Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê

Cứ hình dung gia đình như một cấu trúc mạng nhện, các sợi tạo mạng nhện có nhiệm vụ đan bện, giữ chặt thành tố bền vững của gia đình. Vì thế, gia đình được xem là môi trường giáo dục ảnh hưởng đến sự phát triển tư duy và hình thành nhân cách của mỗi cá nhân. Các thế hệ thành viên trong gia đình thường bộc lộ “sức mạnh gia tộc”, dung dưỡng mái ấm qua cách thể hiện tình yêu thương, bao bọc, chở che lẫn nhau. Hay nói cách khác, gia đình đóng vai trò là chỗ dựa, là khâu đầu tiên ảnh hưởng, tác động đến nhân cách nên việc gìn giữ đạo đức trong gia đình được xem là gìn giữ những phẩm chất tốt đẹp, hiếu nghĩa, hòa thuận của các thành viên. Đấy là nét đẹp, giá trị truyền thống đã được hình thành từ bao đời nay của người Việt.

Nói về luân lý, đạo đức, không thể không nhắc đến kinh điển tam cương (quân-thần, phụ-tử, phu-phụ), ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín), ngũ luân (vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè) của Nho gia. Trong đời sống văn chương hiện nay, nội dung đạo lý này vẫn có tầm ảnh hưởng sâu đậm, vẫn bảo vệ giá trị đích thực, hướng thiện con người.

Đó cũng là lý do vì sao đề tài gia đình, một trong những biểu hiện của giá trị luân lý - đạo đức, luôn là đề tài nằm lòng của nhiều cây bút như Lê Lựu, Nguyễn Khải, Dương Hướng, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Minh Châu, Phạm Thị Hoài, Đỗ Phấn, Võ Thị Hảo, Dạ Ngân, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Tống Ngọc Hân, Nguyễn Thị Kim Hòa,… Ở truyện của Văn Thành Lê, đề tài này cũng mang đến nhiều lợi thế, thể hiện được quan niệm, cái nhìn của anh về vai trò gia đình trong đời sống xã hội đương đại.

Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê - 1

Tác giả Văn Thành Lê 

Truyện của Văn Thành Lê vẫn triển khai theo nguyên tắc mà nhiều cây bút đã đi, vừa chỉ ra những bão tố lung lay vừa khẳng định thành trì bền vững của gia đình thông qua sự sóng đôi một cách chặt chẽ giữa các yếu tố lệch pha như bên ngoài và bên trong, bản chất và hiện tượng, nội dung và hình thức, tan vỡ và hạnh phúc, dối trá và chân thành, thù hằn và yêu thương, lạnh lùng và ấm áp… Những tương phản này đã hạ bệ cái nghiêm túc, thiêng liêng, vạch trần những thói tật đáng trách, bật lên ở người đọc tiếng cười chua xót.

1. Đạo đức, nền nếp gia đình là bản lề hướng đến sự ổn định, lành mạnh của xã hội nhưng nó cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự tác động trở lại của xã hội. Từ sự va chạm giữa cá tính, hành vi của các thành viên và nhiều yếu tố khác ngoài gia đình, Văn Thành Lê đã chỉ ra sự nhằng nhịt, vỡ vụn, bất chấp đạo lý, truyền thống văn hóa. Mối quan hệ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cái… trở nên rời rạc, lỏng lẻo. Tình cảm gia đình đã bị mua chuộc bởi lợi ích cá nhân, danh vọng, đồng tiền và thước đất...

Khi tấc đất trở thành một thế lực chủ chốt chi phối, quyết định mọi mối quan hệ thì sợi dây buộc chặt đã bị tháo rời, khoảng cách giữa các thành viên ngày một nới rộng. Mỗi người mang trong mình những “lợi nhuận” suy nghĩ khác nhau. Sự đối nghịch, không tìm được tiếng nói chung giữa Yên với chồng, với các anh chị của mình trong Salan đỏ bãi Xanh (Văn Thành Lê, Salan đỏ bãi Xanh, Nxb Tổng hợp Tp Hồ Chí Minh, 2018), khiến Yên trở thành kẻ xa lạ, lạc loài.

Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê - 2

Tập truyện ngắn "Salan đỏ bãi Xanh" của Văn Thành Lê

Đối với chồng Yên “văn hóa và di sản cha ông càng phảng phất hơi bia và nồng nặc mùi rượu ngoại, thật giả lẫn lộn, gần với hội họp, với xét duyệt đề án lớn đề án nhỏ, với quẩn quanh lập đề án và giải ngân và đi mây về gió”. Đối với Yên, bãi Xanh là bảo tàng ký ức của gia đình và của riêng cô. Yên càng coi trọng giá trị nguồn cội bao nhiêu thì anh chị Yên, chồng Yên càng coi trọng tiền bạc bấy nhiêu. Đồng tiền khiến anh chị Yên, chồng Yên mờ mắt, mù quáng, thay đổi. Họ chỉ biết tính cái lợi trước mắt, hòng chia chác.

Ranh giới giữa xấu và tốt, thiện và ác vốn dĩ đã mong manh, khi Văn Thành Lê đặt trong sự hấp dẫn của đồng tiền, sự đồng lõa, dường như chẳng còn khoảng cách nào, tất cả đều đã bị xóa nhòa, trắng đen lẫn lộn: “Người ta có thể tính toán với bất kể thứ gì, riêng lòng người e là chịu. Mò kim đáy bể thì thuận vợ thuận chồng tát biển Đông vẫn cạn để có thể mò ra, chứ lòng người, dài vài mét, xem ra dò được bước sóng nhau vô cùng khó”. Với cách nói hài hước, Văn Thành Lê thoải mái bộc lộ những suy ngẫm về sức hút “dây chuyền”, có khả năng khuynh đảo mọi thứ: sức mạnh của sự cấu kết vì quyền lợi vật chất đi lên đồng nghĩa với việc đạo đức truyền thống đi xuống, mà đạo đức truyền thống đi xuống tất yếu giá trị gia đình sẽ bị băng hoại theo.

Nơi máu mủ, ruột rà, nơi rường cột của đạo đức, nhưng con người cũng không chừa một thủ đoạn nào để ganh ghét, đòi quyền lợi và thái quá sự khôn ngoan của mình, thậm chí sẵn sàng khước từ, thậm chí đoạn tuyệt với nỗi đau của người thân để chạy theo, thỏa hiệp và ngụp lặn với ma lực bên ngoài. Những mâu thuẫn, bất hòa trong gia đình vì thế cứ như một đốm lửa nhỏ từ từ bùng lên, thiêu cháy hết mọi điều tốt đẹp.

Ông bà, cha mẹ luôn là tấm gương để các thế hệ sau soi vào đó mà lớn lên, trưởng thành, do đó, lối sống, thái độ, ứng xử của họ chi phối rất nhiều đến nhân cách của con cái, cháu chắt. Trong truyện của Văn Thành Lê, họ đã không làm tròn vai nuôi dưỡng và giáo dục của mình, ngược lại, vô tình phá vỡ truyền thống, đạo lý, nền nếp gia phong, càng tạo đà cho những sóng gió bên ngoài có cơ hội quật ngã, xói mòn đạo đức gia đình.

Ở truyện Xóm trọ (Văn Thành Lê, Biết tới khi nào mưa thôi rơi, Nxb Văn học, Hà Nội, 2015), bà già gần 80 ở với lão ông con Đào Kiều Ân khoảng 55 trong một ngôi nhà cổ thời Nguyễn, thuộc diện bảo tồn của UNESCO, ngỡ là gia giáo, chuẩn mực, nhưng không, đằng sau đó là sự đời hết sức trái khoáy. Là mẹ con nhưng sòng phẳng, đối thoại với nhau bằng tiền bạc. Là người chồng, người bố, nhưng lão ông con chỉ biết lấy tiền nuôi con của vợ để đi cặp bồ, ve gái. Là bà cháu, bố con nhưng không một chút tình cảm, khiến đứa cháu/con gái học lớp 12 ấy như kẻ lạc loài, vô tình trở thành món đồ cổ trong ngôi nhà cổ.

Kéo theo gia đình “nền nếp” ấy là một tổ hợp hết sức “nhức mắt” khác, điển hình trong đó là vợ chồng anh lái xe, sống với nhau theo kiểu lúc mưa lúc nắng, thích thì hớn hở không thích thì bụp chát, mặc kệ những người xung quanh nghĩ gì. Những con người sống trong ngôi nhà cổ núp dưới cái bóng nghiêm túc của ngôi nhà cổ, nhưng họ không thể che đậy được bản chất của mình. Mỗi người mang một khúc quành tính toán riêng. Không ai nhường ai, cảm thông, san sẻ cho ai. Ai cũng đặt quyền lợi và sự ích kỉ của cá nhân lên trên mọi thứ.

Tự thân họ đã biểu hiện sự sa ngã, suy thoái về đạo đức và nhân cách. Tự thân họ đã phá vỡ những truyền thống thanh cao của gia đình. Văn Thành Lê không diễn giải gì nhiều, cứ để hành động, cử chỉ, chân dung của họ lột tả một cách tinh tế thế giới nội tâm của họ. Mỗi nhân vật như một diễn viên kịch tự độc diễn, tự phô bày mình trên sân khấu đời. Chiến thuật “gậy ông đập lưng ông” của anh vì thế đưa đến nhiều xung đột, nhiều tình huống khôi hài, bật lên tiếng cười châm biếm sâu cay.

Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê - 3

Minh họa

Chuyện vợ chồng Khoan, “chồng giăng lưới bắt chim, vợ cũng giăng lưới bắt chim” trong Giăng lưới bắt chim (Salan đỏ bãi Xanh) là một ví dụ. Sự mù quáng và tha hóa bủa vây, sợi dây gia đình Khoan khó mà bền chặt. Đồng tiền mang đến cuộc sống sung túc, đủ đầy nhưng cũng đồng thời đẩy vợ chồng Khoan vào con đường bệ rạc về đạo đức, nhân cách, hạnh phúc gia đình theo đó sớm muộn gì cũng tàn lụi. Khoan trượt dài trong nghề bẫy chim rừng mà không hề hay biết chính mình đã góp phần khiến vợ “mê mải với chim nhà”. Những chuyến đi liên tục, từ ít ngày sang dài ngày của Khoan là cơ hội để vợ Khoan trở thành một người nhạy bén với thời cuộc, mải mê với lão “Chim cảnh rảnh thì chơi”.

Sự hồn nhiên, trơ trẽn quá mức của vợ chồng Khoan và lão “Chim cảnh rảnh thì chơi” gây được nhiều tiếng cười. Tiếng cười cứ mở ra từ từ, theo cấp độ tăng dần, dồn dập. Tiếng cười này nối tiếp tiếng cười khác. Hành động, tính cách, chân dung của nhân vật theo tiếng cười mà phơi bày ra hết. Đó là tiếng cười của sự mỉa mai, giễu cợt, tiếng cười góp phần đưa cái giả dối, lố bịch, kệch cỡm, lệch chuẩn lên ngôi. Đó cũng là tiếng cười gợi nhiều ngẫm ngợi, thức nhận về cách thế sống của chính mình và của những người xung quanh.

Ông cha ta hay nói “đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Nghĩa là cha mẹ làm điều thất đức thì hậu quả luôn để lại cho con cái, con cái phải gánh chịu, vạ lây. Lối sống của họ mang đến cho họ cái giá quá đắt, đó là sự đổ vỡ của gia đình, đó là sự tha hóa của những đứa con, đó là nỗi tự vấn đầy khổ đau. Văn Thành Lê cũng dựa vào cái nghiệp nhân quả, quy luật cộng nghiệp này để xây dựng truyện.

Trong truyện Chung chiêng hẻm cụt (Salan đỏ bãi Xanh) gia đình mẹ chủ như một tổ chim mong manh, chung chiêng, chao đảo trước sóng gió. Khi người chồng bỏ nhà theo gái, thằng con trai cũng sinh ra đổ đốn, theo bạn bè chích choác, đứa con gái từ đó cũng đâm ra căm thù đàn ông.

Cha con lão Kên trong Nghĩa địa có đom đóm bay (Biết tới khi nào mưa thôi rơi) cũng thế! Bao nhiêu cái gene lão Kên đều để lại cho thằng Kền, nhất là cái gene máu gái. Cuối cùng, sau những trò tác oai tác quái, gây bao nhiêu lỗi lầm, tai họa cho gái làng, Kền trở thành đứa “thồn thộn, ngơ ngơ”. Hay trong truyện Bao giờ đi hết giấc mơ (Biết tới khi nào mưa thôi rơi), cái quả của vợ con lão Hạng là do cái nhân mà lão Hạng gây nên. Cái sự nhiều lần “trời đánh không chết” của lão Hạng như là sự trả giá, buộc lão phải sống mòn sống mỏi, sống trong đớn đau.

Một kết cấu không lạ, khá quen thuộc trong văn xuôi, nhưng với cách đẩy cái quả đến tột cùng, Văn Thành Lê như muốn các nhân vật phải tự trả giá cho chính hành động, lối sống của mình. Bằng món quà độc địa trong ngày cưới con của lão Kên, anh gửi gắm những triết lí giúp con người giác ngộ, nhận ra chân lí cuộc đời: “Có phải khi mình lụy cái gì đó thì nó hành lại không? Đời sòng phẳng thật. Không ăn quỵt ai gì cả, phải không?”. Cái chết của vợ con lão Hạng lại đưa người đọc đến những ngẫm ngợi về bao khổ đau của trần ai, mà mấy ai có thể thoát khỏi cõi mê? Ngay cả lão Hạng “không biết bao giờ lão Hạng mới đi hết được giấc mơ?!”.

Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê - 4

Tranh vẽ Văn Thành Lê

2. Giá trị thiêng liêng của gia đình là cội rễ hướng thiện, giúp con người sống đẹp, cư xử đẹp. Và ý thức gìn giữ truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình là trách nhiệm của mỗi người. Ý thức gìn giữ văn hóa bề sâu này sẽ tạo ra nguồn sức mạnh gìn giữ văn hóa bề rộng. Nền có vững thì nhà mới bền. Cuộc sống dù có quăng quật con người đến mức nào thì gia đình vẫn mãi là chỗ dựa, là nơi an ủi, mang đến tiếng cười ấm áp, hạnh phúc. Khi mỏi mệt, bất lực, kể cả lầm đường lạc lối, tổ ấm gia đình sẽ nhen lại ngọn lửa, bù đắp năng lượng để mỗi người tiếp tục hành trình.

Trong gia đình, những giá trị đạo đức được xây dựng trên mối quan hệ hai chiều: giữa cha mẹ đối với con cái và ngược lại, con cái đối với cha mẹ; giữa vợ đối với chồng và ngược lại, chồng đối với vợ; giữa anh chị em với nhau. Đó là biểu hiện của tình thương yêu, thủy chung, hòa thuận, nâng đỡ, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận. Truyện của Văn Thành Lê không hoàn toàn cắt mất sợi dây gia đình thiêng liêng ấy, anh luôn giữ lại ít nhất một điểm nhìn tốt đẹp để cho chúng ta tựa vào, nhìn vào mà soi xét lại mình, vực dậy những gì đã bị chính mình, cào xới, bào mòn, đảo lộn.

