biển Đông, giao hưởng - thanh xướng kịch Ký ức Hồ Chí Minh. GS,TS-NSND Quang Hải cũng đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Huy chương kháng chiến hạng I, Huy chương Chiến sĩ Văn hóa, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng 3, Huân chương Hữu nghị Hoàng gia Campuchia, Huân chương Lao động hạng I, Giải thưởng Nhà nước năm 2001... 5 huy chương vàng, 5 huy chương bạc Hội diễn toàn quốc và khu vực, 1 giải nhất, 2 giải nhì, 2 giải 3 sáng tác khí nhạc và hợp xướng toàn quốc và khu vực, Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân cao quý.

Thật sự, ông là một tượng đài âm nhạc lớn của miền đất Nam Bộ và của đất nước. Nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập, nhắc lại những thành tích trên, cùng sự nghiệp và công lao rất to lớn, ông đã đóng góp xây dựng nên Nhạc viện TP Hồ Chí Minh hôm nay để những thế hệ nghệ thuật tương lai của Nam Bộ và của đất nước khi bước chân vào nhạc viện sẽ mãi mãi nhớ tới người nhạc sĩ lớn, vị Giáo sư uyên bác, người có nhiều công lao đóng góp nhất cho Nhạc viện TP Hồ Chí Minh.

 

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống