PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Cần sớm thể chế các quan điểm về phát triển văn hóa

(Arttimes) - Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực hết sức quan trọng như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhận định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Chào mừng ngày bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp – ngày hội lớn của toàn dân tộc, Thời báo Văn học nghệ thuật giới thiệu bài phỏng vấn với PGS, TS Bùi Hoài Sơn về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Cần sớm thể chế các quan điểm về phát triển văn hóa - 1

PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam

PV: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chỉ ra: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Theo ông để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, chúng ta cần thể chế các định hướng này như thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2045?

PGS,TS Bùi Hoài Sơn: Trong những năm vừa qua, Đảng và Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vai trò của văn hóa trong sự phát triển đất nước thể hiện qua những nghị quyết chiến lược khẳng định và chứng minh văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực, và là hệ điều tiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII tiếp tục nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong việc khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

Như vậy, về mặt nhận thức, chúng ta đã nhất quán trong quan điểm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển văn hóa và xây dựng con người có mối quan hệ biện chứng với nhau, theo đó phát triển văn hóa là để hoàn thiện con người và ngược lại. Điều quan trọng ở đây là chúng ta cần thể chế hóa, đưa các quan điểm của Đảng vào thực tiễn cuộc sống.

Thực tế, các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng chính là sự đúc kết từ thực tiễn cuộc sống. Tuy vậy, việc triển khai các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng để định hướng sự đa dạng, phong phú của cuộc sống không phải là việc đơn giản. Chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều chủ trương đúng đắn nhưng khi thực hiện gặp muôn vàn khó khăn. Chính vì thế, công việc thể chế hóa, triển khai các quan điểm của Đảng về văn hóa trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII chắc chắn sẽ cần phải rất cụ thể, rõ ràng, khả thi.

Tôi nghĩ, việc xác định hệ giá trị Việt Nam, dù là một việc làm vô cùng khó khăn, nhưng vẫn phải thực hiện. Hệ giá trị được xem là những định hướng lớn cho sự phát triển con người và dân tộc Việt Nam. Nhờ có những định hướng lớn này, chúng ta có thể huy động sự tập trung, thống nhất, đoàn kết, từ đó, giúp dân tộc ta đạt thắng lợi một cách thuận lợi hơn. Nhờ có định hướng giá trị, chúng ta mới có thể điều tiết được sự năng động, đa dạng của xã hội. Tuy nhiên, chúng ta cũng gặp khá nhiều khó khăn trong việc xác định và ứng dụng hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Khó khăn lớn nhất trong việc xác định hệ giá trị Việt Nam (hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực con người) đến từ sự đa dạng của chính xã hội. Trên thực tế, trong Nghị quyết 33, chúng ta đã xác định đầy đủ phẩm chất con người Việt Nam như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo, đặc trưng của văn hóa Việt Nam: dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Ở phương diện nào đó, đây chính là hệ giá trị. Song sự đa dạng của xã hội không cho phép chúng ta hiểu và vận dụng một cách chung chung.