Chiến tranh khiến con người rơi trong kiệt cùng mất mát. Nhưng chấm dứt chiến tranh không có nghĩa là sẽ chấm dứt mọi nỗi đau. Nỗi đau không còn người thân rồi sẽ vơi dần theo thời gian nhưng nỗi đau của sự hận thù, chia lìa máu mủ, tình thân mới khủng khiếp, nó khiến con người sống trong cảm giác như có máu rỉ. Trong truyện Vá lại ngày đã qua (Biết tới khi nào mưa thôi rơi), Văn Thành Lê còn đặt gia đình trong nỗi đau hậu chiến, trong sự mâu thuẫn giữa lính cộng sản và lính quốc gia.

Thực ra, trong hoàn cảnh chiến tranh, dù là bên này hay bên kia, đều rơi vào tình huống bi kịch, phải nã súng vào nhau để giữ gìn tính mạng. Người một nhà có thể không nã súng vào nhau nhưng việc bị đẩy ra khỏi dòng họ, xóm làng cũng xem như là đã vĩnh viễn đoạn tuyệt. Từ chỗ hiểu nhầm về màn kịch do các chiến sĩ quân giải phóng dựng nên, bố nhân vật tôi đã theo lính quốc gia với mong ước bà nội được yên ổn, nhưng rồi, cả gia đình đã bị cả dòng họ, bà con lối xóm coi thường, xúc phạm. Sự hiểu nhầm này từng xảy ra rất nhiều trong những năm tháng bom rơi đạn nổ, nhiều trường hợp, hòa bình rồi, nhưng cơ hội để giải quyết hiểu nhầm không hẳn dứt điểm, mà những tập sách gần đây của Phan Thúy Hà đã nói rõ trắng đen.

Cả gia đình nhân vật tôi trong truyện của anh sống cực khổ, vất vả, bôn ba khắp nơi, song trong lòng họ cảm thức về nguồn cội không bao giờ nguôi. Điều mà anh nói được qua truyện ngắn này là nhìn chiến tranh từ số phận của con người, thông qua hiện thực bất thường dẫn đến mâu thuẫn trong gia đình, và bày tỏ khát vọng hòa giải: “Những tháng ngày cũ kĩ và rách nát. Kỷ niệm rách nát. Nhưng lúc này thì tôi nghĩ, cái gì rách cũng nên vá lại, kể cả tháng ngày”. Anh đẩy gia đình vào tột cùng của nỗi đau chiến tranh, của sự tan vỡ để thấy được sức mạnh của giá trị yêu thương, của niềm tin. Dù có xảy ra bất cứ chuyện gì, tình máu mủ, huyết thống vẫn tạo ra động lực để con người quay về với nguồn cội, với tổ ấm gia đình.

Mọi sự cãi vã, mâu thuẫn, đối chọi trong gia đình đều xuất phát từ bản thân của một hoặc nhiều thành viên. Nhưng nếu một thành viên lúc nào cũng đồng hóa với các thành viên khác thì cái tôi, cá tính sẽ bị lu mờ, không có cơ hội bộc lộ. Sự “chung chiêng”, căng thẳng này trong tay Văn Thành Lê trở thành kịch nghệ, giúp anh mô tả một cách khách quan nhất về “con người bên trong con người”.

Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê - 5

Tập truyện ngắn "Biết tới khi nào mưa thôi rơi"

Song song với sự đổ vỡ, rạn nứt trong gia đình là sự thức nhận của con người. Văn Thành Lê đẩy con người vào sự bất đồng lối sống, quan niệm, vào tột cùng xác xơ máu mủ để con người tự mình đứng lên, chống chọi những tầm thường, ích kỉ, hèn mọn. Những giây phút con người né tránh, những biểu lộ cảm xúc được sống thật, sống chân thành, ít ra cũng là giây phút bảo vệ giá trị đích thực và vẻ đẹp nhân cách của chính mình. Lúc này, hoàn cảnh lạc lõng, cô đơn, khổ đau trở thành phương tiện cứu cánh, bảo vệ trái tim sáng suốt, không bị mù quáng, mê đắm bởi xô bồ của danh lợi, đồng tiền.

