Nhớ nhà văn Phong Thu

Nhà văn, nhà báo Phong Thu viết bài đầu tiên cho Báo Quân đội nhân dân vào tháng 6-1973. Lúc đó, nhà văn là Trưởng ban Văn nghệ của Báo Thiếu niên tiền phong, ông là thành viên trong đoàn nhà báo Việt Nam do Thiếu tướng Trần Công Mân, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân dẫn đầu sang thăm nước bạn Liên Xô.

Hai người quen nhau và Thiếu tướng Trần Công Mân khuyến khích nhà văn Phong Thu gửi bài cho tờ báo chiến sĩ. Ngay sau khi đoàn trở về nước, đúng dịp Lễ Quốc tế Thiếu nhi năm ấy, nhà văn có ngay bài cho trang văn nghệ Báo Quân đội nhân dân. Từ ấy, hằng năm đến những dịp ngày lễ của thiếu nhi như ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong, Quốc tế Thiếu nhi hoặc dịp Tết Nguyên đán, thể nào tác giả Phong Thu cũng góp mặt bằng những truyện ngắn hay bài báo, phần nhiều nội dung nói lên tình cảm yêu mến thân thiết giữa cháu thiếu nhi với chú bộ đội. Và bài hát nổi tiếng do nhạc sĩ Hoàng Long-Hoàng Lân phổ nhạc “Bác Hồ-Người cho em tất cả”, lời lấy trọn vẹn bài thơ đăng trên Báo Quân đội nhân dân vào dịp kỷ niệm sinh nhật Bác, có những câu thơ đầy hình ảnh: "Anh bộ đội đến nhà, cho em lòng dũng cảm/ Cô giáo cho bài giảng yêu xóm làng thiết tha...”. Từ giữa năm 1990, Báo Quân đội nhân dân thứ bảy (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần) ra đời, mỗi lần họp cộng tác viên đều không thể thiếu nhà văn Phong Thu, ông vẫn trung thành với lối viết ngắn gọn, xúc tích của mình, góp cho báo những truyện ngắn sinh động, nhân văn nhẹ nhàng, sâu sắc.
 

Nhớ nhà văn Phong Thu - 1
Nhà văn Phong Thu (hàng ngồi, ngoài cùng bên trái) trong một buổi họp cộng tác viên của Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Ảnh tư liệu.

Tôi vốn là học trò thầy Phong Thu từ hồi học cấp 1 ở thị xã Hòa Bình cách nay hơn 65 năm. Và tình thầy trò càng gần gũi khi từ năm 1979, tôi từ một đơn vị cơ sở về tòa soạn Báo Quân đội nhân dân và thầy luôn là một cộng tác viên tích cực. Một lần, Báo Quân đội nhân dân đăng truyện ngắn “Hoa của ông”, có đoạn “...hôm ấy, cậu cháu nội chợt nhìn thấy bụng ông nội vết sẹo chằng chịt, hỏi, thì ông xoa đầu cháu cười mà bảo rằng, hoa của ông đấy”. Thì ra đó là câu chuyện thật trong nhà thầy: Thân phụ thầy là một chiến sĩ cách mạng, địch bắt đầy ra Côn Đảo, bị tra tấn dã man, chúng đổ xăng lên bụng đốt mới có những vết sẹo chằng chịt đó. Tôi còn có thói quen mỗi lần hoàn thành tiểu thuyết nào, hay mang bản thảo đến nhờ thầy Phong Thu xem và cho ý kiến. Lần ấy, thấy thầy giở cái kính lúp to đùng ra soi từng chữ trên bản thảo, tôi giật mình, lúc đó mới biết mắt thầy “có vấn đề” và định thôi không muốn làm phiền thầy nữa, thì thầy bảo: Trước đây cuốn này mình chỉ đọc độ ba ngày thì xong, nay phải nửa tháng đấy. Nửa tháng sau thầy gọi điện, xong rồi đến lấy đi. Có chỗ thầy chữa cho cả câu chữ, như ngày xưa thầy chữa vào bài tập làm văn của tôi vậy. May mắn cuốn tiểu thuyết đó của tôi lần ấy đoạt giải, thấy trong điện thoại có tin nhắn của thầy động viên theo kiểu “nhà binh”: “Chúc mừng! Thừa thắng xốc tới nhé”.

Trong hơn nửa thế kỷ cầm bút, nhà văn, nhà báo Phong Thu đã cho ra đời gần 80 đầu sách là truyện ngắn, truyện đồng thoại, kịch bản phim hoạt hình và bút ký, nghị luận báo chí. Ông đã đoạt 11 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Ủy ban Thiếu nhi nhi đồng toàn quốc, Hãng phim Hoạt hình Trung ương... Truyện và đoản văn của ông cũng liên tục có mặt nhiều năm ở các sách giáo khoa Tiếng Việt dành cho tiểu học và trung học cơ sở. Trong cuốn "Nhà văn hiện đại Việt Nam" phát hành nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 2007), nhà văn Phong Thu đã có lời tự bạch: “Đến tuổi 70 tôi tự tâm đắc hai điều. Một, càng viết, muốn viết cho tuổi thơ, thì càng phải chạy theo trẻ em. Hai, đã vương vào nghiệp viết/ Là tự đọa đầy mình/ Giống như cây nến ấy/ Cháy, cháy...cháy!...Rồi tắt”.

Cây nến mấy chục năm bền bỉ cháy làm nên sự nghiệp văn học thiếu nhi khá đồ sộ của ông, đã vụt tắt vào hồi 12 giờ 52 phút ngày 30-12-2020, tại nhà riêng. Xin vĩnh biệt nhà văn của tuổi thơ Phong Thu, một cộng tác viên tích cực của Báo Quân đội nhân dân, cầu mong linh hồn ông sớm được siêu thoát về nơi cực lạc!

Theo QĐND

Tin liên quan

Tin mới nhất