Thứ hai, tôi rất tâm đắc với một quan điểm của Nghị quyết 33, và tôi nghĩ rằng chúng ta nên thể chế, cụ thể hơn nữa, đó là: “Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.” Quá khứ nhắc chúng ta rằng, để vượt qua muôn vàn khó khăn, chúng ta luôn cần có sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân. Dịch bệnh Covid và những nỗ lực của chúng ta, một lần nữa, nhắc chúng ta về sức mạnh tinh thần, sự đoàn kết, chia sẻ vốn đã tạo ra sức mạnh Việt Nam được cả thế giới mến phục. Như vậy, xây dựng và phát triển văn hóa phải xem là nhiệm vụ của tất cả mọi người, mọi ngành, mọi cấp. Ngành văn hóa, dù đóng vai trò trung tâm, không thể giải quyết hết những vấn đề liên quan đến văn hóa – vốn vô cùng rộng lớn. Nếu chúng ta có sự chung tay, góp sức của từng người dân, doanh nghiệp, đội ngũ văn nghệ sĩ… thì sự lãnh đạo, quản lý văn hóa của Đảng và Nhà nước sẽ gặp nhiều thuận lợi. Gần đây, trong buổi làm việc với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề xuất việc tổ chức diễn đàn văn hóa Việt Nam hàng năm. Theo tôi, đây là một ý tưởng hết sức hợp lý trong bối cảnh hiện nay.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa chắc chắn là một lựa chọn hợp lý cho phát triển văn hóa đất nước trong bối cảnh hiện nay. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa không chỉ tạo ra các sản phẩm và dịch vụ văn hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, thể hiện chức năng kinh tế của văn hóa, mà quan trọng hơn, thông qua các sản phẩm và dịch vụ văn hóa này, chúng ta tạo ra sức sống mới cho các di sản văn hoá, khai thác tốt hơn vốn văn hoá của dân tộc, tài năng của các văn nghệ sĩ, hình thành nên sức mạnh mềm cho đất nước, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra khắp thế giới, tương xứng với tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của chúng ta hiện nay. Trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tôi chú ý tới việc xây dựng bộ chỉ số thống kê cho các ngành công nghiệp này. Khi chúng ta có bộ chỉ số thống kê đó, chúng ta sẽ đánh giá tốt hơn thực trạng phát triển văn hóa, từ đó có giải pháp phù hợp hơn, và quan trọng nữa, chúng ta có thể tạo ra sự cạnh tranh trong phát triển văn hóa ở từng các địa phương, theo đó, mỗi địa phương (tỉnh/thành phố) được định lượng sự phát triển văn hóa của mình một cách rõ ràng, có sự xếp hạng như trong lĩnh vực kinh tế đã từng thực hiện. Khi đã có sự xếp hạng trong phát triển văn hóa của từng địa phương, tôi tin, các địa phương sẽ có những cố gắng để phát triển văn hóa cho địa phương mình. Từ những nỗ lực này, văn hóa chung của đất nước sẽ phát triển.

Văn hóa số cũng là một lĩnh vực mà chúng ta cần có sự lưu ý trong những năm sắp tới. Chúng ta đã nói rất nhiều về nền kinh tế số, xã hội số và cả công dân số. Chúng ta cần biết rằng, liên kết tất cả các yếu tố số đó chính là văn hóa. Chính vì thế, chuẩn bị cho sự hình thành một nền văn hóa số, ở đó, có những giá trị, chuẩn mực ứng xử, lối sống, thói quen được hình thành từ xã hội số, kinh tế số, sẽ giúp chúng ta đối phó tốt hơn với những tác động của cuộc sống số. Nhiều những vấn đề văn hóa (và cả xã hội) mà chúng ta đang đối mặt hiện giờ đến rất nhiều từ môi trường mạng, từ tác động của các phương tiện truyền thông mới. Đây chính là nhữn tín hiệu ban đầu của một cuộc cách mạng trong văn hóa sắp tới.

PV: Thưa PGS,TS Bùi Hoài Sơn, Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (1930), đến nay đã 91 năm trôi qua trong dòng chảy lịch sử, Đảng luôn luôn đề cao nhiệm vụ chiến lược văn hóa, từ Đề cương Văn hóa(1943),Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (1948), đến nhiều văn kiện tiếp theo có tính chất quyết sách về một lĩnh vực tinh tế nhất của đời sống tinh thần xã hội, văn hóa đã đi vào đời sống toàn diện, thường trực, bền vững. Là Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ông thấy trong những năm qua viện đã có đóng góp như thế nào đối với chiến lược phát triển văn hóa, con người Việt Nam?

PGS,TS Bùi Hoài Sơn: Là cơ quan nghiên cứu tư vấn chiến lược cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã luôn cố gắng đóng góp vào sự nghiệp nghiên cứu văn hoá của nước nhà.

Trong năm qua, Viện đã đóng góp rất lớn vào việc tư vấn hoạch định chính sách cho ngành và cho đất nước. Viện góp phần tư vấn xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín (Ban chấp hành Trung ương Khoá XI - Nghị quyết 33-NQ/TW) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó đặc biệt nhấn mạnh mối quan hệ biện chứng giữa phát triển văn hoá và xây dựng con người. Triển khai Nghị quyết quan trọng về văn hoá này, Viện cũng là thành viên dự thảo Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được phê duyệt năm 2016. Chiến lược này rất quan trọng đối với sự phát triển văn hoá, con người Việt Nam vì các ngành công nghiệp văn hoá chính là các lĩnh vực sử dụng tài năng sáng tạo, vốn văn hoá kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo nên các sản phẩm và dịch vụ văn hoá. Trên cơ sở này, chúng ta tạo ra những sản phẩm và dịch vụ văn hoá nghệ thuật của người Việt Nam, cho người Việt Nam và vì người Việt Nam, đồng thời hướng ra thế giới để quảng bá sức mạnh mềm cho dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngoài việc là đơn vị chính trình hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể lên tổ chức UNESCO ghi danh cho các di sản văn hoá của Việt Nam như không gian cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca quan họ Bắc Ninh, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và Đền Sóc, dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam Phủ của người Việt ở Nam Định..., Viện cũng đã thực hiện tư vấn cho nhiều đề án, quy hoạch văn hóa của đất nước và của vùng, địa phương. Cũng trong năm 2019, Viện đã chủ trì thực hiện 02 đề tài khoa học cấp Nhà nước để cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết số 33 NQ/TW. Các đề tài và nhiệm vụ khoa học cấp Bộ được thực hiện trong năm 2019 cũng đã giúp ngành văn hóa, thể thao và du lịch xác định các cơ sở khoa học, phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước, được Bộ và xã hội đánh giá cao.

Hoạt động khoa học trong nghiên cứu về văn hoá và con người vẫn là môt điểm mạnh của Viện. Chỉ trong 3 năm trở lại đây, Viện đã thực hiện 02 đề tài cấp Nhà nước về Hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế và Những vấn đề lý luận và thực tiễn về sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Một số Chương trình khoa học cấp Bộ như Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trước tác động của phương tiện truyền thông mới, Quản lý văn hoá biển đảo Việt Nam, hay Xây dựng môi trường văn hoá Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước là những đngs góp cụ thể của Viện trong việc phân tích cơ sở khoa học cho những vấn đề quan trọng liên quan đến văn hoá, con người Việt Nam.

PV: Là người ứng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV, trong dịp tiếp xúc cử tri ông dự kiến sẽ nói gì với cử tri về chương trình hành động của mình nếu trúng cử?

PGS,TS Bùi Hoài Sơn: Được lựa chọn và tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV là một vinh dự của tôi. Công việc của tôi ở Viện gắn liền với việc tìm hiểu, khám phá những quy luật, giá trị, ý nghĩa của văn hóa nghệ thuật đối với sự phát triển chung của xã hội, cũng như đối với việc xây dựng con người đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Những trải nghiệm của tôi cho tôi biết được rằng, văn hóa là một lĩnh vực hết sức rộng lớn và vô cùng quan trọng. Bối cảnh xã hội đất nước hiện nay càng cho chúng ta thấy tầm quan trọng đặc biệt này của văn hóa khi chúng ta đang chứng kiến rất nhiều hệ lụy của việc phát triển kinh tế quá mức, mà thiếu sự quan tâm đến văn hóa, đã ảnh hưởng tai hại đến sự phát triển đạo đức của xã hội như thế nào. Đây chính là lý do quan trọng khiến tôi mong muốn trở thành đại biểu Quốc hội, vì khi đó, ở cương vị mới này, tôi sẽ có đóng góp nhiều hơn đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người, ngay cả khi tôi đang là Viện trưởng Viện nghiên cứu đầu ngành về văn hóa.

Trong chương trình hành động của mình, bên cạnh việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội chuyên trách, tôi mong muốn sẽ phát huy những kinh nghiệm chuyên môn của mình đã tích lũy trong thời gian dài làm việc trong ngành văn hóa, tôi sẽ là cầu nối giữa Quốc hội và cử tri, đưa ý kiến, nguyện vọng của cử tri đến Quốc hội, đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết một cách nhanh nhất, đồng thời tham gia thực hiện tốt chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Song song với đó, tôi sẽ tập trung cho một số vấn đề mang tính đột phá trong phát triển văn hóa Việt Nam trong những năm sắp tới, đặc biệt là xử lý mối quan hệ biện chứng giữa phát triển văn hóa và xây dựng con người, mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, văn hóa số. Bối cảnh xã hội thay đổi khiến việc ban hành một số luật về văn hoá nghệ thuật không còn phù hợp, tôi sẽ góp sức sửa đổi một số luật quan trọng của ngành văn hoá như Luật Điện ảnh, Luật Di sản văn hoá. Việc sửa đổi các luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý, điều kiện để các ngành này phát triển hơn nữa trong thời gian sắp tới.

Nếu trúng cử với tư cách là uỷ viên chuyên trách, tôi nhận thấy mình có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ban ngành trong việc thực hiện một số vấn đề cần phải hành động ngay trong nhiệm kỳ tới để tạo ra đột phá trong phát triển văn hoá như tổ chức diễn đàn văn hoá quốc gia để huy động trí tuệ các văn nghệ sĩ, trí thức, tổ chức văn hoá nghệ thuật đóng góp ý kiến cho việc phát triển văn hoá nghệ thuật, và xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hoá quốc gia để định lượng và tạo sự cạnh tranh trong phát triển văn hoá ở các địa phương.

Do được phân công ứng cử tại Hà Nội, tôi nhận thấy trách nhiệm của mình đối với Thủ đô, vì thế, tôi sẽ tập trung vào vấn đề văn hoá then chốt của Thành phố như thực hiện thành công Chương trình hành động mà Thành phố cam kết với UNESCO cho danh hiệu Thành phố sáng tạo, từ đó để sáng tạo trở thành thành tố bao trùm cho mọi hoạt động của Thủ đô, để Hà Nội trở thành thành phố đáng sống từ những giá trị văn hoá nghệ thuật, lan toả những giá trị tốt đẹp của Hà Nội đi khắp cả nước. Cùng với đó, tôi cũng góp sức vào việc thực hiện thành công những vấn đề liên quan đến văn hoá như xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, làng nghề thủ công, nghệ thuật truyền thống, không gian sáng tạo... để những giá trị văn hoá tạo động lực phát triển bền vững cho Thủ đô.

PV: Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn sinh năm

1975 tại Phú Thọ, ông hiện là Viện trưởng, Bí thư Đảng bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, Uỷ viên BCH Đảng uỷ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (nhiệm kỳ 2015-2020), thành viên Tổ tư vấn Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. Ông đồng thời tham gia công tác đào tạo tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam chuyên ngành quản lý

văn hóa

và là giảng viên thỉnh giảng tại nhiều trường đại học ở Hà Nội. PGS, TS Bùi Hoài Sơn có bề dày thành tích nghiên cứu khoa học với các đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, ông tham gia nhiều hội thảo khoa học và là tác giả, chủ biên nhiều cuốn sách, nhiều bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành trong lĩnh vực

văn hóa

. Với những thành quả đóng góp tích cực trong quản lý và nghiên cứu khoa học, PGS, TS Bùi Hoài Sơn vinh dự nhận 02 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 06 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhiều kỷ niệm chương khác. Năm 2021, ông được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV.

Vĩnh Quang Lê (Thực hiện)

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).