Yên là phận gái không làm gì được ngoài nỗi niềm nhói buốt và bất lực. Cuối cùng, người có thể níu lại hồn cốt bãi Xanh lại là Khái, người trước đây nếu không bị anh thứ của Yên gây sự thì có thể đã là người bạn đời của Yên sau này. Khái, Yên yêu làng chừng nào thì các anh chị của Yên xa rời làng chừng ấy. Trong cái nhìn đối chiều, Yên và Khái dù đớn đau, trở thành người “lạ” nhưng họ không hùa theo số đông, vẫn kiên quyết giữ lại cái tình đối với gia đình, với quê hương. Nỗi đớn đau, cô đơn đã giúp họ không trượt vào bánh xe đổ của các thành viên, ngược lại, mang đến cho họ nỗ lực sống khác.

Lời dạy dỗ của bố hắn với hắn trong Quẩn quanh dưới trời rất “đời” nhưng cho hắn những bài học đắt giá: “Nhưng mày phải nhớ rằng, đời cũng chó lắm, mày chơi với nó được một thì hắn cũng cắn lại một nhát chẳng kém đâu, không khéo là nhát của chó dại, thành người điên. Vậy nên đừng có xỏ với đời, không ăn không gì của đời được đâu”. Hẳn nhiên, không có bài học nào giống bài học nào, và con người càng khó tránh khỏi những vấp ngã khi xung quanh đầy rẫy những gai chông. Hắn phải trải qua nỗi đau, bởi bầm giập tình yêu, bởi xô bồ phố xá, hắn mới biết cách tránh cái dằm và biết cách mài nhẵn cái dằm.

Gia đình trong truyện Văn Thành Lê như tổ chim lắt lẻo giữa bão tố. Bão tố quật mạnh thì tổ chim sẽ phơi ra những khiếm khuyết, lỏng lẻo. Nhưng cũng nhờ bão tố, sự bất đồng, phức tạp, mâu thuẫn mà các thành viên mới có cơ hội suy ngẫm về những ứng xử, hành động phá hủy sự bền vững cũng như việc cần thiết gìn giữ, trân trọng giá trị tốt đẹp của gia đình.

Và phải chăng trải qua bao bầm giập, long đong phận người, con người ta mới thấy hết giá trị của yêu thương gia đình? Lời xin lỗi của ba Trang ở truyện Khe Mung Lung (Thừa ra một người, Nxb Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2016) dẫu muộn mằn nhưng nó nhen lên trong lòng mẹ con Trang những riềng mối tình thân. Lòng vị tha, bao dung của mẹ con Trang là một năng lượng cần thiết để họ tái tạo hạnh phúc, chấm dứt những khổ đau, thù hận và kiếm tìm sự thanh thản của nội tâm.

Gia đình - Trong điểm nhìn lưỡng trị của Văn Thành Lê - 6

"Thừa ra một đời người" của Văn Thành Lê 

Dưới góc nhìn hài hước, Văn Thành Lê đã mang đến cho người đọc tiếng cười lưỡng trị, văn hóa nhưng không văn hóa, vừa phủ định vừa khẳng định, vừa đả phá vừa xây dựng… Nhưng nói gì thì nói, trong sự va chạm bên trong và bên ngoài, sai hay đúng, xấu hay tốt đều do bản thân của mỗi cá thể gây ra, khiến cho thành tố bền vững của gia đình bị chao đảo, biến dạng, đánh mất đi những điều tốt đẹp. Tiếng cười của anh vì vậy có giá trị cảnh báo, giúp người đọc biết hoài nghi, phản tỉnh trước những chuẩn mực đã bị biến tướng dưới sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, đồng thời tự điều chỉnh, vun đắp và xây dựng những giá trị tốt đẹp.

Hoàng Thụy Anh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày